Trước tình hình bệnh lùn sọc đen hại lúa phát sinh tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước và đang có diễn biến phức tạp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã sớm ban hành Thông tư hướng dẫn biện pháp phòng trừ căn bệnh nguy hiểm gây hại cho nông nghiệp.
Bắt bệnh cây lúa
Tác nhân gây bệnh lùn sọc đen hại lúa là vi rút lùn sọc đen phương Nam (Southern Rice Black Streaked Dwarf Virus - SRBSDV) thuộc nhóm Fijivirus-2, họ Reoviridae và rầy lưng trắng (Sogatella furcifera) là môi giới lây truyền vi rút này.
Cây lúa bị bệnh có triệu chứng chung là thấp lùn, lá xanh đậm hơn bình thường. Lá lúa bị bệnh có thể xoăn ở đầu lá hoặc toàn bộ lá. Gân lá ở mặt sau bị sưng lên. Khi cây còn non gân chính trên bẹ lá cũng bị sưng phồng.
Từ giai đoạn làm đòng và khi lúa có lóng, cây bị bệnh thường nảy chồi trên đốt thân và mọc nhiều rễ bất định. Trên bẹ và lóng thân xuất hiện nhiều u sáp và sọc đen. Bị bệnh nặng cây lúa không trổ bông được hoặc trỗ bông không thoát và hạt thường bị đen.
Biện pháp phòng bệnh
Để ngăn chặn căn bệnh này, theo Thông tư, bà con nông dân có thể áp dụng một số biện pháp phòng bệnh như vệ sinh đồng ruộng bằng cách cày vùi gốc rạ để diệt lúa chét, lúa tái sinh, dọn sạch cỏ bờ ruộng, mương dẫn nước, đốt dọn tàn dư thực vật từ cây ngô hoặc bảo vệ mạ bằng cách thực hiện gieo mạ có che ny lông để kết hợp chắn rầy với chống rét trong vụ Đông Xuân.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo nông dân không gieo mạ ở những ruộng vụ trước có bệnh. Ở những địa bàn vụ trước lúa bị bệnh lùn sọc đen, xử lý hạt giống bằng thuốc hóa học hoặc sinh học để tạo sức đề kháng của cây mạ đối với rầy và tiến hành phun thuốc trừ rầy cho mạ, dùng thuốc nội hấp.
Biện pháp trừ bệnh
Thông tư hướng dẫn cụ thể một số biện pháp trừ bệnh. Đó là, khi lúa ở giai đoạn từ gieo cấy - đứng cái xuất hiện bệnh, bà con cần nhổ, vùi những cây lúa bị bệnh, cấy dặm cây lúa khỏe. Phun thuốc trừ rầy bằng loại thuốc nội hấp trên ruộng bị bệnh và những ruộng xung quanh. Chăm sóc để cây lúa mau chóng phục hồi: bón cân đối N-P-K, lưu ý không bón thừa đạm; khi lúa chưa phục hồi ra lá mới, chỉ nên bón lân và kali.
Trong giai đoạn lúa từ phân hóa đòng trở đi, cần thường xuyên quan sát kỹ ruộng bị bệnh lùn sọc đen để phát hiện rầy lưng trắng, khi phát hiện có rầy lưng trắng tiến hành ngay phun thuốc trừ rầy ở ruộng đó và các ruộng xung quanh, sử dụng loại thuốc theo thời kỳ sinh trưởng của cây lúa. Giai đoạn lúa phân hóa đòng - trỗ dùng thuốc trừ rầy nội hấp hoặc thuốc trừ rầy tiếp xúc, hoặc kết hợp.
Việc tiêu hủy cả ruộng lúa bị bệnh chỉ thực hiện khi ruộng lúa không còn khả năng cho năng suất (nhiễm nặng, khó phục hồi được). Trước khi tiêu hủy phun thuốc trừ rầy bằng loại thuốc tiếp xúc. Tiêu hủy và tiến hành cấy, gieo thẳng lại nếu còn thời vụ, nếu hết thời vụ trồng cây khác (ngoại trừ ngô) thay lúa nếu điều kiện cho phép.
Liên tục trong những ngày qua, Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt về vấn đề phòng, trừ bệnh lùn sọc đen hại lúa, trực tiếp là đối với các địa phương từ Quảng Ngãi trở ra.
Tỉnh Thái Bình, hôm 5/4, đã được Chính phủ quyết định hỗ trợ 56 tấn thuốc các loại để phòng, chống dịch bệnh hại lúa. Đây là 1 trong những tỉnh có tình hình bệnh lùn sọc đen trên lúa Đông Xuân đang diễn biến phức tạp.
Chiều qua, 5/4, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo phòng trừ bệnh lùn sọc đen hại lúa các tỉnh, thành phố từ Quảng Ngãi trở ra đã họp đánh giá tình hình dịch và bàn biện pháp bảo vệ lúa xuân.
Theo báo cáo của Cục Bảo vệ thực vật, trong tuần (từ 29/3 đến 5/4) đã phát sinh thêm gần 800 ha lúa nhiễm bệnh lùn sọc đen tại các địa phương, trong đó Ninh Bình nhiễm nhiều nhất, gần 440 ha. Tính đến ngày 4/4, bệnh lùn sọc đen hại lúa đã phát sinh tại 25 tỉnh, thành phố (thêm tỉnh Điện Biên), với diện tích nhiễm hơn 21.584 ha. Các địa phương đã xử lý hơn 18.022 ha lúa nhiễm bệnh và phun thuốc trừ rầy hơn 150.000 ha.
Ngọc Hà - Web Chính Phủ, 06/04/2010
Nhằm khống chế bệnh lùn sọc đen (LSĐ) và các bệnh hại khác trên lúa, Viện Bảo vệ Thực vật (BVTV) vừa thử nghiệm thành công một quy trình tổng hợp các biện pháp quản lý sâu bệnh. Phương pháp mới vừa thân thiện với môi trường, vừa giúp tăng năng suất lúa, lợi nhuận trội hơn 7 triệu đồng/ha…
Vụ ĐX 2010, bệnh LSĐ đã xuất hiện tại 28 tỉnh, thành từ miền Bắc đến Khánh Hòa và có khả năng sẽ lây lan đến tận ĐBSCL. Để ngăn chặn diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Viện BVTV phối hợp với Cty Syngenta xây dựng giải pháp phòng LSĐ ngay từ khi gieo mạ. Theo ông Ngô Vĩnh Viễn, Viện trưởng Viện BVTV, đối tượng rầy lưng trắng di trú là mối nguy cơ thường trực truyền virus LSĐ cho cây lúa, đặc biệt trong giai đoạn mạ non, dưới 25 ngày tuổi.
Vì vậy, khi thực hiện mô hình tại xã Hải Lộc, huyện Hải Hậu, các nhà khoa học chủ trương chặn rầy ngay từ khi mới lên mạ. Bằng cách ngâm hạt giống trong thuốc Cruiser Plus 312.5 FS, hoạt chất thiamethoxam có trong thuốc vừa hấp thụ thẳng vào hạt giống đồng thời phân tán ra đất và sẽ được hấp thụ trở lại qua bộ rễ cây con sau đó phân bổ toàn cây. Đây là hoạt chất trừ sâu phổ rộng, có tác dụng cả với sâu, mọt, bọ trĩ, bọ hung, rệp, rầy…
Với những cây mạ có chứa Thiamethoxam, rầy lưng trắng chích phải sẽ bị tê liệt ngay lập tức. Hoạt chất này có thể tồn dư và bảo vệ hữu hiệu cây mạ trong vòng 10-15 ngày. Trường hợp lúa gieo sạ, thời gian hiệu lực của thuốc sẽ kéo dài hơn vì cây mạ tận dụng được lượng tồn dư trong đất. Khoảng 20 ngày sau sạ, mạ cần được bảo vệ thêm một lần nữa bằng Chess 50 WG.
Việc áp dụng trừ rầy lưng trắng sớm ngay từ đầu vụ đã giúp giảm gây hại trực tiếp, kết quả cho thấy mật độ rầy ở công thức đối chứng cao gấp 100 lần so với mô hình và trên 30 lần so với ruộng của dân ngoài mô hình ở 7 ngày sau phun. Giai đoạn lúa đẻ nhánh bệnh LSĐ chưa thấy xuất hiện trong mô hình nhưng ở ruộng đối chứng tỷ lệ bệnh trung bình là 7%, các ruộng ngoài mô hình cũng bắt đầu có dấu hiệu bệnh. Thông thường cây lúa biểu hiện triệu chứng rõ hơn ở giai đoạn sau trỗ và tỷ lệ xuất hiện bệnh trên đồng ruộng lúc này cũng cao hơn. Lúc này, tỉ lệ nhiễm bệnh của ruộng trong mô hình là 1,8% trong khi ruộng đối chứng nhiễm 32,5%, ruộng ngoài mô hình của dân 8,8%.
Bên cạnh việc ngăn chặn rầy xâm nhập từ đầu vụ, việc xử ly hạt giống bằng Cruiser Plus 312.5 FS cũng kích thích cây mạ ngay từ khi gieo hoặc sạ sinh trưởng phát triển tốt hơn đối chứng. Chiều cao cây lúa ở các công thức có sử dụng thuốc gấp 3 lần, chiều dài bộ rễ gấp 2 lần so với đối chứng. Ví dụ, tại chân ruộng thực nghiệm sử dụng thuốc với liều lượng 100 ml, sau 7 ngày sạ, cây cao 9,19 cm, rễ dài 5,77 cm nhưng ở ruộng đối chứng cây chỉ cao 3,38 cm, chiều dài rễ là 3,38 cm. Do cây được bảo vệ, phát triển tốt ngày từ đầu vụ nên số dảnh /cây phát triển tốt và mầu sắc lá cũng xanh hơn.
Tất nhiên, ngoài việc ngăn bệnh LSĐ và rầy vẫn cần phải phòng trừ các loại sâu bệnh thông thường khác như sâu cuốn lá, khô vằn và lem lép hạt, Viện BVTV kết hợp dùng thuốc Vitako 40 WG, Amistar-Top 325 SC… Một đặc điểm nổi bật của các ruộng trong mô hình là không cần phun thuốc trừ rầy nâu cuối vụ giúp giảm thiểu chi phí thuốc, công phun cho nông dân trong khi tại các chân ruộng khác vẫn phải phun trừ rầy nâu, thậm chí có những ruộng phải phun đến 2 lần.
Đánh giá, phân tích về hiệu quả kinh tế của mô hình giải pháp quản ly sâu bệnh mới, ông Đào Xuân Cường – GĐ Tổ chức phát triển nông nghiệp bền vững Syngenta khẳng định tổng chi phí cho 1 ha lúa ngoài mô hình khoảng 24 triệu đồng, 1 ha trong mô hình xấp xỉ 20 triệu đồng, giảm so với ruộng ngoài mô hình trên 4 triệu đồng. Cộng thêm năng suất lúa trong mô hình trung bình đạt 5,2 tấn/ha, tương đương 36,4 triệu đồng còn năng suất ngoài mô hình chỉ đạt 4,8 tấn, bằng 33,6 triệu đồng. Như vậy, mức lợi nhuận của ruộng mô hình cao hơn ngoài mô hình trên 7 triệu đồng.
Ông Trần Văn Hội – Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh Nam Định: Bệnh LSĐ đang là mối quan ngại rất lớn đối với nông dân tỉnh Nam Định. Tỉ lệ nhiễm trung bình của địa phương là 31% nhưng lúa trong mô hình phương pháp quản ly mới chỉ nhiễm ở tỉ lệ 1,8%. Đây là một số liệu đáng mừng. Điều đáng ghi nhận thêm là mô hình còn sạch cả rầy nâu. Hiện nay, mỗi năm tỉnh phải xử lý từ 25-30 ngàn ha lúa bị nhiễm rầy nâu mà trị rầy nâu rất khó vì nó xuất hiện theo ổ, nơi có nơi không. Nếu mô hình được mở rộng thử nghiệm và quản lý được cả rầy nâu nữa thì đây sẽ là phương pháp hết sức ý nghĩa.
KIÊN CƯỜNG - Nông nghiệp Việt Nam, 08/10/2010
Nhấn vào đây để xem tất cả các tin kỹ thuật trồng lúa
- Kỹ thuật trồng cây ăn trái, rau màu, cây dược liệu và các loại cây khác
Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.