• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Trồng trọt

Một cách trừ rầy lưng trắng và bệnh lùn sọc đen hiệu quả

Bệnh lùn sọc đen (LSĐ) do virus gây ra và môi giới truyền bệnh là rầy lưng trắng. Đây là loại bệnh rất nguy hiểm, không có thuốc phòng trừ khi virus đã xâm nhiễm vào cây lúa.

Mô hình lắp đặt bẫy đèn để theo dõi mật độ rầy

Bệnh LSĐ hại lúa lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam đã bùng phát thành dịch vụ hè thu và vụ mùa năm 2009 ở 22 tỉnh, thành phố phía Bắc và Duyên hải miền Trung.

Tại Thái Bình, vụ mùa 2009 bệnh đã gây thiệt hại năng suất cho 3.200 ha lúa tại huyện Tiền Hải. Đặc biệt, vụ mùa 2017  bệnh bùng phát trở lại, gây thiệt hại nghiêm trọng tới năng suất lúa của ba huyện Tiền Hải, Kiến Xương, Thái Thụy, tổng diện tích lúa bị nhiễm bệnh LSĐ là 18.826 ha, trong đó diện tích mất trắng là 6.598ha.

Trước tình hình trên, được sự chỉ đạo của Cục Bảo vệ thực vật, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thái Bình phối hợp với Tập đoàn Lộc Trời tiến hành xây dựng “ Mô hình quản lý rầy lưng trắng và bệnh lùn sọc đen hại lúa” tại thôn Lợi Thành, xã Đông Quý, huyện Tiền Hải trong vụ xuân và vụ mùa năm 2018 - đây là vùng trọng điểm lúa đã bị bệnh LSĐ gây hại nặng vụ mùa 2017.

Tổng diện tích mô hình là 2,5 ha; trong đó 2 ha là diện tích mô hình ( làm theo quy trình của mô hình); 0,5 ha là diện tích làm theo nông dân ( các biện pháp áp dụng theo chỉ đạo phòng chống bệnh LSĐ năm 2018 của tỉnh); để 360 m2 đối chứng không xử lý hạt giống, không phun trừ rầy giai đoạn mạ và giai đoạn lúa đẻ nhánh.

Cán bộ kỹ thuật tham gia và chỉ đạo mô hình tập huấn cho nông dân trong mô hình 4 lần, gồm: Hướng dẫn xử lý hạt giống để phòng trừ rầy trước khi gieo mạ, sử dụng thuốc Cruiser Plus 312,5 FS ( chai 10 ml) ở ruộng mô hình và ruộng nông dân ( ruộng đối chứng không xử lý). Phun tiễn chân mạ trước khi cấy 2-3 ngày ( ruộng mô hình dùng thuốc Actara 25WG; ruộng nông dân dùng thuốc Midan 10 WP, ruộng đối chứng không dùng thuốc). Hướng dẫn cho nông dân quản lý rầy lưng trắng giai đoạn lúa hồi xanh - đẻ nhánh. Nhổ bỏ và tiêu hủy cây lúa bị bệnh, phun trừ rầy lưng trắng ( nếu có) bằng thuốc Chess 50WG ở ruộng mô hình, thuốc Midan 10WP ở ruộng nông dân, ruộng đối chứng không dùng thuốc. Hướng dẫn cho nông dân các biện pháp quản lý rầy lưng trắng và bệnh LSĐ giai đoạn lúa trỗ trở đi và các đối tượng sâu bệnh hại khác. Hàng tuần điều tra mật độ rầy lưng trắng và bệnh LSĐ trong mô hình, chỉ tiêu theo dõi là: số lượng rầy lưng trắng vào đèn ( con/đêm); mật độ rầy lưng trắng ( con/m2) trong và ngoài mô hình và ruộng đối chứng; tỷ lệ bệnh LSĐ trong và ngoài mô hình ruộng đối chứng; tỷ lệ mẫu rầy lưng trắng nhiễm virus LSĐ. Các yếu tố của ruộng mô hình, ruộng nông dân và ruộng đối chứng cơ bản đồng nhất về các khâu như cùng một loại giống, ngày gieo mạ, ngày cấy, mật độ cấy, tuổi mẹ, số dảnh/khóm, ngày bắt đầu trỗ và ngày trỗ bông song.

Trong vụ mùa, mặc dù rầy lưng trắng trên đồng ruộng mật độ cao, nhưng số lượng rầy lưng trắng vào đèn thấp vì ánh sáng đèn công suất thấp ( 8 W) và thời gian rầy vào đèn cao nhất từ tuần 2, tuần 3 tháng 8.

Trong vụ có 5 lần gửi mẫu ( 5 mẫu rầy) giám định virus gây bệnh LSĐ, kết quả có 50 cá thể rầy trên tổng số 210 cá thể ( chiếm 23,81%) dương tính với virus LSĐ.

Qua các kỳ điều tra cho thấy mật độ rầy lưng trắng ruộng mô hình và ruộng nông dân thấp hơn so với ruộng đối chứng. Rầy lưng trắng xuất hiện từ giai đoạn lúa bắt đầu đẻ nhánh đến giai đoạn trước khi lúa trỗ bông, mật độ rầy lưng trắng xuất hiện cao nhất ở giai đoạn đẻ nhánh rộ đến phân hóa đòng. Nguyên nhân là ruộng mô hình và ruộng nông dân áp dụng các biện pháp quản lý rầy lưng trắng như xử lý hạt giống, phun tiễn chân mạ, phun trừ rầy giai đoạn lúa đẻ nhánh nên mật độ rầy ngay từ đầu vụ thấp hơn so với đối chứng không áp dụng các biện pháp quản lý rầy ( không xử lý hạt giống, không phun tiễn chân mạ, phun trừ rầy giai đoạn lúa đẻ nhánh).

Về diễn biến tỷ lệ bệnh lùn sọc đen: qua các kỳ điều tra cho thấy tỷ lệ bệnh LSĐ ở ruộng mô hình, ruộng nông dân và ruộng đối chứng chưa thấy xuất hiện ở giai đoạn đầu đẻ nhánh, ruộng mô hình và ruộng nông dân bệnh chỉ xuất hiện rải rác. Ở ruộng đối chứng bệnh xuất hiện từ giai đoạn đẻ nhánh rộ và gia tăng qua các kỳ điều tra, tỷ lệ bệnh cao nhất và thể hiện rõ nhất ở giai đoạn lúa trỗ đến chắc xanh là 13,2 - 14,3%. Nếu tính theo tiêu chuẩn ngành thì chỉ ở mức độ nhiễm trung bình, nhưng trong việc chỉ đạo và quản lý bệnh LSĐ trên quy mô lớn( trên địa bàn của một huyện, hoặc một tỉnh) thì có ý nghĩa hết sức quan trọng vì nó liên quan đến sự lan truyền của virus LSĐ ra diện rộng nếu không được quản lý và xử lý ngay từ đầu.

* Ruộng được quản lý rầy lưng trắng và bệnh lùn sọc đen ngay từ đầu vụ cho năng suất cao hơn ruộng đối chứng không xử lý khoảng 8,87 tạ-ha

Hạch toán về hiệu quả kinh tế cho thấy ở ruộng được quản lý rầy lưng trắng và bệnh LSĐ ngay từ đầu vụ cho năng suất cao hơn ruộng đối chứng không xử lý là 8,87 tạ/ha, từ đó cho thấy hiệu quả kinh tế cao hơn 6.391.500 đồng/ha.

Gia đình ông Nguyễn Thế Lương là một trong những hộ tham gia mô hình. Ông cho biết: Vụ mùa năm 2017 gia đình tôi có 5/7 sào lúa bị nhiễm LSĐ, phải bừa tiêu hủy, thiệt hại lớn về sản lượng. Năm nay, được tham gia mô hình, tôi thấy lúa sinh trưởng và phát triển đồng đều hơn ruộng ngoài mô hình, nắm chắc nguyên nhân, triệu chứng bệnh, có thể tự tin phòng, trừ rầy lưng trắng và bệnh LSĐ ở các vụ sau.

Ông Trần Văn Thuận, Trưởng thôn Lợi Thành cho biết: Vụ mùa năm ngoái cả thôn thiệt hại khoảng 1/3 diện tích vì bệnh LSĐ, đến vụ mùa năm nay, qua thăm đồng, đánh giá năng suất lúa ước đạt trên 2 tạ/sào. Mô hình không chỉ chứng minh hiệu quả trong bảo vệ lúa, nhóm nông dân trong mô hình còn trở thành những nông dân nòng cốt ở địa phương để tuyên truyền, hướng dẫn nông dân khác quản lý rầy lưng trắng và bệnh LSĐ.

Mô hình quản lý rầy lưng trắng và bệnh LSĐ trong vụ mùa 2018 đã cho kết quả tốt. Nhận thức của người dân khi tham gia mô hình được nâng cao, hiểu được đặc điểm hình thái rầy lưng trắng là môi giới truyền bệnh; nguyên nhân, triệu chứng bệnh LSĐ; nắm vững các biện pháp quản lý rầy lưng trắng và bệnh LSĐ hại lúa, tự chủ động phòng trừ rầy lưng trắng và bệnh LSĐ ở các vụ sau - và không ai khác, chính họ là những người tuyên truyền, hướng dẫn nông dân khác quản lý rầy lưng trắng và bệnh LSĐ có hiệu quả trong giai đoạn tới - vì thế việc nhân rộng mô hình này vào sản xuất trong thời gian tới của các địa phương là hết sức cần thiết nhằm giảm thiệt hại về năng suất lúa do bệnh LSĐ gây ra.

Thanh Thưởng - Lưu Ngần - Báo Thái Bình, 21/11/2018

 Nhấn vào đây để xem tất cả các tin kỹ thuật trồng lúa

 

 

 

Trồng trọt mùa mưa, bão, lũ

 

 

 

 

 

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang