• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Trồng trọt

Bảo vệ nguồn gen và khai thác kết quả tạo trầm nhân tạo trên cây trầm hương

MỘT LOÀI CÂY QUÝ HIẾM

Loài cây cho trầm có tên khoa học Aquilaria agallocha, Aquilaria crassna Pierre, họ Thymeliaceae. Tên Việt Nam là cây Dó bầu, Trà hương, Trầm Hương, Kỳ Nam, Campuchia gọi là Crassna, Chankrassna, Kressna.

Cây cao 30-40 m, có vỏ xám, lá mọc đối, phiến lá mỏng, thuôn dài hoặc bầu dục, đầu mũi mác, đáy lá nhọn, lá dài 8-10 cm, rộng 3,5-5,5 cm, mặt trên xanh bóng, mặt dưới xanh nhạt, có lông, cuống lá dài 4-5mm.

Hoa tự hình tán hoặc chùm, mọc ở kẽ lá, hoa màu trắng tro, quả nan khô tách thành hai mảnh, dài 4 cm, rộng 3 cm, dày 2 cm, mỗi quả chứa hai hạt hoặc thường chỉ một hạt gồm phần trên hình, phía dưới hình cầu với đường kính khoảng 8 mm, vỏ ngoài cứng, bên trong mềm.

Các loài này thường gặp rải rác trên các vùng núi, vùng biển của Campuchia, trên đỉnh núi Aral tỉnh Sam-Rong-Tong. Tại vùng đảo Phú Quốc và Hà Tiên tỉnh Kiên Giang và núi Dài, tỉnh An Giang, có nhiều người biết cách gây trồng. Tại Campuchia, Trầm Hương phân bố trên các vùng núi dưới 400 m, nó cũng mọc ở các vùng núi Nghệ Tĩnh, Bình Trị Thiên, Hội An, tiềm năng lớn nhất vẫn là tỉnh Gia Lai và Kon Tum.

Là loài cây có khả năng tái sinh tự nhiên khá tốt, nhưng do trái chín có mùi thơm nên khi hạt rơi xuống đất thường bị các loài gặm nhấm phá hoại, nhất là sóc. Vì vậy, phải có biện pháp tổ chức gây trồng để khôi phục lại tài nguyên rừng đối với loài cây có giá trị kinh tế này.

Cây trầm hương dễ gây trồng, thường phải tạo cây con trong túi bầu, quy cách, kích thường, thành phần ruột bầu gần như gieo tạo cây con họ Dầu. Thời vụ trồng rừng và kỹ thuật trồng cũng có đặc điểm như trồng cây gỗ lớn họ Dầu.

Cây có thể chịu bóng trong giai đoạn còn non từ tuổi 1 đến tuổi 3, nên người ta có thể trồng hỗn giao với các loài cây mọc nhanh khác. Ở Phú Quốc, người ta đã trồng thành công rừng Dó bầu hỗn giao với loại Keo lá tràm, khi trồng rừng người ta trồng đồng loạt hai loài, sau 7 năm khai thác rừng Keo lá tràm và sau đó được thay thế bằng rừng Trầm Hương, loài cây này ưa thích đất feralite phát triển trên đá kết, đá granite, tầng đất trung bình đến mỏng, hơi ẩm, thích hợp với pH từ 4-6.

Trầm kỳ là sản phẩm đặc biệt của cây do hàng loạt tế bào gỗ thoái hóa mất chất gỗ biến thành, trong tế bào được tích tụ nhựa trầm thành phần chủ yếu là Benzylaxeton và các dẫn xuất của nhân Benzen, các tế bào đó liên kết với nhau tạo ra những sản phẩm có hình dạng phong phú và kích thước khác nhau, chúng phân bố lẫn lộn trong cây gỗ, khai thác trầm là một công việc rất vất vả, từ bước dò trầm, khai thác thô đến khai thác tinh sản phẩm, từ trước đến nay chủ yếu là khai thác bằng thủ công và khai thác trầm theo kinh nghiệm rải qua các bước sau đây:

+ Chọn hướng đỗ cho thuận lợi cho việc lấy trầm và giảm tổn hại đến những cây xung quanh.

+ Đào gốc đốn rễ, phần lớn trầm hương ở củ rễ của thân và rễ cộc, do đó, muốn khai thác lấy trầm hương phải đào gốc, đốn rễ để dò tìm trầm.

+ Dò trầm và khai thác thô trên thân

- Khai thác thô ở phần gốc cây: Đây là phân đoạn mà trầm kỳ tập trung nhiều nhất, đạt giá trị thương phẩm cao nhất, khi đẽo phân ra nhiều đoạn, mỗi đoạn dài từ 30-35 cm, tiến hành đẽo từ ngoài vào tring, càng sâu càng nhẹ, khi nào thấy Took thì dừng lại (Took là tuyến nhựa báo có trầm).

- Khai thác thô phần thân còn lại: Thông thường những cây có u bướu bên trên thân là bên trong có khả năng có trầm, chỉ cần chặt sâu vào hai bên phía đầu và cuối nơi u bướu cách từ 15-20 cm để dò trầm.

- Khai thác thô ở vị trí thân cây có chấn thương: Những vị trí có xảy ra chấn thương dài thường có trầm.

NGHIÊN CỨU TẠO TRẦM

Gây tạo trầm là một thành công của tác giả qua nghiên cứu các biện pháp tác động vào vết thương để tạo trầm ở những vị trí trên thân cay Dó bầu theo ý muốn của con người, kết quả nghiên cứu này có thể cho phép có thể tạo ra bất cứ cây Dó bầu nào và bất cứ vị trí nào trên đoạn thân của chúng.

Muốn tạo trầm hương trước hết phải tạo được vết thương đặc biệt ở tế bào libe bên trong mạch gỗ, việc tạp vết thương này có thể dùng nhiều biện pháp như vật lý, hóa học, sinh học với tác nhân thông thường thì không hình thành được trầm.

Sau khi tạo vết thương, dùng meo nấm nuôi trong môi trường dinh dưỡng cho phát triển tăng số lượng đủ lớn, cấy vào vết thương đã chuẩn bị sẵn, dùng chất xúc tác đưa vào meo nấm, môi trường xúc tác này là môi trường thích hợp không ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của meo nấm, chức năng của nó là giúp cho meo nấm tiếp cận được với tế bào libe có trong mạch gỗ dễ dàng mở rộng địa bàn hoạt động của mình, kích thích sự hình thành trầm.

Kết quả nghiên cứu đã thực hiện được:

Nếu chỉ tạo vết thương đơn thuần thì sự kích thích nhựa trầm nhẹ và chỉ tích tụ một vết tụ màu nâu nhạt bao quanh vết thương.

Còn nếu cho chất xúc tác tiếp xúc với bề mặt mạch gỗ thì vùng xâm nhiễm có màu nâu sậm và tích tụ nhựa trầm cũng ít.

Nếu chỉ tác động bằng môi trường dinh dưỡng thì vết tụ có màu đen nhưng phạm vi vết tụ không lớn.

Nếu chỉ cấy meo mà nấm mà không dùng chất xúc tác hoặc môi trường dinh dưỡng, thì chỉ hình thành vết tụ màu nâu bao quanh vết thương.

Nuôi meo nấm trong môi trường dinh dưỡng và cấy vào vết thương sẽ hình thành vết tụ màu đen bóng chứng tỏ chất lượng nhựa trầm cao.

Phối hợp meo nấm với chất xúc tác và cấy vào vết thương cũng sẽ tạo thành vòng kết tụ có màu đen nhạt.

Do đó để phát huy hiệu quả của phương pháp thì dùng meo nấm nuôi trong môi trường dinh dưỡng và đưa chất xúc tác vào để tạo vết tụ có phạm vi lớn hơn và có màu đen bóng theo sơ đồ sau:

Môi trường dinh dưỡng - Môi trường xúc tác - Meo nấm Trầm kỳ đen

Đây là loài có nguy cơ tuyệt chủng, cần phải có chương trình quốc gia về bảo tồn gen và phát triển sản xuất để khai thác nguồn lợi kinh tế vừa phục vụ cho nhu cầu kinh tế và môi trường.

Việc trồng cây trầm hương với mục đích lấy trầm thì cần được kích thích tạo trầm từ rất sớm, sau tuổi 2 đến tuổi 4 đều có thể tạo được nhựa trầm và nếu cấy sớm ở tuổi còn non thì đến giai đoạn nuôi cây 5-6 năm tuổi ta đã có 3-4 năm tuổi trầm.

Các khu rừng phòng hộ kết hợp nửa kinh tế do nhà nước quản lý nên tổ chức phối hợp với các chuyên gia kỹ thuật cấy trầm để tăng giá trị kinh tế của rừng, góp phần xây dựng tài nguyên rừng trầm hương của đất nước.

Từ những nghiên cứu bước đầu của tác giả có thể khẳng định, nếu tiếp tục nghiên cứu sẽ hoàn thành quy trình sản xuất nhựa trầm theo ý muốn của con người bằng phương pháp nhân tạo.

TS. THÁI THÀNH LƯỢM - PGĐ. Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn Kiên Giang (Nguồn: Khoa học phổ thông, 518, 2000)

 

Cây trầm

Tên Việt Nam: Cây TRẦM HƯƠNG

Tên khác: Cây Gió, Trầm hương, Kỳ nam

Tên khoa học: Aquilaria crassna Pierre

Họ thực vật: Thymeleaceae

Tên thương phẩm: Santal wood

Đặc điểm sinh thái

Theo Viện Điều tra quy hoạch rừng (Bộ Lâm nghiệp), Nhà xuất bản Nông nghiệp, Hà Nội năm 1981, tập IV, trang 178,  cây Trầm là loài “ Cây gỗ lớn thường xanh, cao 15 – 25 mét, đường kính 60 cm. Vỏ ngoài nhẵn, màu xám có vết nhăn dọc, thịt vỏ màu trắng, có tơ mịn, dày 2 – 4 mm. Cành non phủ lông mềm màu vàng xám.

Lá đơn mọc cách, dai. Phiến lá hình mũi mác thuôn, dài 6 – 11cm, rộng 3 – 4cm, đỉnh có mũi nhọn, gốc hình nêm rộng, mép nguyên mặt trên màu lục, mặt dưới màu xanh xám; gân hình lông chim, nổi rõ ở mặt dưới, hợp lại ở mép. Cuống lá dài 2 – 5 mm, có lông mềm.

Cụm hoa hình tán, có nhiều hoa. Hoa có cuống; đài hình chuông màu trắng có 5 thùy và 10 vảy đính ở họng đài. Nhị 10, đính thành 2 hàng, chỉ nhị nhẵn đính ở gốc ống đài, trung đới khá rộng, bầu hình trứng có lông dày, 2 ô. Quả mang hình trứng ngược, dài 3 – 5cm, có lông xám dầy. Hạt chín màu nâu đen.

Phân bổ địa lý – sinh thái

Trầm phân bố ở Việt nam, Lào, Ấn Độ . . . Ở Việt Nam đã gặp Trầm ở Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bình Trị Thiên, Quảng Nam Đà Nẳng, Gia Lai, Kom Tum . . .

Cây mọc trong các rừng ẩm nhiệt đới. Có thể gặp ở độ cao 1.000 mét, nhưng tập trung ở độ cao dưới 700m. Trầm là cây chịu nóng, tái sinh tự nhiên tốt, ưa đất thịt pha cát tầng đất dầy.  Mùa hoa tháng 7 – 8. Quả chín tháng 9 – 10.

Giá trị kinh tế

Gỗ màu vàng nhạt, mặt cắt dọc màu trắng vàng, chất gỗ mềm và nhẹ (tỷ trọng 0,395). Gỗ kém chịu mục và mọt nên ít được sử dụng.

Cây cho loại nhựa quý là Trầm hương được dùng làm thuốc. Vỏ có thể sản xuất sợi bông hoặc giấy đặc biệt. Ở tỉnh An Giang, Cây Trầm hương phân bổ tự nhiên chủ yếu trên núi Cấm thuộc huyện Tịnh Biên và núi Dài thuộc huyện Tri Tôn. Thường mọc ở những nơi có độ ẩm cao, thích nghi với độ cao khoảng trên 300 mét so với mặt nước biển. Hiện nay, những cây lớn trong tự nhiên còn lại không bao nhiêu. Trong những năm gần đây, nhờ có chương trình nghiên cứu của tổ chức Rừng mưa nhiệt đới, đã cung cấp một số ít cây giống cho nhân dân hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên trồng. Nhưng do giá trị kinh tế rất cao của nhựa cây trầm, mà bà con nông dân tự gây trồng, mạnh nhất bắt đầu từ năm 2003 đến nay. Với hy vọng sẽ đổi đời bằng loài cây đẻ ra vàng.

Cây Trầm hương là loại cây rất dễ trồng, nhưng trong thiên nhiên để có trầm thì đòi hỏi phải mất một thời gian dài và rất dài, cụ thể thì cũng chưa biết chính xác là bao nhiêu năm để tạo trầm. Trầm hương được hình thành từ nhựa cây, có mùi thơm đặc biệt, là một trong những loại hương liệu đặc biệt quý hiếm, chỉ có vua chúa mới dùng hoặc những người có nhiều tiền mới dám sử dụng. Do hương thơm và công dụng của nó, làm cho cây trầm trong thiên nhiên bị con người săn lùng khai thác đến kiệt quệ.

Để giúp bà con có thêm thông tin về sản phẩm của cây trầm, theo Tiến sĩ Lê Lương Đống: Trầm hương tính ôn, vị thơm, cay; vào các kinh thận, tỳ, vị. Tác dụng: Ôn trung, giáng khí, noãn (làm ấm) thận, tráng nguyên dương, giảm đau và an thần; thường được dùng điều trị các chứng đau ngực, đau bụng, nấc, nôn, hen suyễn, thận khí hư, bí tiểu tiện, nam giới tinh lạnh. Đây là loại đặc sản quý hiếm của các vùng rừng núi nhiệt đới thuộc Nam Á và Đông Nam Á. Trầm được ngưng đọng trong thân, rễ hoặc cành cây trầm lâu năm (khoảng trên 30 tuổi) theo những hình thể khác nhau. Cũng có khi người ta tìm được trầm khi cây chết mục,mà trầm vẫn tồn tại. Những nơi có trầm rục, sinh thái có những điểm khác biệt do ảnh hưởng của trầm mà chỉ người tìm trầm có kinh nghiệm mới nhận thấy được. Có loại “bắp” trầm gần như nguyên chất (màu đen nhánh, hoặc gồ ghề như cánh chim ưng, từ đó có tên gọi: Gỗ chim ưng (bois d’aigle); có loại chỉ có ít nhựa nằm xen trong gỗ mà người ta quy ước trầm loại 1, 2, 3. Trầm được dùng chữa bệnh thường là loại trầm có hàm lượng cao, trầm loại pha tạp nhiều gỗ, ít trầm thường được để làm hương (nhang), khi đốt lên có hương vị đặc biệt và quyến rũ, được các bậc vua chúa, quyền quý, giàu sang dùng trong các dịp lễ tết, cúng giỗ.

Ngày nay, nguồn tài nguyên nhựa trầm trong thiên nhiên tại An Giang đã biến mất, và trên thế giới cũng không còn nhiều.Nhưng nhu cầu vẫn tiếp tục cần đến, và chưa có loại nào khác để thay thế sự quyến rũ của mùi hương thơm của trầm. Vì vậy, ngày càng có nhiều nhà khoa học đầu tư nghiên cứu tạo trầm nhân tạo, bằng nhiều biện pháp kỹ thuật như đưa hoá chất, hoặc đưa vật cứng vào thân cây gỗ .v.v., để tạo sự tổn thương trên thân cây, nhằm kích thích quá trình tạo nhựa trầm của cây. Thế nhưng, những nghiên cứu đó đã thành công đến mức nào và biện pháp kỹ thuật nào tác động, thời gian là bao nhiêu năm sẽ tạo được trầm, mỗi cây sẽ có bao nhiêu nhựa trầm . . . thì vẫn còn trong vòng bí mật tuyệt đối. Có thể nói là một bí quyết, không dễ gì biết được.

Những năm gần đây, không chỉ có tỉnh An Giang có gây trồng cây trầm mà nhân dân ở một số tỉnh miền Trung cũng tự trồng rất nhiều. Có nhiều cuộc hội thảo trong nước và quốc tế về cây trầm. Có rất nhiều thông tin về giá cả mua, bán các loại sản phẩm nhựa trầm.  Song, tất cả hãy còn ở phía trước, vẫn đang chờ đợi kết quả nghiên cứu tạo trầm nhân tạo, vẫn tiếp tục nuôi hy vọng để chờ ngày cây sẽ đẻ ra vàng. Cuộc sống của bà con nông dân trồng Trầm hương sẽ đổi đời trong tương lai.

Bành Thanh Hùng, Chi cục Kiểm lâm An Giang (Theo website Sở NN An Giang)

 

Tạo trầm bằng tác nhân vi sinh

Theo các tài liệu thông tin khoa học thì những tác động cơ học và sinh học trong thiên nhiên đã tạo nên tinh chất trầm trên cây dó. Có nhiều loại cây dó khác nhau song thường gặp nhất là dó bầu, dó me, dó quýt và trầm hương trên cây dó bầu là quý nhất. Cây dó bầu tên khoa học là Aquilaria crassna thuộc họ trầm (Thymeleaceae). Cây gỗ lớn cao chừng 20-25m, đường kính khoảng 60cm, vỏ ngoài nhẵn, màu xám có vết nhăn dọc, thịt vỏ màu trắng, cành non nhú lông mềm màu vàng xám. Lá đơn mọc cách, hình mũi mác hay hình mác thuôn, dài 6 -11cm, rộng 3 - 4cm, đỉnh có mũi nhọn, gốc hình nêm rộng, mép nguyên, mặt trên màu lục, mặt dưới màu xanh xám, cuống lá dài 2-5mm có lông mềm. Ngày xưa, Khánh Hoà từng nổi tiếng là xứ trầm hương nhưng cũng từ rất lâu rồi loài cây đặc biệt có giá trị này đã bị con người săn lùng ráo riết đến mức gần như tuyệt chủng.

Để phục hồi và phát triển cây dó trên một số dải rừng có điều kiện thích nghi và tính toán khả năng làm giàu bằng cây dó, tháng 12.1999 tỉnh Khánh Hoà đã triển khai thực hiện đề tài "Nghiên cứu xác định các phương pháp tạo trầm bằng tác nhân vi sinh". Đây là đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh do kỹ sư Đặng Ngọc Châu, cán bộ Xí nghiệp điều tra thiết kế lâm-nông nghiệp Khánh Hoà làm chủ nhiệm với sự hợp tác của Ban Quản lý rừng phòng hộ Vạn Ninh và Viện Hải dương học Nha Trang.

Sau khi tiến hành phân lập xác định được 4 loại nấm có trong mẫu trầm tự nhiên, kỹ sư Đặng Ngọc Châu đã chọn 42 cây dó bầu lớn (đường kính từ 45cm trở lên) trong tổng số 387 cây phân bố trên 0,9ha rừng trồng thuộc lâm phần Vạn Ninh để cấy nấm vào thân cây. Số cây trên chia thành 4 nhóm  ứng với mỗi loại nấm và có một nhóm 4 cây được cấy hỗn hợp cả 4 loại nấm.

Qua theo dõi và tác động bằng phương pháp đối chứng, kết quả kiểm tra các chỉ tiêu lâm sinh cho thấy cây dó bầu khi cấy nấm vẫn sinh trưởng, phát triển bình thường. Sau 9 tháng, bóc đốt một số cây đã có mùi thơm của trầm, riêng nhóm cấy hỗn hợp tốc độ tạo trầm chậm hơn. Trong 2 năm nghiên cứu, kỹ sư Đặng Ngọc Châu đã tổ chức 3 lần lấy mẫu trầm từ những cây ký chủ để phân lập và xác định được tên 3 chủng nấm tồn tại trong cây đó là Aspergillus phoenicis (Cda) Thom, Pénicillium citrinum Thom và Pénicilliumsp. Kết quả nghiệm thu bằng phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên 30% tổng số cây cho thấy các mẫu đều có dấu hiệu tạo trầm, bóc đốt có mùi thơm của trầm hương.

Bảo Chân

 

Kỳ nam và Trầm hương

Kỳ Nam và Trầm hương là sản phẩm đặc biệt nằm trong lõi của cây Gió. ở Campuchia, cây Gió có tên là Can Krasna (Can, cannada: Trầm, Krasna: sẫm). Có lẽ từ âm ấy mà có tên khoa học bằng tiếng La tinh.

+ Tên khoa học : Aquilaria Crasna Pierre

+ Họ: Thymeleaceae

+ Bộ: Thyméales

+ Lớp: Song-tử-diệp

+ Ngành: Hiển hoa (bí tử)

Cây Gió là một loài đại mộc có thể cao 40-50 mét, vỏ màu xám có nhiều sợi có thể làm giấy được, gỗ mềm màu trắng. Lá không lông có 15-18 cặp gân. Trái là nang dài 4cm.

QUÁ TRÌNH TẠO THÀNH TRẦM HƯƠNG VÀ KỲ NAM  

Không phải bất kỳ thân cây Gió nào cũng có Trầm hương và Kỳ nam. Chỉ một số cây Gió có bệnh mới chứa Trầm ở phần lõi của thân. ở phần này, nếu quan sát kỹ qua độ phóng đại của kính lúp, ta thấy các tế bào gỗ thoái hóa, biến dạng, mất mộc tố, chứa một chất nhựa thơm (tinh dầu), biến thành những khối hình thể không đều, lồi lõm, có rãnh dọc, trong trong, màu sậm; đó là Kỳ nam (Bois d?aloès). Chung quanh Kỳ nam gỗ cũng biến chất ít nhiều, đó là Tóc (do chữ Camphuchia là Tok); khi đốt cháy Tóc tỏa ra mùi thơm, thường dùng để làm nhang nên gọi là Trầm hương (Bois d?aigle).

Trầm và Kỳ nam đều ở lõi cây Gió do tích tụ nhiều hay ít tinh dầu, cho nên nếu không sành sỏi dễ bị nhầm lẫn khi mua. Muốn phân biệt hai thứ ấy ta phải xem kỹ tính chất và khí vị của chúng: Gỗ Kỳ nam nặng và nhuyễn, có đủ vị cay, chua, đắng, ngọt, thơm tho. Nó tích chứa nhiều tinh dầu nên khi cháy cho ngọn màu xanh, khói lên thẳng và cao, bay lờ lững trong không khí rất lâu.

Gỗ Trầm hương nhẹ hơn, có vị cay, hơi đắng, mùi thơm nhẹ nhàng. Khi đốt cháy Trầm hương bốc khói lên hình vòng rồi tan biến nhanh trong không khí.

Muốn phân biệt Kỳ nam tốt xấu thì người ta quan sát loại nào có sớ nhuyễn mịn, có nhiều tinh dầu là tốt, còn loại nào rắn chắc và ít dầu là xấu. Người ta thường gói Kỳ nam trong lá chuối thật kín rồi đem phơi nắng, đến tối đem vào nếu có nhiều chất dầu chảy ra là tốt. Muốn giữ Kỳ nam được tốt và lâu thì nên bọc vào giấy thiếc hoặc bỏ vào hộp có nắp đậy kín để tinh dầu khỏi bay hơi hoặc chảy ra mất bớt.

Một số người thường lấy gỗ cây Sơn già (Exoecaria agallocha, Linné, thuộc họ Euphorbiaceae) để bán giả Trầm hương. Ở cây Sơn già nặng và rất cứng, có màu nâu đỏ, có chấm đen hoặc xám, vị đắng, có mùi thơm dễ chịu, nên một số người Ấn Độ hoặc Trung Quốc vẫn thường đốt để xông hương trong nhà cho thơm. Theo Petelot thì đó là một sự sai lầm vì trong gỗ Agallocha có chứa một chất nhựa có tính độc làm hại đến sức khỏe của con người.

Theo kinh nghiệm của những người "đi điệu" cho hay, khi nào gặp những cây Gió cao 30-40 mét trở lên, lá đã vàng và nhỏ dần dần, thân cây có nhiều u bướu như những tổ kến hoặc gốc có gò mối đóng thì cây Gió đó có Kỳ nam. Khi gặp cây Gió như vậy họ phải hạ cây, đào tận rễ để tìm, vì Kỳ nam có thể nằm trên ngọn, ở thân hoặc ở rễ. Khi gặp những cây Gió còn non thì người ta thường dùng dao lụi vào thân cây thành những vết thương và theo dõi nhiều năm sau để lấy Trầm - Kỳ.

Người ta cho rằng khi bị thương, cây sẽ tích tụ nhựa đến đây để băng bó xem như là khả năng tự đề kháng để chống bệnh nên tạo ra Trầm Kỳ. Theo nhận xét của những ngời "đi điệu" lão thành thì dạo này đi rừng dễ gặp Trầm kỳ hơn trước kia, có lẽ trong thời gian chiến tranh những mảnh bom đạn đã ghim vào thân cây Gió nên kích thích tạo ra Trầm kỳ. Cũng có thể vì vậy mà sau ngày giải phóng có nhiều người đi rừng gặp Trầm và Kỳ nam.

Năm 1977, Julaluodin đã tìm thấy trong vùng Tóc của cây Gió có chứa một loại nấm Cryptosphaeria mangifera. Ông đã thử nghiệm bằng cách cấy những nấm ấy vào thân những cây Gió lành mạnh. Sau một thời gian thì vùng nhiễm khuẩn trở nên sậm màu và biến thành Tóc rõ rệt vì khi đốt tỏa ra mùi trầm.

Phải chăng khi bị thương tích hoặc khi bị nhiễm bệnh ở một vùng nào đó, cây tích tụ nhựa đến để tự băng bó hoặc để tự đề kháng nên đã tạo thành Trầm và Kỳ nam.

Những cây Gió mọc trong rừng rậm trùng trùng điệp điệp xen lẫn với những loại cây điệp loại khác nên rất khó tìm kiếm, mà một khi kiếm được cây Gió cũng chắc gì đã có Trầm và Kỳ nam, thành thử nhiều người "đi điệu" phải luồn rừng từ tháng này sang tháng khác để tìm kiếm. Ngoài lương thực tươi mang đi bỏ đầy "ruột tượng" để mang theo người, ăn cầm chừng cho đỡ đói trong lúc đi rừng dài ngày. Có nhiều khi hết lương thực, lúc đi lạc trong rừng, người "đi điệu" phải ngậm củ Ngải (Galanga cyrcuma), một loại riềng dại, có vị thơm dịu làm cho ruột đỡ cồn cào trong lúc tìm đường về. Vì cuộc hành trình dài ngày và đầy gian lao vất vả nên người "ăn trầm" khi trở về thường hốc hác, râu tóc xồm xoàm, áo quần rách bươm chẳng khác gì dã nhân nên nhiều người đã tưởng tượng ra cảnh "ngậm ngải tìm trầm lâu ngày biến thành người rừng". Việc ngậm ngải cũng không phải để làm cho dã thú tránh xa như một vài người lầm tưởng, vì những người "đi điệu" thường mang theo roi mây hoặc roi dâu, thỉnh thoảng quất vào không khí thành những tiếng xé kêu "trót, trót", chính những âm thanh ấy làm cho cọp beo tránh xa cũng như tiếng roi da của người dạy thú trong gánh xiếc làm cho voi cọp phải gườm.

Không phải ai "đi điệu" cũng kiếm được Trầm, có người kiếm được có người không, nên giới "ăn trầm" thường tin dị đoan rằng những kẻ lương thiện mới được Thiên Y Ana (hóa thân của cây Trầm, Kỳ nam) cho gặp. Vì vậy trước khi đi rừng tìm kiếm, kẻ "đi điệu" phải xem ngày lành tháng tốt để xuất hành, trước đó phải ăn chay 3 ngày, tránh chung đụng với đàn bà, trong khi đi rừng không được có ý nghĩ ám muội, không được nói chuyện cà rỡn, không gây gổ nhau... Đến khi gặp được cây trầm thì người đó phải nhịn đói để giữ mình tinh khiết, tìm đến suối gần đó để tắm rửa cho sạch sẽ, rồi lập đàn thờ cúng vái tạ ơn thần Rừng trước khi hạ cây Gió để tìm lõi Trầm kỳ.

CÔNG DỤNG CỦA TRẦM HƯƠNG VÀ KỲ NAM  

Trầm hương và Kỳ nam của ta rất có giá trị trên thị trường quốc tế, nhất là đối với Trung Quốc. Đài Loan, Hồng Kông, Nhật Bản. Đó là những hương liệu quý giá trong việc điều chế các loại nước hoa hảo hạng như Santal, Nuit d'Orient..., một số xà phòng tắm và nhất là nhang trầm.

Sở dĩ Trầm và Kỳ nam có giá trị cao là vì có công dụng chữa bệnh rất tốt trong Đông y:

- Trừ sơn lam chướng khí: Người ta thường xông trầm trong nhà để trừ khí độc và thường mang Kỳ nam trong người để ngừa sơn lam chướng khí. ở một vài vùng, nhất là vùng Phú Khánh, người ta thường bọc Kỳ nam trong túi vải thưa để đeo ở cổ xem như "bùa hộ mệnh". Trẻ em dưới 1 tuổi đeo 2 chỉ, 1 đến 5 tuổi đeo 3 chỉ, người lớn đeo 5 chỉ.

- Dùng làm thuốc giải nhiệt và trừ sốt rét: ở Campuchia, theo các bác sĩ Menaut và Phana Douk, người ta thường dùng Kỳ nam, Trầm và ngà voi mài với nước lạnh để uống. Ngày 2-3 lần, mỗi lần uống từ 3 phân tới 1 chỉ.

- Thuốc trừ đau bụng: Theo bác sĩ Sallet ghi nhận thì thuốc Nam có toa thuốc trị đau bụng rất hay gồm: Trầm hương 2 chỉ, sắc cùng Đậu khấu, hạt cau, vỏ cây Mộc lan, Sa nhơn, Can khương... trong 2 chén rưỡi nước còn lại 9 phân chia uống thành 2 lần trong ngày sẽ làm cho bụng hết quặn đau.

- Chữa bệnh đường tiểu tiện: Người ta thường mang Trầm kỳ ở vùng hội âm để chữa bệnh đường tiểu tiện.

- Theo Đông y, Kỳ nam dùng để trị các chứng độc thủy do phong thổ gây nên, làm tiêu chứng chướng mãn, no hơi, đau bụng, ói mửa, hen suyễn thở gấp, hạ được nghịch khí, thông chứng bế do khí hư gây nên. Mài từ 3 phân tới 1 chỉ, tùy theo tuổi lớn nhỏ hòa với nước lạnh hoặc bỏ vào nước đun sôi mà uống.

- Chống chỉ định:

+ Trầm kỳ là thuốc trụy thai, nên đàn bà có thai không nên uống hoặc mang trong mình, có thể làm sảy thai.

+ Những người suy nhược và biếng ăn, suy gan... không nên dùng Trầm kỳ.

- Tương khắc trầm kỳ có tính kỵ hỏa, thành thử không nên uống chung Trầm kỳ với những loại thuốc có tính chất thuộc hành hỏa tính theo âm dương ngũ hành.

PHÂN BỐ ĐỊA LÝ CỦA CÂY TRẦM KỲ  

Trầm kỳ thường tìm thấy trong những cây Gió mọc ở những vùng núi hướng về phía có gió biển nên ta thường gặp ở vùng phía Đông Trường Sơn hơn là Tây Trường Sơn.

Ở Đông Dương, Trầm kỳ có nhiều ở Campuchia và Việt Nam.

Riêng ở Việt Nam, ít tìm thấy Trầm kỳ ở phía trên vĩ tuyến 17.

- Ở Bình Trị Thiên thường tìm thấy ở vùng Cam Lộ của Quảng Trị, vùng A Sao, A Lưới, vùng Thanh Sơn. Ồ ồ và vùng đèo Hải vân thuộc Thừa Thiên.

- Ở Bình Định có từ vùng núi Quy Nhơn đi vào.

- Ở Phú Khánh có rất nhiều tại Vạn Giã, Tân Định, An Thành, Bình Khang, Duyên Khánh...

- Ở Thuận Hải có ở vùng núi giáp ranh với Lâm Đồng.

- Ở Lâm Đồng ta có thể tìm thấy Trầm kỳ ở các núi giáp ranh với Thuận hải.

- Ở các hải đảo thì gặp nhiều Trầm kỳ tại Phú Quốc.

Năm 1973, tôi đã hướng dẫn một số sinh viên theo học chứng chỉ Thực vật 2 thuộc trường Đại học Đà Lạt, theo đường Tà In vào Tà Nhiên, đến Sa Mai, Thác Thiêng... tìm đến được một khu rừng có nhiều cây Gió. Ở đó chúng tôi đã được một cụ già "đi điệu" người Chàm hướng dẫn đi xem rừng và đã được cụ cho xem những mẫu Trầm hương và Kỳ nam đã thu được ở vùng này và vùng núi đi dọc giữa Di Linh và Phan Thiết. Chúng tôi nhìn thấy Trầm ở đây tốt chẳng khác gì Trầm hương ở Quảng Trị và Kỳ nam ở đây chũng gần bằng Kỳ nam vùng Phú Khánh.

Như vậy Lâm Đồng ngoài những rừng thông bát ngát có trữ lượng lớn để cung cấp gỗ thông, bột giấy và tùng hương, còn có triển vọng khai thác được Trầm kỳ là một mặt hàng xuất khẩu có giá trị rất cao trên thị trường quốc tế.

Muốn được sản lượng lớn, ngay từ bây giờ phải có kế hoạch ngăn cản không để cho nhân dân hạ cây Gió một cách bừa bãi, đồng thời trồng thêm nhiều cây Gió và cho nhiễm khuẩn để tạo thành Trầm và Kỳ nam do ta chủ động để khỏi đi tìm kiếm vẩn vơ trong rừng rậm như những người đi điệu trước đây.

TÀI LIỆU THAM KHẢO  

Crevost et Petelot, Catalogue des produits de l' Indochine, Hà Nội, 1935

Phanna Douk, Contribution à létude des plantes médicinales du Cambodge, Luận án Tiến sĩ dược khoa, Paris 1966.

Phạm Hoàng Hộ và Nguyễn Văn Dương, Cây cỏ miền Nam Việt Nam, Bộ quốc gia giáo dục, Sài Gòn. 1970.

Phạm Hoàng Hộ, Thực vật ở đảo Phú Quốc, Nxb TP. Hồ Chí Minh 1985.

Nguyễn Trần Huân, Contribution à l'étude de l'ancienne thérapeutique vietnamienne. Luận án tiến sĩ y khoa, Hà Nội, 1951.

H. Lecomte, Flore générale de l'indochine, 1910-1931.

Fereydoua Mehdyoun, Anatomie comparée et caryologie des Thymeleaceae, Luận án tiến sĩ Đại học khoa học Bordeaux. 1968.

Menaut, Matière médicinale cambodgienne. Hà Nội, 1930.

Nguyễn Văn Minh, Dược tính chỉ nam. Sài Gòn 1969.

Francois Mouton, Le bois merveilleux du Sud, Lyon, 1970.

Perrot et Hurrier, Matière  médicinale et pharmacopée sino-annamite, Vigot L?d, Paris. 1907

Alfred Petclot. Plantes médicinales du Cambodge, du Laos et du Viet Nam, Saigon, 1954.

A. Sallet. L'officine sino-annamite en Annam, Paris, 1931.

Tôn Thất Sam, Đại cương về địa chất, thổ nhưỡng và thảo mộc vùng Đà Lạt - Tuyên Đức, Sài Gòn, 1965.

Nguyễn Đình Tứ, Non nước Khánh Hòa, Sông Lam, 1969.

Thái Công Tụng và Tôn Thất Sam, Tài liệu hướng dẫn sưu tầm thực vật vùng Đà Lạt - Lâm Đồng. Nxb Đại học, 1973.  

Nguồn: TÔN THẤT SAM, Thông tin khoa học, công nghệ, số 2, 1994

 

Tạo trầm bằng phương pháp sinh học

Tại Hà Tĩnh, một nhà khoa học nữ đã thành công trong việc kích thích tạo trầm theo phương pháp sinh học từ cây dó trầm. Kết quả thử nghiệm cho thấy, 100% cây đã có trầm ngưng tụ khi tiến hành bằng phương pháp khoa học này.

Theo chủ nhiệm dự án Dương Thị Ngân (Sở KH&CN Hà Tĩnh), địa điểm kích tạo dó trầm được tiến hành tại xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh). Mô hình kích thích tạo dó trầm được tiến hành theo phương pháp sinh học, theo đó chế phẩm áp dụng tạo dó trầm là “Lt” trên số cây thử nghiệm là 25 cây. Phương pháp kích tạo dó trầm – theo chị Ngân được tiến hành khoan lỗ vào thân cây (không khoan vào hướng tây), sau đó bơm chế phẩm “Lt” rồi dùng bông và ống bịt lỗ khoan lại để hạn chế nước mưa chảy vào. Bằng phương pháp đó, chỉ sau một năm thực hiện, lượng dó trầm được tích tụ với chất lượng khả quan. Đáng mừng hơn, về cơ bản 100% các cây đã bắt đầu có trầm ngưng tụ xung quanh chỗ kích thích. Trong đó các cây trên 10 tuổi khả năng tích tụ trầm lớn hơn.

Những năm gần đây người trồng dó trầm thường chưng cất tinh dầu theo phương pháp thủ công. Riêng tỉnh Hà Tĩnh, thời gian qua nhân dân trên địa bàn đã trồng được hơn 400 ha cây dó trầm, tập trung phổ biến ở các huyện Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn. Cây dó trầm cũng được trồng ở các huyện đồng bằng. Nhiều chủ trang trại và hộ gia đình trồng với quy mô lớn, có chủ trang trại trồng 10.000 cây. Tuy lượng cây lớn, nhưng người trồng cây mới chỉ tiến hành chưng cất tinh dầu bằng phương pháp thủ công, cho chất lượng không cao. Rất nhiều khách hàng trong, ngoài nước đến tỉnh mua, nhưng lượng tinh dầu chưng cất được còn ít, không đáp ứng được nhu cầu thị trường. Sở KH-CN Hà Tĩnh đang phối hợp với các chủ trang trại, lâm trường và hộ gia đình áp dụng phương pháp tích tụ tinh dầu bằng phương pháp sinh học. Những người trồng và chế biến tinh dầu dó trầm đang có triển vọng lớn có thể tăng được sản lượng trong thời gian tới.

Kích tạo dó trầm bằng công nghệ mới cho hiệu quả cao, chất lượng tốt, chi phí thực hiện không cao.. đó là những lợi thế so với biện pháp thủ công mà người dân hay làm trước đó. “Kỹ thuật kích thích tạo trầm bằng phương pháp sinh học đã được nhiều người quan tâm, nhờ đó có thể ứng dụng thành quả này để chuyển giao công nghệ cho các địa phương khác. Mô hình tạo trầm bằng phương pháp vi sinh bước đầu cho kết quả khả quan” - chị Ngân phấn khởi cho biết thêm.

VIỆT HƯNG - NNVN, 13/9/2006

 

Tạo trầm nhân tạo trên cây dó bầu

Tiến sĩ Đặng Thái Dương, Phó Trưởng khoa Lâm nghiệp Trường Đại học Nông lâm Huế, cùng các cộng sự đã chuyển giao kỹ thuật tạo trầm nhân tạo trên cây dó bầu, giúp nông dân trồng loại cây này tại các huyện Nam Đông, A Lưới, Phong Điền, Phú Lộc thu được trầm, cải thiện đời sống.

Được biết, công trình nghiên cứu đã thành công trong việc tạo trầm hương trên cây dó bầu (từ 3-5 tuổi) bằng cách dùng mũi khoan vào thân cây, sau đó bơm vào một lượng hóa chất thử nghiệm với nồng độ vừa phải. Kết quả, sau 15 tháng (kể từ ngày bơm hóa chất thử nghiệm), cây dó bầu đã cho trầm với chất lượng đạt loại 4 trở lên.

V.THẮNG - SGGP, 25/07/2008

 

Tạo trầm cho cây dó

Một cây dó bầu (dó trầm, trầm hương...) được cưa gốc đổ xuống, mặt cắt tròn có đốm đen ở giữa: trầm hương! Vệt trầm hình sao, màu đen tuyền, “ăn” không lớn lắm, chỉ chiếm khoảng 1/5 diện tích mặt cắt của thân cây dó, nhưng điều đáng nói là nó tạo được trầm do chính bàn tay của con người.

Ông Nguyễn Sơn Định (thôn Xuân Sơn, Ân Hữu, Hoài Ân, Bình Định) trồng cây dó trong vườn nhà cách đây 10 năm, nay đường kính gốc khoảng 15 cm, cao chừng 7 m. Ông nhờ Công ty TNHH SX-DV-TM Bảy Núi (TP.HCM) tạo trầm. Sau 13 tháng, đến cuối tháng 2/2008 đốn thử thì cây đã cho trầm. Trong vườn nhà ông Định có trồng 50 cây dó xen lẫn với nhiều trụ tiêu. Có lẽ nhờ đất gò đồi phì nhiêu nên cây tươi tốt. Ông đã vay ngân hàng 10 triệu đồng nhờ Công ty Bảy Núi tạo trầm cho 50 cây dó của mình. Ước tính mỗi cây cho 200 g trầm hương, có giá 200 USD.

Tạo trầm cho cây dó

Theo Công ty Bảy Núi, cây dó (Aquilaria crassna) sau khi trồng được 6 - 9 năm, vòng thân cách mặt đất 1,4 m đạt 32 cm trở lên thì tạo trầm được. Thao tác tạo trầm rất đơn giản: khoan các lỗ tròn đường kính chừng 1,5 cm, chiều sâu chừng 2 - 3 cm trên thân cây từ gốc lên đến 2/3 cây theo mật độ nhất định. Sau khi cho chất tạo trầm, nhét đoạn ống nhựa cùng cỡ vào. Sau từ 9 - 12 tháng, cấy lần 2 (kit 2), và sau khoảng 2 năm thì khai thác trầm. Bình quân mỗi cây thu được: trầm lát loại cực tốt có nhiều dầu đen hoặc nâu 10 - 50 g/cây, trầm lát tốt vừa 200 - 250 g; ngoài ra còn có 1 kg trầm vụn, 14 - 20 kg gỗ vàng dùng nấu dầu hay làm nhang trầm.

Theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Yến, giám đốc công ty, Công ty Bảy Núi đã được chuyển nhượng công nghệ tạo trầm này từ một sáng chế ở Hoa Kỳ và là nhà cung cấp độc quyền công nghệ này ở Việt Nam. Công ty đảm bảo đã cấy là có trầm 100%. Nếu việc tạo trầm làm cho cây chết hay không cho trầm thì công ty sẽ bồi thường, trừ trường hợp cây chết do sâu bệnh, úng nước.

Mỗi cây tạo trầm lần đầu (kit 1) tốn khoảng 250.000 đồng (tùy theo cây lớn, nhỏ), lần hai 300.000 đồng, lần ba 350.000 đồng.

Theo bà Huỳnh Yến, có 2 phương thức để bà con chọn lựa: một là công ty thu mua tất cả, hai là ăn chia.

Cây dó Hoài Ân

Vùng rừng núi của huyện Hoài Ân, huyện An Lão (Bình Định) có nhiều trầm tự nhiên nhưng sau năm 1975 thì bị khai thác triệt để để tìm trầm, cây dó nơi này có nguy cơ tuyệt chủng. Cách đây chừng 15 năm người dân Hoài Ân đem cây con hoặc hạt dó từ rừng về trồng trong vườn nhà.

Do có thông tin tạo được trầm, nhiều người dân Hoài Ân đã trồng dó. Cả huyện hiện có khoảng 700.000 cây dó bầu, trồng từ khoảng năm 1990 đến nay. Các xã trồng nhiều cây dó là Ân Hảo, Ân Nghĩa, Ân Hữu, Ân Mỹ, Ân Tường Tây...

Những năm 2001 - 2002, Trung tâm ứng dụng tiến bộ KHCN Bình Định nhân giống thành công cây dó bầu bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào, tuy vậy mức tiêu thụ còn hạn chế so với dùng hột giống.

Ở Hoài Ân nhiều người trồng dó với quy mô lớn. Ông Nguyễn Hữu Toàn (Ân Mỹ) cho biết: vườn dó của ông trên 15.000 cây, trồng 11 năm nay. Cách đây 4 năm, ông thử tạo trầm bằng phương pháp cơ học, tạo vết xước, đóng đinh... rồi một số công ty về tạo trầm, nhưng không thành công. Ông Phan Văn Trọng (Ân Thạnh), ông Hồ Văn Đẩy (Ân Tường Tây) mỗi người trồng gần 1.000 cây dó, đến nay đủ tiêu chuẩn tạo trầm. Ông Huỳnh Thế Thiện (Ân Tín) cho biết: ông trồng dó từ năm 1993. Năm 2003 vài công ty đến “gây men” (cấy men, tạo trầm) nhưng cây bị rục (thối rữa) giữa cây, không kết quả.

Khi cây từ 5 - 7 tuổi người ta bắt đầu tạo trầm. Bằng phương pháp cơ học - tức là tạo vết thương bằng cách đục lỗ, đóng đinh sắt...; có lúc cũng có một số đơn vị kinh doanh về địa phương này tạo trầm bằng vi sinh, hóa học, nhưng cuối cùng không tạo được trầm. Một nông dân nhớ lại: năm 2004 có công ty ở TP.HCM mua với giá 500.000 đồng/cây 15 năm tuổi, sau đó lại thôi không mua nữa. Người trồng dó không có đầu ra, rất hoang mang, có người chặt bỏ để lấy đất trồng cây khác hiệu quả hơn.

Cây dó bầu trồng trên đất Hoài Ân trong vườn nhà vườn rừng lớn rất nhanh. Sau 5 - 6 năm đường kính gốc đạt 10 - 12 cm, cao 3 - 4 m. Ông Hậu cho biết, phải là đất sỏi, dạng hạt, thoát nước tốt. Giai đoạn đầu chăm bón cẩn thận thì cây mới phát triển nhanh. Theo giá hiện nay, trồng 1 ha dó bầu, sau 6 - 7 năm bán được khoảng 500 triệu đồng (1 ha trồng 1.000 - 1.200 cây, giá 500.000 đ/cây). Ngoài giá trị tạo trầm, thân cây dó còn chưng cất được tinh dầu, làm nhang, giá bán 1.000 đồng/kg thân cây, cành nhánh đã bóc vỏ.

Tình hình phát triển cây dó trong nước

Theo tài liệu hội thảo về cây dó trầm hương của Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn tại Hà Tĩnh (9/2007), đến năm 2006 Việt Nam có 20 ngàn ha cây dó bầu, trầm hương, phân bổ khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam, nhiều nhất là ở phía tây - trung trung bộ (từ Hà Tĩnh vào đến Khánh Hòa).

Từ năm 1996, dựa trên nguyên lý tạo stress cho cây bằng vi sinh, hóa học, cơ học... với cơ chế tự bảo vệ, cây tiết ra nhựa trầm, ông Nguyễn Huy Hoàng (xã Tiên Mỹ, Tiên Phước, Quảng Nam) đã thu từ 20 cây dó tạo trầm, được 1 kg trầm loại 4 và 30 kg trầm loại 5 - 6, bán được 5,5 triệu đồng. Nay ở huyện này trồng 1 triệu cây dó. Đa số không tạo được trầm. Cây 4 - 5 tuổi bán được 500.000 đến 1 triệu đồng/cây. Có người mua cây để tạo trầm, chiết xuất tinh dầu.

Năm 1999, tỉnh Khánh Hòa có đề tài nghiên cứu tạo trầm cây dó, nhờ tác nhân vi sinh: dùng 3 chủng nấm Aspergillus phoenicis (CDA) Thom, Penicillium citrinum Thom và Penicillinum sp., cho kết quả “cây có dấu hiệu trầm, đốt thơm”.

Hiện nay Việt Nam có khoảng 10 cơ sở chưng cất tinh dầu trầm, chủ yếu ở Hà Tĩnh, Quảng Nam... Tuy vậy hiệu suất chưng cất thấp chỉ đạt từ 0,02 - 0,05% tinh dầu (Thái Lan đạt cao, từ 0,16 - 0,6%).

Ngoài ra, dự án Rừng Mưa của Hà Lan đang thực hiện ở Việt Nam sản xuất trầm hương theo hướng bền vững về kinh tế, môi trường.

HOÀNG LÂN - KHPT, 21/03/2008

 

Tin vui cho những người trồng Dó Bầu

Hiện nay nhiều hộ nông dân có trồng Dó Bầu (Trầm) tại Núi Giài thuộc huyện Tri Tôn An Giang rất phấn khởi gì có nhiều khả năng cây Dó Bầu sẽ tạo trầm sớm. Đó là kết quả của việc cấy các hóa chất vào cây có độ tuổi từ 4 đến 8 năm tuổi có đường kính từ 10 cm trở lên. Sau thời gia 45 ngày từ khi cấy hoá chất, thân nhánh cây Dó Bầu có những thay đổi (Trầm) hình thành những vệt đen do hóa chất tác động kích thích tạo trầm. Tính chung đến nay đã có trên 1000 cây Dó Bầu đã được cấy hóa chất đang trong giai đoạn phát triển tốt.

Khả năng trên đã mở ra một triển vọng mới cho những nông dân trồng cây Dó Bầu trên đất An Giang.

NM - AG, 17/7/2006

 

 

 

 

 

 

 

 

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang