• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Trồng trọt

Trồng trọt rau màu mùa mưa, bão, lũ

Trước mùa mưa:

- Đất trồng rau trong mùa mưa phải chọn ở vị trí cao, có đào rãnh thoát nước và gần hệ thống kênh mương để thoát nước nhanh.

- Tùy vào từng loại rau để lên luống cao hay thấp.

- Đối với một số loại cây trồng như cà chua, dưa leo, khổ qua… cần phải áp dụng biện pháp làm giàn.

- Trong khâu làm đất, không nên làm quá nhuyễn vì khi đất mịn ra gặp mưa to dễ dẫn đến đất bị kết lại, lèn đất mặt nén chặt xuống sẽ làm cho rau bị nghẹt rễ ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây rau.

- Cần phải làm sạch cỏ để cỏ dại để không cạnh tranh dinh dưỡng với cây rau màu, đồng thời loại bỏ được nơi trú ngụ của các loại sâu bệnh gây hại cho rau màu.

- Phải làm hệ thống thoát nước nhanh khi có mưa to hoặc mưa dầm lâu ngày.

- Trong mùa mưa phải chọn giống kỹ càng hơn bởi mùa này nhiệt độ thấp, cây nảy mầm khó hơn mùa ấm.

- Nên áp dụng kỹ thuật ươm cây giống trong bầu trước khi đưa ra trồng, để hạn chế những điều kiện bất lợi và tiết kiệm chi phí cây giống.

- Mùa mưa thường thiếu ánh sáng, khả năng quang hợp kém, nông dân nên chọn trồng các loại rau lá nhỏ, có bộ tán lá gọn, thời gian sinh trưởng ngắn, nhanh thu hoạch.

- Nên làm các màng che phủ khi trồng rau trong mùa mưa:

+ Sẽ hạn chế sự tác động trực tiếp của khí hậu, thời tiết lên rau màu.

+ Giúp cây sinh trưởng khỏe, ít sâu bệnh và tăng năng suất.

+ Khi áp dụng màng phủ, nên kết hợp giữa biện pháp bón lót và bón thúc cho cây.

- Đất được xới vừa, lên luống cẩn thận, bón lót phân chuồng hoặc phân xanh (nếu đất chua có thể bón thêm vôi), sau đó trải màng che phủ lên, lấy đất ém chặt các bên mép màng cho kỹ, cuối cùng là khâu đục lỗ và cấy cây rau theo khoảng cách phù hợp từng loại rau.

- Sau khi lên líp, cần bón vôi và lân để cải tạo đất, diệt mầm bệnh và cung cấp dưỡng chất để hạn chế một số hiện tượng thiếu vi chất dinh dưỡng trên, như thối trái, nứt trái...

Trong mùa mưa:

- Bón thêm vôi khoảng 30 - 40 kg/sào nhằm:

+ Khắc phục độ chua.

+ Góp phần tiêu diệt các mầm bệnh trong đất.

+ Cung cấp thêm lượng can xi để cây trồng cứng cáp, phòng chống có hiệu quả đối với các bệnh thường gặp trên rau màu về mùa mưa như thối rễ, thối trái…

- Sau khi bón vôi phải tháo nước vào ngập hết luống từ 1 - 2 ngày để tiêu độc, rửa phèn rồi rút cạn nước cho đến lúc thật khô mới bón lót và làm đất, lên luống trở lại.

- Lượng phân bón lót cho mỗi sào trồng rau gồm:

+ Phân NPK 16-16-8 bón lượng 15 kg.

+ Phân chuồng hoai từ 500 - 700 kg.

- Ngoài ra, có thể bón thêm các loại phân hữu cơ khác như phân xanh, các chế phẩm sinh học nhằm tăng cường khả năng chống chịu bệnh cho cây rau và tăng năng suất hơn, mức độ xanh tươi và thời gian rau xanh lâu ngày hơn.

- Chú ý, lượng đạm nên tùy theo nhiệt độ, độ ẩm trong mùa và theo từng giai đoạn phát triển của cây rau để bón cho phù hợp.

- Tăng cường chăm sóc, bấm ngọn để cây ra các nhánh phụ nhằm hạn chế chiều cao tránh đổ ngã.

- Rau lấy lá thì số lượng lá được nhiều hơn.

- Rau lấy quả thì tỉa bỏ các lá bị sâu bệnh, các cành, nhánh vô hiệu gần gốc để tạo độ thông thoáng cho cây, giảm độ ẩm, góp phần hạn chế sự phát sinh, phát triển và gây hại của sâu bệnh.

- Thường xuyên thăm đồng và chủ động áp dụng các biện pháp phòng trừ kịp thời không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng.

- Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cần chú ý chọn những loại thuốc đặc hiệu, áp dụng nguyên tắc 4 đúng khi phòng trừ.

- Ưu tiên sử dụng các loại thuốc đặc hiệu, phun phòng hoặc phun trừ tập trung, đúng lúc.

- Cần chú ý thời gian cách ly khi bón phân hoặc phun thuốc trừ sâu trước khi thu hoạch theo qui định để đảm bảo an toàn thực phẩm.

Sau mùa mưa:

- Khi bị ngập nước, đất bị bão hòa nước, các cây ngắn ngày (trừ lúa), cây ăn quả bị thiếu oxy để hô hấp, một số cây trồng bị ngộ độc do khí CO2 làm rễ cây bị thối, khi bị ngập lâu ngày rễ cây không còn khả năng phục hồi và bị chết.

- Với các loại cây ngắn ngày như đậu tương, bầu bí, rau hoa các loại cần tiêu nước kịp thời.

- Cây còn khả năng hồi phục, chưa bị thối, chết có thể phục hồi bằng cách phun phân bón lá Đầu Trâu 502, định kỳ 5 - 7 ngày/lần.

- Tưới nhẹ phân lân và đạm hoặc phân NPK 13-13-13+TE Đầu Trâu, pha 50 - 100 gam/bình 20 lít nước rồi tưới vào vùng rễ cây.

 

 

Tham khảo:

9 bí quyết sản xuất rau màu trong mùa mưa

Trong những năm gần đây một số tỉnh vùng ĐBSCL và miền Đông Nam bộ đã làm tốt khâu chuyển dịch cây trồng từ sản xuất 3 vụ lúa thành 2 vụ lúa xen canh với một vụ rau màu đưa lại hiệu quả kinh tế rất cao, đồng thời có tác dụng cải tạo đất và cách ly nguồn sâu bệnh hại, đặc biệt là dịch rầy nâu.

Tuy nhiên, do trái vụ, thời tiết các tháng mùa mưa thường gây bất lợi, các loại rau màu thường rất mẫn cảm với nhiệt độ và ẩm độ không khí, vì vậy vào mùa mưa nhiệt độ và ẩm độ thường rất cao gây trở ngại cho việc phát triển của cây trồng như ra hoa, đậu trái, năng suất thường không cao.

Đặc biệt khi độ ẩm, nhiệt độ cao thường là điều kiện thuận lợi cho nhiều loài sâu bệnh phát sinh, phát triển và gây hại làm giảm năng suất và chất lượng sản phẩm, gây tổn thất lớn cho người nông dân. Để giúp bà con nông dân làm tốt vụ rau màu trái vụ trong mùa mưa NNVN giới thiệu những kết quả nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học trường ĐH Cần Thơ để bà con tham khảo, áp dụng.

1. Chọn và làm đất:

- Chọn nơi đất cao, bố trí hệ thống kênh mương đầy đủ để thoát nước cho tốt, không để rau màu bị ngập úng, nhất là sau các trận mưa to. Với những nơi đất thấp, tùy theo từng loại rau màu chịu nước nhiều hay ít để lên liếp cao hay thấp.

- Không nên làm đất quá nhuyễn dẫn đến đất bị bết, lèn đất mặt, thiếu ô xi sẽ gây nên tình trạng nghẹt rễ làm ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây.

2. Sử dụng màng phủ nông nghiệp để trồng các loại rau màu là một TBKT mới đang được áp dụng rộng rãi ở vùng ĐBSCLnói riêng, cả nước nói chung. Sử dụng màng phủ nông nghiệp trong SX rau màu trong mùa mưa không chỉ hạn chế ảnh hưởng xấu của thời tiết trong giai đoạn mưa dầm mà còn tạo môi trường thích hợp cho cây sinh trưởng khỏe, hạn chế sâu bệnh và tăng năng suất. Nên chọn mua loại màng phủ có 2 mặt, phủ mặt đen xuống phía dưới, mặt tráng bạc lên trên vừa có tác dụng phản xạ ánh sáng để xua đuổi côn trùng và bức xạ nhiệt giữ độ ẩm và nhiệt độ thích hợp cho đất và cây trồng. Sau khi lên liếp, bón vôi, bón phân lót, làm đất (phun thuốc trừ cỏ nếu cần thiết) thì trải bạt, vét đất dưới mương ém chặt 3 bên mép bạt cho kỹ, đục lỗ và cấy cây theo khoảng cách của từng loại rau màu.

3. Chọn mua giống tốt, khỏe mạnh có nguồn gốc rõ ràng từ những cơ sở cung cấp giống có uy tín. Trong mùa mưa do mưa nhiều, thiếu ánh sáng, khả năng quang hợp kém hơn mùa khô do đó bà con nên chọn trồng các loại rau lá nhỏ, có bộ tán lá gọn, thời gian sinh trưởng ngắn, sớm cho thu hoạch. Nên áp dụng kỹ thuật gieo cây giống trong khay bầu vừa tiết kiệm thời gian, vừa đảm bảo tỷ lệ cây sống cao, nhanh bén rễ hồi xanh.

4. Bón phân cân đối: Sau khi lên liếp, rải 100kg vôi bột/1.000m2 nhằm giúp hạ phèn, góp phần tiêu diệt các mầm bệnh trong đất và cung cấp thêm lượng can xi cho cây trồng giúp phòng một số bệnh thường gặp trên rau màu như: thối rễ, thối trái, nứt trái trên cà, ớt… Sau khi bón vôi phải tháo nước vào cho ngập hết liếp trồng từ 1-2 ngày nhằm tiêu độc, rửa phèn sau đó rút cạn nước rồi mới bón lót và làm đất.

Bón lót theo công thức sau: Phân NPK 16-16-8 với lượng 30kg/1.000m2; phân chuồng hoai từ 1.000-1.500kg/1.000m2. Ngoài phân chuồng và phân vô cơ nói trên có thể bón kết hợp thêm các loại phân hữu cơ vi sinh, các chế phẩm sinh học nhằm tăng cường khả năng chống chịu bệnh, tăng chất lượng và mẫu mã sản phẩm sẽ đẹp hơn, hấp dẫn người tiêu dùng hơn nên giá bán sẽ cao hơn. Đặc biệt chú ý đến việc bón tăng hay giảm lượng phân đạm cần thiết tùy theo nhiệt độ, ẩm độ và sự phát triển của cây theo từng giai đoạn.

Trong điều kiện nhiệt độ cao nếu bón thiếu đạm các loại rau màu như ớt, cà chua, dưa leo… lá trở nên nhỏ, màu xanh nhạt, cây ốm yếu, ít cành nhánh, hoa rụng nhiều, trái nhỏ. Ngược lại, nếu bón thừa đạm, đặc biệt là thừa urê cành lá sẽ phát triển sum suê tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều loại sâu bệnh phát sinh, phát triển và gây hại.

5. Làm sạch cỏ dại: Vào mùa mưa cỏ phát triển rất nhanh vì vậy cần phải làm cỏ thường xuyên để hạn chế đến mức tối đa sự cạnh tranh dinh dưỡng của cỏ với cây trồng đồng thời loại bỏ được nơi trú ngụ, ẩn nấp và nguồn lây lan của nấm bệnh, côn trùng gây hại cho rau màu.

6. Chống úng ngập: Là cây trồng cạn, các loại rau màu như dưa hấu, cà, ớt thường không chịu được ngập úng do đó cần điều chỉnh mực nước trong mương, rãnh cho hợp lý, nhất là sau các trận mưa to cần khơi thông mương rãnh để thoát nước nhanh, không để ngập nước dễ gây thối rễ, chết cây và tạo điều kiện cho nấm bệnh phát sinh, phát triển và gây hại.

7. Chăm sóc cây: Thường xuyên tỉa bỏ bớt chồi, nhánh vô hiệu; bấm ngọn để cây ra các nhánh phụ nhằm hạn chế chiều cao tránh đổ ngã. Cắt bỏ các lá già, lá bị sâu bệnh, các cành, nhánh vô hiệu cách gốc 40-50cm nhằm tạo độ thông thoáng trên mặt liếp, làm giảm độ ẩm, góp phần hạn chế sự phát sinh, phát triển và gây hại của sâu bệnh, nhất là trên các loại cây như cà chua, ớt…

8. Làm giàn cho một số loại cây trồng như cà chua, dưa chuột, dưa leo, khổ qua, đậu leo… Với vụ nghịch này bà con cần làm giàn kiên cố hơn so với mùa nắng nhằm giúp cho cây phát triển tốt hơn, quang hợp tốt hơn, thu hoạch được dài hơn, năng suất cao hơn, chống đổ và hạn chế được sự gây hại của sâu bệnh. Tùy theo từng loại cây trồng và điều kiện kinh tế mà làm giàn cao, thấp hoặc bằng các loại vật liệu khác nhau như tre, gỗ, lưới nilon… cho phù hợp.

9. Phòng trừ sâu bệnh: Trong mùa mưa do nhiệt độ và ẩm độ tăng cao rất thuận lợi cho nhiều loại côn trùng, nấm bệnh phát triển gây hại trên nhiều loại rau màu mà đặc biệt là dưa leo, cà chua, ớt và một số loại rau ăn lá. Bà con cần thường xuyên thăm đồng để phát hiện và có biện pháp phòng trị kịp thời các đối tượng gây hại không để dịch bệnh lây lan gây hại trên diện rộng. Ưu tiên sử dụng các loại thuốc đặc hiệu, phun phòng hoặc phun trừ tập trung, đúng lúc. Chú ý thời gian cách ly theo qui định để tránh ngộ độc thực phẩm cho người tiêu dùng.

CÔNG HÀO - NNVN, 01/08/2008

 

 

 

Kinh nghiệm trồng rau màu trong mùa mưa

Trồng rau màu trong mùa mưa, mùa nước nổi bất lợi hơn trong mùa khô nhưng nếu trồng đạt kết quả thì thu nhập cao hơn nhờ hút hàng, chi phí giảm và bán cao giá hơn. Tại nhiều nơi trong tỉnh, bà con đã có những kinh nghiệm canh tác loại cây trồng này đạt hiệu quả.

Nơi trồng phải thoát nước tốt

Nhiều bà con có kinh nghiệm trồng rau màu lâu năm cho biết, điều kiện tiên quyết để vụ màu mùa mưa thành công là nơi trồng phải thoát nước tốt. Tức là chọn những nơi đất bờ cao hoặc ruộng không bị ngập nước để trồng. Đối với ruộng thấp, trước hết phải làm đất, lên luống, lên liếp cao ráo, có mương rãnh thoát nước tốt. Xung quanh khu trồng cần củng cố bờ bao vững chắc và có bố trí máy bơm thoát nước vào những ngày mưa lớn hoặc triều cường. Theo anh Phạm Văn Thuận (ấp Thanh Hưng, xã Thanh Đức - Long Hồ): Dưa gang chỉ thích hợp trồng mùa khô, nhưng nếu trồng mùa mưa thì bán cao giá gấp 3 lần. Cây dễ trồng nhưng không chịu úng, năm nào có mưa nhiều thì coi như thất. Vì vậy, liếp dưa phải thoát nước tốt, cứ 4 hàng dưa anh xẻ một rãnh thoát nước. Cách làm này giúp anh thành công trong 8 năm liền: 5 công dưa gang trên đất ruộng không bị úng và nhiều trái.

Kết hợp sử dụng những kỹ thuật hỗ trợ

Màng phủ nông nghiệp được coi là kỹ thuật hỗ trợ tối ưu giúp người làm rẫy thành công trong mùa mưa. Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Long từ các mô hình sử dụng màng phủ nông nghiệp những năm qua, sử dụng màng phủ nông nghiệp không những hạn chế ảnh hưởng xấu của thời tiết mưa dầm mà còn tạo môi trường cho rau màu sống khỏe mạnh, kiểm soát được độ ẩm trong đất, hạn chế sâu bệnh, cỏ dại và giúp tăng năng suất cao hơn phương pháp truyền thống (phủ rơm hoặc không phủ) từ 10- 30%, đặc biệt là đối với những vùng đất giồng cát, đất thiếu nước tưới thì năng suất cao hơn từ 50-100%. Anh Nguyễn Văn Dương (ấp Ba, xã Hòa Thạnh- Tam Bình) tiết lộ bí quyết giúp anh thành công trong trồng ớt sừng vàng Châu Phi trong 5 năm liền, ngoài làm tốt các khâu cày ải phơi khô đất ruộng, bảo vệ thực vật, còn nhờ sử dụng màng phủ nông nghiệp trong mùa mưa. Màng phủ nông nghiệp giúp 7,5 công ớt vụ Thu Đông của anh Dương trong 5 năm liền không tốn tiền xịt thuốc trừ cỏ, liếp ớt không đọng nước, đất tơi xốp giúp cây ớt phát triển tốt và ruộng ớt không có cây nào bị bệnh thúi gốc, chết nhanh.

Đối với rau ăn lá thì sử dụng nhà lưới hoặc mái che giúp làm giảm tối đa tác động của mưa, gây hư hỏng mặt lá. Anh Trần Văn Hiền- Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã Rau an toàn xã Phước Hậu (Long Hồ) cho rằng: “Trồng rau màu trong điều kiện mưa dầm, nước nổi cần làm nhà lưới hoặc mái che rất tiện cho bảo vệ cây trồng, giảm thời gian tưới, giúp người trồng chủ động xuống giống bất kể lúc mưa dầm. Mặt khác, rau thu hoạch sẽ sạch hơn vì không bị nước mưa làm dính bùn đất và cho lợi nhuận cao hơn do nhiều nơi khác không canh tác được. Lưới bên trên nhà lưới hoặc mái che nên sử dụng lưới mùng màu trắng để hấp thu thêm ánh sáng. Nhà lưới thường làm cố định, giá thành cao nhưng có gắn thêm giàn tưới phun thì giảm nhiều công tưới và điều hòa nhiệt độ trong nhà. Mái che có thể làm bán cố định hoặc làm vòm che di động để che rau màu khi gặp trời mưa dông đều có hiệu quả như nhau, chỉ khác về giá thành”. 2 hình thức che mưa này hiện được sử dụng phổ biến ở Hợp tác xã Rau an toàn Phước Hậu và vùng rau cải xà lách xoong xã Thuận An (Bình Minh) trong vụ màu Hè Thu và Thu Đông.

Việc sử dụng phân hữu cơ hoai mục và phân chuồng trong vụ rau mùa mưa giúp đất thoát nước tốt, tăng độ tơi xốp, hạn chế xói mòn và rửa trôi đất, tăng năng suất và chất lượng rau màu. Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, trồng rau mùa mưa nên cung cấp thêm nấm Trichoderma sp. để tăng cường tính kháng đối với nhóm vi sinh vật có hại trong đất, giúp ngừa được các bệnh thúi rễ hoặc thối gốc rau màu, đặc biệt là đối với nhóm dưa, bầu, bí, nhóm rau cải. Đối với rau màu lấy củ, Trichoderma sp. cũng được nông dân ở các nơi thử nghiệm cho thấy có hiệu quả tốt trong phòng trị bệnh thối củ do nấm tấn công. Anh Nguyễn Văn Phuôl (54 tuổi ở ấp Long Phước, xã Long Mỹ- Mang Thít) cho biết: “Xóm rẫy trồng củ cải trắng này từ 10 năm nay đều sợ nhất là bệnh thối củ tấn công, gây thất thu cho nhiều hộ trong nhiều năm. Vài năm trở lại đây, nhờ hướng dẫn của Trạm Bảo vệ thực vật huyện, anh và một số hộ đã sử dụng loại nấm Trichoderma sp. này và cho kết quả thật khả quan. Bệnh thối củ cải giảm đáng kể, năng suất cũng như chất lượng củ cải tăng lên”.

NGỌC LÊ - Báo Vĩnh Long, 28/09/2010

 

 

 

Tăng sức sống cho rau giống trong mùa mưa

Gieo các loại hạt rau để bán cây giống trong mùa mưa nếu không có kinh nghiệm thường tỷ lệ sống thấp do mưa to làm đất mặt luống ghí chặt, thiếu oxy. Mầm hạt rau rất yếu không đội đất lên được, cây rau non bị nghẹt rễ còi cọc và chết nhiều.

Kinh nghiệm tăng sức sống cho rau giống:

Chuẩn bị vật tư, đất để gieo và trồng rau giống: Đất phải làm sạch cỏ, tơi xốp, đủ độ ẩm. Phân chuồng hoai mục 7-10tạ/ha/sào Bắc bộ. Tốt nhất phân chuồng ủ với 5% supe lân trong 2 tháng. Rải phân chuồng đều trên mặt luống, dùng cuốc đảo đều san theo hình mui rùa.

Chuẩn bị rơm, rạ mục cắt ngắn 2-3cm dùng gieo hạt rau giống và cắt dài 20-25cm để trồng cây rau giống.

Sau khi gieo hạt rau, rải một lớp rạ cắt ngắn 2-3cm lên trên mặt luống đồng thời chuẩn bị cót tre và khung tre uốn theo hình vòm cống để che cho rau giống nếu gặp mưa to trong 4-5 ngày đầu.

Với rau trồng ra ruộng sản xuất, cũng chuẩn bị đất phân như trên, mỗi hốc trồng rau rải một nắm rạ cắt 20-25cm, vạch giữa lớp rạ cấy cây rau non vào đó tưới đủ ẩm, nên trồng vào lúc chiều mát.

Lớp rạ giúp lớp đất xung quanh cây rau con mới nảy mầm và rau con mới cấy được tơi xốp, đủ ẩm, không bị xói mòn hoặc ghí chặt khi gặp mưa to, nắng rát. Làm cây rau phát triển tốt.

Nên tưới thúc cho rau 1 lần bằng phân khoáng với lượng: (2kg supe lân : 1kg đạm ure : 1kg kali)/sào. Pha loãng 1% hỗn hợp phân trên bằng nước sạch lúc rau có 1-2 lá thật.

Tốt nhất sử dụng sản phẩm Phytoxin VS, đây có thể gọi là loại “vac xin” cho thực vật để phòng tất cả các loại bệnh do virus (xoăn lá), vi khuẩn (héo xanh), nấm (héo vàng, đốm lá, sương mai, thán thư, lở cổ rễ…) hại rau. Cách sử dụng: Nhúng hạt rau đã ngâm ủ nảy mầm vào dung dịch sản phẩm Phytoxin VS 0,2%, hong khô hạt rau trong bóng râm rồi gieo. Phun cho rau con 2 lần lúc 1-1,5 lá thật và lần 2 sau đó 7 ngày. Sản phẩm phòng được bệnh kéo dài sau 15-20 ngày xử lý.

Nếu không có Phytoxin VS sử dụng một trong số loại thuốc phòng, trừ nấm lở cổ rễ loại tốt như: Amistar top 250EC; Anvil 5/10EC hoặc Carbenzim 50WP; Nativo 750SL; Tilt 250EC; Tilt-Supe 300ND để phun cho rau con định kỳ 5-7 ngày/lần phòng trừ các loại bệnh do nấm gây ra.

NGUYỄN VĂN DUY - Nông nghiệp Việt Nam, 25/08/2010

 

 

 

Kinh nghiệm trồng rau trong mùa mưa

Hiện nay Quảng Ngãi đang bước vào mùa mưa không thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, ở các vùng đất chân cao của huyện Sơn Tịnh, người dân vẫn ra đồng làm đất để trồng rau. Kinh nghiệm của nông dân xã Tịnh Châu, huyện Sơn Tịnh cho thấy, nếu biết cách trồng rau trong mùa mưa, bà con nông dân vẫn có được thu nhập ổn định.

Ở xã Tịnh Châu, huyện Sơn Tịnh, sau tiết trời tháng 8, tháng 9 Âm lịch, nông dân chuyển hẳn việc trồng rau lên ven các triền đồi, hoặc đất chân cao trồng 2 lúa, 1 màu. Để canh tác cây rau, điều quan trọng là kỹ thuật làm đất. Mùa Đông nắng ít, mưa nhiều, vì thế đất trồng rau phải đảm bảo các yếu tố như không quá háo nước, lại phải dễ thoát nước mưa, đủ ấm cho cây trồng sinh trưởng. Do đó đất được đào rãnh sâu, luống cao, chiều ngang rộng hơn các vụ khác trong năm, nhất là nền đất không được xới xáo cho tơi xốp như mùa hè để tránh đất hút nhiều nước gây ngập úng. Trong quá trình làm đất cần kết hợp bón lót phân chuồng, rải vôi sống và tăng lượng phân lân cho đất nhằm khử chua, tăng độ phì và giữ ẩm cho đất.

Sau khi hoàn thành khâu làm đất, một giải pháp mang tính kỹ thuật được áp dụng khá phổ biến hiện nay ở những vùng trồng rau là phủ bạt cho đất để giữ ẩm, chống xói mòn rửa trôi cũng như tiết kiệm phân bón, thuốc trừ sâu, hạn chế cỏ dại… Đất sau khi lên luống, phủ bạt xong phải ủ từ 3 đến 5, thậm chí 7 ngày cho phân hoai mục mới tiến hành gieo giống. Tùy từng chân đất mà bà con chọn loại cây trồng thích hợp. Đối với đất chuyên trồng cây rau màu, bà con chọn cây khổ qua vì loại cây này cho thu hoạch trong thời gian dài tùy vào mức độ đầu tư. Đối với chân đất trồng 2 lúa, 1 màu, bà con chủ yếu chọn dưa leo, hoặc đậu co-ve để trồng vì sau 60-75 ngày có thể kết thúc, chuyển sang xuống giống lúa vụ Đông Xuân. Cây dưa leo thường được trồng trên đất phủ bạt, hạt giống được gieo vào các lỗ đục sẵn, cho thêm vào đó một ít vỏ trấu. Trấu có ‎vai trò trong việc ngăn ngừa hạt giống trồi lên nếu gặp mưa, giữ ấm và ngăn nước mưa tác động trực tiếp vào cây mầm. Còn trong điều kiện nắng nóng, trấu vẫn giữ được độ thông thoáng giúp cho hạt giống nẩy mầm bình thường. Đối với những hộ gia đình kinh tế khó khăn, không đủ sức đầu tư bạt phủ thì có thể trồng theo cách truyền thống, đó là dùng rơm rạ phủ lên luống cây. Theo kinh nghiệm của người trồng rau thì việc phủ rơm rạ thường chỉ áp dụng khi trồng đậu co-ve vì khả năng chống chịu của loại cây trồng này khá tốt. Hạt giống sau khi ươm xong tiến hành phủ rơm rạ lên trên. Bản thân rơm rạ sau khi che chở cho cây con còn là nguồn bổ sung phân hữu cơ cho cây trồng. Ở những chân đất trũng thấp hơn, người dân còn chủ động ươm giống trong túi bầu để trồng, vừa rút ngắn thời gian sinh trưởng, đảm bảo lịch thời vụ, vừa khắc phục được hạn chế do đất còn ướt không gieo giống trực tiếp được. Đối với các loại cây ăn lá như cải, xà lách, nông dân cũng tính toán chi li. Trên một thửa đất, họ tiến hành gieo giống thành nhiều đợt. Cách làm này giúp nhà nông tranh thủ được thời tiết, công lao động, làm đất tới đâu, gieo hạt đến đó. Điều quan trọng hơn là giúp người trồng rau tránh được việc phải thu hoạch cùng lúc quá nhiều, gây khó khăn cho việc tiêu thụ.

Bằng kinh nghiệm trong mùa mưa như trên, nông dân xã Tịnh Châu đã có được thu nhập ổn định, nhờ giá thành cao do thị trường khan hiếm nguồn rau xanh.

Quốc Trung - Quảng Ngãi, 19/10/2009

 

 

 

 

 

 

Trồng trọt mùa mưa, bão, lũ

 

 

 

 

 

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang