• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Trồng trọt

Trồng mía cao sản

Để đạt năng suất mía 100 tấn/ha

NNVN đã từng vinh danh những nông dân đạt năng suất mía 280 tấn/ha, nhưng năng suất mía bình quân cả nước mới ở mức 50 tấn/ha. NNVN xin giới thiệu quy trình thâm canh mía đạt 80-100 tấn/ha, chữ đường 11 CCS.

Chọn đất: Yêu cầu đất có tầng canh tác sâu, tơi xốp, giàu dinh dưỡng, thoát nước tốt.

Làm đất: Gồm 2 bước cày bừa và làm rãnh trồng

- Đất bãi và đất ruộng cày sâu 25- 30cm và bừa từ 2- 3 lần, rạch hàng 1 lần

- Đất đồi: Thiết kế hàng mía theo đường đồng mức (áp dụng cày không lật với độ sâu 40- 50 cm); nên làm đất trước khi trồng 40- 60 ngày để cho đất có thời gian ải diệt nguồn sâu bệnh.

- Vùng ĐBSCL: Đất trũng phải lên líp rộng 6- 20m, cao 25- 35cm. Rãnh mía sâu 20- 25 cm, đáy rãnh phủ lớp đất xốp dày 5- 10cm

Áp dụng chu kỳ luân canh 4 năm gồm: 1 năm mía tơ + 2 năm mía gốc + 1 năm cây trồng khác (cây lương thực, cây họ đậu)

Bộ giống mía chủ lực cho các vùng gồm:

- Miền Bắc: QĐ 93-159, QĐ11, QĐ15, QĐ17, My55-14, VĐ63-237, VĐ79-177, VĐ81-3254, ROC16, ROC10, ROC22...

- Miền Trung- Tây Nguyên: ROC10, ROC16, R570, RB72-454, VN84-422, VN84-4137, VN85-1427, VĐ81-3254, My55-14...

- Miền Nam: K84-200, ROC16, ROC22, ROC23, QĐ11, VN84-422, VN85-1427, VN85-1859, VN84-1437, VN65-65, VĐ81-3254...

Tuỳ theo điều kiện đất đai từng vùng và nhu cầu nguyên liệu cụ thể cho từng nhà máy để bố trí tỷ lệ các nhóm giống chín sớm (QĐ93-159, ROC22, ROC16...), chín trung bình (ROC10, VN85-1427, C85-391...), chín muộn (My55-14, K84-200, VĐ63-237...) cho phù hợp. Đặc biệt, hom giống phải sạch sâu bệnh, không dập nát, còn tươi.

Thời vụ trồng mới:

- Miền Bắc: Vụ xuân trồng từ tháng 1- 3 với giống chín trung bình và muộn. Vụ thu đông trồng tháng 9- 11 chủ yếu dùng giống chín sớm. Vụ hè thu tháng 6- 7 chủ yếu để làm giống cho vụ xuân năm sau.

- Duyên hải miền Trung: Trồng tháng 7- 9

- Miền Nam: Vụ 1 trồng từ tháng 5- 6 khi bắt đầu mùa mưa, vụ 2 trồng tháng 10- 11.

Mật độ: Tuỳ theo điều kiện đất đai và giống mía để bố trí mật độ đảm bảo số cây cơ bản 80 - 120.000 cây/ha, lượng hom giống cần từ 35 - 40.000 hom/ha (mỗi hom có 3 mắt), tương đương 8-10 tấn giống/ha. Khoảng cách hàng 1-1,2 m. Đặt hom thành hàng đơn hoặc 2 hàng so le dọc theo rãnh, phủ kín đất 3-5 cm (vụ hè thu) hoặc 7- 10 cm (vụ đông). Đất khô cần nén chặt cho hom tiếp xúc với đất. Vụ đông xuân nếu có điều kiện nên tưới ẩm sau khi trồng và sử dụng màng phủ nông nghiệp giữ ẩm, hạn chế cỏ dại cho mía.

Chăm sóc: Để đạt năng suất 80- 100 tấn/ha đối với đất đồi, bãi ở miền Bắc, miền Trung, Đông Nam bộ, Tây Nguyên và trên 100 tấn/ha ở ĐBSCL, bình quân lượng phân bón cần đầu tư cho 1 ha là: Phân hữu cơ: 20- 25 tấn (phân chuồng, phân HC vi sinh 2- 3 tấn); vôi bột 500- 1.000 kg; đạm urê 500- 700 kg; supe lân 800- 1.000 kg; kali 500- 600 kg. Trong trường hợp đã dùng phân NPK thì giảm lượng phân đơn tương ứng.

Cách bón phân: - Bón lót: Vôi được rải trên mặt ruộng trước khi cày bừa lần cuối; toàn bộ phân chuồng, phân lân, 1/3 phân đạm, 1/2 phân kali bón theo rạch trước khi trồng.

- Bón thúc lần 1: 1/3 lượng đạm khi mía kết thúc nảy mầm (có 4- 5 lá)

- Bón thúc lần 2: 1/3 lượng đạm và 1/2 lượng kali còn lại khi mía kết thúc đẻ nhánh (9- 12 lá). Kỹ thuật làm cỏ, xới xáo và vun gốc:

- Mía tơ: Sau trồng khoảng 1 tháng dặm những chỗ mất khoảng bằng bầu cây, khi dặm đảm bảo đủ ấm để mía sinh trưởng bình thường. Làm cỏ và vun gốc cùng thời điểm với 2 lần bón phân thúc, nếu có điều kiện kết hợp tưới đủ ẩm cho mía để đạt năng suất cao.

- Mía lưu gốc: Sau khi thu hoạch từ 5- 7 ngày tiến hành bạt gốc sát đất, vệ sinh đồng ruộng và cày xới giữa hàng, đảm bảo sạch cỏ. Đặc biệt, lượng phân bón cho mía gốc tăng hơn mía tơ 10- 20%.

Lưu ý, có thể trồng xen cây đậu đỗ vào giữa hàng mía vụ xuân đối với mía tơ và mía gốc sau khi thu hoạch.

Phòng trừ sâu bệnh: Các đối tượng dịch hại chủ yếu là: rệp bông trắng, bọ hung đục gốc, sâu đục thân, bệnh than đen, bệnh trắng lá. Do vậy cần các biện pháp phòng trừ: dùng giống kháng bệnh, áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), khi sâu bệnh đến ngưỡng gây hại thì sử dụng thuốc hoá học theo đúng nguyên tắc.

NNVN, 9/3/2006

 

Quy trình sản xuất mía công nghệ cao

Yêu cầu sinh thái: Cây mía có nguồn gốc nhiệt đới, nên nhu cầu về ánh sáng, nhiệt độ và độ ẩm cao. Để cho cây mía sinh trưởng, phát triển tốt, đạt năng suất, chất lượng cao bà con cần chọn trồng mía ở những vùng có nhiệt độ từ 25-350C.

Thời gian chiếu sáng và cường độ ánh sáng có ảnh hưởng mạnh đến năng suất và chất lượng của cây mía. Mía sinh trưởng mạnh nhất vào các tháng mùa hè có nhiệt độ cao, thời gian chiếu sáng dài. Lượng mưa yêu cầu đạt từ 1.500-2.000mm/năm, phân bố đều quanh năm. Chọn đất trồng bằng phẳng hoặc độ dốc thấp dưới 100, tầng canh tác dày, giàu mùn và các chất dinh dưỡng, khả năng giữ ẩm tốt, độ pH=6,5-7,5.

Chọn và nhân giống: Nên chọn các giống mía có tiềm năng năng suất cao, hàm lượng đường cao, chịu thâm canh, khả năng tái sinh tốt. Các tỉnh phía Bắc nên trồng các giống: ROC10, ROC 16, ROC 23, VN85-1859, My55-14, QĐ15; các tỉnh phía Nam nên trồng các giống: K84-200, VN84-1437, R570... Cây và hom giống có thể được nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô (Invitro), giâm hom 1 mầm hoặc trồng bằng hom thân từ các cây mẹ (phải đạt 6 tháng tuổi) sạch sâu bệnh, sinh trưởng khoẻ.

Thời vụ: Miền Bắc trồng tốt nhất từ tháng 1 đến tháng 3, miền Nam từ tháng 3 đến tháng 6.

Làm đất: Cày lật đất sâu 18-20cm, cày xong bừa nhỏ đất ngay và tiếp tục cày sâu không lật đất lần 1 sâu 30-35cm, lần 2 sâu 35-40cm. Yêu cầu đất làm xong phải đảm bảo tơi xốp, sạch cỏ dại.

Mật độ trồng: Với cây giống nuôi cấy mô hoặc hom 1 mầm trong túi bầu thì trồng với khoảng cách hàng từ 100-120cm; lượng giống sử dụng từ 4-4,5 tấn/ha.

Cách trồng: Cày rạch hàng với khoảng cách 120cm, sâu 35cm. Tưới nước vào rãnh trước khi đặt hom, tưới đến đâu đặt hom đến đấy. Hom đặt sâu 2/3 độ sâu rãnh, hướng phần ngọn lên trên, sau đó phủ một lớp đất dày 2-3cm, tiếp đến phủ nilon ngay.

Bón phân: Bón đủ thành phần, lượng bón bao gồm: 12-15 tấn phân chuồng/ha (hoặc 2-3 tấn/ha phân vi sinh chế biến từ bã bùn, phụ phẩm mía + NPK tỉ lệ: 2:1:2 (700kg urê, 500kg lân) + Thermophosphat, 400kg supe lân, 800kg kali). Bón lót 100% lượng phân hữu cơ (hoặc phân vi sinh) + 1/3 lượng phân vô cơ. Bón thúc lần 1 khi mía có 4-5 lá với 1/3 lượng phân vô cơ. Thúc lần 2 khi mía có 9-12 lá với 1/3 lượng phân vô cơ còn lại.

Tưới nước: Lượng nước cần tưới được xác định theo từng giai đoạn như sau: Từ 180-360m3/ha vào giai đoạn mía nẩy mầm; từ 400-600m3/ha khi mía đẻ nhánh và từ 400-800m3/ha khi cây mía đang vươn lóng. Nên tập trung tưới nước vào 2 giai đoạn mía đẻ nhánh và vươn lóng nhằm làm tăng năng suất và chất lượng mía cây khi thu hoạch.

Chăm sóc: Làm cỏ, vun xới 2 lần cùng với các thời điểm bón thúc. Ngoài ra làm cỏ và xới lại sau các lần tưới và sau các trận mưa to. Loại bỏ hết cây chết, trồng dặm lại bằng cây con khoẻ mạnh để đảm bảo mật độ tối ưu. Nhổ bỏ hết cây bị sâu bệnh, vun gốc cao 20-25cm chống đổ cho mía khi cây có 3-4 lóng. Kiểm tra, phát hiện tình trạng sâu bệnh qua từng giai đoạn sinh trưởng phát triển, đặc biệt là giai đoạn nẩy mầm, đẻ nhánh và chuẩn bị thu hoạch để có biện pháp phòng trị hữu hiệu, kịp thời. Các loại sâu thường gây hại mía nhất gồm có: sâu đục thân, rệp hại lá và bọ hung hại rễ. Các bệnh nguy hiểm gồm có: bệnh gỉ sắt, bệnh bạc, bệnh than lá hại lá; bệnh thối đỏ, bệnh lên men rượu hại thân mía, làm thối ruột.

Thời điểm thu hoạch: Thu hoạch tốt nhất khi cây mía đạt độ chín công nghiệp, có hàm lượng đường đo được ở phần gốc và phần ngọn là gần tương đương và phải đảm bảo các chỉ tiêu: độ Brix >20%, độ Pol >19%, Rs<0,5%, AP>87%, ECS (chữ đường)>11. Nên thu hoạch các ruộng mía cần trồng mới lại trước các ruộng mía lưu gốc. Không thu hoạch mía trong các ngày rét đậm, trời mưa to, đất còn ẩm ướt. Thu mía theo đặc tính giống: giống chín sớm phải thu hoạch trước, giống chín muộn thu sau bằng cách chặt thủ công hoặc thu bằng máy. Thu đến đâu chuyển nhanh về nhà máy trong ngày.

Công Hào - NNVN, 03/01/2008

 Nhấn vào đây để xem tất cả các thông tin kỹ thuật trồng cây mía

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang