Trong những ngày vừa qua, thời tiết diễn biến tương đối phức tạp và theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia thì đợt không khí lạnh tràn về vào ngày 19-2 có thể gây rét đậm, rét hại trên diện rộng trong 3 - 4 ngày tới, như vậy sẽ ảnh hưởng tới sự sinh trưởng và phát triển của mạ và lúa sau khi cấy.
Che phủ nilon chống rét cho mạ ở huyện Gia Viễn. Ảnh: Tuấn Anh
Trước tình hình trên, bà con nông dân cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, nếu những ngày nhiệt độ dưới 15 độ C thì dừng ngay việc cấy và chăm sóc cho lúa sau khi cấy, đồng thời thực hiện một số biện pháp kỹ thuật đối với từng trà lúa như sau:
1. Với diện tích trà xuân sớm: Tập trung chủ yếu ở huyện Nho Quan, Gia Viễn và Tam Điệp, (Ninh Bình) hiện nay lúa đang trong giai đoạn bắt đầu đẻ nhánh, bà con cần tiếp tục duy trì lớp nước mặt ruộng để tăng cường khả năng chống rét cũng như giúp cho lúa đẻ nhánh tập trung khi thời tiết nắng ấm trở lại.
2. Với diện tích lúa mới cấy: Cần tiếp tục duy trì lớp nước mặt từ 2 - 3 cm để lấy nước làm áo giữ ấm chân mạ (tuyệt đối không được để ruộng khô cạn), tăng khả năng chống rét và khi thời tiết nắng ấm trở lại, cây lúa vươn lá mới và ra rễ trắng thì mới tiến hành chăm sóc, bón thúc như bình thường.
3. Với diện tích lúa gieo thẳng: Tiếp tục duy trì nước ở rãnh, đảm bảo mặt luống luôn đủ ẩm, nếu có điều kiện dùng tro bếp, rơm rạ bón đều trên mặt luống để tăng cường khả năng chống rét.
Đối với những diện tích gieo thẳng mà mộng mạ chưa gieo, trong điều kiện thời tiết rét đậm, bà con cần phải hãm mộng mạ, bằng cách rải đều ra nền cứng với độ dầy từ 7 – 10cm để hạn chế sự phát triển của mộng mạ và tranh thủ những lúc buổi trưa trời hửng nắng thì tiến hành gieo.
4. Với những diện tích mạ chưa cấy: Mạ đã được tuổi cấy, sinh trưởng, phát triển bình thường thì tiếp tục duy trì độ ẩm, che phủ nilon kín để giữ ấm cho mạ trong những ngày rét đậm, rét hại. Còn đối với những diện tích mạ mà sự sinh trưởng, phát triển kém, có biểu hiện lá vàng úa do chúng ta làm sướng mạ mỏng, không đủ dầy, không được bón lót đầy đủ và không được che nilon trong những ngày rét đậm, thì có thể dùng 100 – 200g supe lân pha loãng với nước phân chuồng hoai mục để tưới thường xuyên cho 1 m2 mạ (tuyệt đối không được tưới nước phân đạm) và che phủ nilon kín sẽ giúp cho cây mạ dần phục hồi và khi thời tiết nắng ấm trở lại thì cần đóng mở nilon cho hợp lý, đặc biệt là phải luyện mạ trước khi cấy.
Trong thời gian chờ đợi thời tiết ấm dần trở lại, bà con cần đẩy nhanh tiến độ làm đất với phương châm là ruộng chờ mạ, chuẩn bị đầy đủ vật tư phân bón, tổ chức đánh bắt chuột và ốc bươu vàng trước khi cấy.
Khi thời tiết nắng ấm trở lại, nhiệt độ trung bình >15 độ C thì bà con cần huy động mọi nguồn lực để cấy nhanh, cấy gọn và cấy hết diện tích trong khung thời vụ tốt nhất.
Lưu ý: Sau khi cấy xong, với những diện tích mạ dư thừa cần tiếp tục chăm sóc và bảo vệ để dự phòng trong trường hợp lúa bị khuyết dảnh, khuyết khóm thì vẫn có đủ mạ cùng tuổi, cùng giống để dặm bổ sung đảm bảo mật độ. Đồng thời cũng gieo dự phòng mạ bằng các giống ngắn ngày hoặc dự phòng giống để áp dụng biện pháp gieo thẳng cho kịp thời vụ nếu thời tiết tiếp tục diễn biến xấu và kéo dài gây chết lúa.
Thạc sỹ Bùi Hữu Ngọc - PGĐ Trung tâm Khuyến nông Ninh Bình, Báo Ninh Bình, 19/02/2014
Che phủ nilon để chống rét cho mạ
Đối với diện tích mạ trà xuân sớm, xuân trung đã gieo:Tập trung chăm sóc, chống rét cho mạ như che phủ nilon, bơm nước giữ ấmcho mạ, không bón phân đạm, bón bổ sung phân chuồng hoai mục, phân lân,tro bếp để chống rét cho mạ.
Đối với diện tích mạ trà xuân muộn:Tăng cường kiểm tra, giám sát và chỉ đạo chặt chẽ thời điểm ngâm ủ,gieo mạ trà xuân muộn ở vùng đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núiphía Bắc; tập trung gieo mạ trà xuân muộn xung quanh tiết Lập Xuân(04/2), thực hiện che phủ nilon 100% diện tích để chống rét cho mạ; chỉđạo cấy, gieo thẳng xong trong tháng 2/2013.
Đối với diện tích lúa đã gieo sạ và đã cấy tại các tỉnh Bắc Trung bộ: Cần duy trì mực nước thích hợp 2-3 cm để giữ ấm chân lúa, không bón đạm khi nhiệt độ xuống thấp, tiến hành chăm sóc khi điều kiện thời tiết thuận lợi.
Chuẩn bị nguồn giống lúa dự phòng để gieo mạ hoặc gieo thẳng kịp thời nếu rét kéo dài gây thiếu mạ; có kế hoạch sớm trong trường hợp phải chuyển đổi lúa sang các cây trồng cạn để có sự chỉ đạo đồng bộvề vùng, cơ cấu giống, thời vụ gieo trồng....nhằm đạt hiệu quả cao nhất.
Ngoài ra, cần chuẩn bị tốt khâu làm đất, vệ sinh đồng ruộng nhằm hạn chếlây truyền sâu bệnh cho vụ sau, nhất là bệnh lùn xoắn lá, lùn sọc đen.Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch cây trồng vụ Đông 2012, để giải phóng quĩđất gieo cây lúa Đông Xuân 2012-2013 đảm bảo trong khung thời vụ tốtnhất.
Chuẩn bị tốt nhất mọiđiều kiện để lấy nước dự trữ và đổ ải phục vụ gieo cấy lúa khu vực trungdu, đồng bằng Bắc Bộ đạt hiệu quả cao nhất theo kế hoạch đã được thôngbáo (đợt 1 từ 25/1 đến 29/1/2013, đợt 2 từ 04/02 đến 09/02/2013, đợt 3từ 19/2 đến 24/02/2013).
Khuyến nông VN, 11/01/2013
Những ngày vừa qua, không khí lạnh đã bao trùm và gây rét đậm, rét hại cho hầu hết các tỉnh miền Bắc. Rét đậm, rét hại đã ảnh hưởng rất lớn đến tình hình sinh trưởng của cây trồng, vật nuôi, đặc biệt là nhiều diện tích mạ xuân vừa được gieo sẽ chết nếu không có các biện pháp phòng chống tích cực và kịp thời. Theo số liệu thống kê của Bộ NN&PTNT, đến nay hầu hết các địa phương đã gieo xong các trà mạ xuân sớm và chính vụ. Thông báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, sẽ còn vài đợt rét đậm, rét hại nữa trong vụ xuân này, do đó các địa phương và bà con nông dân cần chú ý các biện pháp phòng chống rét tích cực cho mạ dưới đây:
- Với các trà mạ đã gieo, chú ý giữ ấm cho mạ bằng cách giữ mức nước 2/3 mặt rãnh và thường xuyên thay nước trong rãnh; bón tro bếp, che phủ nilon cho mạ nhất là trong những ngày rét đậm.
- Đối với các trà mạ xuân muộn, bà con nên gieo từ ngày 20-1 đến 5-2, bảo đảm 100% diện tích mạ được áp dụng phương pháp gieo luống nhỏ (mặt luống rộng 1,2-1,5m) có che phủ nilon khi rét đậm. Những nơi nào có điều kiện nên áp dụng phương pháp gieo mạ trên nền đất cứng có che phủ nilon để tránh bị rét hại.
- Với các luống mạ đã lên xanh tốt có thể sử dụng thêm các loại phân bón qua lá để tăng sức đề kháng cho cây mạ như pha 5 ml chế phẩm Vườn sinh thái (Công ty Việt Trung) pha với 15 lít nước sạch phun đều một lượt hoặc pha 1 gói 10 gam chế phẩm HPC-97 (Công ty Sinh học nhiệt đới HPC) trong 10 lít nước sạch phun đều ngay sau khi gieo hoặc cấy 4-5 ngày.
B.Tr - Kinh tế & Đô thị, 12/01/2010
Vụ lúa xuân muộn ở các tỉnh phía Bắc gặp thường rét khi gieo mạ, phương pháp gieo mạ có ảnh hưởng lớn đến chất lượng mạ cuối vụ. Xin giới thiệu một số phương pháp gieo mạ đảm bảo chất lượng mạ tốt.
Gieo mạ dày xúc trên dược có che phủ nilon (Tunel trên ruộng): Đây là phương pháp gieo mạ phổ biến trong nhiều năm qua, được nhiều người dân áp dụng. Thóc mầm được ngâm ủ đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, rễ dài = 1/2 hạt thóc, mầm dài bằng 1/2 rễ. Dược mạ được bón lót phân chuồng ủ mục 3 tạ + 1kg đạm ure + 1kg kali + 10kg supe lân cho 01 sào bắc bộ 360 m2 mạ. Luống mạ lên rộng 1,2 - 1,5m hình mui rùa cho thoát nước ở giữa. Giống lúa thuần gieo với mật độ 1kg thóc giống/3 - 4 m2 mạ, tuổi mạ 2 - 3 lá sau gieo 15 - 20 ngày tùy thời thiết rét nhiều hay ít. Lúa lai gieo thưa hơn 1kg thóc/8 - 10 m2. Nước tưới ngập cách mặt luống 2cm trong 5 ngày đầu và cách mặt luống 10cm những ngày tiếp theo.
Gieo mạ trên nền đất cứng có che phủ nilon: Mạ được gieo trên lớp bùn ướt phủ trên nền đất cứng tráng nắng, chú ý không gieo trên nền bê tông hay sân vôi, sân gạch vì các vật liệu này không giữ được nhiệt, được ẩm. Trải một lớp bùn ướt dày khoảng 2 cm lấy nơi ao hồ thoáng nắng, không lấy nơi ao tù hẩu (loại bùn đen có mùi hôi tanh chứa nhiều chất độc làm thối mầm thóc). Gieo với mật độ dày hơn mạ trên dược, lúa thuần 1kg giống/2 - 3 m2. Lúa lai 1kg giống/4 - 6 m2. Tưới ẩm thường xuyên 5 ngày đầu, mỗi ngày tưới 01 lần, những ngày tiếp theo 2 - 3 ngày tưới/1 lần.
Gieo mạ nền khô (Tunel nền khô) che phủ nilon: Mật độ gieo, tuổi mạ như gieo mạ trên nền đất cứng. Thóc giống rắc đều lên mặt luống phẳng đã tưới đủ ẩm. Đất màu được làm nhỏ như bột rắc lên hạt thóc giống một lớp dày 1cm, dùng bình bơm bơm ướt đều mặt luống sau đậy ni lon, khoảng 2 - 3 ngày tưới ẩm 01 lần bằng thùng ô doa lỗ nhỏ.
Gieo mạ ném trên khay nhựa: Nhờ công nghệ plastic sản xuất ra các khay nhựa có kích thước 35x60cm, trên khay có 561 lỗ hình nón cụt để tạo ra 561 khóm mạ. Người ta không cấy như mạ khác mà đem ném. Khóm mạ được tung lên cao 3 - 4m và rơi xuống ruộng thành từng khóm, khống chế mật độ 20 - 35 khóm/m2. Sử dụng ruộng cấy hoặc ruộng chuyên mạ, cày bừa kỹ như cách gieo mạ truyền thống, chia luống mạ thành luống rộng 1,2m đặt vừa 2 hàng khay theo chiều ngang. Dùng bùn ở rãnh bỏ vào khay, lấy bàn xoa san đều gạt bùn thừa trên khay, miết bàn xoa sao cho nổi các gờ của lỗ trên khay để phòng hiện tượng rễ mạ đan từ bầu này, sang bầu kia sẽ làm vỡ bầu khi tách bầu khỏi khay để ném. Rắc hạt thóc giống đã ủ mọc mầm vào khay với mật độ 1 - 2kg thóc giống/20 - 30 khay đủ cấy cho 01 sào lúa, dùng bàn tay vỗ nhẹ sao cho hạt thóc giống chìm vào các lỗ khay. Cần làm Tunel hình vòm cống che nilon chống rét cho mạ. Tuổi mạ và cách tưới ẩm như phương pháp Tunel trên ruộng.
Đây là phương pháp gieo mạ tiến bộ nhất, mạ không bị đất rễ nên không chột, khóm mạ bấm nông trên mặt ruộng nên rễ đủ oxy phát triển mạnh, cây lúa đẻ nhánh sớm, rút ngắn thời vụ 5 - 10 ngày và tăng năng suất 10 - 15% so với các phương pháp gieo mạ khác.
KS NGUYỄN - Nông nghiệp Việt Nam, 17/12/2009
Xử lý hạt giống và ngâm ủ: Có 2 cách
+ Cách 1: Xử lý bằng các thuốc hóa học: Sau khi tiến hành rửa giống, đãi sạch, loại bỏ hạt lép và tạp chất bà con tiến hành ngâm đến khi hạt giống no nước, sau đó vớt ra đãi sạch, để ráo nước và tiến hành xử lý bằng thuốc hóa học rồi đem ủ, khi hạt giống nảy mầm dài bằng 1/3 chiều dài hạt thóc thì tiến hành gieo.
+ Cách 2: Xử lý bằng nước nóng (54oC): Pha 3 phần nước sôi 2 phần nước lạnh (3 sôi + 2 lạnh) lượng nước cần ngập 3 – 5 lần lượng thóc, sau khi đổ hạt giống vào ngâm trong thời gian 15 phút, bà con đem hạt đã xử lý ngâm bằng nước sạch với thời gian từ 18 – 20 giờ, khi hạt giống hút no nước đem rửa giống, đãi sạch để ráo, tiến hành ủ, khi hạt giống nảy mầm dài bằng 1/3 chiều dài hạt thóc thì đi gieo.
Chú ý: - Nếu nhiệt độ ngoài trời dưới 15oC thì không được ngâm ủ.
Trong quá trình ngâm: Cứ 4 – 5 giờ đãi chua thay nước một lần.
Khi nhiệt độ xuống thấp, thời gian ngâm kéo dài dễ gây hiện tượng chua, vì vậy thường xuyên kiểm tra nếu khô thì bổ sung bằng nước ấm, ngửi có mùi chua thì ba con cần tiến hành đãi chua và tiếp tục ủ, hạt giống nảy mầm, rễ dài bằng 1/3 chiều dài hạt thóc thì tiến hành đem gieo.
Trong quá trình ủ cần kiểm tra thường xuyên, không được để giống sinh nhiệt quá mức làm thui mầm hoặc suy giảm sức sống của giống.
Bà con nông dân tuân thủ khung thời vụ gieo từ ngày 25/1 đến 15/2 do Sở NN- PTNT quy định.
Gieo mạ
Gieo mạ: Chia lượng mộng mạ để gieo làm 2 lần, gieo đều tay, hơi chìm (lần 1 gieo 70% lượng mộng mạ, lần 2 gieo bổ sung 30% lượng còn lại).
Chú ý: - Yêu cầu 100% diện tích mạ phải được che phủ nilon, mùng màn để chống rét, chống chuột và ngăn rầy.
Chăm sóc mạ
Thường xuyên kiểm tra duy trì độ ẩm cho mạ, khi thực hiện các biện pháp chăm sóc mạ như: Bón phân, phòng trừ sâu bệnh… cần phải mở nilon để thực hiện các thao tác, đến chiều tối cần được che lại.
Chú ý: Khi nhiệt độ ngoài trời xấp xỉ 20oC, cần phải mở một đầu hoặc hai đầu nilon, chiều tối phải đậy lại. Khi nhiệt độ ngoài trời > 25oC, cần lật mở cả nilon sang một bên, chiều tối đậy lại để tránh hiện tượng mạ bị héo, chết.
Nông nghiệp VN, 19/01/2011
Nhấn vào đây để xem tất cả các tin kỹ thuật trồng lúa
- Kỹ thuật trồng cây ăn trái, rau màu, cây dược liệu và các loại cây khác
Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.