• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Trồng trọt

Kỹ thuật trồng và chăm sóc lạc xuân

Thời vụ: Gieo trồng trong tháng 2 dương lịch. Lượng giống: 7-8 kg lạc củ/sào.

Làm đất và lên luống: Đất cần làm tơi xốp, sạch cỏ dại, lên luống rộng 1-1,5 m, cao 25-30 cm.

Chăm sóc:

Bón phân: Bón đủ phân hữu cơ, lân và vôi. Trên đất bạc màu bón thêm kali. Lượng phân bón cho một sào gồm: phân chuồng 300-350 kg; phân đạm 3-4 kg; kali 3-4 kg; lân 15 kg; vôi bột 15 kg. Vôi bón lót 50% trước khi rạch hàng. Dùng cuốc rạch sâu 5-7 cm, hàng cách hàng 30-40 cm, hàng ngoài cách mép luống 10-15 cm. Phân hoá học gồm 15 kg supe lân + 1,5-2 kg kali +1,5-2 kg đạm, trộn đều và rải xuống rạch; phân hữu cơ bón sau cùng. Sau khi bón phân, lấp một lớp đất dày 2-3cm để hạt giống không bị tiếp xúc trực tiếp với phân; gieo 1-2 hạt/hốc, hốc cách hốc 10-15 cm. Bón thúc khi cây có 2-3 lá thật: urê 1,5-2 kg + 1,5-2 kg kali + 4 kg vôi bột. Sau khi lạc ra hoa rộ 7-10 ngày, bón nốt lượng vôi còn lại, không trộn vôi với loại phân nào khác.

Xới lần 1: Khi cây có 2-3 lá thật (sau mọc 10-12 ngày), xới phá váng, không vun để tạo độ thoáng dưới gốc, giúp cành cấp 1 phát triển.

Xới lần 2: Khi cây có 7-8 lá thật (sau mọc 30-35 ngày), trước khi ra hoa nên xới sâu 5-6 cm giữa hàng, giúp đất tơi xốp, thoáng khí, chú ý không vun gốc.

Xới lần 3: Xới và kết hợp vun gốc sau khi lạc ra hoa rộ 7-10 ngày. Chủ động phòng, trừ sâu bệnh bằng cách bón phân cân đối, chăm sóc hợp lý, áp dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp. Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sâu bệnh và phòng trừ kịp thời. Chú ý đề phòng dế, kiến, mối hại quả và bệnh héo xanh do vi khuẩn.

Báo Bắc Giang, 9/2/2011

www.vietlinh.vn

 

Kỹ thuật trồng và chăm sóc lạc đông

Thời vụ trồng: Thường cây lạc đông được trồng trong tháng 9 dương lịch. Nếu trồng sau tháng 9, khi cây ra hoa đâm tia và phát triển quả (khoảng 30 - 35 ngày sau trồng) sẽ gặp rét, cây lạc phát triển chậm, năng suất thấp.

Chọn giống, lượng giống: Nên dùng các giống có thời gian sinh trưởng trung bình khoảng 100 ngày như L14, L23. Lượng giống là 9 - 11 kg lạc vỏ/sào.

Kỹ thuật trồng: Nên chọn chân đất cát pha hoặc đất thịt nhẹ và dễ tưới, tiêu nước. Làm luống có bề rộng 55 - 60 cm, cao 25 - 35 cm, trồng thành hàng đôi, hàng cách hàng 30 - 35 cm, trồng hai hạt/gốc với gốc cách gốc 20 - 25 cm.

Lượng phân bón cần cho một sào lạc gồm: Phân chuồng hoai mục 250 - 300 kg, lân supe 20 kg, urê 3-4 kg, kali 3 kg, vôi bột 15 - 20 kg.

Cách bón: Bón lót phân chuồng và phân lân vào giữa hai hàng lạc khi làm đất cào luống. Sau khi lạc mọc đều khoảng 20 ngày dùng 80% lượng đạm urê hòa loãng tưới nhử kết hợp xới nông và vun nhẹ. Sau trồng khoảng 30 - 35 ngày là lạc ra hoa, lúc này nên tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cây lạc sinh trưởng như bón hết lượng đạm còn lại và toàn bộ phân kali kết hợp tung vôi bột hả lên lá, thân, gốc và vun hoàn chỉnh luống để tạo quả ngay ở những lớp hoa đầu tiên. Chú ý lựa khi lá khô sương mới bón vôi.

Điều tiết nước và phòng sâu bệnh: Giai đoạn đầu đất còn ẩm đủ cho lạc phát triển, nếu gặp mưa gây úng cần thoát nước sớm trước 24h. Thường sau khi lạc đông có quả non thời tiết bắt đầu khô hanh cần duy trì độ ẩm đất khoảng 75% bằng cách luân phiên tưới dưỡng 10-15 ngày/lần đến trước thu hoạch 10 ngày.

Phòng sâu bệnh hại lạc đông: Nhìn chung cây lạc đông ít nhiễm sâu bệnh, tuy nhiên, giai đoạn đầu cần chủ động phòng, trừ rầy xanh chích hút gây xoăn lá bằng thuốc Regent 800 WG; Actara 20WP. Ngoài ra cần quan tâm đến bệnh đốm lá, gỉ sắt hại lá lạc ở giai đoạn phát triển quả, nếu xuất hiện bệnh thì dùng các thuốc trừ nấm phổ rộng như Al vil 5SC; Đacônil.

Báo Bắc Giang, 8/9/2010

www.vietlinh.vn

 

Thâm canh lạc xuân có che phủ nilon

Chọn giống

Sử dụng một số giống mới có triển vọng và cho năng suất cao như:

– Giống lạc MD7 và MD9: Do bộ môn miễn dịch Viện KHKTNN Việt Nam chọn tạo ra từ giống lạc nhập nội của Trung Quốc. Giống có thời gian sinh trưởng từ 125 – 135 ngày vụ xuân, từ 100 – 110 ngày trong vụ thu đông. Cây cao trung bình từ 35 – 50cm chịu hạn khá, năng suất trung bình 33 – 35 tạ/ha. Tỷ lệ nhân từ 68 – 70%. Đặc biệt giống MD7 có khả năng kháng được bệnh héo xanh vi khuẩn.

– Giống L14: Do Trung tâm Nghiên cứu Đậu, đỗ Viện KHKTNN Việt Nam nhập từ Trung Quốc. Giống có thời gian sinh trưởng từ 130 –140 ngày vụ xuân, từ 110 – 115 ngày vụ thu đông, là giống chịu thâm canh có tiềm năng năng suất cao, từ 38 – 40 tạ/ha. Tỷ lệ nhân cao 70 – 72%.

– Giống TQ6: Được tỉnh Hà Bắc (cũ) nhập nội từ Trung Quốc năm 1995. Giống có thời gian sinh trưởng từ 125 – 130 ngày trong vụ xuân, từ 100 – 110 ngày trong vụ thu, là giống thấp cây, chống đổ tốt, chịu hạn khá, năng suất trung bình từ 28 – 30 tạ/ha.

– Giống SĐ1: Là giống mới được nhập nội từ Trung Quốc, có tiềm năng năng suất cao 40 – 42 tạ/ha, giống có thời gian sinh trưởng 130 – 140 ngày vụ xuân, từ 110–115 ngày vụ thu đông, tỷ lệ nhân 70 – 72%.

Thời vụ gieo trồng

Lạc xuân có thể gieo trồng từ 25/1 – 25/2 hàng năm, tốt nhất gieo từ 1/2 – 10/2.

Chuẩn bị nguyên vật liệu

* Nguyên vật liệu cần thiết tính cho 1 sào Bắc bộ bao gồm:

– Định lượng giống: Từ 6 – 8kg lạc vỏ, tùy từng giống. Giống lạc nhất thiết phải phơi lại dưới nắng nhẹ (2 nắng) trước khi đem đi trồng (phơi cả củ), phơi trên nong, nia, không được phơi trên nền xi măng. Lạc được tách vỏ, chọn những hạt to, mẩy đem gieo. Có thể gieo bằng hạt hoặc ủ mầm trước khi gieo, ủ bằng nước ấm trong thời gian 8 – 10 tiếng, vớt ra, để dóc nước rồi đem ủ, khi hạt nhú mầm thì đem gieo.

– Nilon: 3,5 – 4,0kg.

– Phân bón: + Phân chuồng ủ mục: 350 – 400kg

+ Lân Supe: 18 –20kg

+ Kali clorua: 4 – 5kg

+ Đạm urê: 2,5 – 3kg

+ Vôi bột: 18 – 20kg

Làm đất bón phân

– Làm đất: Chọn đất cát pha thịt nhẹ, chủ động tưới tiêu và dễ thoát nước, đất được cày bừa kỹ, sạch cỏ dại, tỷ lệ hạt đất có đường kính, nhỏ hơn 1cm chiếm trên 70%. Lên luống rộng 90cm, cao 20cm, rãnh rộng 25cm.

– Bón phân: Sau khi lên luống tiến hành rạch 2 hàng dọc theo luống cách mép luống 30cm, rạch sâu 10cm. Bón lót toàn bộ lượng phân trên và san phẳng mặt luống. Riêng vôi bột chia thành 2 lần bón, lần thứ nhất bón 50% khi bừa phẳng, lần thứ hai bón 50% lượng còn lại khi cây lạc tắt hoa, có thể bón trực tiếp vào gốc hoặc rắc lên cây.

Mật độ, khoảng cách và phương hướng gieo hạt

– Mật độ trung bình trong vụ xuân từ 33 – 34 cây/m2, khoảng cách thích hợp 20cm x 30cm.

– Phương pháp gieo hạt: Trên luống , rạch 3 hàng dọc theo luống sâu 3 – 4cm, mỗi hàng cách nhau 30cm. Hạt được gieo ở độ sâu 3 – 4cm, gieo theo khóm, các khóm cách nhau 20cm, mỗi khóm gieo 2 hạt.

Kỹ thuật phủ nilon

Sau khi gieo hạt dùng thuốc trừ cỏ Ronstar pha 50cc/bình 10 lít, phun ướt đều trên ruộng, dùng cuốc gạt nhẹ đất ở 2 mép luống về phía rãnh, phủ nilon phẳng và kín đều trên mặt luống. Khi cây lạc nhú lên khối mặt đất dùng tay cấu nilon hoặc dùng ống bơ sữa bò, hộp chè đã tạo hình răng cưa để đục lỗ, đường kính lỗ khoảng 4 – 5cm tạo điều kiện thuận lợi cho lạc mọc lên khỏi mặt nilon.

Các biện pháp chăm sóc khác

– Gieo hạt trong điều kiện đất phải đủ ẩm, nếu đất khô có thể tưới ruộng trước khi cày hoặc tưới trực tiếp vào rạch trước khi gieo hạt, tuyệt đối không nên tưới nước vào rãnh ngay sau khi gieo vì ẩm độ đất cao làm các phân vô cơ tan nhanh sẽ gây ra hiện tượng thối hạt.

– Khi cây nhô lên khỏi mặt đất, dùng tay bới đất xung quanh gốc để lộ hai lá mầm tạo điều kiện thuận lợi cho cành cấp 1 phát triển sớm...

– Phun Boocdo 1%, Zinep 0,3%, Daconil 0,2% khi thấy lạc có biểu hiện của bệnh gỉ sắt, đốm lá.

– Dùng Anvil, Starner phun phòng bệnh héo rũ.

– Dùng Padan 95SP, Ofatox, Beettox phun khi lạc bị sâu xanh, sâu khoang, bọ trĩ, bọ phấn hay rệp muội gây hại.

Sử dụng biện pháp thủ công bắt giết, bả chua ngọt hoặc thuốc hóa học để diệt trừ sâu xám...

NNVN, 29/12/2003 - Số 259

www.vietlinh.vn

 

Kinh nghiệm trồng lạc đông trên đất hai lúa

Bắc Giang là tỉnh có diện tích cây lạc trồng vụ đông trên 2000 ha/vụ, sản lượng đạt trên 40.000 tấn lạc vỏ, thu nhập ổn định trên 590 tỷ đồng. Diện tích trên được trồng tập trung ở trên 30 xã, thị trấn thuộc các huyện Tân Yên, Hiệp Hòa, Lạng Giang và Lục Nam. Qua nhiều vụ sản xuất đã khẳng định hiệu quả của cây lạc đông có thể gấp 2 - 3 lần so với cây ngô đông truyền thống, do vậy lạc đông hiện là một trong những cây trồng hàng hóa được mở rộng sản xuất ở Bắc Giang. Ngoài việc trồng lạc đông để làm thực phẩm và chế biến thì phần lớn trồng để cung cấp nguồn giống chủ lực cho vụ xuân của địa phương và các tỉnh lân cận, nhất là các tỉnh miền Trung. Sau đây là kinh nghiệm đã được nông dân nơi đây thực hiện:

1. Thời vụ để trồng lạc đông:

Đây là yêu cầu kỹ thuật cơ bản quyết định năng suất của lạc đông. Do vụ đông ở miền Bắc thường có rét từ giữa tháng 11 năm trước đến hết tháng 3 năm sau nên việc sắp xếp thời vụ trồng để khi lạc bước vào giai đoạn phát triển thân lá và nhất là khi ra hoa, đâm tia tránh được nhiệt độ thấp là rất quan trọng. Thường cây lạc đông ở đây được trồng trong tháng 9. Nếu trồng sau 30/9, khi ra hoa đâm tia và phát triển quả (khoảng 30 - 35 ngày sau trồng) gặp rét cây lạc không thể phát triển được cả về chiều dài thân lá cũng như không thể thụ phấn, thụ tinh thuận lợi nên năng suất thấp. Để trồng lạc đông trên đất cấy lúa mùa sớm, lúa mùa thường được gieo cấy trước 15/6 và dùng những giống có thời gian sinh trưởng dưới 110 ngày.

2. Chọn giống, lượng giống:

Nên dùng các giống có thời gian sinh trưởng trung bình khoảng 100 ngày như L14; L23, đây là những giống có khả năng sinh trưởng phát triển khỏe, chịu sâu bệnh khá, năng suất khá cao khoảng 25 tạ/ha/vụ, tỷ lệ nhân đạt trên 72%, đã được nhiều địa phương sử dụng làm giống chủ lực. Lượng giống dùng cho 360 m2: 9 - 11 kg lạc vỏ, tương đương khoảng 250 - 300 kg lạc vỏ/ha. Vì lạc đông cơ bản lấy giống từ nguồn lạc trồng vụ xuân, thu hoạch trong điều kiện thời tiết nóng và ẩm, hạt chứa nhiều dầu nên tỷ lệ nảy mầm thường chỉ đạt 70 - 75%. Năng suất lạc đông thường quyết định bởi mật độ, vì vậy nên kiểm tra khả năng nảy mầm của giống trước khi trồng bằng cách: Tách nhân lạc để quan sát phôi và 2 lá mầm nếu phôi còn trắng hồng, lá mầm không có biểu hiện xỉn mốc là tốt hoặc trồng thử vào cát.

3. Chọn đất, làm đất và kỹ thuật trồng:

Nên chọn chân đất cát pha, thịt nhẹ và chủ động nước, nếu chọn chân đất thịt nặng khó chăm sóc, lạc phát triển chậm.Trồng lạc đông trong tháng 9 (giai đoạn chuyển mùa) thường hay gặp mưa, đất nhão và có thể gây ngập thối giống. Nếu đất khô áp dụng làm đất kỹ như bình thường. Nếu đất ướt, để trồng kịp thời vụ có thể áp dụng biện pháp làm đất tối thiểu (cầy vỡ, không bừa) với kích thước luống: chiều rộng 55 - 60 cm, cao 25 - 35 cm, trồng thành hàng đôi (tận dụng ánh sáng hàng rìa), hàng cách hàng 30 - 35 cm, trồng hai hạt/gốc với gốc cách gốc 20 - 25 cm, sử dụng đất hun (rạc cỏ có lẫn đất để khô chất thành đống và đốt) kết hợp phân chuồng mục để đậy hạt khi trồng.

4. Đầu tư phân bón và chăm sóc lạc sau trồng:

Về phân bón/360 m2: Do điều kiện nền đất ướt, vi khuẩn cộng sinh cố định đạm trên nốt sần cây lạc ở vụ đông ít hơn ở vụ xuân, hơn nữa thời gian sinh trưởng của lạc ở vụ đông ngắn hơn vụ xuân từ 25 - 40 ngày, do vậy để lạc đông có năng suất cao thì cần đầu tư phân bón nhất là phân đạm cao hơn vụ xuân, cụ thể: Phân chuồng mục 250 - 300 kg; lân supe 20 kg; Urê 3 - 4 kg; kaly 3 kg; vôi bột 15 - 20 kg.

Cách bón cho lạc đông: Để tránh khi trồng xong gặp mưa gây tan phân nhất là đạm làm cho thối hạt giống thì nên bón phân như sau: Nếu đất khô bón lót phân chuồng, phân lân vào giữa hai hàng lạc khi làm đất cào luống. Nếu đất ướt dùng phân chuồng chộn đất hun và phân lân phủ (đậy) lên hạt giống khi trồng.

Sau khi lạc mọc đều đến sau trồng khoảng 20 ngày dùng đạm urê hòa loãng tưới nhử khi cây nhỏ kết hợp xới phá váng và vun nhẹ, lượng đạm dùng ở giai đoạn này đến 80% quy trình. Với lạc đông sau trồng khoảng 30 - 35 ngày là lạc ra hoa, nên tạo điều kiện thuận lợi nhất như bón lượng đạm còn lại, toàn bộ phân kaly kết hợp tung vôi bột hả lên toàn bộ lá, thân, gốc và vun hoàn chỉnh luống để tận dụng ngay những lớp hoa đầu tiên vì lúc này nhiệt độ và ẩm độ còn thích hợp cho quá trình phát triển thân, lá và thụ phấn, thụ tinh phát triển quả (khi bón vôi lựa khi lá khô sương).

5. Điều tiết nước và phòng sâu bệnh:

Điều tiết nước: Giai đoạn đầu đất còn ẩm đủ cho lạc phát triển, nếu gặp mưa gây úng cần thoát nước sớm trước 24h. Sau khi lạc có quả non lúc này thời tiết bắt đầu khô hạn cần duy trì độ ẩm đất khoảng 75% bằng cách luân phiên tưới dưỡng 10 - 15 ngày/lần đến trước thu hoạch 10 ngày.

Sâu bệnh hại lạc đông: Nhìn chung cây lạc đông ít nhiễm sâu bệnh, tuy nhiên giai đoạn đầu cần chủ động phòng trừ rầy xanh trích hút gây xoăn lá bằng thuốc Regent 800 VVG; Actara 20VVP. Ngoài ra cần quan tâm đến bệnh đốm lá, gỉ sắt hại lá lạc ở giai đoạn phát triển quả, nếu có dùng các thuốc trừ nấm phổ rộng như Al vil 5SC; Đacônil...

Ngô Hồng Huyên - Khuyến Nông VN, 23/07/2010

www.vietlinh.vn

 

Thu hoạch và bảo quản lạc giống

Để thu hoạch và bảo quản lạc giống tốt, đảm bảo được tỷ lệ nảy mầm cho vụ sau cần làm tốt các yêu cầu kỹ thuật sau:

1.Thu hoạch

Xác định thời điểm thu hoạch là một khâu quan trọng vì nó ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng hạt giống. Nên chọn ngày nắng ráo, mặt ruộng khô để thu hoạch. Lạc giống nên thu hoạch khi kiểm tra thấy lá vàng, vỏ quả cứng, chắc, ít quả lép, 70-75% quả chín sinh lí (với dạng cây phân cành liên tục tỷ lệ này còn có thể thấp hơn). Gần đến ngày thu hoạch nên nhổ mẫu kiểm tra để xác định thời gian thu thích hợp nhất.

Sau khi nhổ, cây nên rải ra thành hàng để khử lẫn lần cuối. Bất cứ cây khác dạng nào và cây có quả bị bệnh nên loại bỏ, những quả rơi rụng không nên giữ làm giống.

2. Làm khô giống

Các giống lạc trồng phổ biến hiện nay hầu hết không có tỉnh ngủ tươi nên có thể nảy mầm ngay tại ruộng hoặc khi đã thu hoạch nhưng không làm khô kịp thời. Vì vậy cần làm khô quả lạc bằng cách: Phơi ngay tại ruộng nếu trời nắng to, ruộng khô ráo hoặc treo phơi dưới hiên. Cũng có thể vặt quả ra phơi dưới sân gạch hoặc phơi trong nia, mẹt tránh phơi trên sân bê tông nhiệt độ quá cao làm ảnh hưởng đến chất lượng hạt giống. Trong trường hợp thời tiết xấu, không có nắng nên hong khô vỏ và sử dụng máy sấy làm khô giống.

3. Phương pháp bảo quản lạc giống dạng quả

Tỷ lệ nảy mầm của giống phụ thuộc rất nhiều vào quá trình bảo quản. Nếu bảo quản bằng kho lạnh 12oC thì sau 12 tháng tỷ lệ nảy mầm vẫn đạt 95,6%, màu sắc vỏ lụa ít bị biến đổi. Nếu bảo quản kín trong phòng thì sau 6 tháng tỷ lệ nảy mầm đạt 89,5%, sau 8 tháng đạt 76,1% nhưng nếu để từ 9-12 tháng thì tỷ lệ nảy mầm giảm mạnh còn trên dưới 50 %.

*Đóng gói và bảo quản

Lạc giống thật khô (khi hạt tách khỏi vỏ, lắc thấy long là được), sạch được đóng gói trong bao tải có túi nilon hoặc chum vại có lót lớp vôi dưới đáy và bịt chặt bằng nilon trên đầu chum. Cũng có thể cho lạc vào chum rồi phủ lên trên 1 ít lá xoan, sau đó buộc nilon. Trong quá trình bảo quản không được mở nilon đến tận khi chuẩn bị gieo vì hạt lạc rất dễ mất sức nảy mầm. Nhiệt độ bảo quản càng thấp thời gian bảo quản có thể kéo dài. Khi nhiệt độ <13oC làm cho men trong nhân hạt không hoạt động, ngăn chặn sự tác động của các yếu tố khác làm giảm chất lượng hạt. Lạc giống không nên giữ quá 1 năm, nên sử dụng giống chuyển vụ là tốt nhất.

*Bóc vỏ quả

Chuẩn bị gieo thì tiến hành bóc vỏ quả. Bóc vỏ lạc tốt nhất nên làm bằng tay để tránh hư hại và vỡ hạt. Trong quá trình bóc thấy hạt nhiễm bệnh, hạt bị vỡ, hạt không đúng màu sắc của giống nên loại bỏ. Trước khi đem gieo hạt giống nên sử lí bằng thuốc trừ nấm và sâu thích hợp. Nên ngâm hạt giống 8-10 tiếng, đãi chua rồi chộn trấu đem ủ. Cần kiểm tra tỷ lệ nảy mầm trước khi gieo.

Mai Thu Hương - Khuyến nông VN, 22/04/2010

www.vietlinh.vn

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang