Anh Nguyễn Văn Khoát - Phó Giám đốc Trung tâm khuyến nông Bắc Ninh - đơn vị thực hiện đề tài bảo tôi về nguyên cớ của kỹ thuật cấy mới do quan sát thực tế trong thời gian lúa uốn câu đến khi thu hoạch, trong một ruộng lúa các hàng lúa ở ven bờ đều sinh trưởng, phát triển tốt, sâu bệnh ít, số bông hữu hiệu/khóm cao.
Nhìn chung các chỉ tiêu về năng suất đều cao hơn so với các hàng lúa ở bên trong ruộng, chính vì vậy mà năng suất thực thu ở vùng rìa bờ cao hơn, lý do chính là các hàng ở rìa bờ, các khóm lúa được sử dụng ánh sáng mặt trời nhiều hơn, từng lá lúa được quang hợp tốt nhất…
Chính vì thế, mà tạo điều kiện tích luỹ chất khô tốt nên năng suất cao nhất. “Căn cứ vào tình hình thực tế, chúng tôi thấy cần phải thay đổi phương thức canh tác cũ bằng phương thức canh tác mới, làm cho tất cả các khóm lúa trong một ruộng được sử dụng ánh sáng tốt như hàng, khóm ở rìa bờ. Mục đích tạo điều kiện cho tất cả các khóm lúa trong ruộng được sử dụng ánh sáng mặt trời tốt nhất”.
Trung tâm khuyến nông Bắc Ninh đã thực hiện đề tài: “Áp dụng biện pháp kỹ thuật cấy mới theo phương pháp hàng rộng – hàng hẹp” trên diện tích: 40 ha tại xã Mộ Đạo; Cách Bi: 20 ha; HTX Đông Xá, Đông Mai: 20 ha. Thời gian thực hiện vào vụ mùa năm 2007. Phương pháp cấy: Cấy theo hướng đông – tây để cây lúa tận dụng được ánh sáng tốt nhất, từ sáng đến chiều cây lúa trong từng khóm lúa, hàng lúa không che khuất nhau. Xác định khoảng cách hàng sông: Một hàng sông, hàng cách hàng 15 cm; một hàng sông, hàng cách hàng 30 cm.
Đối với hàng con tuỳ theo giống, trình độ thâm canh, chân đất tốt hay xấu mà bố trí hàng con cho hợp lý. Như vậy hàng sông phải cố định còn hàng con biến động sao cho phù hợp từng giống. Còn các khâu làm đất, tưới tiêu, chăm sóc cho từng giống thì không có gì thay đổi. Về sinh trưởng phát triển giữa phương pháp cấy mới và phương pháp cấy cũ, phương pháp cấy mới đẻ nhánh sớm hơn, cụ thể sau cấy 13 – 15 ngày đã bắt đầu đẻ nhánh còn phương pháp cấy cũ 18 – 22 ngày mới đẻ nhánh. Phương pháp cấy mới có số dảnh hữu hiệu cao hơn phương pháp cấy cũ từ 10 – 15% vì phương pháp cấy mới đẻ nhánh sớm hơn và đạt số dảnh/khóm sớm hơn phương pháp cấy cũ.
Về chiều cao cây của phương pháp cấy mới cao hơn phương pháp cấy cũ từ 7 – 10 cm, lá đứng và thế cây khoẻ hơn. Phương pháp cấy mới trỗ tập trung và bông dài hơn. Chính nhờ các yếu tố đó mà năng suất vượt 15 – 20%. Đánh giá về tình hình chống chịu sâu bệnh, phương pháp cấy mới: Do ánh sáng chiếu trực tiếp trên mặt ruộng, đến từng cá thể trong hàng lúa, chính vì vậy mà phát huy hiệu quả phân bón, lúa đẻ sớm, cứng cây, sinh trưởng phát triển khoẻ, nên khả năng chống chịu sâu bệnh tốt hơn phương pháp cấy cũ nhất là bệnh khô vằn. Nhờ sự thông thoáng giữa các hàng lúa, trong ruộng lúa mà các hộ dễ dàng chăm bón, làm cỏ tốt hơn.
Thông qua việc điều tra việc thực hiện phương pháp cấy mới về chăm sóc, tưới nước, phòng trừ sâu bệnh… giữa phương pháp cấy cũ và phương pháp cấy mới không có gì thay đổi. Song phương pháp cấy mới cho năng suất cao hơn từ 7 – 8 tạ/ha (25 – 30 kg/sào) xấp xỉ 100.000 – 120.000 đ/sào. Nhưng thực tế khi phỏng vấn các hộ nông dân tham gia đề tài về phương pháp cấy mới so với phương pháp cấy cũ có: 50% số hộ trả lời phương pháp cấy mới tốn công lao động hơn (một sào nông dân thường cấy một ngày, song phương pháp cấy mới phải mất thêm 1/4 – 1/2 ngày nữa).
Theo suy nghĩ của chúng tôi, nếu như cấy theo phương pháp mới có tốn đi 1/2 ngày mà cho năng suất vượt 25 – 30 kg/sào (100.000 – 120.000 đ/sào) thì giá trị ngày công cũng rất cao. Chính vì vậy mà ngoài diện tích 40 ha trong khuôn khổ đề tài các HTX cũng đã mở rộng ra trên 100 ha. Năm nay, phương pháp cấy mới đã được chính những nông dân truyền dạy cho nhau theo kiểu “vết dầu loang” nên toàn Bắc Ninh đã cấy khoảng trên 200 ha. Theo anh Khoát, cứ với đà này, chẳng bao lâu nữa sẽ có nhiều nông dân Bắc Ninh cũng áp dụng cấy hàng rộng, hàng hẹp bởi nó quá dễ và hiệu quả rõ ràng.
Dương Đình Tường - NNVN, 25/09/2008
Nhấn vào đây để xem tất cả các tin kỹ thuật trồng lúa
- Kỹ thuật trồng cây ăn trái, rau màu, cây dược liệu và các loại cây khác
Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.