• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Trồng trọt

Lúa ngộ độc phèn, ngộ độc phân hữu cơ

Phòng tránh ngộ độc hữu cơ trên trà lúa Đông Xuân

Theo nhận định của ngành chuyên môn tỉnh Cà Mau, do trà lúa Hè Thu gieo sạ muộn, thu hoạch bị muộn, thời điểm để chuẩn bị xuống giống vụ lúa Đông Xuân 2020-2021 quá ngắn nên khâu làm đất, cải tạo đất, trục nhận rơm rạ không đủ thời gian để phân hủy hoàn toàn, nên trà lúa Đông Xuân có nguy cơ bị ngộ độc rất lớn, làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển của cây lúa.

Để phòng tránh hiện tượng bị ngộ độc hữu cơ trên lúa Đông Xuân, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Cà Mau hướng dẫn bà con trước khi gieo sạ, đối với ruộng có mực nước thấp, tiến hành trục nhận rơm rạ ngay để có thời gian cho rơm rạ phân hủy, nếu ruộng sau khi trục nhận có thời gian trên 30 ngày mới xuống giống thì sẽ rất ít bị ngộ độc hữu cơ. Đối với những ruộng mực nước còn cao, khẩn trương bơm tháo nước ra ngoài, khi đủ điều kiện tiến hành trục nhận rơm rạ ngay. Trong trường hợp trục nhận rơm rạ không có thời gian để lâu trên 30 ngày thì có thể xảy ra ngộ độc hữu cơ, vì vậy cần bón vôi.

Sau khi gieo sạ, ngộ độc hữu cơ thường xuất hiện khi lúa từ 15 – 25 ngày sau khi sạ. Để khắc phục tình trạng lúa bị ngộ độc hữu cơ giai đoạn này, cần rút nước trong ruộng ra ngoài nếu có điều kiện, để ruộng khô 2 – 3 ngày, đất nứt chân chim. Sau đó đưa nước trở lại, nhằm rửa bớt độc tố trong quá trình phân hủy rơm rạ tạo ra, bón vôi CaCO3, phân lân. Tuyệt đối khi lúa bị ngộ độc hữu cơ không được bón phân đạm, sẽ làm tăng ngộ độc cho cây lúa./.

PV: Diễm Tươi - CTV Cà Mau, 11/11/2020

 

Cách xử lý ngộ độc phèn, ngộ độc phân hữu cơ cho cây lúa

Hiện nay, nông dân trong tỉnh Bạc Liêu đang bắt tay vào sản xuất lúa hè thu. Song, thời điểm nông dân xuống giống cũng là lúc giao mùa nên cây lúa thường bị ngộ độc phèn, ngộ độc phân hữu cơ. Để cây lúa phát triển tốt, tăng năng suất, tránh bị ngộ độc phèn, ngộ độc hữu cơ, bà con nông dân cần tuân thủ các biện pháp sau:

* Cách xử lý ngộ độc phèn:

Thay nước mới để xả lượng phèn trong ruộng ra. Nếu ruộng gò (bị xì phèn) thì cố gắng ép nước lên gò cho đủ. Có thể bón vôi từ 300 - 500kg/ha trước lúc bón phân lân 1 - 2 ngày sẽ tăng hiệu quả phân lân.

- Bón Super lân Long Thành hay lân nung chảy (Ninh Bình hoặc Văn Điển) từ 100 - 250kg/ha, tùy tình trạng cây lúa ngộ độc nhẹ hay nặng.

Xịt phân bón lá (có chứa dinh dưỡng, NPK có chứa lân nhiều như 15 - 30 - 15, hydrophos...). Hiện nay, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh khuyến cáo nông dân xịt phân bón hữu cơ cao cấp của Hoa Kỳ là K-Humate 1 lít/ha (nhãn hiệu Vina Super Humate) có hiệu quả tức thời, cứu lúa và hạ độc phèn nhanh.

Chờ từ 3 - 7 ngày cho đến khi nhổ lúa lên thấy rạ rễ trắng là việc cứu lúa đã thành công.

- Bón phân chăm sóc tiếp tục theo quy trình (urê, DAP, kali...) cho cây lúa phục hồi.

Bà con cần lưu ý: Khi cây lúa bị ngộ độc phèn thì ngưng bón đạm (urê) ngay, nếu bón vào sẽ làm lúa chết nhanh.

Cây lúa bị ngộ độc phân hữu cơ, ngộ độc phèn. Ảnh: B.T

 

* Cách xử lý ngộ độc phân hữu cơ

Ruộng lúa sau khi thu hoạch không kịp đốt rơm, không kịp làm đất thì rất dễ gây ngộ độc hữu cơ. Nguyên nhân chính là do rơm rạ, tàn dư thực vật của vụ trước chưa kịp phân hủy vì bị vùi lấp trong điều kiện ngập nước tạo ra các gốc phê-nol, a-xít hữu cơ gây độc cho cây lúa.

Triệu chứng rõ nhất là bộ rễ thối đen, cây lúa vàng và lùn, lúa phát triển kém, không bắt phân. Triệu chứng này thường xuất hiện từ 15 - 30 ngày sau sạ, có nơi sớm hơn khi lúa mới sạ vài ngày và gây thiệt hại nặng.

Cách xử lý: Khi thu hoạch lúa xong nên châm lửa đốt cho rơm cháy hết. Nếu không đốt được thì vận chuyển rơm tươi ra khỏi ruộng. Còn nếu để rơm rạ lại thì phun hoặc rải phân bón có chứa Trichoderma. Sau đó tiến hành làm đất: cày xới, phơi đất từ 7 - 15 ngày giúp khoáng hóa chất hữu cơ. Tiếp tục bón 300kg vôi bột (CaCO3) để rạ phân hủy nhanh. Đầu vụ bón lót lân nung chảy (Ninh Bình hoặc Văn Điển) từ 200 - 400kg/ha.

Bón phân đợt 1 sớm (từ 7 - 10 ngày sau sạ) gồm nhiều lân, đạm để giúp hạ phèn, mau ngấu rạ. Cụ thể, bón 50kg DAP + 50 - 70kg urê/ha. Bón phân Silica, Super Humic, phân bón lá K-Humate giúp lúa ra rễ, đẻ nhánh mạnh, hạ phèn nhanh, giải độc chất hữu cơ cho cây lúa.

Kỹ sư Nguyễn Văn Vĩnh (Chi cục Bảo vệ thực vật Bạc Liêu) - Báo Bạc Liêu, 13/06/2014

 

Phân biệt lúa bị ngộ độc hữu cơ và ngộ độc phèn

Ngộ độc hữu cơ và ngộ độc phèn trên cây lúa có khác nhau, người sản xuất cần phân biệt để có cách xử lý đúng trong cứu lúa.

Ngộ độc hữu cơ: Nguyên nhân thường là do nông dân sản xuất liên tục trên một thửa ruộng, rơm rạ của vụ trước bị vùi trong đất phân rã tiết ra các chất độc gây hại cho lúa vụ sau (các chất độc hữu cơ đó như phenol, hydro sulfic, các axit hữu cơ).

Triệu chứng của ngộ độc hữu cơ là bộ rễ của lúa bị thối đen có mùi hôi, lá chuyển vàng từ chóp xuống và từ bìa lá vào, lá lúa có khuynh hướng dựng đứng, cây lúa lùn kém phát triển và vàng. Hiện tượng này thường xảy ra khi lúa được 15- 30 ngày tuổi sau khi sạ cấy.

Biện pháp khắc phục căn cơ nhất là giãn vụ, vụ sau phải cách vụ trước ít nhất là 3- 4 tuần để rơm rạ trên đồng có thời gian kịp phân hủy (có thể dùng chế phẩm trichoderma phun trên rơm rạ trước khi vùi xuống đất từ 1- 2 ngày) hay trước khi làm đất cần cắt gốc rạ rồi đưa gốc rạ và rơm ra khỏi ruộng.

Nếu phát hiện lúa trên đồng đang ngộ độc phải ngưng bón phân (nhất là phân urê), tháo nước trong ruộng ra hết rồi bón vôi để cải tạo đất và cung cấp canxi cho lúa. Sau đó thay nước trên ruộng nhiều lần để rửa độc cho lúa, phun phân bón lá hỗ trợ cho lúa.

Ngộ độc phèn: Nguyên nhân thường do ruộng thiếu nước nên bị tầng sinh phèn trong đất phát tán phèn, hiện tượng này nông dân gọi là “xì phèn”. Triệu chứng trên lúa là cây lúa bị lụi dần, rễ quăn queo có màu vàng nâu và không thấy có rễ mới, vuốt rễ thấy nhám.

Lá lúa vàng và bị khô ở chóp, trên lá có các chấm nâu sét, bị nặng cây lúa có màu nâu tía sau đó vàng dần rồi chết. Biện pháp khắc phục: khi làm đất phải đánh rãnh phèn trên ruộng để xả phèn và làm mương phèn chung quanh ruộng để ém phèn lúc xả nước, bón vôi và lân (P) trước khi sạ cấy.

Khi cây lúc bị ngộ độc phèn, ngưng ngay việc bón phân đạm (N), rải vôi cho ruộng lúa (200 kg/ha), thay nước trên ruộng và phun phân bón lá giúp lúa vượt lên.

TRUNG TÍN - Báo Vĩnh Long, 04/03/2014

 Nhấn vào đây để xem tất cả các tin kỹ thuật trồng lúa

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang