Từ năm 2010 đến nay, tình trạng nhà vườn ở ĐBSCL đốn hạ măng cụt để trồng loại cây ăn trái khác ngày càng tăng. Một trong những nguyên nhân chính là cây măng cụt cho trái thất thường, hiện tượng cho trái cách năm ngày càng phổ biến.
Năm 2012, các vùng trồng măng cụt từ Chợ Lách (Bến Tre) qua Cầu Kè (Trà Vinh) đến Kế Sách (Sóc Trăng) đều thất thu. Bình quân chỉ khoảng 20% số cây ra bông, kết trái. Tuy nhiên, các cây ra bông thì năng suất cũng rất thấp, chỉ vài ký mỗi cây. Năm nay, tỷ lệ cây măng cụt ra bông tuy cao hơn năm 2012 nhưng thời điểm ra bông muộn hơn 15 - 20 ngày. Tại các tổ hợp tác trồng măng cụt theo mô hình VietGAP thuộc các xã Vĩnh Thành, Long Thới, Tân Thiềng, Vĩnh Hòa... huyện Chợ Lách, nhà vườn ứng dụng các kỹ thuật canh tác bài bản thì tỷ lệ cây ra bông cũng chỉ đạt khoảng 60%; trên những cây ra bông thì số bông cũng chỉ bằng 50 - 70% so với trước đây. Ở huyện Kế Sách, tỷ lệ cây ra bông bình quân khoảng 30%; số bông/cây bằng khoảng 50% so với các năm trước. Nhà vườn trồng măng cụt đang tích cực chăm sóc với hy vọng tuy số trái ít đi nhưng bù lại trái sẽ lớn hơn, tỷ lệ trái đạt loại I tăng lên.
Trường hợp măng cụt không ra bông, kết trái còn xảy ra đối với những nhà vườn nhiều kinh nghiệm. Ông Trương Hữu Nghĩa (xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách) cho biết, ông được thừa hưởng vườn măng cụt với 300 cây, được trồng cách đây hơn 30 năm; từ năm 2010 trở về trước, năm nào thời tiết lạnh, mưa nắng đều, mỗi cây cho cả 1.000 trái. Đặc biệt, ông Nghĩa là một trong những người đầu tiên xử lý măng cụt ra hoa sớm rất thành công bằng phương pháp xiết nước, khấc cây (khoanh vỏ). Tuy nhiên, 3 năm qua ông cũng đành “bó tay” nhìn măng cụt “tốt cây, xanh lá” nhưng “vắng bông trên cành”! Tương tự, ông Phan Ngọc Thành ở xã An Lạc Thôn được xem là “vua” măng cụt trong năm 2012 tại “thủ phủ” vườn cây ăn trái của huyện Kế Sách. Thế nhưng vụ măng cụt 2013, “vua” cũng chào thua “hoàng hậu” măng cụt đỏng đảnh! Đến thời điểm này, các vườn măng cụt khác đã ra bông, nhưng vườn của ông Thành không có dấu hiệu ra bông, kết trái.
Từ thực tế trên cho thấy, các kinh nghiệm xử lý ra bông sớm của nhà vườn trồng măng cụt thời gian qua không có tính ổn định; vụ này khiển ra bông thành công, sang vụ sau cũng quy trình ấy nhưng lại thất bại. Chuyên gia “xử lý ra bông” cây ăn trái, PGS.TS. Trần Văn Hâu, cũng cho rằng hiện nay chưa có quy trình xử lý ra bông ổn định trên cây măng cụt.
Lý giải về nguyên nhân măng cụt ra bông, đậu trái thất thường trong 3 năm qua, nhà vườn Trương Hữu Nghĩa và Nguyễn Văn Dũng (huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) cho rằng nhiệt độ cao hơn và mưa trái mùa trong tháng 11 âm lịch là nguyên nhân khiến cây ra đọt thay vì ra bông. Ở Cái Mơn (xã Vĩnh Thành, Chợ Lách, Bến Tre), nhiều nhà vườn “liên kết” giữa thời tiết trong mùa Noel với sự ra bông của măng cụt: năm nào mùa Noel (tháng 12 dương lịch) lạnh nhiều thì năm đó cây măng cụt “thọ hàn” tốt và sẽ ra bông nhiều.
Trình độ canh tác cây măng cụt của nhà vườn ngày càng được nâng lên, hệ thống đê bao ngày càng hoàn chỉnh hơn nhưng hiện tượng măng cụt ra trái cách năm ngày càng phổ biến hơn, phải chăng biến đổi khí hậu khiến thời tiết thất thường là nguyên nhân chính? Giải pháp nào để khắc phục hữu hiệu hiện tượng măng cụt ra trái cách năm là một câu hỏi đặt ra với các nhà khoa học. Nếu không sớm có lời giải cho câu hỏi này thì diện tích trồng măng cụt sẽ tiếp tục sụt giảm trong thời gian tới.
VŨ BÁ QUAN, Khoa học phổ thông, 28/05/2013
Nhấn vào đây để xem tất cả các thông tin kỹ thuật trồng măng cụt
- Kỹ thuật trồng cây ăn trái, rau màu, cây dược liệu và các loại cây khác
Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.