• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Trồng trọt

Xử lý mãng cầu ra hoa trái vụ

Ở Bình Thuận, mãng cầu (miền Bắc gọi là na) được trồng ở nhiều nơi nhưng tập trung nhiều ở xã Hồng Sơn, huyện Hàm Thuận Bắc. Là loại cây có tính chịu hạn cao, cần thời tiết khô ráo và đặc biệt cây mãng cầu thích hợp với nhiều loại đất như đất thịt, sỏi và thậm chí đất cát cũng có thể trồng được.

Hiện nay, mãng cầu đang chuẩn bị ra hoa và nông dân sẽ thu hoạch trái vào tháng 6, 7. Tuy nhiên, vào thời điểm này cũng là mùa của nhiều loại trái cây khác nên giá mãng cầu thường rẻ (khoảng 3.000 đồng/kg), nên thu nhập của nông dân không cao.

Để giúp cho nông dân có thu nhập cao hơn, Trung tâm phát triển Kinh tế xã hội tỉnh Bình Thuận (SEDEC) đã cùng Hội nông dân xã Hồng Sơn ứng dụng thử nghiệm mô hình cho mãng cầu ra hoa trái vụ. Mô hình đã được triển khai được 3 năm và đến nay đã đạt được một số kết quả rất khích lệ.

Anh Trương Thạnh (thôn 4, xã Hồng Sơn) cho biết: “Trước đây, khi chưa có dự án, tôi chỉ làm một vụ một năm trên diện tích 2,5 sào (2.500 m2), thu hoạch được khoảng 1.400 kg, với bán giá 3.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, tôi thu lãi khoảng 3-4 triệu đồng”.

Sau khi được sự hỗ trợ của SEDEC về kỹ thuật cho mãng cầu ra hoa trái vụ và được đi học hỏi kinh nghiệm ở Tây Ninh, anh bắt đầu làm trái vụ. Năm 2005, sau khi thu hoạch vụ chính được 4 triệu đồng, anh cho mãng cầu ra hoa trái vụ. Do mới bắt đầu làm chưa có kinh nghiệm, anh chỉ thu hoạch được khoảng 770 kg, với giá bán 10.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, anh thu được lãi 6 triệu đồng. Như vậy, trong năm 2005 anh thu lãi cả 2 vụ là 10 triệu đồng. Năm 2006, anh tiếp tục làm cả chính vụ và trái vụ. Chính vụ anh lãi được 5,5 triệu đồng và trái vụ anh lãi được 10,3 triệu đồng. Như vậy trong năm 2006, anh thu lãi được 15,8 triệu đồng. Năm 2007, anh chỉ làm chính vụ mà không làm trái vụ vì theo anh “phải để cho cây nghỉ một năm rồi sang năm làm lại”.

Theo hướng dẫn kỹ thuật của SEDEC và kinh nghiệm của nông dân thì chỉ nên xử lý cho mãng cầu ra hoa trái vụ đối với những cây đã hơn 5 tuổi. Sau khi thu hoạch vụ chính xong, ta tỉa cành, tạo tán, loại bỏ các cành bị sâu bệnh và trái non. Tiếp đó bón phân chuồng hoặc bón nhiều đạm và lân cho cây phục hồi sức khoẻ.

Vào thời điểm tết Trung thu (rằm tháng 8), ta bắt đầu hái lá (như hái lá cây mai) hoặc phun thuốc diệt cỏ ở nồng độ thấp cho cháy trụi toàn bộ lá. Sau đó, ngừng tưới nước khoảng 1 tuần và phun thuốc ngừa sâu bệnh. Lúc này, nên bón đạm thấp lại và tăng lượng lân và kali. Theo nông dân Hồng Sơn thì lượng phân bón cho một gốc cây là khoảng 10-15 kg phân chuồng ủ hoai, 300-400g NPK (20-20-15), 1kg lân, 1kg phân hữu cơ và khoảng 100g Urê sữa. Và sau đó, cứ khoảng 10-15 ngày thì bón lại. Trung bình bón khoảng 8-10 đợt cho đến lúc thu hoạch.

Sau khi lá rụng, khoảng nửa tháng sau cây bắt đầu ra hoa và sau khoảng 3 tháng 10 ngày thì thu hoạch trái. Trong thời gian này cần phòng trừ rệp sáp, sâu đục trái, và một số loại côn trùng gây hại khác. Nếu trên một chùm có quá nhiều trái thì phải tỉa bỏ hết, chỉ để lại 1,2 trái khoẻ để trái phát triển to và nhanh hơn. Khi thấy mãng cầu đã nở gai, vỏ chuyển màu vàng, rãnh giữa các múi to, đầy lên thì nên thu hoạch, không nên để chín cây. Thời điểm tốt nhất để thu hoạch là vào lúc sáng sớm và nên lót lá mềm khi xếp trái vào giỏ để tránh bị dập trái khi chín.

TH.S NGÔ THANH HUY - NNVN, 11/03/2008

www.vietlinh.vn

 

“Khiến” cây mãng cầu có trái đón tết

Sau mấy tháng trời nắng gió gay gắt, cây mãng cầu rụng hết lá. Đến khi mưa xuống là cây đâm chồi và trổ bông. Ở vùng mãng cầu Hàm Đức, Hồng Sơn (Hàm Thuận Bắc) thường đến tháng 7,8 âm lịch là bước vào mùa thu hoạch. Năm trúng mùa, mãng cầu tràn ngập các chợ ở nông thôn lẫn thành thị và giá cũng rẻ như bèo. Năm không trúng mùa thì giá có cao nhưng không thể bằng giá các loại trái cây như xoài, bưởi,… vào dịp tết. Nếu có được mãng cầu bán trong dịp tết thì chắc chắn sẽ rất đắt hàng, bởi đây là một loại quả đứng hàng đầu trên mâm ngũ quả ngày tết(mãng cầu, xoài, dừa, đu đủ và sung). Tết đến, nhiều người sẵn sàng bỏ thời gian rảo đến các chợ để tìm mua trái sung về làm cảnh trên mâm ngũ quả nhưng không thể nào tìm ra được trái mãng cầu. Nghĩ thế, ông Huỳnh Thái Dương, chủ DNTN cơ khí nông nghiệp ở xã Hàm Đức có ý muốn cho 30 cây mãng cầu ở nhà có lứa trái đầu tiên đúng vào dịp tết, chỉ để thỏa lòng đơm mâm ngũ quả trong nhà cho đầy đủ.

Sau khi nghiên cứu quá trình đơm bông, kết trái của cây mãng cầu, ông Dương tiến hành lặt lá cây mãng cầu trong vườn tựa như lặt lá mai vào tháng 9 âm lịch. 3-5 ngày sau đó, tưới nước và rải vài nắm phân NPK20-20-15 (loại kích thích ra bông) vào các gốc cây. Thế rồi, bỗng nhiên 15 ngày sau cây đâm chồi và trổ bông từ lác đác đến rộ khắp các cành nhánh. Quá phấn khích với kết quả từ sáng kiến của mình, ông Dương rải phân tiếp thì một số bông bị cháy, những bông không bị cháy bắt đầu có trái nhú ra và lớn dần lên. Cứ 3-4 ngày ông lại tưới nước nên trái lớn nhanh. Bây giờ mỗi cây có từ 4 đến hơn 10 quả đã lớn bằng ngón chân cái, cườm tay. Với số lượng ấy, khi trái lớn hơn nữa, bắt buộc phải làm giàn chống.

Ông Dương khẳng định, mãng cầu bị mất mùa hay được mùa là tuỳ thuộc vào thời điểm ra bông. Khi đã đậu trái được chừng ấy thì thường không gặp rủi ro nào nữa. Vì vậy, một số trái ở các cây được lặt lá vào đầu tháng 9 sẽ thu hoạch kịp tết, còn trái ở một số cây lặt lá trễ hơn sẽ thu hoạch vào sau tết. Ông rút ra kinh nghiệm là nên lặt lá vào đầu tháng 9 âm lịch để cây ra trái kịp bán tết. Còn tưới nước thì không cần ngày nào cũng tưới mà nên dăm ba hôm mới tưới thì có hiệu quả hơn, vì mãng cầu vốn là loài cây chịu được hạn. Tương tự như tưới nước, khâu bón phân kích thích cây ra bông cũng không nên bón nhiều, mà chỉ một lần với số lượng vừa phải. Nếu không sẽ bị cháy bông.

Bây giờ đang là mùa khô nên những vườn mãng cầu của dân nằm ven QL1 đều khô và rụng lá lác đác nhưng 30 cây mãng cầu của ông Dương thì xanh lá và có trái. Hình ảnh này không chỉ thể hiện sự khác biệt mà còn đang khẳng định một lối mở trong việc cho cây mãng cầu ra trái vụ bán cho thị trường trái cây ngày tết. Một người buôn bán trái cây tại Hàm Đức cho biết, năm nay mãng cầu trúng mùa nên giá chỉ 3-4 ngàn đồng/kg. Năm trước mất mùa giá bình quân 8 ngàn đồng/ kg. Nếu có mãng cầu bán trong dịp tết, có thể giá lên 20.000 đồng/kg, ngang ngửa với các loại trái cây khác như xoài, lê,..Hơn thế, người người sẽ tranh giành mua vì hầu như ai cũng cần có trái mãng cầu trên mâm ngũ quả trong ngày tết, bởi tâm lý cho rằng chỉ có trái mãng cầu mới có thể kết nối 4 loại quả trên.

Bích Nghị - Bình Thuận, 19/01/2008

www.vietlinh.vn

 

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang