Hành vụ đông là cây trồng truyền thống có hiệu quả kinh tế cao của huyện Nam Sách nói riêng và tỉnh Hải Dương nói chung. Giống đem trồng là nguồn củ được để lại từ vụ trước. Mặt khác, trong nhiều năm gần đây do tập quán chăm sóc và chế độ dinh dưỡng, nước tưới của nông dân chưa được phù hợp đã làm cho việc quản lý dịch hại ngày càng khó khăn, năng suất hành cuối vụ thường không ổn định qua các năm.
Hội thảo đầu bờ mô hình quản lý dinh dưỡng cây hành vụ đông tại Nam Sách, Hải Dương
Xác định được “gốc rễ” vấn đề của người dân trồng hành là làm sao để cải thiện dần môi trường đất canh tác, có một chế độ dinh dưỡng hợp lý và ứng dụng các giải pháp kỹ thuật, khoa học trong sản xuất. Từ đó, không chỉ nhằm gia tăng năng suất, chất lượng củ hành khi thu hoạch và trong bảo quản mà còn là tiền đề hướng tới một nền nông nghiệp bền vững hơn. Trước thực trạng trên, vụ đông 2016, Trạm Khuyến nông Nam Sách (Hải Dương) đã thực hiện trình diễn mô hình “Quản lý dinh dưỡng cây hành củ” nhằm đáp ứng được những yêu cầu cấp bách của nông dân trong địa bàn huyện nhà.
Qua đánh giá thực tế cho thấy, những năm gần đây phần lớn người trồng khi bón phân cho hành sử dụng hoàn toàn là phân hóa học, trong đó lạm dụng phân lân rất lớn (50-70kg/sào BB). Đây là một trong những điều kiện làm cho nấm và vi khuẩn hại rễ hành phát sinh gây bệnh trầm trọng. Để khắc phục dần những hạn chế này, mô hình quản lý dinh dưỡng cho hành sử dụng các chế phẩm vi sinh với nhiều hệ nấm cộng sinh (Rhizomyx), phân bón hữu cơ cao cấp tưới thúc (Rootwell - phân nhập khẩu được chiết xuất từ cá) và các chế phẩm phân bón qua lá cần thiết (DS80, Silimax)...
Quy trình quản lý dinh dưỡng ở các lần bón thúc như sau:
- Phun chế phẩm phân bón lá cao cấp DS80 sau tưới thúc lần 1 (01 gói/sào) nhằm tăng cường hiệu suất hấp thụ dinh dưỡng và giải độc đất trước các điều kiện ruộng bị bất lợi.
- Tưới thúc lần (18 - 21 ngày sau trồng): Giảm 20% NPK và giảm 50% lượng lân so với đối chứng (tập quán). Lượng phân còn lại được trộn cùng chế phẩm Rhizomyx (01kg/sào) + Rootwell (500ml/sào).
- Tưới lần 3 (42 - 50 ngày sau trồng - lần cuối): Bón thúc như lần 2.
Ngoài ra, cây hành trong mô hình còn được phun Silicmax chứa Kali - Canxi - SilicMgO... để giữ dọc, tăng cường dinh dưỡng giai đoạn xuống củ. Việc phòng trừ sâu bệnh hại theo nguyên tắc 4 đúng. Phần ruộng đối chứng được bón theo tập quán của nông dân.
Sau khi bón thúc lần 2 với lượng phân và chế phẩm như trên, qua theo dõi ở thời điểm 7 - 14 ngày sau bón cho thấy, diện tích hành được xử lý phun DS80 và tưới dinh dưỡng Rhizomyx, Rootwell có màu sắc xanh, khỏe, dọc cứng, nở bụi to và ít phoi đầu hơn so với đối chứng. Nhổ rễ lên so sánh thì phần ruộng mô hình cây hành có bộ rễ dài, mập và cứng hơn so với cây đối chứng. Đặc biệt, bộ rễ phát triển dài và khi nhổ lên để ngoài không khí thân, lá, rễ lâu héo. Trong khi đó hành không được bón phân hữu cơ và chế phẩm vi sinh thì rễ nhỏ và nhanh héo, thân lá bị mềm sau nhổ lên 20 - 30 phút...
Đánh giá kết quả sau tưới thúc lần 3 đến khi cây hành bắt đầu xuống củ cho thấy, các khóm hành phần ruộng mô hình có bụi to (hành đâm nhiều chồi, cổ củ bành rộng và khum cong). Đây là một trong những tiền đề giúp khóm hành sau này cho năng suất cao. Mặt khác, khi quan sát phần ruộng thí nghiệm thì tỷ lệ hành bị khô đầu lá là ít hơn nhiều so với đối chứng. Dọc hành được nông dân tham gia mô hình đánh giá là rất bền trước thời tiết bất lợi. Điều này sẽ làm cho cây hành xuống củ tốt hơn (xuống củ hoàn toàn mà không bị ngả cổ, đổ dọc sớm như bón phân hóa học hoàn toàn).
Tại buổi tham quan hội thảo đầu bờ, anh Nguyễn Xuân Tiến (chủ ruộng) cho biết: Ruộng hành anh trồng và được cơ quan chuyên môn chọn làm trình diễn là ruộng đầu lô bị lấy nhiều đất màu đắp đường nên rất trũng (nhiều vụ đông gần đây không trồng được do ruộng quá xấu và trũng). Năm nay, anh trồng rất muộn vì còn thừa giống nên gia đình tận dụng trồng được ít hành nào thì được. Cho đến giờ thì không chỉ gia đình anh mà cả làng cùng ngạc nhiên vì ruộng hành sinh trưởng tốt, nằm ngoài sức tưởng tượng của mọi người. Mừng nhất là dù ruộng bị trũng lại để nước tràn vào ngay sau gieo trồng làm úng nhưng hành nhà anh vẫn sống, phát triển đều đặn và rất hiếm có khóm bị chết rũ.
Qua đánh giá kết quả khi so sánh năng suất hành củ ở thời điểm cuối vụ cho thấy: So với đối chứng, mô hình quản lý dinh dưỡng cây hành có bổ sung thêm nguồn dinh dưỡng hữu cơ, chế phẩm vi sinh, phân bón lá có đầu tư kinh phí cao hơn so với bón phân theo tập quán của nông dân là 80.000 đồng/sào. Song khi đánh giá thực thu năng suất thì ruộng hành thí nghiệm lại cho năng suất cao hơn khoảng 10% (tương đương 60 - 70kg hành củ/sào). Giá hành củ tươi tại thời điểm thu hoạch là 15.000 đồng/kg thì chủ hộ bán hành thu tiền cao hơn đối chứng là 900.00 - 1.050.000 đồng/sào. Như vậy, trừ phần tiền chênh lệch do đầu tư thêm so với đối chứng (tập quán) thì nông dân quản lý dinh dưỡng cho hành bằng các chế phẩm hữu cơ sinh học đã thu về cao hơn thông thường từ 820.000 - 970.000 đồng/sào. Đó là chưa tính đến việc phòng trừ sâu bệnh khi được quản lý theo mô hình trên còn giảm đáng kể số lần phun thuốc bảo vệ thực vật.
Rõ ràng, đây là mô hình có hiệu quả đáng kể trên hành vụ đông cần được nhân rộng để tiếp tục khẳng định.
Trần Thị Liên (Trạm Khuyến nông Nam Sách, Hải Dương) - Khuyến Nông VN, 09/01/2017
Nhấn vào đây để xem tất cả các thông tin kỹ thuật trồng cây hành
- Kỹ thuật trồng cây ăn trái, rau màu, cây dược liệu và các loại cây khác
Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.