Hạt giống mẩy có đủ lượng dinh dưỡng nuôi cây mạ từ lúc nảy mầm đến 3 lá thật, hạt giống mẩy cũng có tác dụng làm tăng sức nảy mầm (hạt nảy mầm sớm hơn, khoẻ hơn) và tăng tỷ lệ nảy mầm (hạt nảy mầm nhiều hơn) nên dược mạ đảm bảo chất lượng tốt hơn.
Chọn hạt mẩy chỉ áp dụng đối với các giống lúa thuần, hạt giống lúa lai các loại không được áp dụng công đoạn này.
Dùng phương pháp tỷ trọng để loại trừ hạt lửng, hạt lép, hạt cỏ các loại, chọn được hạt giống mẩy, cách làm như sau: Lấy bùn ao pha loãng với nước cho vào thùng nhựa, chum vại có dung tích khoảng 20-30 lít. Dùng quả trứng gà tươi thả vào dung dịch bùn làm dụng cụ đo tỷ trọng, khi nào thấy quả trứng nổi nằm ngang lập lờ trên mặt nước, phần nổi bằng khoảng đồng xu kim loại 5.000đ là vừa, (nếu trứng chìm cần cho thêm bùn, ngược lại trứng nổi nhiều cần cho thêm nước), ta đổ thóc giống vào, các hạt chắc mẩy chìm xuống đáy giữ lại. Hạt lửng, hạt lép nổi lên trên mặt nước, vớt bỏ. Tiếp tục thử tỷ trọng nước sau khi vớt hạt giống bằng quả trứng, và cho tiếp thóc giống vào cho đến khi hết lượng giống cần gieo.
Có thể dùng 2,3kg muối ăn hoà tan với 10 lít nước rồi cũng dùng quả trứng làm phao thử thay nước bùn loãng, các bước tiến hành làm tương tự như trên. Chú ý hạt thóc lửng (cho gia cầm ăn) cần phải rửa kỹ cho sạch nước muối trước khi sử dụng.
Nguyễn Văn Duy - NNVN, 22/10/2007
Đặc điểm của những giống lúa cao sản ngắn ngày là có thời gian ngủ nghỉ sau khi thu hoạch. Thời gian này kéo dài từ 10-15 ngày tùy từng giống. Nếu lúa giống gặt về trong khoảng thời gian này lấy làm giống sạ lại mà không xử lý thì tỷ lệ hạt giống nảy mầm sẽ rất ít và không đều dẫn đến lượng hạt giống cần dùng nhiều, gây lãng phí.
Hiện nay ở ĐBSCL, sau khi thu hoạch lúa Đông xuân, đa số nông dân đốt đồng và dùng ngay lúa mới thu hoạch để làm giống sạ cho vụ Xuân hè (sạ chui). Lượng giống bà con nông dân thường dùng là khá nhiều (200-250 kg/ha). Hạt giống nảy mầm tốt thì lượng giống chỉ cần 150 kg/ha là đủ cho mật số cây/m2 phù hợp. Khi ngâm giống bà con cần thử tỷ lệ nảy mầm trước, nếu thấy giống nảy mầm với tỷ lệ thấp thì cần phải xử lý, trong trường hợp sạ hàng mà lúa nảy mầm không đều sẽ phải bỏ giống rất lãng phí. Để giúp bà con nông dân có được tỷ lệ hạt giống nảy mầm cao, chúng tôi xin giới thiệu cách dùng acid nitric (HNO3) để xử lý hạt giống. Cách làm như sau:
Hạt giống sau khi thu hoạch cần phơi khô, đãi sạch những hạt lửng lép.
Acid mua tại các cửa hàng hóa chất hoặc các đại lý nông dược, chai được đóng sẵn là 100 ml. Đong 100 lít nước sạch vào lu sành hoặc thùng mủ, sau đó đổ từ từ 100 ml dung dịch acid vào nước, khuấy đều rồi đổ 100 kg lúa vào ngâm trong thời gian 36-48 giờ. Sau đó vớt lúa ra, mang lúa ra sông hay ao hồ đãi sạch hết nước chua và đem ủ kỹ bằng rơm, bao bố hoặc tấm đệm (nếu trời lạnh thì cần ủ thật kỹ bằng rơm khô). Ủ được 24 giờ kiểm tra xem lúa đã nứt nanh thì bỏ đồ che phủ ra và tưới đều cho lúa từ trên xuống dưới và ủ lại từ 12-24 giờ nữa, lúa sẽ nảy mầm đều. Tùy theo phương pháp sạ theo hàng hay sạ lan mà chọn mộng dài hay ngắn.
Cần chú ý khi xử lý lúa bằng acid:
- Không dùng dụng cụ bằng kim loại, acid sẽ ăn mòn và làm hư đồ dùng.
- Khi pha nhớ đổ từ từ acid vào nước chứ không đổ acid vào thùng trước rồi mới đổ nước sau.
- Thật cẩn thận khi thao tác, cần đeo găng tay không thấm nước và áo quần bảo hộ.
- Tránh không để acid dính vào da thịt, áo quần.
- Rửa sạch dụng cụ sau khi xử lý bằng nước sạch.
ThS.TRẦN VĂN HIẾN (Viện Lúa ĐBSCL, ÔMôn, Cần Thơ) - Báo Hậu Giang, 12/5/2010
Thời vụ gieo cấy lúa xuân năm 2011 ở các địa phương miền Bắc đang cận kề. Nhớ lại vụ xuân năm 2008, trong khi các phương pháp làm mạ non hoặc gieo thẳng gặp rất nhiều khó khăn và chi phí tốn kém, thì việc gieo mạ trong túi nylon của chúng tôi lại có khả năng khắc phục được tình trạng này.
Làm mạ non hoặc gieo thẳng được xác định là một tiến bộ khoa học kỹ thuật, ngoài đảm bảo thời vụ còn khai thác tiềm năng năng suất với các giống ngắn ngày. Mỗi phương pháp đều có những quy định nghiêm ngặt về kỹ thuật tiến hành; biện pháp phòng tránh những bất lợi của yếu tố thời thiết và sự gây hại của vật nuôi, chim, chuột, cỏ dại. Từ đó đã trở thành quen thuộc với đa số bà con nông dân.
Chẳng hạn, chỉ cần trên dưới 1 kg giống (từ lúa thuần đến lúa lai) là đủ gieo cấy cho 1 sào, góp phần rất lớn trong chuyển đổi cơ cấu diện tích trà xuân sớm sang trà xuân muộn nhằm tăng cao sản lượng lúa xuân. Tuy nhiên, thời tiết vẫn đóng vai trò quyết định đến thành công của các phương pháp này.
Cụ thể: Vụ xuân năm 2008 do rét đậm, rét hại kéo dài 38 ngày đêm mà nhiều diện tích mạ non hoặc lúa gieo thẳng ở các địa phương miền Bắc đều bị chết khô và phải gieo lại. Bà con nông dân sản xuất giỏi ở huyện Nam Sách (Hải Dương) đã chi phí hết hơn 20 nghìn đồng tiền giống lúa thuần cho 1 sào vì phải gieo lại; còn tốn bao công che chắn, đánh chuột và bừa kép ruộng.
Tuy thời điểm bước vào phân hóa đòng của cây lúa phụ thuộc chủ yếu vào lượng tích ôn, nhưng trong điều kiện thời tiết vụ xuân năm 2008, nắm bắt diễn biến nhiệt độ, quyết định ngày ngâm gieo, tìm cách gieo khác, nhằm đảm bảo hiệu quả và thời vụ là rất quan trọng. Từ đó, trong khi bà con nông dân đã đồng loạt gieo vỗ lại, thì ngày 6 tháng 2, chúng tôi đã dùng 5 túi nylon trắng để ngâm ủ 1 kg giống KM18 và cho mống mọc thành cây mạ ngay trong túi.
Kết quả:
Hạt thóc giống mọc mầm với tỉ lệ cao, rễ ra trắng phau, mập mầm, chỉ đến ngày 15 tháng 2 mầm mạ thành hình mũi chông và đến ngày 20 tháng 2 đã xòe lá thật thứ nhất, bằng với cây mạ cùng giống và được gieo vỗ trên nền đất cứng từ ngày 1 tháng 2.
Tách được dễ dàng từng cây mạ ra mà không bị đứt rễ. Một số bà con nông dân ở xã Thanh Quang – Nam Sách không những đã thừa nhận là túi nylon có tác dụng giữ nhiệt, đảm bảo ánh sáng, như ô mạ di động, tránh được giá lạnh và sâu, chuột, mà còn xin về dặm vào những đám lúa đã bị chết rét. Sau này kiểm tra, chúng tôi thấy lúa được dặm lại sinh trưởng phát triển tốt, dày bông, sai hạt và chín đều khi thu hoạch.
Từ tiết phân thu (23/9) đến nay, thời tiết ít mưa và khô hanh hơn nhiều so với hàng năm; ong vàng vẫn chưa tàn tổ, còn tươi roi rói trên cây. Theo kinh nghiệm của các cụ thì vụ đông năm nay rét đậm về muộn và kéo dài. Trong điều kiện này, chúng tôi còn cho rằng: chưa ai dám khẳng định là sẽ không có “rét đậm, rét hại” xảy ra, bởi mùa đông năm 2007 ong vàng cũng chậm tàn tổ; từ giữa đến cuối thàng 12 năm 2007, ở góc vườn cao, bậc hiên, bậc hè... thuộc những chỗ khuất gió, kiến vàng liên tục làm tổ đùn đất chúi sâu.
Giá giống lúa thuần đang tăng theo giá thóc thịt ngoài thị trường, còn “giá giống lúa lai Trung Quốc đang vống lên”. Có nhiều nguyên nhân mà các địa phương miền Bắc chưa thể thực hiện gieo thẳng toàn bộ diện tích ở trà xuân muộn. Công tác phòng tránh các loại bọ rầy – môi giới truyền dịch bệnh vàng lùn & lùn xoắn lá, lùn sọc đen ở giai đoạn mạ đang được đặt ra. Vì vậy, chúng tôi mạnh dạn giới thiệu cách gieo mạ trong túi nylon để mọi người cùng tham khảo.
Cách làm như sau:
- Dùng túi nylon trắng, dày vừa phải và đứng thành, kích cỡ loại (30x50 cm), 1 kg giống (lúa lai hoặc lúa thường) có thể ngâm gieo trong 4 đến 5 túi này.
- Thời gian ngâm, thay nước theo đúng hướng dẫn trên bao bì của từng loại giống, bắt buộc phải ngâm và rửa chua bằng nước ấm tan giá.
- Sau khi ngâm đủ thời gian quy định thì chắt nước, gấp túi nylon và để chỗ ấm trong nhà hay góc bếp. Kiểm tra, hạt thóc nứt nanh nảy mầm thì tiếp tục cho uống nước khoảng 2 đến 3 tiếng/ngày, bằng cách cho nước ấm tan giá ngập mống khoảng 1 đến 2 đốt ngón tay, sau đó chắt nước.
- Khi cây mạ đạt khoảng 1 lá và nhiệt độ ngoài trời lớn hơn và bằng 15oC thì mang cấy đặt ngoài đồng, bà con chỉ việc nhấc tách từng dảnh mạ và đặt nông, mạ nhanh bén rễ hồi xanh.
KS. NGUYỄN HỮU VÂN - Nông Nghiệp VN, 22/11/2010
Gieo mạ trong túi ni-lông sẽ tránh được giá lạnh và sâu, chuột; lúa sinh trưởng phát triển tốt, dày bông, sai hạt và chín đều khi thu hoạch. Xin giới thiệu cách làm này để bà con nông dân cùng tham khảo.
- Dùng túi ni-lông trắng, dày vừa phải và đứng thành, kích cỡ loại (30x50 cm); 1 kg giống (lúa lai hoặc lúa thường) có thể ngâm gieo trong 4 đến 5 túi.
- Thời gian ngâm, thay nước theo đúng hướng dẫn trên bao bì của từng loại giống, bắt buộc phải ngâm và rửa chua bằng nước ấm.
- Sau khi ngâm đủ thời gian quy định thì chắt nước, gấp túi ni-lông và để chỗ ấm trong nhà hay góc bếp. Kiểm tra hạt thóc nứt nanh nảy mầm thì tiếp tục tưới nước khoảng 2 đến 3 giờ/ngày, bằng cách cho nước ấm tan giá ngập mống khoảng 1 đến 2 đốt ngón tay, sau đó chắt nước.
- Khi cây mạ đạt khoảng 1 lá và nhiệt độ ngoài trời lớn hơn và bằng 150C thì mang cấy ngoài đồng, bà con chỉ việc nhấc tách từng rảnh mạ và đặt nông, mạ nhanh bén rễ hồi xanh.
KS. NGUYỄN HỮU VÂN (Trạm Khuyến nông huyện Nam Sách) - Báo Hải Dương, 07/12/2010
* Diễn biến thời tiết: Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thuỷ văn quốc gia, vụ xuân năm 2011 là một vụ xuân rét, rét hơn trung bình nhiều năm. Các đợt rét tập trung vào tháng 1 đầu tháng 2, đúng vào thời điểm gieo mạ xuân. Để đảm bảo có đủ mạ cấy hết diện tích đúng cơ cấu, đúng thời vụ và phòng chống tốt bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, lùn sọc đen, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Nam Định đề nghị bà con nông dân thực hiện tốt một số biện pháp sau:
1 - Giống:
- Chọn địa chỉ tin cậy để mua giống như: các công ty, các HTX dịch vụ có bảo hành đến cuối vụ. Sử dụng các giống lúa có chất lượng tốt từ cấp xác nhận đến nguyên chủng, ngắn ngày có tỷ lệ nảy mầm: lúa lai >= 80%; lúa thuần >= 85%.
- Thực hiện nguyên tắc 3 cùng: “Cùng giống, cùng thời vụ, cùng cánh đồng” để từ đó quy vùng gieo cấy tại địa phương.
- Giống lai: D.ưu 527, Nhị ưu 838, D.ưu 725, Thái xuyên 111, Phú ưu 1, N.69, Syn 6, HYT 100, Thiên ưu 1025, VQ 14... lượng: 1,0-1,2 kg/sào.
- Giống thuần: BT7, KD18, NĐ1, VHC, Nếp 87, 97... lượng: 2-3 kg/sào.
- Mở rộng diện tích trình diễn các giống lúa mới ngắn ngày có năng suất khá, chất lượng tốt, chống chịu sâu bệnh tốt như: NĐ5, TBR45, QR1...
2 - Thời vụ gieo: Căn cứ vào thời gian sinh trưởng của giống để bố trí thời gian gieo mạ sao cho các giống trỗ bông vào thời điểm thuận lợi nhất từ 5-15 - 5.
- Giống có TGST > 125 ngày: gieo 22 đến 30-1 (gồm giống lai như trên + NĐ1).
- Giống có TGST < 125 ngày: gieo 1 đến 7-2 (gồm giống lúa thuần như trên + HYT100, VQ14).
- Lúa gieo sạ: gieo 10 đến 15 - 2.
3 - Kỹ thuật ngâm ủ: Trước khi ngâm nước nên phơi hạt giống qua nắng.
- Lúa lai ngâm 20-30 giờ, cứ 5 giờ thay nước 1 lần.
- Lúa thuần ngâm 60-70 giờ; 10 giờ thay nước 1 lần.
- Ngâm thóc trong nước ấm 35 độ C, giống D.ưu 527 phải ngâm thuốc “bách bệnh tiêu” để trừ nấm von, cách ngâm: pha một gói thuốc trong túi giống vào một lít nước khuấy đều để ngâm 1 kg giống trong 10 giờ đãi sạch rồi ngâm tiếp cho đủ nước. Sau đó đãi sạch nước chua và để ráo nước khi ủ. Khi ủ phải đủ nhiệt (30-32 độ C) bằng cách vùi trong đống rơm rạ sau 24-30 giờ kiểm tra, nếu thấy khô thì phải tưới bổ sung. Khi hạt nứt nanh thì vùi nông hơn. Khi mộng, rễ dài bằng hạt thóc đem gieo, riêng sạ hàng mộng, rễ dài bằng 1/2 hạt thóc.
4 - Phương thức gieo mạ:
a - Mạ nền: (Là phương thức gieo chủ yếu)
- Chọn nền đất gieo nơi kín gió Bắc, đủ ánh sáng, thoát nước tốt.
- Nên rải một lượt trấu, tro bếp hoặc lá chuối trước khi dàn bùn để tránh làm đứt rễ khi lấy mạ đi cấy.
- Chọn bùn không chua, không hẩu; lấy trước khi gieo 1-2 ngày.
- Trộn bùn với phân chuồng mục theo tỷ lệ 2:1 cứ 5m2 nền trộn thêm 1 kg lân supe, sau đó dàn đều bùn dầy 2 cm, luống rộng 1,2-1,3m.
- Mật độ gieo:
+ Lúa lai: 1kg gieo 5m2 nền
+ Lúa thuần: 1 kg gieo 3m2 nền
Sau gieo dùng chổi hoặc bao tải dập chìm mộng.
- Tưới nước: ngày tưới 2 lần, dùng ô doa tưới vào buổi sáng và buổi chiều, không để nước đọng trên luống mạ và trên rãnh mạ.
b- Mạ dược cấy vàn trũng:
- Chọn ruộng có độ phì khá, khuất gió bắc gieo thành vùng tập trung để tiện tưới tiêu, chăm sóc, bảo vệ mạ.
- Ruộng được cày bừa kỹ, san phẳng, dọn sạch cỏ dại và tàn dư thực vật.
- Lên luống rộng 1-1,2m, rãnh rộng 25-30cm, sâu 15-20cm.
- Phân bón:
+ Lượng phân: 200-300 kg P/c hoai mục hoặc 20 kg phân hữu cơ vi sinh Sông Gianh + 15 kg supe lân
+ 2 kg urê + 2 kg kali cho một sào mạ.
+ Cách bón: Sau khi lên luống, rắc toàn bộ phân lên mặt luống, dùng cào dập chìm phân rồi gạt phẳng mặt luống, sau một ngày mới gieo.
- Mật độ gieo:
+ Lúa lai: 1 kg giống/20m2 dược.
+ Lúa thuần: 1 kg giống/10m2 dược.
- Chia mộng theo số luống để gieo cho đều, gieo xong dùng bao tải kéo chìm mộng.
- Tưới nước: từ gieo -1,5 lá giữ đủ ẩm, từ 1,5- cấy giữ nước nông 1 cm mặt luống.
5 - Chống rét và bảo vệ mạ: Để đảm bảo cho mộng mạ sau gieo ngồi nhanh, STPT khoẻ nhất thiết phải che đậy kín bằng nilon trắng 5-7 ngày để giữ nhiệt độ.
- Dùng cọc tre dài 1,8-2 m, rộng 2-3 cm, cắm cách nhau 1,5 m, đỉnh dàn cách mặt luống 60 cm.
- Đóng mở ni lon: để chống rét và phòng chống rầy xâm nhập hại mạ.
+ Nhiệt độ dưới 15 độ C đóng ni lon cả ngày và đêm.
+ Nhiệt độ trên 15 độ C ngày mở, đêm đóng từ 5h chiều đến 7h sáng hôm sau.
- Khi mạ nền bị chết chòm, loại bỏ ngay mạ bị chết chòm, đặt mạ lên lớp bùn mới hoặc cấy ngay nếu nhiệt độ > 15 độ C.
- Bảo quản mạ: dùng lưới hoặc nilon quây xung quanh khu gieo mạ chống gà, chó, mèo, chuột... phá hoại.
- Gieo dự phòng bằng các giống ngắn ngày: VHC, KD18, BT7,...
* Tiêu chuẩn mạ khoẻ: Cứng cây, đanh dảnh, lá màu xanh tươi, sạch sâu bệnh; gieo mạ dược có ngạnh trê, cao cây 20-25 cm; mạ nền có 2,5 lá cao cây 10-12cm.
6- Sâu bệnh:
- Phát hiện và phòng trừ kịp thời các đối tượng gây hại chủ yếu như: Rầy nâu, rầy lưng trắng, dòi đục nõn, bọ trĩ,... phun tiễn chân mạ trước khi cấy 3-4 ngày bằng một trong các loại thuốc nội hấp: Actara 25 WG, Penalty 40WP, Dantotsu 16 WSG, Conphai 10 WP...
- Nếu mạ bị bệnh lùn sọc đen phải nhổ bỏ vùi cây bệnh tiêu huỷ ngay từ vùng mạ bị nhiễm bệnh. * Chú ý: Không che mạ bằng bạt hoặc nilon tối màu, không lạm dụng che nilon. Chuẩn bị giống sớm kể cả lúa lai và lúa thuần vì hiện tượng thiếu giống lúa vụ xuân là thực tế./.
Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Nam Định - Báo Nam Định, 17/12/2010
Trong nhiều vụ xuân các năm qua, nông dân thuộc địa bàn huyện Nam Sách, Hải Dương luôn đạt được những thành quả nhất định, năng suất lúa xuân (nhất là trà xuân muộn) luôn đứng đầu tỉnh.
Có được như vậy là nhờ vào nhiều cố gắng nhất định của cán bộ và nông dân huyện nhà, trong đó phải kể đến những biện pháp tác động tích cực khi gặp những bất lợi của thời tiết, dịch bệnh... Xin chia sẻ kinh nghiệm gieo mạ khi thóc mới nứt nanh trong điều kiện giá rét của một số nông dân qua thực tế đã đạt hiệu quả khả quan.
Như chúng ta đã biết, nhiệt độ thích hợp cho hạt thóc nảy mầm là từ 30 - 35oC. Việc ủ ấm thúc mầm cho thóc vụ xuân của hầu hết các hộ nông dân miền Bắc vẫn là phương pháp ủ đống có dùng rơm rạ, tro bếp để tăng nhiệt cho đống ủ. Vì vậy, nếu ủ thóc trong điều kiện trời giá rét, thậm chí rét đậm kéo dài như những ngày vừa qua thì nhiệt độ đống ủ chỉ cao hơn bên ngoài từ 3 - 4 độ (không thể giúp cho hạt nảy mầm thuận lợi). Càng giữ giống kéo dài trong đống ủ lại càng không có lợi cho lô giống thậm chí là thóc sẽ bị thối do tinh bột chuyển hóa thành đường để lâu sẽ lên men gây thối hạt. Biện pháp tốt nhất nhằm giải quyết bất lợi này là gieo mạ trên nền đất cứng có ni lông che phủ ngay khi hạt thóc vừa mới nứt nanh. Cách làm này đòi hỏi nông dân cần phải rất cẩn trọng trong từng cách thức làm. Cụ thể như sau:
Dùng bùn hẩu ở ao không bị ô nhiễm (đã được để hả ngoài không khí từ 2 - 3 ngày) bóp nhỏ cho tơi rồi trộn đều với một lượng nhỏ phân chuồng mục (3 bùn : 1 phân) và supe lân (0,3 - 0,5 kg/m3 bùn) sao cho loãng hơn làm bùn gieo mống đã có mầm và rễ. Loại bỏ lẫn tạp rồi trải bùn loãng trên nền đất cứng có lót lá chuối hoặc lớp trấu mục (5 - 10 cm). Không cần trải bùn dày như gieo mống có mầm, rễ, lớp bùn này chỉ cần dày từ 1 - 1,5 cm, cán phẳng rồi gieo mấm mới nứt nanh lên trên mặt bùn.
Chú ý không được gieo mấm ngập trong bùn như gieo mấm có mầm, rễ vì như vậy mấm sẽ nhanh bị thối. Nên gieo ngửa tay sao cho mấm nằm trên mặt bùn. Gieo xong, dùng ni lông trắng phủ kín để giữ nhiệt cho mấm mạ. Sau khoảng 3 - 4 ngày, khi thấy mấm ngồi và ra rễ thì dỡ bỏ ni lông rồi dùng nước bùn loãng (đã được để hả hơi từ 2 - 3 ngày) tưới đều phủ kín hạt thóc rồi làm khung ni lông cao 0,5 - 0,8 m che cho mạ. Việc tưới này có thể lặp lại từ 2 - 3 lần trong thời gian mạ còn trên nền cứng.
Chú ý: Trong thời gian mạ trên nền cứng tuyệt đối không được tưới bất kì một loại dinh dưỡng nào qua rễ vì giai đoạn này cây mạ không có khả năng hút dinh dưỡng nhờ rễ, chỉ được sử dụng các chế phẩm phân hữu cơ, vi lượng qua lá để phun cho mạ được phát triển thuận lợi. Bốc mạ đi cấy khi mạ được từ 2,5 - 3 lá thật.
Thực tế cho thấy, khi gieo theo phương pháp này cây mạ phát triển rất thuận lợi, bộ rễ và mầm phát triển nhanh hơn hình thức ủ đống trong nhà (đối chứng) vì nó được “ở” trong môi trường đất. Cây mạ sau khi ra đồng phát triển nhanh hơn, bộ rễ dài rộng hơn đối chứng là tiền đề cho năng suất cao sau này.
KS TRẦN THỊ LIÊN - Nông Nghiệp VN, 14/01/2011
Nhấn vào đây để xem tất cả các tin kỹ thuật trồng lúa
- Kỹ thuật trồng cây ăn trái, rau màu, cây dược liệu và các loại cây khác
Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.