• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Trồng trọt

Lúa mùa sạ gởi lúa hè thu - một kiểu canh tác độc đáo

Trong quá trình canh tác lúa, người nông dân với kinh nghiệm thực tế trên đồng ruộng của mình sẽ tự tìm tòi tìm ra những biện pháp canh tác phù hợp với điều kiện kinh tế, kỹ thuật, xã hội của địa phương. Đó là những kiến thức kỹ thuật bản địa mà các nhà khoa học trên thế giới gọi là “indigenous technical knowledge”. Những kiến thức bản địa này đứng vững trên địa bàn theo thời gian và ngày càng chứng minh tính khoa học của nó, góp phần vào việc xây dựng hệ thống canh tác bền vững nhằm bảo vệ môi trường. Biện pháp canh tác lúa “sạ gởi” của nông dân một số vùng của tỉnh Bạc Liêu là một điển hình về loại kiến thức kỹ thuật bản địa này.

Sạ gởi có nghĩa là sạ lúa mùa gởi vào trong ruộng sạ lúa ngắn ngày mà không làm ảnh hưởng đến sinh trưởng và năng suất lúa ngắn ngày và cả lúa mùa; lúa mùa có thể tranh thủ được đất đai, thời vụ, phân bón, chăm sóc, tưới nước… của lúa ngắn ngày. Sau khi lúa ngắn ngày thu hoạch rồi thì nông dân tiến hành chăm sóc lúa mùa cho đến khi thu hoạch.

Bà con cho biết không rõ biện pháp canh tác lúa sạ gởi này bắt đầu từ lúc nào và ở đâu, nhưng có lẽ bắt đầu từ lâu lắm rồi. Hiện nay bà con tiếp tục duy trì và đem lại hiệu quả cao trong sản xuất lúa. Đồng thời nếu biết cách khai thác thêm thì kết quả tổng hợp trên đồng ruộng sạ gởi này của nông dân còn cao hơn.

Lúa mùa sạ gởi trên lúa ngắn ngày nhưng cả hai vụ lúa đều là vụ chính vì thu hoạch ở hai thời điểm khác nhau; lúa mùa không gây ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng lúa ngắn ngày, nhất là về mặt năng suất. Lúa mùa bà con thường sạ gởi là giống lúa mùa Tài Nguyên hoặc các giống khác có cùng thời gian sinh trưởng, năng suất và phẩm chất gạo cao.

Giống lúa hè thu là các giống ngắn ngày như OM 2517, OM 2514, OM 4498, OM 6162, OM 6073… Lúa hè thu sạ vào khoảng tháng 4 âm lịch. Mật độ sạ lúa hè thu khoảng 20 kg/công tầm lớn (1.300 m2) trộn với khoảng 2 kg giống Tài Nguyên mùa cùng ngâm ủ và sạ chung một lần.

Nông dân chăm sóc lúa hè thu bình thường, cho đến khi thu hoạch lúa hè thu thì cắt luôn phần thân lá xanh của lúa Tài Nguyên và chừa lại phần gốc (lúa chét). Sau cắt vài ngày dùng trục nhẹ trục một lượt sục bùn, tạo kích thích cho lúa mùa bén rễ, đâm nhiều lóng. Sau trục 10 ngày tỉa những bụi lúa Tài Nguyên mùa dặm vá đảm bảo mật độ 12 cây/tầm 3 mét. Bón thúc khoảng 10 kg DAP cộng với 5 kg urê/công tầm lớn, kết hợp phun xịt thuốc phòng ngừa rầy nâu, bệnh đạo ôn là hai loài chính phá hại trên lúa mùa. Bón thúc lần 2, cũng là lần cuối lúc lúa mùa có đòng đòng (tim đèn) với 10 kg kali cộng với 5 kg urê cho đến khi thu hoạch.

Sau thu hoạch lúa hè thu thường vào khoảng tháng 7 âm lịch, bà con nông dân tiếp tục chăm sóc lúa mùa Tài Nguyên sạ gởi. Lúa mùa sẽ trổ bông vào tháng 11 và cho thu hoạch vào tháng 12 âm lịch. Hiệu quả kinh tế tổng hợp sản xuất hai vụ lúa của nông dân áp dụng biện pháp canh tác “sạ gởi” lúa mùa vào lúa hè thu ở đây cho lợi nhuận cao hơn so với sản xuất hai vụ lúa ngắn ngày tách biệt. Đó là chưa kể lợi nhuận tiết kiệm được do chỉ làm đất một lần, tiết kiệm phân bón, nước tưới, công chăm sóc…

Ở Bạc Liêu, biện pháp canh tác sạ gởi lúa mùa Tài Nguyên vào lúa hè thu phổ biến ở các huyện Giá Rai, Hòa Bình và Vĩnh Lợi. Riêng xã Phong Thạnh Đông A, huyện Giá Rai năm 2008, diện tích canh tác kiểu này là 104 ha. Số liệu chúng tôi chưa nắm được cụ thể cho toàn bộ các huyện này nhưng chắc chắn là hàng ngàn ha. Nếu kết hợp các biện pháp kỹ thuật tiên tiến, hiệu quả sản xuất lúa sạ gởi còn cao hơn.

Một điều đáng lưu ý là hiện nay diện tích hàng ngàn ha canh tác lúa sạ gởi ở các huyện nói trên sau khi thu hoạch lúa mùa từ tháng 12 âm lịch cho đến tháng 4 âm lịch năm sau (lúc sạ lúa hè thu gởi lúa mùa vụ tiếp) là khoảng 4 tháng bà con chưa tìm ra mô hình cây trồng thích hợp để cho thêm thu nhập, tạo thêm công ăn việc làm.

Vì vậy, với ý tưởng xây dựng một mô hình cây màu luân canh (bắp lai, đậu nành…) trên chân đất lúa này, Trung tâm chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long đã phối hợp với Sở khoa học công nghệ tỉnh Bạc Liêu cùng địa phương đang thử nghiệm mô hình bắp lai và đậu nành luân canh với lúa canh tác sạ gởi nhằm xây dựng một hệ thống canh tác luân canh gồm lúa ngắn ngày - lúa mùa (sạ gởi) - cây màu thích hợp và bền vững để áp dụng cho nông dân trong vùng.

TS. NGUYỄN CÔNG THÀNH (Viện lúa ĐBSCL) - Khoa học phổ thông, 27/02/2009

 

Cách rút ngắn thời gian sinh trưởng lúa mùa

Năm nay do điều kiện đặc biệt của thời tiết khí hậu nên vụ mùa sớm ở các tỉnh phía Bắc nước ta sẽ phải tiến hành gieo cấy khẩn trương và muộn hơn so với cùng kỳ năm ngoái 5-10 ngày, điều đó ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ gieo trồng các cây vụ đông.

Xin giới thiệu một số biện pháp kỹ thuật nhằm rút ngắn thời gian sinh trưởng của lúa mùa để khắc phục hiện tượng bất lợi này.

Biện pháp canh tác

Sử dụng phương pháp gieo mạ tiến bộ: Tuỳ vào thời gian thu hoạch lúa xuân sớm hay muộn mà bà con có thể lựa chọn hai phương pháp gieo mạ mùa tiến bộ sau:

Gieo mạ thâm canh cho những trà lúa thu hoạch muộn 25/6-5/7, lượng giống 7-10kg/sào mạ/7-10 sào lúa tuỳ vào trọng lượng của hạt thóc giống. Bón phân cho 1sào mạ với lượng 3-5tạ phân chuồng hoai mục + 10-15kg supe lân + 5-7kg đạm ure + 5-7kg kali clorua, bón lót toàn bộ phân chuồng, phân lân + 50% đạm, kali; bón thúc hai lần lúc cây mạ có 2,1 và 4,1lá mỗi lần 25% lượng đạm và kali còn lại.

Tuổi mạ 22-25 ngày, cây mạ có 6-7 lá, mỗi dảnh mạ đã đẻ được 3-6 nhánh, cấy một khóm bằng 1-2 hạt thóc (tức 1-2 khóm mạ). Biện pháp gieo mạ thâm canh rút ngắn được thời gian sinh trưởng của cây lúa 8-10 ngày so với cách gieo mạ dược thông thường.

Sử dụng phương pháp gieo mạ ném bằng khay nhựa cho những trà lúa thu hoạch trước 25/6. Dùng 0,8-1,5kg thóc giống/25-30khay/sào lúa. Tuổi mạ 7-10 ngày, phương pháp gieo mạ ném bằng khay nhựa bộ rễ mạ ít bị tổn thương, cây lúa nhanh bén rễ hồi xanh, đẻ nhánh sớm, rút ngắn được thời gian sinh trưởng của cây lúa 5-7 ngày so với gieo mạ dược truyền thống.

Bón phân, chăm sóc sớm: Biện pháp bón phân chăm sóc sớm giúp lúa đẻ nhánh thuận lợi, tập trung rút ngắn được thời gian sinh trưởng của cây lúa 3-5 ngày so với chăm sóc muộn. Cụ thể bón lót 100% phân chuồng + 100% lân + 30-50% đạm, bón thúc đợt 1 sớm cho lúa sau cấy 10-12 ngày 40-60% đạm + 30-40% kali. Lượng đạm 10% và kali 60-70% kali bón đón đòng lúc lúa đứng cái. Đất thịt, đất phù sa bón lót nhiều đạm, đất cát, cát pha bón lót lượng đạm ít hơn.

Chủ động phòng chống tốt bệnh ngẹt rễ sinh lý: Bị bệnh ngẹt rễ sinh lý nếu được khắc phục tích cực cây lúa cũng kéo dài thời gian sinh trưởng tới 5-7 ngày, giảm 15-20% năng suất. Bệnh nghẹt rễ sinh lý do nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là do ngộ độc chất hữu cơ, do vụ mùa làm gấp, không có thời gian cho sự phân huỷ chất hữu cơ (gốc lúa, rơm rạ cày úp làm phân bón; bón lót phân chuồng tươi, phân xanh) nên sinh ra nhiều chất độc chủ yếu là khí mêtan (CH4) và khí sunfuarơ (H2S), đất thiếu oxy nên bộ rễ không phát triển được, rễ có màu đen, mùi hôi tanh dẫn đến cây lúa không được cung cấp nước và dinh dưỡng từ rễ.

Để khắc phục hiện tượng bất lợi này bà con không được để rạ ở ruộng, không nên bón lót phân chuồng chưa hoai mục. Bón vôi bột cho những chân đất chua 15-20kg/sào, vôi có tác dụng khử độc cho đất, kích thích vi sinh vật phân huỷ nhanh các chất hữu cơ trong đất. Phơi khô nứt chân chim mặt ruộng 7-10 ngày khi cây lúa kết thúc đẻ nhánh hữu hiệu (thường sau cấy 25-35 ngày, đếm mật độ trung bình 250 dảnh/m2). Những giai đoạn sinh trưởng sau chỉ cần giữ độ ẩm bão hoà (nhẵm mềm chân).

Sử dụng biện pháp hoá, sinh học

Sử dụng các sản phẩm, chế phẩm hoá sinh học công nghệ cao phun cho lúa làm tăng khả năng chống chịu của cây lúa, tăng năng suất, chất lượng lúa đồng thời rút ngắn được 5-7 ngày thời gian sinh trưởng của cây lúa mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Vụ xuân 2008 vừa qua, Trạm Khuyến nông Hiệp Hoà- Bắc Giang xây dựng mô hình sử dụng sản phẩm Vườn sinh thái cho cây lúa với qui mô 3ha và bà con nông dân ở 20 xã/26xã sử dụng cho khoảng 30ha lúa xuân, kết quả cho thấy: Thóc giống được xử lý sản phẩm nảy mầm nhanh, đồng loạt. Mạ phun sản phẩm chống rét tốt, đanh dảnh, khi cấy nhanh bén rễ hồi xanh. Cây lúa phun sản phẩm có màu xanh sáng, khoẻ mạnh, cứng cây, hạt mẩy, chống được rầy nâu và bệnh khô vằn, bệnh vàng lá sinh lý; các loại sâu bệnh khác giảm đáng kể. Giảm được 30% các loại phân bón, năng suất tăng hơn đối chứng 15-20%. Đặc biệt với chân ruộng trũng, đất cát chua nghèo dinh dưỡng năng suất tăng tới 50% đồng thời rút ngắn được 5-7 ngày thời gian sinh trưởng so với đối chứng không dùng sản phẩm.

Cách dùng sản phẩm như sau: Ngâm thóc giống, 5ml/10lít nước ngâm 5-8kg thóc giống đến no nước đem ủ bình thường. Phun cho mạ 1 lần khi được 1,5-2 lá thật 5ml/15lít/sào mạ. Phun cho lúa 3 lần, đẻ nhánh rộ 5ml/15lít/sào, giai đoạn đòng và xuôi trái 10ml/20lít/sào/lần.

Có thể dùng các sản phẩm khác như: K-Humate; A-H502/503; K-H701/702; N-H601/602 phun cho lúa cũng làm tăng năng suất, chất lượng lúa, rút ngắn được 3-5 ngày thời gian sinh trưởng.

NGUYỄN VĂN DUY - NNVN, 17/06/2008

 Nhấn vào đây để xem tất cả các tin kỹ thuật trồng lúa

 

 

 

Trồng trọt mùa mưa, bão, lũ

 

 

 

 

 

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang