• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Trồng trọt

Trồng lúa trên đất nuôi tôm

Một số lưu ý khi xuống giống lúa trên đất tôm

Canh tác lúa trên đất tôm được bắt đầu từ tháng 7 đến tháng 12 khi đã cải thiện được xâm nhập mặn và có đủ nước ngọt cho sản xuất lúa. Tuy nhiên, bà con nông dân cần lưu ý một số vấn đề sau:

Cải tạo chuẩn bị đất cho vụ lúa

Sau khi kết thúc vụ nuôi tôm cần điều chỉnh cống cho nước ra vào thường xuyên trên ruộng nhiều lần, dùng nước mưa, nước ngọt trên sông để rửa mặn. Đầu vụ rửa mặn tốt trước khi gieo sạ (độ mặn <1 phần ngàn mới gieo).

Dọn sạch rong tảo trên ruộng, cỏ dại xung quanh bờ, phơi khô mặt ruộng. Đất không cày xới hoặc điều kiện thuận lợi có thể tiến hành xới một lượt hay cuốc lật đất mặt nhằm tạo độ thông thoáng cho đất và diệt cỏ lông heo để hạt lúa dễ bám rễ vào đất. Bón lót phân lân cải tạo đất, giải độc phèn giúp lúa phát triển tốt ngay từ thời kỳ đầu.

Chọn giống

Các giống lúa canh tác phổ biến ở hầu hết các tỉnh là giống lúa mùa địa phương: Một bụi đỏ, Tài nguyên, Một bụi đỏ hoặc giống lúa ST 24, một số giống lúa ngắn ngày như: OM5451, OM 6976, OM 7347, OM 4498, OM 2517, OM 5464, OM 5464, OM 5981, IR 50404.

Bón phân

Trên đất nuôi tôm có lớp bùn non rất tốt, đủ sức nuôi cây lúa trong tháng đầu, nếu bón phân sớm, nhất là phân đạm rất dễ bị bệnh đạo ôn (cháy lá) tấn công.

Bà con không nên bón nhiều phân đạm, cần bón nhiều phân lân và Ka-li để giải độc chất hữu cơ, giải độc phèn. Đồng thời, cung cấp chất lân cho bộ rễ lúa phát triển mạnh trong giai đoạn đầu, nhằm tăng khả năng chống chịu của cây lúa trong điều kiện bất lợi.

M.C (trích tài liệu khuyến nông) - Báo Bạc Liêu, 06/11/2020

 

Bạc Liêu: Canh tác lúa thông minh trên đất nuôi tôm – giảm chi phí, tăng lợi nhuận

Luân canh mô hình lúa thông minh trên nền đất nuôi tôm được đánh giá là mô hình sản xuất của tương lai, đã thể hiện được nhiều ưu thế, mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân và thân thiện với môi trường.

Năm 2018, từ nguồn kinh phí thực hiện chương trình sản xuất lúa chất lượng theo hướng VietGAP, áp dụng 3 giảm 3 tăng và kỹ thuật trồng lúa theo SRI; nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; Trung tâm khuyến nông Bạc Liêu triển khai thực hiện mô hình canh tác lúa thông minh trên đất nuôi tôm.

Mô hình được thực hiện với quy mô 5 ha tại huyện Phước Long (tỉnh Bạc Liêu), có 5 hộ tham gia. Khi tham gia thực hiện mô hình, nông dân được nhà nước hỗ trợ 100% lúa giống, 30% vật tư phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, 70% lượng phân bón còn lại được Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền hỗ trợ. Ngoài ra, nông dân còn được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông tỉnh hướng dẫn áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từ khâu rửa mặn, làm đất, gieo sạ cho đến khâu chăm sóc và thu hoạch, thực hiện chương trình quản lý dịch hại tổng hợp IPM và sử dụng thuốc khi cần thiết theo nguyên tắc “4 đúng”.


Nông dân tham quan thực tế mô hình canh tác lúa thông minh trên nền đất nuôi tôm tại huyện Phước Long

Qua đánh giá kết quả thực hiện ruộng mô hình cho thấy: Nông dân chỉ phun 1 lần thuốc bảo vệ thực vật, bón phân cân đối, năng suất đạt gần 7,5 tấn/ha (lúa tươi), lợi nhuận tăng hơn 1,2 triệu đồng/ha so với ruộng đối chứng.

Canh tác lúa thông minh thật ra là giải pháp kỹ thuật, từ khâu làm đất, gieo hạt, bón phân, quản lý dịch hại, chăm sóc, thu hoạch,… dù vậy người nông dân vẫn có thu nhập cao vì mục đích hướng đến sản xuất hiệu quả, giảm chi phí đầu vào. Trước đây, bà con nông dân thường có thói quen sạ dày, điều này ảnh hưởng hàng loạt đến các công đoạn sau này như: chăm sóc, hạn chế dịch bệnh và thu hoạch. Đến nay, bà con nông dân đã biết áp dụng nhiều kỹ thuật để hạn chế lượng lúa giống khi gieo sạ nhưng vẫn phù hợp với đồng đất, không làm ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng (từ 150 – 180 kg lúa giống giảm xuống còn 80 kg/ha). Ông Lê Việt Thắng, người tham gia thực hiện mô hình ở ấp Long Hậu, thị trấn Phước Long, huyện Phước Long, chia sẻ: “So với trước đây thì mô hình canh tác lúa thông minh giúp nông dân chúng tôi giảm khá nhiều chi phí đầu vào từ lúa giống, phân thuốc, công chăm sóc,… nhưng cái lợi lớn nhất đó chính là lúa cuối vụ luôn đạt năng suất cao mà lại bán được giá”.

Cũng theo đúc kết của nhiều bà con nông dân, trong hệ thống canh tác tôm- lúa, sau khi nuôi một vụ tôm thì tiến hành trồng một vụ lúa, khi đó những chất thải hữu cơ dưới đáy ao sau khi thu hoạch tôm sẽ làm cho ruộng lúa trở nên màu mỡ, người trồng lúa chỉ bón một lượng nhỏ phân là đáp ứng nhu cầu phát triển của cây lúa. Bên cạnh đó, để tránh ảnh hưởng đến tôm nuôi, người thực hiện mô hình phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh tổng hợp, hạn chế được dịch bệnh, ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Ngược lại, nuôi tôm sau vụ lúa thì nền đáy ao đã được khoáng hóa nên các chất độc hại trong nuôi tôm được giảm thiểu, hạn chế được tình trạng vùng nuôi tôm bị lão hóa do đất bị ngập mặn lâu dài; đồng thời cắt mầm bệnh trong ruộng nuôi, môi trường ruộng tôm ổn định hơn nên khi nuôi tôm không cần phải sử dụng nhiều thuốc, hóa chất dẫn đến chi phí sản xuất thấp, lợi nhuận tăng.

Thực tế sản xuất mô hình tôm- lúa tại Bạc Liêu qua nhiều năm cho thấy, trồng lúa trên đất nuôi tôm không xảy ra “xung đột” về sử dụng nguồn nước lợ, ngọt trong quá trình sản xuất. Vào mùa khô, nước ngoài sông rạch mặn thì lấy vào nuôi tôm sú, đến mùa mưa, nông dân lại lấy nước ngọt vào trồng lúa, hiệu quả mang lại rất đáng kể, nhiều nông dân ở vùng chuyển đổi đã vươn lên khá, giàu, mô hình cần được nhân rộng trong thời gian tới.

Ngọc Oanh - Trung tâm Khuyến nông Bạc Liêu, Khuyến Nông VN, 22/01/2019

 

Một số vấn đề cần lưu ý khi canh tác lúa trên đất nuôi tôm

* Thời vụ:

Bố trí mùa vụ thích hợp giúp cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt, đạt năng suất cao.

Đối với lúa cấy: gieo mạ vào đầu đến nửa tháng 8, cấy vào cuối tháng 9. Đối với lúa sạ: sạ từ tháng 8 đến giữa tháng 9.

* Chuẩn bị đất:

Cần tận dụng mọi nguồn nước ngọt (nước mưa, nước kênh mương…) để rửa mặn nhiều lần (5 - 7 lần) trong thời gian từ 20 - 30 ngày. Trước khi xổ nước rửa mặn cần bừa trục và ngâm đất 7 - 10 ngày để giúp rửa mặn tầng đất được sâu hơn. Khi nồng độ mặn còn 1 - 2%o thì xuống giống.

* Cơ cấu giống lúa:

Chọn giống lúa có khả năng chịu mặn, kháng sâu bệnh, năng suất ổn định để canh tác.

* Lượng giống sạ, cấy:

- Gieo mạ 40 - 50kg giống/1.000m2 (cấy cho 1ha).
- Gieo sạ 100 - 120kg lúa giống cho 10.000m2 (lúa cao sản).
- 40 - 60kg lúa giống, sạ cho 10.000m2 (lúa mùa Một bụi đỏ).

* Lượng phân bón cho 1 công tầm cấy đối với lúa cấy: 10 - 20kg phân con cò cải tạo đất (hoặc 25 - 30kg phân lân). 5 - 7kg phân urê + 6 - 10kg phân NPK (20-20-15).

- Cách bón:

Lần 1: Bón 10 - 20kg phân con cò cải tạo đất (hoặc 25 - 30kg phân lân) trước khi bừa trục lần cuối. Lần 2: Bón sau khi cấy 5 - 7 ngày 1/2 lượng urê + 2/3 phân NPK. Lần 3: Bón sau khi cấy 30 - 35 ngày 1/2 lượng urê + 1/3 NPK.

* Lượng phân bón cho 1 công tầm cấy đối với lúa sạ: Bón 10 - 20kg phân con cò cải tạo đất (hoặc 30 - 35kg phân lân). 6 - 10kg phân urê + 10 - 13kg phân NPK (20-20-15).

- Cách bón:

Lần 1: Bón 10 - 20kg phân con cò cải tạo đất (hoặc 30 - 35kg phân lân) trước khi bừa trục lần cuối. Lần 2: Sau khi sạ 5 - 7 ngày bón 1/2 lượng urê. Lần 3: Sau khi sạ 20 - 25 ngày bón 1/2 lượng urê + 1/2 NPK. Lần 4: Sau khi sạ 40 - 45 ngày bón 1/2 lượng NPK.

* Chú ý:

- Luôn giữ mực nước ruộng 1 - 2 tấc trong suốt quá trình sinh trưởng phát triển của cây lúa.
- Phòng trừ cỏ dại.
- Áp dụng triệt để các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) cho lúa.

Kỹ sư Lê Hữu Ân (Báo Bạc Liêu, 17/08/2012 )

 Nhấn vào đây để xem tất cả các tin kỹ thuật trồng lúa

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang