Mây tắt (Calamus tetradactylus) là loài cây thân leo có gai họ cau dừa, thuộc lớp thực vật 1 lá mầm phân bố tập trung tại vùng rừng nhiệt đới, á nhiệt đới và là một trong những lâm sản ngoài gỗ (LSNG) có giá trị cao. Tại Việt Nam, mây tắt chủ yếu được khai thác từ rừng tự nhiên thuộc các tỉnh Bắc Bộ, Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ.
Nguyên liệu mây tắt sau khi khai thác chủ yếu được tinh chế thành các sản phẩm đan lát và hàng thủ công mỹ nghệ. Theo dự báo, nhu cầu về nguyên liệu mây để cung ứng cho sản xuất trong những năm tới ngày càng tăng. Trong khi đó nguồn tài nguyên mây tắt khai thác từ rừng tự nhiên ngày càng suy giảm nghiêm trọng cả về số lượng lẫn chất lượng.
Trước thực trạng đó, trong những năm qua nhà nước, tổ chức, cá nhân và hộ gia đình đầu tư trồng mây tắt, góp phần tái phục hồi rừng tự nhiên, giảm áp lực tác động của con người lên tài nguyên rừng; đồng thời cải thiện sinh kế của người dân sống gần rừng, ven rừng.
Bên cạnh đó, cây mây tắt cũng đã được nông hộ trồng trên các nông trại và vườn hộ bằng áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh rừng trồng nhằm tận dụng, khai thác tối đa tài nguyên đất rừng phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế của địa phương.
Để khai thác mây tắt đảm bảo hiệu quả, đúng quy trình kỹ thuật không làm ảnh hưởng đến quy cách, chất lượng sản phẩm và khả năng tái sinh của rừng; giảm chi phí nhân công, chúng tôi xin giới thiệu kỹ thuật khai thác rừng trồng cây mây tắt.
Thiết kế lô, thời điểm khai thác:
Để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình khai thác một cách nhịp nhàng, có khoa học, cần thiết kế phân lô, mỗi lô khoảng 1.000 m2; giữa các lô bố trí các lối đi chính và phụ đủ rộng để thuận lợi cho trung chuyển sản phẩm và đi lại chăm sóc rừng.
Song song với quá trình thiết kế phân lô khai thác; chủ rừng nhanh chóng đo đếm và tính toán trữ lượng rừng trồng cây mây tắt bằng công thức sau:
M = .N (kg/ha)
Trong đó: M trữ lượng rừng trồng trên 1 ha (kg/ha). Tổng khối lượng trung bình những cây đủ điều kiện khai thác trong 1 khóm.
N số khóm trên 1 ha.
Qua đó, chủ rừng cần căn cứ vào nhu cầu thị trường vềsố lượng, đặc điểm nguyên liệu (đoạn, sợi), chất lượng cũng như giá cả cho nguyên liệu mà quyết định số lượng cần khai thác.
Thời gian khai thác: Đặc điểm cây mây tắt có lượng hydratcacbon thay đổi theo mùa. Do đó, chọn thời điểm khai thác có ý nghĩa rất lớn. Nhìn chung có thể khai thác mây tắt quanh năm nhưng mùa khai thác chính được xác định vào các tháng 1 - 4 và tháng 10 - 12. Thông thường mây được khai thác 1 năm 2 lần và luân kỳ khai thác phụ thuộc vào lập địa và khả năng chăm sóc của chủ rừng.
Vật dụng khai thác:
Với đặc điểm mây trồng trong vườn và trang trại nên dùng rựa cán dài 50 - 60 cm cả lưỡi 70 - 80 cm; đồng thời chuẩn bị bộ đá mài chuyên dụng để mài dụng cụ khai thác.
Bao tay bằng vải dày, để bảo vệ chân tay tránh khỏi gai mây cào xước; trong khi khai thác đảm bảo an toàn lao động.
Tiêu chuẩn kỹ thuật cây khai thác:
Thu hoạch mây tắt vào giai đoạn 5 - 7 tuổi, đặc điểm nhận biết cây mây tắt đến tuổi khai thác là khi các bẹ lá bao thân có màu xanh lục, mặt bẹ có gai dẹt, khi bẹ lá già rụng đi lúc này có thể khai thác.
Tổng số cây trong khóm phải trên 6 cây thì quá trình khai thác hạn chế ảnh hưởng đến khả năng tái sinh của cây con và giảm tác động tới năng suất cho luân kỳ khai thác tiếp theo. Chiều dài thân cây khai thác chính cho phép trên 9 m mới đảm bảo quy cách, chất lượng hàng hóa. Số cây khai thác là những cây đảm bảo chiều dài, chiếm 1/5 đến 2/3 số cây có trong khóm.
Kỹ thuật khai thác:
Trước khi khai thác cần phát dọn quanh khóm mây sạch sẽ với bán kính 0,5 m; trong khi phát chú ý cây tái sinh. Tiếp theo cắt lá già, chặt tay leo, cành lá trong khóm dưới 1 m.
Sau khi phát dọn xong thực bì quanh gốc, chủ rừng tiến hành khai thác mây theo các bước sau:
Bước 1: Chặt tay leo, cành lá bằng rựa với chiều cao gốc chặt từ 15 - 20 cm.
Bước 2: Rút cây và bóc bẹ lá là công đoạn đưa sợi mây ra khỏi khóm và để thực hiện công đoạn này người khai thác căn cứ vào đặc điểm thân mây mềm và dễ uốn cong để tách, bóc bẹ lá. Tuy nhiên, quá trình này, người khai thác áp dụng hai phương pháp sau:
+ Rút cây mây ra khỏi khóm, bóc bẹ từ ngọn xuống gốc.
+ Rút dần cây mây ra khỏi khóm, rút đến đâu bóc bẹ đến đấy bằng công việc bẻ cong từng đoạn mây từ gốc lên đến hết cây tách bẹ lá dần dần.
Bước 3: Phát ngọn sau khi đã đưa cây mây ra khỏi khóm, chiều dài ngọn cắt bỏ từ 50 - 70 cm tương đương 5 - 7 đốt hay 5 - 7 lá tính từ ngọn. Sau đó bẹ ngọn được chặt thành các đoạn ngắn vun đắp vào xung quanh khóm mây có tác dụng vừa cải tạo mùn và giữ ẩm đất.
Bước 4: Thu gom sợi mây. Người thu gom tiến hành cuộn sợi mây thành từng vòng hay buộc thành từng bó tạo điều kiện thuận lợi đưa mây ra khỏi rừng và chuyển về nơi thu gom tập trung.
Từ thực tiễn yêu cầu sản xuất của địa phương và qua những thông tin đã giới thiệu hy vọng rằng sẽ giúp nông dân khai thác mây tắt đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật mang lại hiệu quả kinh tế cao và khai thác bền vững trong chu kỳ kinh doanh.
NGUYỄN VĂN HIỀN - Báo Quảng Trị, 25/11/2010
Kỹ thuật trồng cây mây nếp K38
Phương thức trồng nông, lâm kết hợp
Phương pháp trồng:
Hỗn loài. Trồng giữa cây công nghiệp mây nếp hai hàng/luồng (băng) + cây trụ giá thể thân gỗ (trên luống) + cây ngô dọc theo 2 mép luống + rau màu, lạc đậu hoặc ngô, cây dược liệu… trên phần đất còn lại giữa 2 luống mây.
Thời vụ:
Mây nếp trồng tháng 2 đến hết tháng 4 (mùa Xuân), tháng 6 đến tháng 10 (mùa mưa). Các tỉnh Tây Trường Sơn và các địa phương có ảnh hưởng của gió Nam Lào thì thời vụ trồng từ tháng 9 đến hết tháng 1 năm sau.
Cây giống:
Giống mây nếp K83 do Công ty CP Phát triển Mây song – Dũng Tấn chọn tạo từ nguồn giống địa phương (vốn đã nổi tiếng về năng suất và chất lượng sợi thương phẩm. Đã được trồng trình diễn khảo nghiệm và cho hiệu quả số thu lãi ròng 70-100 triệu đồng/ha.năm).
Giống MNK83 – Thương hiệu được bảo họ độc quyền phát hành, sản xuất theo quy trình công nghệ mới, thích ứng với nhiều điều kiện lập địa, vùng khí hậu khác nhau. Cây giống được gieo thẳng (hoặc cấy) trong túi bầu chuyên dụng (PE), mỗi túi có 1 -2 cây. Mật độ trồng: 40-50 ngàn cây/ha, 2.500-2.700 cây/sào Trung Bộ, 1.800-1.900 cây/sào Bắc Bộ). Trồng đường biên làm rào bảo vệ cứ 100 m dài cần trồng 1.400 – 1.600 cây.
Làm đất:
Chọn đất trồng mây nếp, nơi đất có thành phần cơ giới nhẹ. Đất pha cát giàu dinh dưỡng, độ ẩm cao. Tạo rạch 2 hàng/luốn, rạch cách rạch 0,4-0,6m rộng 0,25 m, sâu 0,25 m. Thiết kế luống đến luống (tính theo tim) 2,3-2,5 m, hàng của luống này đến hàng của luống kế giáp 1,7-1,9 m.
Lót phân:
Sử dụng toàn bộ phân chuồng và NPK +70% lân lót xuống đáy rãnh, lấo đất dày 2-3cm rồi bón lót bổ sung vôi bột + 70% lân vi sinh + 30% urê xuống rãnh luống.
Đặt cây: Trên luống hai hàng cây giống phả đặt so le răng sấu. Mật dộ 28-35 cm/khóm, mỗi khóm 2 cây. Đặt theo rãnh luống xong thì tiến hành:
+ Xé bỏ túi bầu (nên xé từ góc đáy phía dưới xé ngược lên) lưu ý nhẹ tay tránh làm vỡ bầu cây con
+ Đặt cây (ghép khóm tuỳ chủng loại bầu 1 hoặc 2 cây)
+ Lấp đất: Bón đất tơi mịn bao ủ quanh bầu cây. Nén vừa chặt, tránh làm vỡ bầu cây con.
Với chân ruộng vườn là đất thịt: Khi lấp đất xong, tốt nhất bổ sung thêm cát (có trộn lẫn phân hoá học) bỏ mỗi gốc (khóm) khoảng 2 vốc tay. Khi tưới, cát nhờ nước dẫn sẽ lấp kín bầu cây con.
Chăm sóc:
Cắt lá: Mây nếp trồng xong (hoặc tốt nhất trước khi trồng) phải cắt bớt lá để chống thoát nước qua lá. Cắt bỏ lá úa. 1/3 là già, ½ lá bánh tẻ, 2/3 lá non.
Tưới nước: Ngay sau khi đặt cây, lấp đất xong phải tưới thật đẫm - kể cả khi trồng trời mưa. Giữ ẩm thường xuyên giúp cây non mau bén rễ. Sử dụng bèo, rạ, rác mục bao phủ gốc cây để chống gió lay, giữ ẩm, hạn chế cỏ dại.
Phân bón: Lượng phân sử dụng tuỳ thuộc điều kiện lập địa, tầng đất và dinh dưỡng của đất tốt hay xấu mà đầu tư cho thích hợp.
Đối với sào Bắc Bộ (360m2): sử dụng 3 – 4 tạ phân chuồng + 22 - 30 kg P205 + 65 - 70 kg hữu cơ tổng hợp lân vi sinh + 15 kg vôi bột + 7-10 kg NPK + 7-10 kg urê+ 3,5 kg kali cho mỗi sào.
Đối với sào Trung Bộ (500 m2)
Sử dụng 5-6 tạ phân chuồng ủ hoai + 30-40kg P205 +90-100 kg hữu cơ tổng hợp lân vi sinh + 20 kg vôi bột + 10-12 kg NPK + 10-12 kg urê+ 5-7 kg kali cho mỗi sào.
Cách bón phân: Lượng phân trên dây bón lót toàn bộ phân chuồng + 70% lân+ NPK+50% vôi. Số còn lại bón rải, chia làm 4 lần bón ở tháng 2,9, 12 sau trồng, riêng kali bón trước thu hoạch 1 tháng. Trước khi bón phân phải làm sạch cỏ dại, xới đất sâu 3-4 chứng minh, vãi phân hoá học và tưới ngay để chống hao phí. Tránh bón phân khi đất quá khô. Cây mây phục hồi và sinh trưởng ở tuổi 1 phải trong bóng mát, ánh nắng làm cháy lá và kìm hãm sự phát triển của cây con. Bắt buộc phải trồng cây để tạo bóng mát cho cây mây.
Luống phát lá: 1 năm sau trồng và 2 lượt ở tuổi tiếp theo phải phát luỗng lá. Mỗi cây chỉ để 3 lá, cây sẽ nhanh phát triển chiều dài và mầm măng ít bị sâu, bệnh hại.
Cây trụ giá thể: Sử dụng cây hoè, cây keo, cây muồng… (các loại cây thuộc họ đậu) trồng giữa luống mây. Nên chọn các loại cây có tầm cao đạt 1 – 1,5 m. Mật độ 2,3m/cây. Tuổi 2 uốn buộc hàng cây xuôi hình xương cá ở độ cao 1,8-2m chạy dọc theo luống tạp dâu để cây mây dựa bám phát triển về sau. Với rừng non để có cây lâm nghiệp trồng sẵn thì căn vứ vào tình hình thực tế để trồng phối trí, không cần phải trồng cây bổ sung.
Trồng hỗn giao (trồng xen): Cây ngô (bắp): trồng dọc theo luống phái ngoài cách hàng mây 20 chứng minh. Cây cách cây 50 cm. Cứ 1.000 cây (500 khóm) mây phải có số hạt ngô giống bằng 0,15 kg. Thu hoạch ngô bao tử và ngô bắp hạt xong cần loại bỏ cắt bớt lá gốc, bẻ gập thân ngô tầm cao 0,7 -0,8 m, buộc cây 2 hàng dựa vào nhau treo bởi 1 thân nứa hoặc tre chẻ thanh. Dàn ngô chết khô đứng sẽ tồn tại 4-5 tháng sau đó để che bóng, giúp cho cây Mây thu ngắn thời gian phục hồi và phát triển.
Cây đậu lạc, cây rau màu: Trồng xen trên phần đất còn lại giữa 2 luống mây có tác dụng giữ ẩm và hạn chế cỏ dại đồng thời giúp nông dân đầu tư “lấy ngắn nuôi dài”,
Ngừa sâu bệnh: Mây nếp K83 ít sâu hại, khi nón có thể mắc bệnh rệp, nấm trắng, nấm hồng. Ngay sau khi trồng phun Daconil-Validacin-Diơterex, 1 số loại thuốc kháng sinh được hỗn hợp với chất bám dính và thuốc kích thích tăng trưởng. Các kỳ phun phòng trừ sâu bệnh tiếp theo khi cây mây ở giai đoạn 6 đến 12 tháng tuổi
Tạp chí Nông thôn mới. Số 220/2008
Kỹ thuật gây trồng cây mây nếp
Mây nếp là loài cây thân leo, mọc cụm. Cây mây nếp (tên khác: Mây tắt, Mây trắng, Mây ruột già, Mây nhà) có tên khoa học: Calamus tetradactylus Hance, thuộc họ thực vật: họ Cau (Arecaceae).
Mây nếp là một trong loài Mây có khu phân bố rộng nhất ở Việt Nam, tập trung nhiều ở Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình và Nghệ An. Cây mây có lóng dài, màu trắng đẹp, dẻo bền, dễ chẻ nên rất được ưa chuộng làm đồ đan lát, làm hàng mỹ nghệ. Gần đây, mây được sử dụng nhiều để đan mặt ghế và các đồ thủ công mỹ nghệ để xuất khẩu. Dưới đây xin giới thiệu một số kỹ thuật gây trồng cây mây nếp.
1. Nguồn giống
Chọn cây mẹ trên 7 tuổi mọc ở nơi quang hoặc có ngọn mọc vượt lên khỏi tán rừng hay tán cây gỗ. Hạt thu được hong khô trong nhà và cất giữ nơi khô ráo, thoáng mát để làm giống.
2. Tạo cây con
+ Đất gieo: Chọn nơi đất bằng, ẩm, thoát nước, có thành phần cơ giới nhẹ. Lên luống rộng 0,8 - 1,0 m, bón 3 - 4 kg phân chuồng hoai/1 m2 mặt luống. Nơi có nhiều kiến cần rắc vôi.
+ Gieo ươm: Nếu gieo quả trực tiếp phải 4 tháng hạt mới nảy mầm, còn nếu ngâm nước lạnh trong 24 giờ sau đó đãi sạch vỏ và cùi rồi xử lý bằng nước ấm 40 - 450C (2 sôi 3 lạnh) thì sau 15 - 20 ngày hạt bắt đầu nứt nanh và 30 - 45 ngày lá mầm hình kim xuất hiện.
Sau khi gieo hạt, cần làm giàn che bằng phên nứa hoặc thân đay... Tưới nước 2 lần/ngày để đảm bảo độ ẩm cho hạt chóng nảy mầm.
+ Cấy cây: Sau khi gieo 2 - 3 tháng, thấy lá mầm dạng kim đâm qua lớp đất che phủ là có thể cấy cây.
+ Tiêu chuẩn cây con: Cây ươm 1,5 tuổi trở lên, cao trên 20 - 30 cm với 3 - 4 lá có thể mang trồng. Nếu cây ươm rễ trần trên luống thì đánh bầu đất rộng 5 cm và trồng vào mùa xuân. Muốn vận chuyển cây con đi xa phải hồ rễ và giữ rễ luôn ẩm.
3. Gây trồng chăm sóc
+ Chuẩn bị đất trồng: Trồng mây quanh nhà, ven hàng rào, dọc mương máng, đất chuẩn bị đòi hỏi không cầu kỳ.
+ Mật độ: Cuốc hố trồng cây giá thể 0,5 - 1,0 m, kích thước hố 15 x 15 x 15 cm. Hố trồng đào liên tục cách nhau 1 m dọc theo hàng rào. Trường hợp giá thể là tre cần chú ý: Tre là bụi lớn, trồng mây thì mây khó sống, phát triển kém. Kinh nghiệm trong nhân dân là đào mương sâu 1 m, rộng 0,8 m cạnh hàng tre và trồng mây bên kia bờ mương cách 0,5 m, khi mây lớn cho leo lên cây tre.
Khi trồng mây dưới tán rừng tự nhiên: phát theo băng rộng 2 m, dọn sạch cây. Băng phát cách nhau 4 m. Kích thước hố 15 x 15 x 15 cm. Mỗi hố trồng 2 - 3 cây con.
+ Trồng cây: Trồng mây tốt nhất vào mùa xuân thời tiết ẩm và có mưa phùn, hoặc có thể trồng vào đầu mùa mưa. Không đào hố sâu dưới tán rừng, lá khô rụng xuống sẽ che lấp và làm chết cây con. Khi lấp đất phải nén chặt để cây mau bén rễ và lấp đất ngang cổ rễ cây để mây dễ đẻ nhánh sau này.
+ Chăm sóc, bảo vệ cây trồng: Trong 2 năm đầu, mỗi năm làm cỏ 2 - 3 lần kết hợp với vun xới. Hàng năm phải luỗng phát dây leo bụi rậm một lần để đảm bảo ánh sáng cho cây phát triển. Khi mây lớn và leo lên giá thể, tiến hành phát cành cây để điều chỉnh ánh sáng giúp cho mây vươn lên sinh trưởng tốt. Cần đề phòng trâu bò và châu chấu ăn lá mây non.
Nơi đất tốt, gần nhà, mây trồng sau 3 - 4 năm có thể thu hoạch. Mây trồng thành rừng sau 5 - 10 năm khi bẹ lá ở gốc bị chết và rụng đi, để lộ sợi mây trắng có thể thu hoạch. Sau đó 2 năm thu hoạch 1 lần. Khi thu hoạch, chặt gốc cách mặt đất 10 cm rồi lôi ra khỏi khóm mây.
TTKNQG, 12/2010
Hướng dẫn kỹ thuật trồng cây mây nếp
Tên khoa học: Calamustetra dactlus hance; Họ: Calamoideae.
1/ Đặc tính:
Mây thích nghi với nhiều điều kiện sinh thái. Trong thâm canh sản xuất mây, để có được những sản phẩm cho năng suất cao, chất lượng tốt người ta sử dụng giống mây nếp. Đặc điểm giống mây này là thưa đốt, tròn đều, vỏ có màu trắng ngà, cho năng suất cao, dễ thu hoạch, chịu được mọi điều kiện thời tiết, cây có khả năng kháng chịu sâu bệnh cao.
2/ Điều kiện gây trồng:
* Địa hình:
- Có thể trồng mây trong rừng thứ sinh đã qua khai thác.
- Rừng non đang phục hồi, đất sau nương rẫy.
- Trồng ven hàng rào, ven suối, dọc đường đi nhưng phải có cây che bóng để cây mây phát triển và làm giá thể để mây leo bám.
- Độ cao dưới 500m thích hợp cho cây mây nếp.
* Khí hậu:
Nhiệt độ bình quân năm: 20 – 300C, không có mùa đông kéo dài, không có rét đậm và sương muối.
* Lượng mưa: 1.500 – 2.000mm
* Đất đai:
- Sâu dày, tốt, ẩm mát, thoát nước.
- Mùn khá, không chua, pH: 4,5 – 6,0
* Thực bì:
- Có cây thân gỗ cho mây leo và có độ tàn che tốt nhất từ 0,4 – 0,5.
- Không trồng ở rừng rụng lá và vùng có lượng mưa thấp dưới 700- 800mm
3/ Tiêu chuẩn cây non đem trồng:
- Tuổi: 18 tháng (Hãm cây 1 tháng trước khi trồng)
- Chiều cao cây: trên 20 cm
- Số lá: 3-4 lá/cây
- Cây sinh trưởng tốt, không bị sâu bệnh.
4/ Kỹ thuật trồng:
a/ Thời vụ: Đầu mùa mưa (tháng 8-9) hoặc sau mùa mưa (tháng 12 – tháng 1) dương lịch.
b/ Phương thức trồng:
- Trồng dưới tán rừng tự nhiên hoặc rừng trồng có độ tàn che bóng 0,4 – 0,5.
- Trồng theo đám trong rừng khoanh nuôi.
- Trồng trong vườn nhà hoặc dưới bóng cây khác.
c) Mật độ:
- 3.300 cây/ha (1x3 m) hay
- 2.500 cây/ha (1x4 m) hoặc
- 1.650 cây/ ha (2x 3 m).
d) Xử lý thực bì:
Phát dọn theo rãnh quang hố trồng, đảm bảo giữ được cây che bóng và có trụ leo cho cây trồng. Nơi không có phải trồng hoặc cắm cọc cho cây leo.
e) Làm đất:
- Cục bộ theo hố đào: 15 x 15 x 15 cm hoặc 20 x 20 x 20 cm.
* Bón lót: Có điều kiện nên bón lót: 200 – 300g phân hữu cơ vi sinh hoặc 1 – 2 kg phân chuồng hoai hoặc 100 gam NPK (16 – 16 – 8)/1 hố.
f) Cách trồng:
Moi đất dặt cây vào hố, xé bỏ vỏ bầu nếu có, lấp đất ấn chặt, không lấp đầy quá cổ rễ của cây.
g) Chăm sóc: Chăm sóc năm thứ 2 và năm thứ 3 sau trồng:
* Lần 1:
Bón thúc 100gam NPK (16-16-8)/1 gốc kết hợp làm cỏ xới đất quanh gốc vào tháng 2 đến tháng 3.
* Lần 2: Bón thúc 100gam NPK (16-16-8)/1 gốc kết hợp làm cỏ xới đất xung quanh gốc vào tháng 8 – 10.
Chú ý:
+ Hàng năm phát cỏ dây leo bụi rậm chèn ép, đảm bảo đủ ánh sáng cho cây.
+ Không để gốc bị vùi quá sâu để cây đẻ nhánh tốt.
h) Tưới nước: (những nơi có điều kiện)
Cây mây dễ sống nhưng khó trồng, tùy theo nhiệt độ, thời tiết tính từ ngày trồng đến tháng thứ 3 phải liên tục tưới và tạo ẩm cho cây. Khi trồng nếu gặp trời mưa, vẫn phải tưới thật đẫm vào những hố đã trồng. Nếu gặp trời nắng nên tưới vào lúc trời mát.
5/ Thu hoạch:
- Sau khi trồng 3 – 5 năm nơi đất tốt có thể bắt đầu khai thác
- Chặt cách gốc 10cm, lôi dây mây ra khỏi khóm cây, róc bỏ bẹ lá.
- Phơi khô để bán hoặc đưa vào chế biến theo qui trình công nghệ riêng.
Trung tâm KN-KN Bình Định, 2009
- Kỹ thuật trồng cây ăn trái, rau màu, cây dược liệu và các loại cây khác
Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.