• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Trồng trọt

Kỹ thuật, kinh nghiệm xử lý măng cụt ra hoa

Chăm sóc cây măng cụt ra hoa sớm, ít sượng trái

Măng cụt là cây trồng cho giá trị kinh tế cao, thích hợp nhiều vùng đất từ đồng bằng sông Cửu Long đến Tây Nguyên. Chăm sóc cây măng cụt không quá khó, vấn đề gặp phải ở cây măng cụt là cây hai bỏ vụ (cho trái cách năm), trái thu hoạch cuối mùa hay bị mủ và sượng, mất phẩm chất. Vì vậy, ngoài việc chăm sóc để cây măng cụt khỏe mạnh, thì chăm sóc để cây cho trái hàng năm, trái đạt chất lượng rất quan trọng.

Cây măng cụt trồng tốt ở vùng đất thịt, sét giàu hữu cơ tầng canh tác dày, thoát nước tốt, gần nguồn nước tưới, không bị nhiễm mặn. Trồng được quanh năm, nhưng thường được trồng vào đầu mùa mưa để giảm chi phí tưới cho vườn cây.

Cây măng cụt là cây ưa bóng, cây con khó sống ngoài trảng nên cần được che mát trong 4 - 5 năm đầu vì ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp có thể làm cây chậm phát triển. Hàng năm, vào mùa nắng cần vét bùn ở mương lên bồi liếp nhằm nâng cao mặt liếp và cung cấp thêm chất dinh dưỡng cho cây. Nhưng chỉ bồi một lớp bùn mỏng khoảng 3 - 4 cm. Măng cụt là cây có nhu cầu nước rất lớn, đồng thời do hệ thống rễ cây không có lông hút và phát triển kém nên rễ măng cụt khi tiếp xúc với đất khó hút nước vì vậy cần tưới nước thường xuyên, nhất là trong giai đoạn cây con và cây đang mang trái.

Giai đoạn cây ra hoa và mang trái cần tưới nước cách ngày cho cây, nhất là lúc sau khi cây trổ hoa, đậu trái giúp hoa phát triển tốt, đậu trái nhiều và trái nhanh phát triển. Trong giai đoạn cây mang trái nên chú ý tưới đều vừa đủ ẩm, tránh trường hợp vườn quá khô lại quá ướt bất thường sẽ đưa đến hiện tượng rụng trái non. Một số kinh nghiệm của nhà vườn khi trái măng cụt hết giai đoạn phát triển trái thì ngưng tưới nước, giảm mực thủy cấp trong mương và kết hợp với việc đậy gốc khi có mưa nhiều sẽ giảm đi hiện tượng mủ trái và sượng trái măng cụt.

Tỉa cành tạo tán cho cây măng cụt phải được chú ý thực hiện sớm và thường xuyên để có được tán cây cân đối và cây cho năng suất cao sau này. Khi cây còn nhỏ, cần tỉa bỏ các cành mọc dày đặc, cành vượt mọc đứng trong thân, cành ốm yếu, cành bị sâu bệnh, chỉ giữ lại các cành mọc ngang, cành khỏe mạnh để tạo cho cây có tán thông thoáng và cân đối. Khi cây đã cho trái, sau khi thu hoạch xong phải tỉa bỏ những cành bị sâu bệnh, cành già không còn khả năng cho trái, cành vô hiệu nằm trong tán cây.

Theo khuyến cáo của Sở khoa học và công nghệ Bến Tre, cây măng cụt cho trái cách năm rất thường xảy ra, chủ yếu là do việc bón phân cho cây hầu như chưa được quan tâm. Quy trình bón phân để người trồng tham khảo như sau, giai đoạn cây cho trái: ngay sau khi thu hoạch xong cần tỉa cành, tạo tán bón 20 - 30 kg phân chuồng hoai cho mỗi cây kết hợp với phân vô cơ có hàm lượng đạm cao để giúp cây nhanh ra đọt mới. Bón phân chuyên dùng cho cây ăn trái. Cũng có thể bón phân hữu cơ kết hợp với phân vô cơ theo công thức như sau N:P:K 16-16-8 hoặc N:P:K 20:20:10. Lần 2: trước khi cây ra hoa 30 - 40 ngày, giai đoạn này nên sử dụng phân vô cơ có hàm lượng lân và kali cao. Tránh bón nhiều phân đạm sẽ làm cho cây ra lá giảm sự ra hoa. Bón phân chuyên dùng cây ăn trái hoặc N:P:K 8-24-24. Lần 3: sau khi đậu trái lúc trái khoảng 2 cm, bón phân có hàm lượng kali cao, bón phân với công thức N:P:K 13-13-21. Liều lượng phân: 0,5 - 4 kg/lần/cây với tuổi cây từ 10 tới trên 30 năm tuổi, có thể tăng giảm hoặc thay đổi tùy thuộc vào điều kiện đất trồng, đường kính tán, năng suất thu hoạch vụ trước và tình hình sinh trưởng của cây. Giai đoạn trái phát triển cần bón thêm Ca(NO3)2 hoặc bón vôi Dolomite 2 kg/cây sẽ tăng được phẩm chất trái.

Đa số nhà vườn xới xung quanh gốc bón theo tán cây vì vậy việc bón phân cho cây măng cụt chưa phát huy hết hiệu quả khi sử dụng phân bón. Cây măng cụt do đặc tính bộ rễ phát triển kém so với các loại cây trồng khác, vì vậy hiệu quả nhất nên giới hạn bón phân ở 2/3 hình chiếu tán tính từ gốc trở ra. Tốt nhất nên đào rãnh xung quanh gốc ở 2/3 tán, sâu 15 - 20 cm, rộng từ 20 - 30 cm, bón phân vào rãnh, lấp đất lại hoặc cũng có thể xới xung quanh cách gốc khoảng 40 - 50 cm đến 2/3 tán cây bón phân vào và tưới nước đầy đủ sau khi bón.

Cây măng cụt rất ưa phân chuồng. Hạn chế của trái măng cụt là trái bị sượng. Cách tốt nhất là thu hoạch trước mùa mưa, vì vậy cần cho cây ra hoa sớm. Đặc tính của măng cụt là ra hoa trên đầu cành đọt mới nên việc cho măng cụt ra hoa sớm, trước hết phải làm cho cây ra đọt non sớm và đồng loạt. Xử lý ra hoa cũng đòi hỏi trình độ nông dân và biết “canh” thời điểm, sử dụng phân bón phù hợp. Có hai cách bắt cây ra hoa sớm và đồng loạt, thứ nhất, khi đọt non 9 tuần thì xiết nước (tạo khô hạn, rút nước trong mương và phủ nylon trên mặt liếp). Khoảng 2 - 4 tuần thấy lá non có biểu hiện héo thì tưới thật nhiều, 5 - 7 ngày sau tưới lần nữa để mặt liếp đủ ẩm. Thứ hai, là khấc gốc (khoanh vỏ). Cách làm này chỉ áp dụng cho những vườn khó tạo khô hạn, thì khi đọt được 9 - 10 tuần tuổi, khoảng ngày 15/10 (âm lịch), tiến hành khấc gốc xung quanh thân. Chỉ khấc phần vỏ, không được chạm vào gỗ trong thân, vết khấc cách mặt đất khoảng 1 mét. Sau khi lá tươi trở lại hoặc khấc gốc 2 hoặc 3 ngày là cho cây ra hoa đồng loạt bằng cách dùng thuốc kích thích ra hoa phun sương đều hai mặt lá cây một lần. Khoảng 10 - 20 ngày sau khi tưới nước lại và phun thuốc, cây sẽ nhú chồi hoa.

PHƯƠNG DUY - Khoa học phổ thông, 25/07/2019

 

 

Kinh nghiệm xử lý măng cụt ra hoa

Xử lý tạo khô hạn mặt liếp măng cụt.

Ông Trần Ngọc Ánh ở ấp Láng Hầm, thị trấn Rạch Gòi, huyện Châu Thành A (Hậu Giang) có hơn 20 năm trồng măng cụt trên diện tích 1,7 ha, vì vậy ông đã tích lũy rất nhiều kinh nghiệm trong xử lý măng cụt ra hoa.

Theo ông Ánh, vào đầu tháng 7 âm lịch tiến hành cắt tỉa những cành sâu bệnh, cành vượt trong thân để tạo thông thoáng nhằm có ánh sáng chiếu vào. Sau đó dùng chổi quét lá xung quanh gốc và cung cấp dinh dưỡng để cho cây ra đọt đồng loạt (sau 7 ngày cắt tỉa cành): bón phân NPK (20-20-10) mỗi cây từ 1,5 - 2 kg. Sau khi cung cấp phân khoảng 15 - 30 ngày cây sẽ ra đọt, đây là giai đoạn rất quan trọng tạo điều kiện cho cây ra hoa sau này.

Khi cây ra đọt non khoảng 3 - 5 ngày, phun thuốc trừ sâu vẽ bùa để cho lá phát triển tốt. Quan sát thấy lá chuyển sang lá lụa tiếp tục bón phân lân từ 2- 3 kg/cây để tạo mầm hoa cho cây. Sau khi phân lân đã tan hết thì tiến hành song song 2 biện pháp: một là che nylon trên bờ để không cho mưa làm ướt bờ (tạo khô hạn cho cây măng); hai là xiết nước dưới mương phải cách mặt bờ từ 5 - 6 tấc.

khi lá đã già (màu nâu sẫm hơi héo) thì bắt đầu cho nước vào mương rồi tưới nước cho ướt bờ, sau khi tưới được 7 - 10 ngày thì bón phân NPK (20-15-15) mỗi cây từ 1 - 2 kg. Sau khi tưới khoảng 15 - 20 ngày là măng cụt sẽ ra hoa, lúc này nên phun thuốc trừ sâu hại.

Khi măng cụt đã đậu trái cần chú ý phải bón phân cân đối, không được bón quá nhiều urê sẽ làm trái non rụng nhiều, chỉ nên sử dụng phân NPK (16-16-16) chia từng giai đoạn (2 tháng sau đậu trái bón mỗi cây 0,5 - 1 kg, sau đó cứ 1 tháng bón phân một lần khoảng 0,5 kg/cây để trái phát triển tốt). Thời gian từ khi ra hoa đến thu hoạch từ 5 - 6 tháng.

Măng cụt là loại cây có giá trị kinh tế cao và ít sâu bệnh, nhưng để cho ra hoa sớm bán được giá là khâu rất quan trọng. Vì vậy với kinh nghiệm xử lý măng cụt của ông Ánh đã góp phần tăng thu nhập kinh tế cho gia đình và đã chia sẻ cho những hộ trồng măng trên địa bàn.

NGUYỄN VIỆT KIỂU - Khoa học phổ thông, 08/07/2019

 

Kỹ thuật xử lý măng cụt ra hoa theo ý muốn

Măng cụt được trồng chủ yếu ở Nam bộ, trong đó đồng bằng sông Cửu Long hiện có hơn 5.000 ha, sản lượng khoảng 4.500 tấn, trong đó có 1/3 diện tích đang cho trái. Bến Tre hiện có gần 4.500 ha, là tỉnh đã công bố chính thức chọn măng cụt là cây trồng chủ lực để đầu tư phát triển theo hướng thâm canh.

Măng cụt là loại cây đặc sản, đã từng “làm mưa làm gió” trên thị trường trái cây cao cấp. Giá măng cụt lúc nào cũng cao. Đám cưới mà có mâm măng cụt là thuộc loại sang. Măng cụt được gọi là “nữ hoàng” của cây ăn trái là vậy. Chủ cơ sở cây giống DUY HIỀN, cũng là người trồng để nhân giống tại xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách, Bến Tre, nói về vườn cây của mình, cũng có bao thăng trầm.

Để có trái măng cụt đến tay người tiêu dùng nhà vườn phải bỏ ra không ít công sức

Trồng măng cụt

Đối với cây măng cụt, việc chuẩn bị đất cũng giống như các loại cây ăn trái khác, nhưng khoảng cách trồng phải từ 7 – 10 m, vì tàn lá lớn và cây sống lâu năm. Nếu trồng xen với dừa, thì nên trồng khoảng giữa 4 cây dừa là tốt nhất.

Khi trồng nên cắt bớt lá, nên trồng vào đầu mùa mưa. Có thể trồng xen với chuối, dừa để che mát. Muốn trồng thuần măng cụt, lúc đầu khi cây còn nhỏ nên xen những cây ngắn ngày để có thu nhập.

Rễ măng cụt tiếp xúc với đất kém, nên cần tưới và chăm sóc thường xuyên. Cây bị ngập nước dễ chết, cho nên cần thoát nước tốt vào mùa mưa.

Cây măng cụt rất ưa phân chuồng. Bón đạm để giúp cây tăng trưởng nhanh. Kinh nghiệm của những nhà vườn chuyên canh: Trong năm đầu có thể bón từ 50 gam đến 100 gam phân SA/cây hoặc 20-40 gam urê/cây vào một tháng sau khi trồng và từ 50-100 gam SA, hoặc 20-40 gam urê vào sáu tháng sau. Từ năm thứ hai sau khi trồng nên tăng dần lượng phân theo giai đoạn tăng trưởng. Khi cây bắt đầu cho trái, bón 500 gam phân NPK 20-20-15 một cây vào đầu và cuối mùa mưa. Lượng phân tăng khi cây lớn sẽ cho nhiều trái.

Cây trưởng thành có thể bón từ 2 kg NPK/năm. Những người có kinh nghiệm có thể bón 1,5 kg DAP/gốc vào cuối mùa mưa, kết hợp bồi sình rải lá và cỏ mục để cung cấp thêm dinh dưỡng cho cây.

Lúc đầu cắt bỏ cành yếu, nhưng cây cao từ 8 đến 10m thì cắt ngọn để giảm chiều cao, tạo tán ngang giúp cây cho trái nhiều.

Bệnh của cây măng cụt thường là sâu ăn lá, rệp dính hoặc nhện đỏ, bọ xích làm cây kiệt sức, bệnh đóm rong, chảy nhựa vàng. Các loại bệnh này đều có thuốc trị, chỉ cần nhà vườn lưu ý sẽ khỏi.

Thu hoạch trái đã chuyển màu đỏ là thuận lợi, vì có thể bảo quản được từ 7-10 ngày.

Hiện tại theo dự án của Bến Tre diện tích măng cụt của tỉnh đã lên tới 4.500 ha, trong đó 200 ha đang trong thời kỳ cho trái năng suất cao.

Hạn chế của trái măng cụt là trái bị sượng. Cách tốt nhất là thu hoạch trước mùa mưa. Đặc tính của măng cụt là ra hoa trên đầu cành đọt mới nên việc cho măng cụt ra hoa sớm, trước hết phải làm cho cây ra đọt non sớm và đồng loạt.

Xử lý cho trái nghịch vụ

Để cho mùa sau ra trái sớm và chất lượng, sau thu hoạch mùa trước cần làm mấy việc sau: Thứ nhất, bón 3 kg phân đầu trâu AT1 + 30 kg phân ủ hoai + 50 gam RICHO-MS/cây có tán 6-8 mét, tưới nước đều. Thứ hai là tỉa bỏ cành vượt, cành cấp một vượt ra khỏi khung tán và cắt bỏ những cặp lá đầu cành trên toàn bộ tán lá. Làm hai việc này càng nhanh càng tốt.

Hai tuần sau, dùng MS-THIORÊ hoặc FOOD-MS1 phun sương ướt đều tán cây. Sau hai đến ba lần phun, cây sẽ nhú đọt đồng loạt. Khi đọt non nhú được 01 tuần, dùng FOOD-MS1 phun hai lần, 10 ngày một lần nữa, giúp đọt lá phát triển mạnh chuẩn bị ra hoa.

Xử lý ra hoa cũng đòi hỏi trình độ. Vì tạo được đọt non phát triển chưa hẳn là ra hoa. Khi đọt non được 05 tuần tuổi, bón 02 kg phân đầu trâu AT2 + 02 kg HUMICH/cây. Muốn có hiệu quả nhanh, thì dùng 100 gam MS hòa nước xịt đều trên cây. Một tuần sau dùng FOOD-MS2 hoặc F-PO phun sương cho ướt đều hai mặt lá cây hai lần, cách nhau 07 ngày/lần. Làm vào đầu tháng 10 âm lịch để thu hoạch đầu tháng 04 năm sau.

Có hai cách bắt cây ra hoa sớm và đồng loạt: Thứ nhất, khi đọt non 09 tuần thì siết nước (tạo khô hạn, rút nước trong mương và phủ nylon trên mặt liếp. Khoảng 2-4 tuần thấy lá non có biểu hiện héo thì tưới thật nhiều, 5-7 ngày sau tưới lần nữa để mặt liếp đủ ẩm. Thứ hai, là khất gốc (khoanh vỏ). Cách làm này chỉ áp dụng cho những vườn khó tạo khô hạn, thì khi đọt được 9-10 tuần tuổi, khoảng ngày 15 tháng 10 (âm lịch), tiến hành khất gốc xung quanh thân. Chỉ khất phần vỏ, không được chạm vào gỗ trong thân, vết khất cách mặt đất khoảng 1 mét.

Sau khi lá tươi trở lại hoặc khấc gốc 2 hoặc 3 ngày là cho cây ra hoa đồng loạt bằng cách dùng thuốc kích thích ra hoa C.A.T + FOOD-MS2 phun sương đều hai mặt lá cây một lần. Khoảng 10-20 ngày sau khi tưới nước lại và phun thuốc, cây sẽ nhú chồi hoa. Từ khi hoa nhú đến hoa nở khoảng 30-45 ngày. Muốn đậu trái tốt, nên phun hai lần thuốc đậu trái C.A.T hoặc HCR cách nhau 10 ngày một lần.

Nuôi trái cũng là vấn đề quan trọng. Khi trái đậu hai tuần, bón 02 kg phân đầu trâu AT3 + 02 kg HUMICH/cây, chia làm hai lần. Muốn cho cung cấp nhanh dinh dưỡng nuôi trái thì bón 400 gam MS hòa với 04 lít nước xịt cho một cây. Đồng thời, dùng HCR phun hai lần, 07 ngày/lần. Sau đó dùng thuốc dưỡng trái + FOOD-MS4 phun 3-4 lần, 10 ngày một lần giúp cho trái to, chắc, ngon ngọt và hạn chế hiện tượng xì mủ, sượng

Xuân Thi - Bến Tre, 07/06/2008

 Nhấn vào đây để xem tất cả các thông tin kỹ thuật trồng măng cụt

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang