Thời gian gần đây, nhiều nông dân trồng khoai lang ở các tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp, Trà Vinh,… hoang mang lo lắng vì một loài sâu hại mới. Loài sâu này đục vào củ khoai lang với nhiều lỗ lăm nhăm lớn nhỏ khác nhau. Tuy không làm hư như bị sùng gây hại nhưng làm giảm giá trị thương phẩm của củ khoai. Củ khoai bị sâu đục sẽ bị phân loại vào nhóm khoai dạt có giá rất thấp gây thiệt hại lớn về kinh tế cho nông dân.
Thử nghiệm trồng sả để xua đuổi các đối tượng sâu gây hại củ.
Do chưa nhận dạng được đối tượng gây hại nên nhiều người gọi nó theo nhiều cách khác nhau, có người cho là “sâu lạ”, người đặt tên con “mạt”, con sâu “tàn mạt”,… vì ruộng khoai nào bị sâu đục là bị thất thu, giảm năng suất, giảm giá bán, làm cho nông dân thua lỗ nặng nề.
Bởi loài sâu này đục nhiều lỗ làm hư củ khoai nên hiện nay tạm gọi là “sâu đục củ khoai lang”. Chúng đã gây hại cho khoai lang trong nhiều năm gần đây, trong đó thiệt hại nhiều nhất là vụ khoai lang Hè Thu năm 2012 và mới đây là vụ Hè Thu năm 2014 cũng trùng vào thời điểm giá bán khoai xuống thấp, nông dân neo khoai trên ruộng lâu làm ruộng bị thiệt hại từ 30- 50%, mặc dù nông dân đã nhiều lần phun thuốc.
Trước tình hình trên, được phê duyệt của Hội đồng Khoa học tỉnh Vĩnh Long, từ đầu năm 2014, đề tài nghiên cứu về loài sâu hại này được cán bộ Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Vĩnh Long phối hợp cùng với giảng viên Bộ môn BVTV- Khoa Nông nghiệp- Trường Đại học Cần Thơ thực hiện.
Sau một thời gian nghiên cứu với nhiều thí nghiệm khảo sát về vòng đời và các đặc tính sinh học, thử nghiệm một số biện pháp quản lý, đến nay nhóm nghiên cứu đã tìm ra và định danh được loại sâu hại này.
Loài sâu này thuộc bộ cánh vẩy (Lepidoptera), họ ngài sáng (Pyralidae) và tên giống là Nacoleia còn tên loài có thể là charesalis, tuy nhiên còn phải chờ kết quả phân tích ADN để có kết luận chính xác.
Về đặc điểm sinh học: theo mô tả của nhóm nghiên cứu thì thành trùng của loài sâu hại này là loài bướm có kích thước nhỏ sải cánh rộng hơn 2cm, thân mình và cánh có màu xám, có nhiều vân và đốm trắng gãy khúc dọc theo chiều ngang và ở phần giữa của cánh.
Ban ngày, bướm ít di chuyển, chủ yếu hoạt động vào ban đêm. Bướm thường bay với khoảng cách ngắn, phạm vi di chuyển hẹp. Ấu trùng có dạng hình que, thon dài, lúc mới nở có màu trắng, sau đó chuyển sang màu xanh nhạt, đầu màu vàng nhạt, phần đuôi có một đoạn ngắn màu trắng. Khi đủ sức, ấu trùng phát triển có thể dài gần 1cm.
Thử nghiệm về áp dụng màng phủ để ngăn ngừa sâu đục củ gây hại.
Cách gây hại: Ấu trùng tấn công trên bề mặt củ khoai, chúng đục vào củ tạo thành các lỗ tròn nhỏ, cạn thường dưới 15mm, kích thước lớn nhỏ tùy thuộc vào tuổi sâu. Khi đủ lớn, ấu trùng hóa nhộng ngay trong đất và được bảo vệ bởi cái kén bằng đất và chất hữu cơ có màu nâu đen trùng với màu của đất nên rất khó phát hiện.
Một số yếu tố ảnh hưởng đến mật số của sâu đục củ: Do việc canh tác khoai lang liên tục cộng với việc vệ sinh đồng ruộng kém như: ít dọn cỏ bờ ruộng, thời gian phơi đất ngắn đã giúp cho sâu đục củ duy trì mật số sang vụ sau.
Đặc biệt là do nông dân thường neo ruộng thêm 1- 3 tháng để chờ bán được giá cao là điều kiện thuận lợi cho sâu gây hại. Qua kết quả điều tra nông dân và khảo sát ngoài đồng cho thấy, sâu đục củ khoai lang thường gây hại ở giai đoạn khoai từ 3 tháng trở lên.
Do đó, trên những ruộng này, sâu đục củ sẽ gây hại nặng hơn. Ngoài ra, việc nông dân thường xuyên xử lý thuốc định kỳ đã giết chết các loài thiên địch, tạo điều kiện cho loài sâu này mau kháng thuốc.
Biện pháp quản lý tạm thời: Trên cơ sở điều tra, khảo sát tình hình sản xuất và các đặc điểm sinh học của loài sâu hại này, nhóm nghiên cứu đã đưa ra một số biện pháp quản lý tạm thời đối với loài sâu hại này như sau:
Cần thực hiện biện pháp vệ sinh đồng ruộng sau mỗi vụ thu hoạch như dọn dẹp, thu gom hết dây khoai còn sót lại trên ruộng để sâu đục củ không có điều kiện tiếp tục gia tăng mật số. Sau khi thu hoạch, nên tiến hành cho ruộng ngập nước ít nhất 1- 2 tuần để diệt nhộng và sâu non. Sau đó phơi đất, xử lý đất, làm cỏ thật kỹ trước khi trồng.
Tốt nhất là nên luân canh khoai lang với cây lúa hoặc rau màu khác để cắt đứt nguồn thức ăn của sâu non, đồng thời diệt được sâu non và nhộng trong đất.
Nên bố trí mùa vụ thích hợp, cần sự phối hợp trong việc xây dựng kế hoạch rải vụ có sự thống nhất giữa cơ quan chuyên môn và sự đồng thuận của nông dân nhằm đảm bảo việc thu hoạch khoai lang đúng độ tuổi, không để neo củ ngoài đồng quá lứa vừa đảm bảo lợi nhuận cho nông dân vừa hạn chế được sâu đục củ gây hại.
Không nên lấy giống từ các vùng trồng khoai bị sâu gây hại nặng, trồng hom sâu khoảng 5cm, thường xuyên vun vồng khoai và tưới đủ nước khi trời nắng hạn, nhất là giai đoạn khoai vào củ nhằm hạn chế các khe nứt của đất để ngăn cản sự di chuyển của sâu từ mặt đất xuống vị trí củ để gây hại.
Qua kết quả thí nghiệm ban đầu của nhóm nghiên cứu cho thấy, việc đậy màng phủ trên vồng khoai trước khi trồng có thể ngăn cản sự thâm nhập và gây hại của sâu đục củ và kể cả sùng (bọ hà) gây hại củ khoai lang.
Biện pháp sử dụng thuốc BVTV: Hiện nay, nhóm nghiên cứu đang có định hướng chọn giải pháp phòng trừ sinh học bằng việc sử dụng các loại bẫy, bả dẫn dụ và sử dụng các chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu đục củ.
Tuy nhiên, biện pháp này cần phải được kết hợp chặt chẽ với các biện pháp quản lý vừa nêu thì mới có hiệu quả. Việc sử dụng các loại thuốc hóa học khi thật cần thiết, tuy nhiên cần phải nhận dạng được đối tượng gây hại, thời điểm sâu nở và bắt đầu gây hại thì mới có hiệu quả.
Nếu phun thuốc sớm hoặc trễ hơn giai đoạn sâu gây hại sẽ không đạt hiệu quả. Khi phát hiện thời điểm sâu nở chưa đục vào bên trong củ, thì sử dụng thuốc BVTV ngay, điều kiện xử lý thuốc vào thời điểm sáng sớm hoặc chiều mát kết hợp với việc đưa nước lên ngập vồng khoai.
NGUYỄN VĂN LIÊM - Báo Vĩnh Long, 11/11/2014
Xem các bài kỹ thuật khác về khoai lang
- Kỹ thuật trồng cây ăn trái, rau màu, cây dược liệu và các loại cây khác
Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.