• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Trồng trọt

Lúa đông xuân

 

 

Đồng bằng sông Cửu Long cần tuân thủ triệt để lịch xuống giống vụ Đông Xuân

Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam (Bộ NN và PTNT) khuyến cáo các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cần tuân thủ triệt để lịch xuống giống đồng loạt trong vụ Đông Xuân 2013-2014 để né rầy cũng như áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp nhằm phòng chống hiệu quả các đối tượng sâu bệnh có thể gây hại trên diện rộng trước thời tiết diễn biến bất lợi trong những ngày cuối năm.

Đặc biệt, Trung tâm lưu ý nông dân về bệnh đạo ôn trên lá có thể tiếp tục phát sinh và gây hại trên trà lúa Đông Xuân sớm và trà lúa mùa 2013 trong giai đoạn đẻ nhánh. Biện pháp đề phòng hữu hiệu là thăm đồng thường xuyên, phát hiện sớm để phòng trị kịp thời và hiệu quả. Khi bệnh mới xuất hiện có thể sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phun xịt theo nguyên tắc “4 đúng”. Ngoài bệnh đạo ôn lá, bà con cũng lưu ý các bệnh bạc lá vi khuẩn, muỗi gây lá hành ở giai đoạn mạ đến đẻ nhánh, làm đòng hoặc ốc bươu vàng gây hại...

Qua theo dõi của Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam, trong tuần qua nhiều đối tượng sâu bệnh như bọ trĩ, sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, khô vằn, cháy lá, vàng lá... xuất hiện trên lúa Đông Xuân 2013 - 2014 nhưng ở mức độ thấp, lẻ tẻ, không gây hại lớn cho sản xuất và giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, trong tuần đầu tháng 12/2013 toàn vùng có trên 13.500 ha nhiễm rầy, giảm gần 5.000 ha so với tuần cuối tháng 11/2013; trên 7.900 ha lúa bị bệnh đạo ôn lá, giảm trên 500 ha; trên 4.700 ha nhiễm ốc bươu vàng, giảm gần 4.300 ha so với tuần cuối tháng 11/2013. Tuy nhiên, nông dân không nên chủ quan mà cần thăm đồng thường xuyên, áp dụng đồng bộ các biện pháp thâm canh tiên tiến để giành thắng lợi trong vụ Đông Xuân 2013 - 2014.
Theo Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam, đến ngày 12/12, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã gieo sạ được trên 610.000 ha lúa Đông Xuân. Nhìn chung, tiến độ chậm so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do mực nước lũ trong nội đồng rút chậm, ảnh hưởng tiến độ gieo sạ của nhiều địa phương.

Minh Trí - VTV Cần Thơ, 13/12/2013

 

Những việc cần chuẩn bị cho vụ lúa Đông Xuân 2013-2014 ở ĐBSCL

Đồng bằng sông Cửu Long chuẩn bị bước vào vụ lúa Đông Xuân. Đây là vụ lúa chính cho năng suất, sản lượng và chất lượng lúa tốt nhất trong năm. Tùy theo điều kiện chủ động rút nước hay chờ nước rút, bà con nông dân ĐBSCL thường xuống giống trong tháng 11 và 12.

Đối với những vùng sâu không có đê bao, phụ thuộc vào con nước thường xuống giống trễ hơn khoảng một tháng. Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) yêu cầu bố trí xuống giống chỉ trong 2 đợt: Đợt 1 từ ngày 9 – 26/11/2013; Đợt 2 từ ngày 7- 26/12/2013 sẽ xuống giống dứt điểm. Theo Cục Trồng trọt, vùng ĐBSCL sẽ gieo sạ 4,292 triệu ha, giảm 6.863ha, nhưng đảm bảo sản lượng đạt gần 25 triệu tấn, tăng khoảng 36.000 tấn so với năm 2013. Để có được ruộng lúa khỏe đầu vụ, bà con nông dân cần chuẩn bị ngay từ bây giờ để phấn đấu tăng năng suất và hiệu quả, bao gồm việc chuẩn bị đất đai, giống, phân bón… cho vụ Đông Xuân thắng lợi.

Vệ sinh đồng ruộng: Cần tiến hành vệ sinh đồng ruộng thật tốt bằng cách dọn sạch cỏ bờ, bụi rậm nhằm triệt nơi trú ẩn của các loài dịch hại. Dưới ruộng nếu có nhiều rong, cỏ, lúa chét thì cần tiến hành trục nhấn ngay, thời gian từ nay đến khi xuống giống còn đủ để phân hủy các chất hữu cơ từ rơm rạ giúp cho đồng ruộng thêm màu mỡ và sẽ đỡ được rất nhiều công lao động dọn cỏ khi xuống giống. 

Cỏ dại sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự sinh trưởng của lúa thời gian đầu, vì thế cần diệt sạch cỏ dại. Trong thời gian ruộng còn ngập nước thì dọn bằng tay và vớt sạch lên bờ. Sau khi nước rút tiến hành làm đất cần chú ý biện pháp kỹ thuật để diệt cỏ dại một cách hiệu quả. Nông dân đã nắm vững lịch sử phát triển các loại cỏ trong ruộng của mình nên cần áp dụng đúng loại thuốc diệt cỏ. Vụ Đông Xuân do đất được ngập nước lâu ngày, đất có độ nhão rất cao nên rất thuận lợi cho thuốc diệt cỏ tiền nẩy mầm sofit 300EC diệt nhiều loại cỏ. Cũng có thể sử dụng các loại thuốc cỏ khác như Nominee 10SC, Sirius 10WP để diệt cỏ cho lúa. Ngoài cỏ dại thì bà con cũng cần quan tâm đến ốc bươu vàng, chuột có thể tấn công phá hại lúa vào đầu vụ.

Chuẩn bị giống: Cần chọn các giống thích ứng với tình hình xâm nhập mặn, hạn hán và dịch rầy nâu, đạo ôn, vàng lùn - lùn xoắn lá và đặc biệt là giống lúa chất lượng cao phục vụ cho xuất khẩu. Các giống chủ lực là: OM 6976, 6161, 5451, 2517, 4218, 5472, 4900; OMCS2000; VND95-20; Jasmine 85. Ngoài ra, năm 2013, Bộ NNPTNT đã công nhận thêm một số giống OM như: 8959, 6961, 6932, 6893, 6904, 11735. Tăng cường mô hình sản xuất lúa an toàn theo VietGAP.

Làm đất, bón phân: Đất sẽ rất tốt nếu được xới hay trục nhấn trước khi lũ về. Sau gần 2 tháng ngập nước, lũ sẽ đem một lượng phù sa rất lớn cho đồng ruộng. Rơm rạ, cỏ dại được phân hủy sẽ làm tăng lượng dinh dưỡng cho đất. Trước khi xuống giống mặt ruộng cần được san bằng, xới đất, trục trạc thật kỹ sẽ giúp cho cây lúa nhanh bắt rễ và phát triển tốt. Mặt ruộng phải được san bằng phẳng, đánh rãnh thoát nước và dọn sạch cỏ trước khi sạ, cấy.

Chuẩn bị phân bón: Lượng phân bón khuyến cáo tham khảo theo từng vùng canh tác: Đất phù sa 90-100 kg N + 40-50 kg P2O5 + 30-50 kg K2O/ha; Đất phèn nhẹ 80-100 kg N + 40-60 kg P2O5 + 30-50 kg K2O/ha, tương đương với 173-217 kg urea + 240-360 kg super lân + 50-80 kg kali clorua/ha. Chú ý tăng cường bón phân hữu cơ nhằm cải tạo đất. 

Bón lót: Khi làm đất lần cuối, vùng đất phèn nên dùng loại phân lân nung chảy Văn điển (16% P2O5) từ 200 - 500 kg/ha tùy độ phèn của đất, giúp hạ phèn ngay từ đầu khi sạ lúa sẽ phát triển tốt hơn. Có thể kết hợp bón chế phẩm Trichoderma giúp phân hủy rơm rạ, cỏ dại tăng nguồn dinh dưỡng cho cây lúa. 

TS. Nguyễn Công Thành - Viện KHKTNN miền Nam, Khuyến nông VN, 23/10/2013

 

Trồng lúa đông xuân theo GAP

Sản xuất theo GAP (Good Agricultural Practices) gồm VietGAP, GlobalGAP,…nhấn mạnh đến tầm quan trọng của quản lý cây trồng, dinh dưỡng tổng hợp và chú ý phúc lợi của nông dân sản xuất lúa.

Sản xuất theo GAP cũng quan tâm đến vấn đề bền vững môi trường và kinh tế, xã hội trong cộng đồng nông thôn.

Sản xuất lúa theo GAP để đảm bảo chất lượng lúa an toàn - là yêu cầu số một. Tuy nhiên, cần phải kết hợp chọn những giống lúa có chất lượng cao hoặc lúa thơm để tăng giá trị.

Cục Trồng trọt nhấn mạnh tuyên truyền phổ biến sản xuất theo GAP và mô hình cánh đồng mẫu lớn theo hướng gắn kết từ đầu vào, liên kết sản xuất của nông dân và doanh nghiệp tiêu thụ lúa. Khuyến cáo, tùy khả năng từng vùng, sử dụng các giống đặc sản như jasmine, VD 20, ST5…, các giống chất lượng cao như OM 6976, 6161, 5451, 2517, 4218, 5472, 4900; OMCS2000; VND95-20 và OM 8959, 6961, 6932, 6893, 6904, 11735 vừa được Bộ NNPTNT công nhận trong năm 2013.

Sản xuất theo GAP đặc biệt lưu ý đến phân bón vì nó ảnh hưởng rất lớn đến độ an toàn của cây lúa. Nếu bón quá nhiều phân đạm sẽ làm cho lúa dễ nhiễm sâu bệnh, dẫn đến phun thuốc nhiều gây độc hại con người và môi trường. Bón phân đạm nhiều cũng dễ dẫn đến việc tồn lưu nitrat trong hạt gạo cao hơn mức cho phép, tăng nguy cơ gây ung thư lâu dài cho người dùng và không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.

Khuyến cáo công thức phân bón cho lúa vụ đông xuân ở ĐBSCL trên 1ha là: 173 - 217kg urea + 180 - 360kg lân + 50 - 83kg kali. Có thể chia làm 3 đợt bón chính: Đợt 1: 7 – 10 ngày sau sạ (NSS), đợt 2: 18 – 22 NSS và đợt 3: 40 – 45 NSS. Chú ý bón vào hai thời kỳ sinh trưởng mà lúa cần đạm nhiều nhất, đó là giai đoạn đầu sinh trưởng và giai đoạn hình thành gié (tượng đòng). Bón đạm giai đoạn đầu giúp cho lúa kích thích đẻ nhánh, đâm chồi cơ sở cho năng suất cao (nhiều bông) về sau. Bón phân giai đoạn hình thành gié sẽ giúp cho lúa nhiều bông, nhiều hạt và hạt to trên bông.

Tùy điều kiện sinh trưởng của giống lúa mà tăng giảm thời gian bón. Chú ý bón bổ sung phân hữu cơ nhằm cải tạo đất, giảm sâu bệnh, cung cấp thêm các yếu tố trung và vi lượng cho lúa. Ruộng có giữ lại các chất hữu cơ thì nên giảm lượng phân bón. Nên sử dụng bảng so màu lá lúa để không bón thừa đạm ở 2 đợt bón cuối.

 

Chăm sóc lúa đông xuân cuối vụ

Lúa đông - xuân vùng ĐBSCL đang ở giai đoạn cuối vụ. Để bảo đảm chất lượng hạt lúa và năng suất lúa, bà con nông dân cần chú trọng kỹ thuật chăm sóc, bón phân cuối vụ.

Chú ý: Có thể sử dụng các loại phân bón chuyên dùng cho cây lúa. Không hỗn hợp quá nhiều các loại thuốc bảo vệ thực vật và phân bón lá để phun xịt (vừa tốn tiền lại không hiệu quả). Tuân thủ thời gian cách ly khi phun xịt thuốc bảo vệ thực vật.

Nếu trên các diện tích lúa chuẩn bị làm đòng hoặc đang nuôi đòng thì cần quan sát màu sắc lá để bón phân. Lúa quá xanh tốt thì sẽ ức chế quá trình hình thành đòng (lúa có hiện tượng bị lốp do quá dư thừa các hoócmon sinh trưởng dinh dưỡng và làm ức chế hoócmon sinh trưởng sinh thực).

Nếu ruộng bị hiện tượng này cần rút cạn nước, bón thêm phân có tỷ lệ kali (K20) cao, phun xịt thêm phân bón lá có hàm lượng P & K cao (như NPK 6-30-30; 7-5-44...). Với các ruộng lúa đang nuôi đòng, cần bón thêm lượng đạm (N) và kali (K), tùy theo màu sắc lá lúa để thay đổi liều lượng. Nếu lá lúa xanh đậm thì chỉ cần bón 3 - 5 kg phân KCl (kali đỏ) cho 1 công đất (1.000 m2). Nếu lá xanh nhạt và mỏng thì bón 3 - 4 kg Urê + 3 - 4 kg KCl/công.

Giai đoạn trước trổ và sau trổ, cần chú ý bón phân để lúa đủ sức trổ thoát (tránh hiện tượng nghẹt đòng), trổ tập trung. Cần chú ý bổ sung đạm (N) và đặc biệt 2 nguyên tố trung vi lượng B & Ca, giúp tăng tỷ lệ thụ phấn (giảm tỷ lệ hạt lép, hạt lửng).

Nếu thấy lá lúa hơi vàng, bón bổ sung 2 kg Urê/công. Phun xịt phân bón lá có chứa B & Ca trước khi lúa nhú bông. Chú ý, khi lúa mới trổ từ 1 - 3 ngày đầu không xịt phân bón, hoặc thuốc trừ sâu bệnh để tránh ảnh hưởng đến sức sống hạt phấn và độ dính của nhụy cái, sẽ làm giảm tỷ lệ thụ phấn.

Trong giai đoạn nuôi hạt (từ sau thụ phấn đến chín sữa và kết thúc chín sáp vào chắc hoàn toàn) cần giữ cho lá đòng và 2 lá kế tiếp đòng có màu xanh. Muốn giữ màu xanh cho 3 lá này thì cần cung cấp đủ dinh dưỡng và phòng trừ các loại sâu bệnh hại làm ảnh hưởng tới diện tích, màu sắc lá sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến quá trình quang hợp chuyển hóa tinh bột vào trong hạt lúa.

Nếu thấy màu lá vàng, cần bón bổ sung 3 kg Urê + 3 kg KCl/công. Nếu màu lá còn xanh, chỉ cần bón thêm 3 kg phân KCl/công. Nếu có điều kiện có thể phun xịt thêm phân bón lá có tỷ lệ N & K cao, phối hợp với phân bón lá chiết xuất từ rong biển để kéo dài màu xanh của lá lúa. Tháo kiệt nước trước thu hoạch 10 ngày.

TS. Nguyễn Đăng Nghĩa - Dân Việt, 18/02/2011

 

Đón đòng và nuôi hạt lúa đông xuân

NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CHÍNH CỦA LÚA ĐÔNG XUÂN GIAI ĐOẠN ĐÒNG TRỖ NĂM NAY

Theo Bộ NN - PTNT trên đồng ruộng toàn quốc hiện có 1.552.275 ha lúa vụ đông xuân, trong đó riêng Nam bộ là 1.322.154 ha, chia ra giai đoạn mạ: 534.554 ha, giai đoạn đẻ nhánh: 512.186 ha, giai đoạn đòng trỗ: 140.899 ha, giai đoạn chín: 124.602 ha. Như vậy từ nay đến Tết Tân Mão, việc chăm sóc lúa phần lớn đều diễn ra ở giai đoạn đòng trỗ, giai đoạn quyết định đến năng suất, chất lượng của vụ lúa chính trong năm và cũng là giai đoạn cây lúa mẫn cảm nhất với điều kiện ngoại cảnh.

Thời tiết đang có nhiều bất lợi, rét đậm rét hại ở phía Bắc và trở lạnh, có nhiều sương mù ở phía Nam. Với ĐBSCL còn có một trở ngại khác, đấy là do năm nay không có lũ lớn nên phần lớn bà con nông dân đều bón tăng lượng đạm, đầu vụ do có nhiều mưa lớn nên mật độ cây lúa không đều, nhiều chỗ thưa nhưng nhiều chỗ lại quá dày do bà con tăng lượng giống bù hao. Những yếu tố trên đã mang đến cho vụ lúa ĐX giai đoạn đón đòng và nuôi hạt có những đặc điểm chính như sau:

Đặc điểm sinh lý: Thời điểm xác định cây lúa bước vào giai đoạn này với những giống lúa có thời gian sinh trưởng dưới 100 ngày thì có thể theo cách tính thông thường là lấy thời gian sinh trưởng của cây lúa trừ đi 50. Tuy nhiên thời điểm phân hóa đòng chính xác còn phụ thuộc vào chế độ bón phân, nếu trong 2 lần bón trước bị dư đạm (lá xanh đậm) thì sẽ chậm lại vài ngày, ngược lại nếu thiếu đạm thì sẽ sớm một vài ngày. Để xác định chính xác ngắt một cây lúa ra, tước hết lá nếu thấy đốt trên cùng xuất hiện “tim đèn” thì cây lúa đã bước vào giai đoạn đón đòng và nuôi hạt. Đây cũng là giai đoạn mà cây tự phục hồi và bù trừ ít, nhất là khi lá đòng đã mọc thì không còn khả năng bù trừ nên phát hiện sâu hại lá thì cần diệt trừ ngay.

Đặc điểm dinh dưỡng: Đây là giai đoạn cây cần nhiều dinh dưỡng và các nguyên tố vi lượng (TE) để giúp cho quá trình thụ phấn, thụ tinh được tốt, trổ thoát, trổ nhanh không nghẹn đòng. Với các nguyên tố đa lượng, cây cần 2 nguyên tố chính là đạm và kali. Với ĐBSCL lượng đạm cần thiết cho cả vụ là khoảng 90 kg N nguyên chất/ha (khoảng 200 kg Urea), chia ra bón lần 1 (7 - 10 ngày sau sạ) 30%, bón lần 2 (18 - 20 ngày sau sạ) 40% và 30% còn lại dành cho bón đợt này. Với lúa sinh trưởng và phát triển bình thường, lá màu vàng chanh thì tỷ lệ N/K là 5/5, nếu lá xanh xanh đậm trong khung 5 - 6 bảng so màu lá lúa (dư N) thì 4N/6K, nếu lá bị vàng (khung 1 - 2 trong bảng so màu lá lúa) thì bón 6N/4K. Lưu ý nên bón phân vào buổi chiều mát, vì bón vào buổi sáng thì còn nhiều sương trên lá làm phân bám vào gây cháy lá.

Đặc điểm dịch hại: Điều kiện thời tiết se lạnh, chênh lệch nhiệt độ ngày đêm lớn là thuận lợi cho việc tích lũy vật chất khô, tiền đề của năng suất cao. Tuy nhiên điều kiện thời tiết trên cộng với đặc điểm sinh lý sức đề kháng thấp của cây lúa giai đoạn này cũng thuận lợi cho dịch hại tấn công. Dịch hại chính trong giai đoạn này là sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu và nấm bệnh đạo ôn.

+ Sâu cuốn lá nhỏ: Do không còn khả năng bù trừ nên khi phát hiện sâu cuốn lá nhỏ cần diệt trừ nhưng cần lưu ý là nếu dùng thuốc trừ sâu phổ rộng để trừ sâu cuốn lá nhỏ thì làm cho thiên địch bị chết và đấy là nguyên nhân tạo nên bộc phát rầy nâu. Thống kê các đợt bộc phát rầy nâu đều có liên quan tới việc sử dụng thuốc trừ sâu phổ rộng trong dịp gần với Tết Nguyên đán.

+ Rầy nâu: So với nhiều năm, diện tích bị nhiễm RN năm nay đều rất thấp kể cả diện tích lẫn mật số. Tuy nhiên cần phải hết sức cảnh giác vì tiềm năng rầy tấn công vẫn cao. Đây cũng là giai đoạn khó phòng trừ rầy. Khi phát hiện nhiễm thì phải bình tĩnh xem xét, nếu mật số rầy di trú thấp, có thiên địch thì không cần phun xịt, đợi đến khi lứa rầy cám xuất hiện thì dâng nước cao tận chảng ba để dồn rầy lên lá rồi phun xịt mới có hiệu quả cao.

+ Bệnh đạo ôn: Thống kê cho thấy toàn Nam bộ hiện có gần 50.000 ha bị nhiễm bệnh đạo ôn và rất có khả năng tăng mạnh trong tuần này vì thời tiết lạnh và độ ẩm cao. Cần sử dụng thuốc đặc trị bệnh đạo ôn.

NÊN SỬ DỤNG PHÂN CHUYÊN DÙNG

Nhiều bà con nông dân ĐBSCL cho biết họ đã tự phối trộn phân đơn theo công thức phân chuyên dùng cho lúa của Bình Điền nhưng sao không hiệu quả như bón phân chuyên dùng của Bình Điền. Thực ra phân chuyên dùng của Bình Điền ngoài các nguyên tố N, P, K được ghi trên bao bì còn nhiều nguyên tố khác mà đáng kể là silic và các nguyên tố vi lượng.

Theo các nhà khoa học, để đạt năng suất 9,3 T hạt và 8,3 T rơm rạ cho mỗi ha, cây lúa cần sử dụng 217 kg N, 309 kg kali và 69 kg lân nguyên chất. Ngoài ra cây còn sử dụng 38 kg canxi, 39 kg magie, 3 kg miolipđen, 0,3 kg Bo, 0,4 kg kẽm. Nếu tự phối trộn thì nông dân chỉ phối trộn được các nguyên tố đa và trung lượng, còn các nguyên tố vi lượng thì rất khó vì liều lượng chỉ tính theo đơn vị phần triệu (ppm).

Phân chuyên dùng của Bình Điền đã qua 3 thế hệ chính, những năm trước năm 2000, Bình Điền có phân chuyên dùng cho lúa Đầu trâu 997, Đầu trâu 998, Đầu trâu 999. Trước năm 2008, Bình Điền nghiên cứu và đưa ra thị trường Phân chuyên dùng cho lúa + TE và hiện nay là phân chuyên dùng cho lúa Agrotain + TE. Với thế hệ mới này, chẳng những tiết kiệm được 20 - 25% lượng đạm mà còn được bổ sung 5% SiO2 cùng nhiều các trung vi lượng khác nên sẽ mang lại hiệu quả cao.

Tuy nhiên cũng cần phải căn cứ vào thực tế mỗi ruộng mà có thể bổ sung thêm đạm hoặc kali khi sử dụng phân chuyên dùng. Ngoài ra có thể sử dụng thêm phân bón lá Đầu trâu 007, 009. Đầu trâu 007 sử dụng ngay sau khi bón phân đón đòng 1 - 2 ngày, Đầu trâu 009 sử dụng khi bông lúa bắt đầu cong có tác dụng thúc đẩy quá trình vào chắc làm giảm tỷ lệ hạt lép.

QN - Nông Ngiệp VN, 14/01/2011

Một số công việc cần thiết cho vụ lúa đông xuân

- Vệ sinh đồng ruộng thật kỹ, làm phẳng mặt ruộng giúp thuận tiện khi gieo sạ thưa, sạ hàng, giảm phân bón, tiết kiệm nước, thu hoạch cơ giới…

- Ngăn ngừa cỏ dại bằng cách sử dụng các loại thuốc trừ cỏ tiền nẩy mầm hoặc hậu nẩy mầm sớm sẽ giảm được nhiều chi phí diệt cỏ sau này.

- Chủ động diệt trừ ốc bươu vàng như đánh rãnh dẫn dụ ốc, đặt lưới, cặm cây, sử dụng thuốc trừ ốc…Ở vùng bị gặp lũ, có nhiều nước ốc phát tán mạnh gây thiệt hại nhiều trong giai đoạn đầu vụ.

- Đầu tư bón lót phân lân trước khi xuống giống giúp lúa phát triển mạnh ngay từ đầu và sau này có thể tiết kiệm phân bón mà rễ lúa vẫn hấp thu dinh dưỡng mạnh.

- Không bón thừa đạm gây lãng phí và lúa sâu bệnh, giảm năng suất; nhất là ở vụ Đông Xuân do quá trình ngập lũ các chân ruộng nhận được nhiều phù sa bồi đắp nên giảm lượng đạm hơn vụ khác. Nên sử dụng bảng so màu lá lúa theo dõi sát nhu cầu đạm cây lúa trong thời kỳ sinh trưởng.

- Tiếp tục thực hiện gieo sạ đồng loạt, tập trung để né rầy, tuân thủ lịch gieo sạ theo khuyến cáo địa phương. Bên cạnh cần theo dõi và phòng trừ các loại sâu bệnh: sâu cuốn lá nhỏ, đạo ôn lá, ngộ độc hữu cơ và ngộ độc phèn…

Kim Hoa - Long An, 22/10/2009

 

Tuyệt đối không cấy khi nhiệt độ dưới 15 độ C

Để hạn chế thấp nhất tác hại của thời tiết, đảm bảo thắng lợi sản xuất lúa vụ đông xuân, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phía Bắc tập trung chỉ đạo một số nội dung sau:

1. Với diện tích mạ đã gieo, phải tập trung tốt nhất các phương tiện, dụng cụ che chắn chống rét cho mạ (tre làm vòm, ni lon che phủ), bơm nước giữ ấm cho mạ. Nơi có điều kiện, thực hiện biện pháp đêm đưa nước vào ngâm, ngày tháo nước đi; tuyệt đối không bón đạm urê hay NPK, chú ý bón bổ sung phân chuồng hoai mục, phân lân, tro bếp nguội để chống rét cho mạ;

2. Tuyệt đối không cấy khi nhiệt độ trung bình ngày đêm xuống dưới 15 độ C, các địa phương có mạ dài ngày cần khuyến cáo nông dân chủ động và không cấy lúa vào xung quanh Tiết Đại hàn (20/01/2011);

3. Với diện tích mạ đã gieo và diện tích lúa đã cấy hoặc gieo vãi có nguy cơ bị chết do rét đậm rét hại, các địa phương chủ động kiểm tra đánh giá, có kế hoạch hủy bỏ và có phương án chuẩn bị giống ngắn ngày để thay thế diện tích mạ và lúa đã bị chết rét;

4. Tăng cường kiểm tra, giám sát và chỉ đạo chặt chẽ thời điểm ngâm ủ, gieo mạ xuân muộn theo lịch thời vụ, kế hoạch sản xuất và diễn biến của thời tiết; tránh tình trạng để nông dân gieo mạ trà xuân muộn trước lịch và gieo vào thời gian thời tiết rét đậm, rét hại. Nên gieo mạ trà xuân muộn xung quanh Tiết Lập xuân (4/2/ 2011), không gieo trước Tiết Đại hàn;

5. Các địa phương tập trung tuyên truyền, vận động nông dân mở rộng diện tích gieo sạ, gieo vãi bằng các giống ngắn ngày trên diện tích trồng lúa chủ động tưới tiêu;

6. Chủ động triển khai việc lấy nước phục vụ gieo cấy vụ ĐX theo kế hoạch đã được thống nhất của Bộ NN-PTNT (đợt 1 vào ngày 27/1-2/2/2011); chuẩn bị tốt nhất điều kiện đất đai, vật tư và phân bón phục vụ kịp thời kế hoạch sản xuất đã đề ra;

7. Tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, chủ động và sẵn sàng các phương án phòng, chống rét kịp thời, chuẩn bị đủ mạ và hạt giống dự phòng để chủ động khắc phục khi cần thiết...

Mạ xuân đang chết

Trong các ngày 14-16/1, Cục Trồng trọt đã cử các mũi công tác về các địa phương miền Bắc nắm tình hình thiệt hại cây trồng do rét hại gây ra, đặc biệt là mạ phục vụ gieo cấy vụ ĐX.

Theo ông Đinh Công Chính (Phòng Cây lương thực, cây thực phẩm, Cục Trồng trọt) cho biết, tình trạng mạ phục vụ trà Xuân sớm, Xuân trung tại một số tỉnh Trung du MNPB như Tuyên Quang, Bắc Giang, Bắc Ninh... bị chết rét là khá nghiêm trọng. Các diện tích mạ bị chết hầu hết do các nguyên nhân như: Nông dân không che phủ nilon; hoặc che nilon nhưng không kín, không kiểm tra để gió tốc bay, hay gia súc phá tốc; không có nước ở chân rãnh...

Một số nơi, sau khi thấy rét đậm nông dân mới che phủ nilon cho mạ nhưng lại không làm lồng, chỉ phủ nilon trực tiếp lên luống mạ khiến mạ không hô hấp được và bị chết. Các giống lúa dòng Xi chịu rét kém có tỉ lệ mạ bị chết rét khá lớn. Sở NN-PTNT tỉnh Thái Bình cho biết, hầu hết diện tích mạ phục vụ cho hơn 600 hecta lúa trà Xuân trung hiện đã và đang bị chết rét khá nghiêm trọng do hầu hết không được che phủ nilon. Tình hình mạ chết tại Hà Nam (một địa phương có diện tích trà Xuân trung khá lớn) cũng tương tự...

Trước tình hình trên, hôm qua, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đã có Công điện đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh phía Bắc tập trung chỉ đạo nhằm hạn chế tác hại...

Lê Bền - Nông nghiệp VN, 19/01/2011

 

Những lưu ý về gieo cấy vụ đông xuân 2010 - 2011

Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) thông báo về gieo cấy vụ đông xuân tại các tỉnh miền Bắc trong thời điểm rét hại kéo dài:

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, vụ đông xuân 2010 - 2011 khu vực Bắc bộ có khả năng xảy ra từ 3 - 4 đợt rét đậm, rét hại kéo dài, tập trung vào tháng 1-2011. Đợt rét đậm đầu tiên xuất hiện sớm hơn so với trung bình nhiều năm. Để hạn chế thấp nhất tác hại của thời tiết đến sản xuất lúa, rau màu và một số cây công nghiệp lâu năm, Cục Trồng trọt đề nghị:

Đối với lúa vụ đông xuân 2010 - 2011: Diện tích mạ vụ xuân sớm đã gieo, cần chủ động che phủ nilon, duy trì mức nước ruộng từ 1 - 2 cm, bón bổ sung tro bếp để giữ ấm đồng thời tăng cường khả năng chống rét cho mạ; những ngày nhiệt độ xuống thấp hơn 15 độ C ngừng cấy lúa xuân sớm. Theo dõi thường xuyên tình hình sâu bệnh hại trên mạ, những địa phương có diện tích mạ bị bệnh virus gây bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và lùn sọc đen, cần tổ chức huỷ bỏ và phun thuốc trừ rầy theo hướng dẫn của ngành bảo vệ thực vật. Chuẩn bị tốt nhất các điều kiện về nhân lực và hệ thống máy bơm, kể cả bơm dầu, bơm lưu động để chủ động lấy nước đạt hiệu quả cao nhất trong khung lịch lấy nước đổ ải đợt 1 từ ngày 27-1, đến 2-2-2011. Chủ động đủ nguồn giống lúa dự phòng, đảm bảo chất lượng để gieo mạ bổ sung hoặc gieo thẳng kịp thời nếu thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài gây chết mạ.

Đối với rau màu vụ đông 2010: Khẩn trương thu hoạch cây vụ đông để chuẩn bị cấy lúa xuân. Không gieo trồng các cây màu, lạc, đậu tương khi thời tiết còn rét đậm.

Đối với một số cây công nghiệp lâu năm: Đối với cây cao su mới trồng, để giảm tác hại của rét và hạn, cần tăng cường tủ gốc; vườn ươm cao su cần che chắn gió rét và phun nước lã vào sáng sớm để giảm tác hại của sương muối. Đối với cây cà phê có biện pháp che phủ cây mới trồng, nơi có điều kiện có thể phun nước lã buổi sáng nhằm giảm thiểu tác hại của sương muối.

Để giảm thiểu thiệt hại do đợt rét kéo dài đối với cây trồng vụ đông xuân, chúng tôi khuyến cáo bà con nông dân kết hợp sử dụng chế phẩm hữu cơ sinh học KH - AH - NH đối với từng công đoạn gieo trồng như sau:

1. Đối với cây lúa và rau màu: Phòng chống rét, phục hồi khi cây bị rét hại bằng sản phẩm phân bón lá hữu cơ sinh học KH, AH, NH của Công ty cổ phần Thanh Hà: Pha 1 chai loại 100 ml với 600 lít nước sạch phun kỹ thân lá và gốc hoặc pha 1 gói loại 15 ml với 40 lít nước sạch phun kỹ thân lá và gốc, sau 4 - 5 ngày phun lại 1 lần trường hợp nhiệt độ dưới 10 độ C thì cách 1 ngày phun lại 1 lần. Khi nhiệt độ tăng tới 15 độ C phun 1 lần rồi chăm sóc bình thường như hướng dẫn ở bao bì.

2. Đối với cây công nghiệp: Như cao su, chè và các loại khác trường hợp nhiệt độ dưới 10 độ C thì phun 1 chai loại 100 ml với 400 lít nước sạch, phun kỹ ướt thân, lá và gốc, cách 1 ngày phun lại 1 lần. Nhiệt độ đạt từ 15 độ C trở lên thì pha 1 chai loại 100 ml với 600 lít nước sạch phun ướt lá, thân và gốc rồi chăm sóc bình thường như hướng dẫn ở bao bì.

Agroviet, 18/01/2011

 Nhấn vào đây để xem tất cả các tin kỹ thuật trồng lúa

 

 

 

Trồng trọt mùa mưa, bão, lũ

 

 

 

 

 

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang