Theo điều tra các chuyên gia ngành BVTV, sau đợt nắng nóng kéo dài đầu tháng 7 vừa qua nhiều địa phương các tỉnh miền Bắc đã có biểu hiện cây lúa bị bệnh vàng lá sinh lý. So với năm ngoái vụ mùa năm nay bệnh vàng lá sinh lý phát sinh sớm hơn, hiện đang gây hại nặng ở nhiều địa phương, nhất là với những vùng khô hạn, thiếu nước tưới không kịp làm đất kỹ.
Một số huyện ngoại thành Hà Nội và các tỉnh lân cận như vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Hà Nam v.v… phản ánh hiện bệnh đang xuất hiện trên diện rộng cùneg với nhiều đối tượng sâu bệnh gây hại khác như sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân, bệnh lùn sọc đn, lùn xoắn lá… Đây là giai đoạn rất quan trọng, cây lúa đang đẻ nhánh và chuẩn bị làm đòng nên đe dọa làm giảm năng suất thu hoạch. Nguyên nhân của bệnh là do các chất hữu cơ trong đất phân hủy, giải phóng một số khí độc như: H2S, CH4… làm cho rễ cây lúa bị ngộ độc thâm đen, gây biến vàng bắt đầu từ các lá gốc lên các lá phía trên.
Từ kinh nghiệm thực tế tại mô hình phòng chống bệnh vàng lá sinh lý cho cây lúa đang triển khai trên diện tích 5ha với 70 hộ nông dân tham gia tại xã Tam Đồng, huyện Mê Linh, Chi cục BVTV Hà Nội khuyến cáo bà con nông dân các huyện ngoại thành và các địa phương khác khi phát hiện cây lúa bị bệnh vàng lá sinh lý khẩn trương tiến hành ngay một số biện pháp kỹ thuật sau:
- Không nên bón thêm đạm hoặc phun bất cứ một loại phân bón hoặc hóa chất BVTV nào lên cây lúa.
- Cho thêm nước vào ruộng, tiến hành làm cỏ, sục bùn để giải phóng bớt khí độc trong đất, nhất là vùng rễ cho cây lúa.
- Sau khi xử lý từ 3-5 ngày, tiến hành kiểm tra nếu thấy cây lúa đã có rễ trắng mới và ra thêm lá mới thì bà con có thể sử dụng các loại phân bón qua lá để phun giúp cây lúa nhanh hồi phục.
- Khi thấy cây lúa đã hồi phục, ra lá mới bình thường thì tiến hành các biện pháp chăm sóc bình thường tiếp theo như bón thúc, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh…
KS CẬN - Nông nghiệp Việt Nam, 02/08/2010
Theo Chi cục bảo vệ thực vật Hải Phòng, thời gian qua rét đậm, rét hại và bị thiếu nước nên một số trà lúa xuân sớm bị nghẹt rễ, vàng lá, sinh trưởng kém. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là một số bà con thiếu thông tin về bệnh này nên lầm tưởng là biểu hiện của bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và không có biện pháp phòng trừ kịp thời..
Sự nhầm lẫn đáng lo ngại
Tại một số thửa lúa chiêm - xuân ở các xã Trường Thành, An Tiến (An Lão) xuất hiện tình trạng cây luá có màu vàng hoặc vàng nâu, rễ lúa thâm đen, ít rễ trắng, cây lúa kém phát triển, còi cọc. Bà con không rõ là lúa bị bệnh gì, biện pháp khắc phục như thế nào? Có người nghi ngờ lúa bị bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, loại bệnh không có thuốc chữa. Cây lúa nào bị nhiễm bệnh chỉ có cách nhổ bỏ, tránh lây lan rộng. Việc này khiến nhiều người dân hoang mang.
Qua kiểm tra đồng ruộng và những khu vực người dân phản ánh, Chi cục bảo vệ thực vật khẳng định lúa bị vàng lá do nghẹt rễ sinh lý. Diện tích xuất hiện bệnh chủ yếu là một số trà xuân sớm, trên các giống lúa Xi 23, X21. Đây là các giống lúa dài ngày, cấy trên chân ruộng trũng. Theo thạc sĩ Nguyễn Hồng Thủy, cán bộ kỹ thuật của Chi cục Bảo vệ thực vật, hiện trên địa bàn thành phố có 297 ha lúa chiêm xuân bị bệnh này, tập trung nhiều ở các huyện An Lão (165 ha), Tiên Lãng (50 ha), Thủy Nguyên (30 ha), An Dương, Kiến Thụy. Bệnh phát sinh nặng vào đầu tháng 2 vừa qua, khi nhiệt độ không khí cao, nắng nóng; đến giữa tháng, nhiệt độ giảm mạnh, trời rét đậm, việc chăm sóc lúa chưa kịp thời. Đây là bệnh thông thường, những nông dân có kinh nghiệm, có thể kịp thời phát hiện.
Sở Nông nghiệp - PTNT cảnh báo
Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn khu vực Đông Bắc, từ đầu tháng 2 trở đi, thời tiết ấm nắng, nền nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm sẽ đẩy nhanh tốc độ sinh trưởng của cây lúa; lúa sẽ trỗ vào thời điểm không thuận lợi, ảnh hưởng mạnh đến năng suất lúa.
Cùng với đó, khả năng thiếu nước trong thời kỳ lúa sinh trưởng đến trỗ, nguy cơ bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá , lùn sọc đen có khả năng gây hại. Khi đó, diện tích lúa bị nghẹt rễ có khả năng tăng hơn nhiều so với hiện nay.
Việc bà con nhầm tưởng đây là bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, không triển khai các biện pháp khắc phục kịp thời mới đáng lo ngại. Qua kiểm tra thực tế trên đồng ruộng, Chi cục Bảo vệ thực vật khẳng định hiện chưa xuất hiện bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá. Mật độ rầy lưng trắng, rầy nâu (vật trung gian mang mầm vi- rút gây bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá rất thấp (trung bình 0,2 - 0,3 con/m2). Chi cục và các địa phương đang tiếp tục theo dõi để phát hiện và có biện pháp phòng trừ kịp thời khi mật độ rầy nâu lớn và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá ngay khi mới xuất hiện.
Ứng phó đúng kỹ thuật
So với bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, bệnh vàng lá do nghẹt rễ sinh lý dễ khắc phục. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu do đất chua phèn, đất ruộng yếm khí, chế độ phân bón không hợp lý, cấy sâu tay và bùn lắng bó gốc làm rễ lúa không phát triển được. Hiện tượng này thường xảy ra khi bón nhiều phân hữu cơ chưa hoại mục, đất không được phơi ải, đất ngập nước thường xuyên, trong đất tích tụ nhiều khí độc. Ngoài ra, khi không đủ ô-xy, các chất hữu cơ phân giải không hoàn toàn, tạo ra các axít hữu cơ làm tăng độ chua của đất, tác động xấu đến sự hô hấp của rễ. Theo thạc sĩ Nguyễn Hồng Thủy, để khắc phục bệnh vàng lá do nghẹt rễ sinh lý, bà con chỉ cần bón bổ sung 10 – 15 kg phân lân/sào, làm cỏ, sục bùn, thay nước mới tạo cho ruộng lúa thông thoáng khí, kết hợp phun một số thuốc kích thích sinh trưởng như Atonik 1,8 DD, Canik 1,8 DD; K-H, Gromic, Penac P... tạo điều kiện cho cây lúa ra rễ mới, lá mới. Tuyệt đối không được bón phân đạm cho lúa khi xuất hiện bệnh. Khi nào lá lúa xanh trở lại, ra thêm lá, rễ trắng mới thì bón đạm.
Hoàng Yên - Báo Hải Phòng, 02/03/2010
Nhấn vào đây để xem tất cả các tin kỹ thuật trồng lúa
- Kỹ thuật trồng cây ăn trái, rau màu, cây dược liệu và các loại cây khác
Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.