Trồng rau muống: “Dục tốc bất đạt”
Rau muống là loại rau rất phổ biến bởi tính chất dễ trồng, dễ chế biến món ăn và giá cả hợp lý. Vì là loại rau ưa dùng của mọi người nên trong quá trình trồng rau muống đôi khi người nông dân sử dụng một vài loại hóa chất kích thích cây tăng trưởng.
Cách trồng rau muống an toàn với việc bón phân, phun thuốc trừ sâu với thời gian cách ly hợp lý sẽ đảm bảo độ sạch của rau với sức khỏe con người. Về thời vụ trồng, tại khu vực phía Bắc thường gieo hạt từ tháng 2- 3 dương lịch. Còn khu vực phía Nam có thể gieo trồng quanh năm. Tuy nhiên lưu ý trong mùa mưa rau muống thường bị nhiễm bệnh hơn mùa khô. Có thể trồng rau muống trên nhiều loại đất khác nhau (trừ đất nhiễm phèn, mặn trên mức trung bình). Chọn đất thịt nhẹ, cát pha có độ pH từ 5,5 - 6,5, chủ động nước tưới, cách ly khu vực có chất thải công nghiệp từ 1 - 2km, với chất thải thành phố ít nhất 200m, cách xa quốc lộ ít nhất 100m, đất không tồn dư hoá chất độc hại, dư lượng kim loại nặng rất nhỏ. Đất trồng phải được cày bừa kỹ, san phẳng ruộng, làm sạch cỏ.
Trồng rau muống cạn lên liếp rộng 1,2 - 1,5m; cao 12 - 15cm, mùa mưa lên liếp cao hơn khoảng 20cm. Còn trồng rau muống nước thì chuẩn bị đất như trồng lúa. Trong mùa mưa trồng rau muống ở cạn có thể trồng trong nhà lưới hoặc che phủ bạt nylon để tránh đất cát bám lên cây và dễ nhiễm các loại sâu bệnh.
Tùy theo đất mà lượng bón khác nhau. Trung bình lượng phân bón như sau: Phân chuồng hoai mục 1,5 - 2 tấn/ha (540 - 720 kg/sào), phân đạm urê: 330kg/ha (12kg/sào), phân lân supe: 420 - 550kg/ha (12 - 20kg/sào), phân kali sunfat: 80 - 90kg/ha (3 - 3,3kg/sào).
Không thể dùng phân chuồng tươi, phân bắc tươi để bón, có thể dùng phân hữu cơ sinh học, hoặc phân rác chế biến thay thế phân chuồng với lượng bằng 1/3 lượng phân chuồng. Bón lót bằng toàn bộ phân chuồng + lân + 2kg urê + 1kg kali sunfat. Lượng phân còn lại được bón thúc làm nhiều lần, mỗi lần 0,5kg urê, 0,1 - 0,2kg kali sunfat cho 1 sào sau mỗi đợt thu hoạch.
Chú ý phòng trừ các sâu bệnh hại trên rau muống như sâu ba ba, sâu khoang, sâu xanh, rầy xám… Có thể bắt sâu bằng tay, ngắt ổ trứng, khi cần thiết mới phun thuốc trừ sâu. Khi sử dụng thuốc phải tuân theo đúng hướng dẫn trên nhãn bao bì của từng loại thuốc và thời gian cách ly từ 7 - 10 ngày.
ThS Khánh Thị Bích Thủy - Dân Việt, 04/10/2013
Trồng rau muống nước an toàn
Trồng rau muống nước chi phí thấp, dễ chăm sóc. Rau ăn giòn, ngọt và đậm hơn rau muống cạn, rau muống nước được người tiêu dùng ưa chuộng và tiêu thụ mạnh ở thị trường nội địa.
Giống và thời vụ
Căn cứ vào màu sắc của thân, chia làm 2 loại: Giống rau thân trắng (xanh) và giống thân đỏ. Dựa vào kích thước lá chia làm 3 loại rau muống: Rau muống lá to, lá nhỡ và lá nhỏ. Trồng từ tháng 3-8. Thu hái từ tháng 5-11 hàng năm.
Trồng và chăm sóc
Làm đất bón phân: Chọn đất thịt nhẹ, cát pha có độ pH: 5,5-6,5, chủ động nước, cách li khu vực có chất thải công nghiệp từ 1-2km, với chất thải thành phố ít nhất 200m, cách xa đường quốc lộ ít nhất 100m, không tồn dư hóa chất độc hại, dư lượng kim loại nặng rất nhỏ. Làm đất nhỏ, nhuyễn.
Phân bón cho 1 sào/lứa: Phân chuồng hoai mục 5-7 tạ; lân 12-15kg; đạm 15-20kg; kali 3-5kg. Bón lót toàn bộ phân chuồng, lân và 1/2 lượng kali. Các loại phân trộn lẫn với nhau rồi rải đều trên ruộng cày bừa kỹ, trộn đều phân với đất.
Hái giống ở ruộng nhân giống vụ trước, hom giống dài 15-20cm có 5-6 lá thật. Đem cấy ở ruộng có nước săm sắp, cấy với khoảng cách 20 x15cm; mỗi khóm cấy 3-4 cây. Sau khi cấy 12-15 ngày thì cho nước vào, thường xuyên để ngập 3-5cm. Cấy được 10-15 ngày thì bón thúc. Có thể dùng phân lợn ngâm ngấu hoặc đạm để bón thúc; khoảng 5-7 ngày bón thúc/lần; đạm bón thúc rắc trực tiếp vào ruộng rau khi trời khô sương.
Tưới nước: Dùng nước sạch, nước giếng khơi, giếng khoan, nước sông ngòi chưa bị ô nhiễm để tưới cho rau muống an toàn. Tuyệt đối không dùng nước bẩn, nước thải sinh hoạt, khu công nghiệp, bệnh viện.
Sau khi cấy 45-50 ngày thì thu hoạch. Nếu chăm sóc tốt thì 20-25 ngày được thu một lần. Sau khi hái được 2-3 lứa thì bón nốt 1/2 lượng kali còn lại. Năng suất toàn bộ có thể đạt 3-5 tạ/sào/lứa hoặc 10-15 tạ/sào/năm.
Rau muống ít gặp bệnh hại mà thường gặp nhiều loài sâu hại như sâu khoang, sâu ba ba, bọ ban miêu đầu đỏ tập trung phá hại nặng từ tháng 3 trở đi. Khi có sâu bệnh, tháo nước vào ruộng rồi thả vịt vào bắt hết các loại sâu. Cần phát hiện kịp thời khi sâu còn nhỏ, dùng nứa đập cho sâu rơi xuống nước, sau đó rắc vôi bột và bồ hóng bếp vừa diệt được sâu hại vừa làm cho rau hồi phục nhanh.
Đối với bọ ban miêu đầu đỏ nên trừ bằng mẹo, cách trừ như sau: giết chết 7-10 con, cài vào que, đem cắm rải rác xung quanh ruộng, những con còn lại "sợ", sẽ di chuyển đi nơi khác.
Sử dụng một số loại thuốc trừ sâu mới ít độc hại với người và môi trường như: Sokupi 0,36 AS; Karate 2,5 EC; Dipen 3,2 WP; Denfil WP; hạt Neem... phun trừ kịp thời khi sâu mới nở, còn nhỏ tuổi 1-2.
Chú ý: Nồng độ, liều lượng và thời gian cách li thực hiện đúng hướng dẫn trên bao bì sản phẩm. Tuyệt đối không được dùng các loại thuốc BVTV đã cấm sử dụng tại VN.
Theo NTNN - WAG, 24/3/2005
Trồng rau muống nước sạch
Trồng rau muống nước chi phí thấp, dễ chăm sóc. Rau ăn giòn, ngọt và đậm hơn rau muống cạn, rau muống nước được người tiêu dùng ưa chuộng và tiêu thụ mạnh ở thị trường nội địa.
Thời vụ: rau muống nước được cấy ra ruộng từ tháng 3-8. Thu hoạch từ tháng 4-11 hàng năm.
Chuẩn bị giống
Căn cứ vào màu sắc của thân, chia làm 2 loại: giống rau thân trắng (xanh) và giống thân đỏ. Dựa vào kích thước lá chia làm 3 loại rau muống: Rau muống lá to, lá vừa và lá nhỏ.
Giống được lấy từ các ruộng trồng của năm trước đến tháng 3 năm sau, khi rau nảy mầm, tưới thúc nước phân hoai mục kết hợp với phân đạm và tro bếp để lấy giống đưa ra ruộng cấy (tiêu chuẩn mầm giống cỡ 25-30 cm). Lượng giống cần từ 650-750 kg/ha. Chỉ hái các cành tẻ, không hái các cành quá non.
Làm đất
Chọn đất thịt nhẹ, cát pha có độ pH: 5,5-6,5, chủ động nước, cách ly khu vực có chất thải công nghiệp từ 1-2 km, với chất thải thành phố ít nhất 200 m, cách xa đường quốc lộ ít nhất 100 m, không tồn dư hóa chất độc hại, dư lượng kim loại nặng rất nhỏ. Đất trồng phải được làm kỹ, san phẳng ruộng, làm sạch cỏ. Trước khi trồng cần bón phân lót.
Mật độ, khoảng cách
Nên cấy theo hàng, khoảng cách giữa các hàng là 15 cm để tiện chăm sóc và thu hái.
Thu hái, để giống
- Sau cấy 20-25 ngày hái lứa đầu.
- Khi hái để lại 2-3 đốt thân trên mặt nước (hái sát gốc cây bị ngập sẽ không mọc lại).
- Sau khi hái, tùy thuộc điều kiện chăm sóc, nhiệt độ và lượng nước điều chỉnh trong ruộng thời gian thu hái từ 18-25 ngày/lứa.
- Để chuẩn bị giống cho năm sau, từ cuối tháng 9, chọn chân đất thấp ruộng tốt, cày bừa đất kỹ và cấy lại, lúc này cần cấy dày 45-50 bụi/m2.
Bón phân
Lượng phân bón như sau: Phân chuồng hoai mục 15-20 tạ/ha, phân đạm urê: 330 kg/ha, phân lân supe: 420-550 kg/ha, phân kali sulfat: 80-90 kg/ha.
Không thể dùng phân chuồng tươi, phân tươi để bón, có thể dùng phân hữu cơ sinh học, hoặc phân rác chế biến thay thế phân chuồng với lượng bằng 1/3 lượng phân chuồng.
Cách bón: Bón lót bằng toàn bộ phân chuồng + lân + 2 kg urê + 1 kg
Bón thúc: lượng phân còn lại được bón thúc làm nhiều lần, mỗi lần 1,5 kg urê, 0,2-0,4 kg kali sulfat cho một công sau mỗi đợt thu hái.
Rau muống ít gặp bệnh hại mà thường gặp nhiều loài sâu hại như sâu khoang, sâu ba ba, bọ đầu đỏ tập trung phá hại nặng từ tháng 3.
H.T - Báo Hậu Giang, 7/1/2009
- Kỹ thuật trồng cây ăn trái, rau màu, cây dược liệu và các loại cây khác
Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.