Cây Mãng cầu có tính thích ứng lớn, chịu được mùa khô khắc nghiệt. Trái mãng cầu có độ ngọt cao, vị chua nên không lạt, lại có hương thơm của hoa hồng nên được nhiều người ưa thích. Giống: có 2 loại mãng cầu: dai và bở.
Mãng cầu bở khi chín múi nọ rời múi kia, dễ vỡ. Thậm chí ngay khi còn ở trên cây, trái chưa chín hẳn có thể đã nứt.
Mãng cầu dai thì các múi dính chặt vào nhau cả khi chín, dễ vận chuyển vì dù có chạm mạnh trái không bị vỡ ra, vỏ mỏng, có thể bóc ra từng mảng như vỏ quít. Độ ngọt của mãng cầu dai cao hơn mãng cầu bở.
Cách nhân giống
Nhân giống bằng hạt: do hạt có vỏ cứng bao quanh nên có thể bảo quản được 2 – 3 năm. Xử lý hạt bằng cách: xóc hạt với cát cho sứt vỏ, hoặc xử lý axit sunfuric, ngâm nước nóng 55 – 60 độ C trong 15 - 20 phút, hạt có thể nảy mầm sau 2 tuần lễ. Trồng từ hạt sau 2 - 3 năm cây có thể cho trái.
Nhân giống vô tính bằng biện pháp ghép cành: Trước hết phải chọn những cây mẹ có những đặc tính ưu việt như: trái to ít hạt, hạt nhỏ, độ đường cao, dễ vận chuyển (múi dính thành một khối). Mãng cầu dai chỉ có thể ghép tốt trên 2 gốc ghép là mãng cầu dai và nê (có người gọi là bình bát vì trái giống bình bát) nhưng hạt nê khó kiếm, vậy tốt nhất là dùng gốc ghép mãng cầu dai. Có thể ghép áp, ghép cành hay ghép mắt. Gốc ghép phải 1 - 2 tuổi. Cành ghép là cành đã hóa gỗ đường kính 1 cm trở lên lấy ở đoạn cành lá đã rụng hết. Cắt dài 12 cm, có thể ghép nêm vào cành gốc ghép, cũng có thể cắt ngọn gốc ghép rồi cắt vạt gốc ghép và cành ghép sao cho áp vào nhau vừa vặn. Vết cắt dài khoảng 5 - 6 cm.
Đặc tính
Mãng cầu dai ưa đất thoáng, không nên trồng ở đất thấp úng. Tuy chịu được đất cát xấu nhưng chỉ phát huy được ưu điểm nếu đất nhiều màu và không bón phân thì chóng già cỗi, nhiều hạt, ít thịt (cơm). Phải chăm sóc cây từ khi trồng để cây khoẻ, nhiều nhựa (sức sống tốt) thì mới cho trái ngon.
Mãng cầu dai chống úng kém nhưng chống hạn tốt. Ở đất cát ven biển hay ở đất cao hạn gặp mùa khô, rụng hết lá, khi mùa mưa trở lại vào tháng 4 - 5 lại ra lá, ra hoa. Những lứa đầu hoa rụng nhiều, sau đó khi bộ lá đã khỏe, quang hợp đủ thì trái đậu. Những lứa hoa cuối, vào tháng 7 - 8 cũng rụng nhiều; trái kết được cũng nhỏ vì vậy mãng cầu dai thuộc loại trái có mùa không như chuối, dứa, đu đủ, và cả mãng cầu xiêm nữa (ở miền Nam là loại trái quanh năm). Cũng do nhịp độ sinh trưởng như vậy, trồng mãng cầu dai không cần tưới. Tuy vậy, nếu có tưới, chăm bón thì mùa ra trái kéo dài hơn.
Mãng cầu dai tương đối chịu rét. Mùa đông ngừng sinh trưởng, rụng hết lá mùa xuân ấm áp lại ra đợt lá mới, nhờ đó mãng cầu dai không những trồng được ở miền Bắc mà còn ở Nam Trung Quốc, Đài Loan, Bắc Ấn Độ...
Trồng và chăm sóc
Khi phải đánh bầu, đi trồng. Nếu ương cây giống bằng cách gieo hạt ở trong bầu nên đợi tới khi cây khoảng 1 năm tuổi cao khoảng 40 - 50 cm đem trồng thì dễ sống hơn.
Ở đất cát ven biển đất xấu, người ta thường trồng quá dày và thường không bón phân do đó trái bé, hạt nhiều. Nên trồng với khoảng cách 4 m ở đất xấu, 5 m ở đất tốt kết hợp chăm bón để trái to, cơm nhiều.
Thời vụ trồng: đầu mùa xuân và có thể kéo dài đến tháng 8, 9. Nhất thiết phải tưới đẫm nước khi vừa trồng, dù là cây ương trong bầu, hay cây đánh đi trồng cho đến khi cây xanh trở lại, phải tưới nếu nắng hạn. Sau này khi cây đã ra trái, tưới bổ sung khi gặp trời hạn cũng có lợi.
Bón phân
Nên bón 20 - 30 kg phân chuồng khi trồng cho mỗi cây. Sau đó khi cây lớn bón phân cho 1 cây như sau: Phân chuồng hai năm đầu bón 20 kg/năm, sau đó từ năm thứ ba trở đi 30 kg/năm. Phân chuồng nên bón làm một lần hoặc hai lần trước mùa mưa và sau khi thu trái. Phân khoáng (bón thêm với phân chuồng) năm đầu bón phân NPK 16 -16 - 8 : 0,5 kg cho mỗi cây. Từ năm thứ hai trở đi cứ thêm 1 năm tuổi bón thêm 0,5 kg. Ví dụ năm thứ hai bón 1 kg/cây, năm thứ ba 1,5 kg và đến năm 9, 10 thì thôi không tăng nữa. Để trái thêm ngọt, có thể bón thêm phân Kali từ năm thứ ba trở đi, 0,5 kg cho mỗi cây, và sau đó tăng lên chút ít mỗi năm.
Sâu bệnh
Mãng cầu dai ít sâu bệnh. Tuy vậy cần chú ý phòng trị rệp sáp, rất phổ biến ở các vườn ít chăm sóc. Khi mãng cầu chưa có trái rệp bám ở dưới mặt lá, dễ nhận ra ở màu trắng sáp và các tua trắng quanh mình, sinh sôi ở đó. Khi có trái thì bám vào trái hút nhựa, từ khi trái còn non đến tận khi chín, thường ở kẽ giáp ranh giữa hai múi vì chỗ này vỏ mỏng, không những làm mất mỹ quan, khó bán được, mà còn làm giảm chất lượng do vị nhạt.
Trị bằng thuốc: Supracid, Bi 58ND, Applaud, Mipcin,... Xịt vào cuối vụ, khi không còn trái. Khi có trái, xịt cả vào trái, vào lá. Khi trái sắp chín, không xịt nữa, tránh gây độc cho người tiêu thụ.
Thu hoạch
Dấu hiệu mãng cầu chín là màu trắng xuất hiện ở các kẽ ranh giới giữa 2 mắt, và các kẽ này đầy lên, đỉnh múi thấp xuống (mãng cầu mở mắt). Ở một số giống xuất hiện những kẽ nứt và ở các giống “mãng cầu bở” kẽ nứt toác. Nên lót lá tươi, lá chuối khô để trái khỏi sát vào nhau, vỏ nát thâm lại, mã xấu đi, khó bán. Hái xong nên vận chuyển ngay đến nơi tiêu thụ vì khi chín rồi, dù là mãng cầu dai, vẫn dễ nát.
Bảo quản
Trái cây chín nhanh thường do quá trình hô hấp mạnh (hút khí O2 và thải khí CO2). Ngoài ra, trong quá trình chín, trái cây còn thải khí etylen và chính khí này quay trở lại kích thích trái cây mau chín hơn. Cách hữu hiệu để bảo quản trái cây không chín nhanh là dùng nhiệt độ thấp. Tuy nhiên, đối với một số loại trái cây nhiệt đới, khi nhiệt độ quá thấp sẽ bị tổn thương lạnh (trái nhũn, bị chấm đen,...). Vì vậy, nhiệt độ bảo quản không nên thấp hơn so với giá trị quy định. Với xoài cần bảo quản ở nhiệt độ không thấp hơn 13 C, chôm chôm: 12 C, mãng cầu: 13 C, dưa hấu: 10 C,... Nếu không có điều kiện bảo quản lạnh, có thể ngâm trái cây với dung dịch muối canxi (CaCl2, nồng độ 1-3% trong thời gian 1-3 phút) để ức chế quá trình hô hấp của trái cây.
Hội nông dân Cần Thơ, 08/07/2012
Ông Thuỷ cho biết, sau khi đi tham quan, học tập kinh nghiệm ở một số tỉnh có vùng trồng nhiều na trong nước như Lạng Sơn, Quảng Ninh, Tây Ninh, ông đã nghiên cứu, tìm tòi và xây dựng thành công giải pháp trên đối với vùng trồng na dai Huyền Sơn. Theo kỹ thuật mới, vào khoảng thời gian trung tuần tháng 11 sẽ đốn toàn bộ cành cao của cây na, chỉ để cây na cao khoảng 1,5 - 1,8 m và cắt bớt cành cho thoáng. Nhờ đó, cây na sẽ chống chịu được mưa gió, quả không bị dập nát do va chạm trên cao; không tốn thức ăn để nuôi cành vô hiệu; quả ra tập trung vào thân và cành cấp một (những quả na gần thân thường là những quả to và đẹp); cây na cũng dễ thụ phấn và dễ thu hoạch hơn.
Ngoài ra, để cây na có lực ra mầm, ra hoa sớm và quả đẹp nên chăm bón, phục hồi cây sau thu hoạch với lượng phân bón thích hợp, bón khoảng 50% lượng phân chuồng và 20% NPK của cả năm, tưới 1 - 2 lần thuốc kích rễ, phun 1 - 2 lần siêu lân giữ độ ẩm đến hết tháng 12 để cây nghỉ qua vụ đông. Sau khi lập xuân khoảng 15 - 20 ngày, dùng kéo cắt sạch đầu cành từ 15 - 20 cm (cắt hết lá đầu cành và đốt để diệt sâu bệnh), đồng thời bón 20% lượng phân chuồng và 20% NPK của năm; tiếp đó phun kích phát tố để làm bật mầm hoa; khi hoa hé nở có màu trắng xanh thì tiến hành thụ phấn. Người trồng na cũng phải áp dụng đúng một số kỹ thuật khác để tăng tỷ lệ đậu quả, chăm bón nuôi quả và phòng chống các loại sâu bệnh thường gặp trên cây na như bệnh sáp sên, bọ nhảy, muội đen, sâu đục quả, ròi quả, bệnh vàng lá...
Ông Thuỷ cho biết thêm, khi chăm bón các mầm cây na nên xử lý tỉa thưa mầm, những mầm để lại cắt sâu khoảng 10 - 15 cm và vặt sạch lá. Những mầm này sau khoảng 10 - 15 ngày sẽ nhú hoa, cho những quả nhanh to và nhanh thu hoạch (bình thường những quả đầu cành khoảng 125 -130 ngày cho thu hoạch thì những quả xử lý mầm thân chỉ khoảng 90 - 95 ngày đã cho thu hoạch). Áp dụng kỹ thuật này cũng đã tăng tỷ lệ đậu quả, tăng trọng lượng mỗi quả na lên 300 - 400 gram (so trước đây chỉ khoảng 200 gram). Quả na dai to, đẹp hơn, khi bóc vỏ ruột không bị vỡ và chảy nước, dóc hạt, để được lâu hơn khi quả đã chín (khoảng từ 5 - 7 ngày), chất lượng thơm, ngon, nên bán rất được giá, có thời điểm na dai Lục Nam giá bán buôn tới 42.000 đồng/kg. Riêng vụ thu hoạch 2009 vừa rồi, na dai huyện Lục Nam được tiêu thụ chủ yếu ở thị trường Hà Nội, Hải Phòng và một số tỉnh phía Bắc đã mang lại nguồn thu hàng chục tỷ đồng cho địa phương.
Kỹ thuật mới này lần đầu tiên được ông Thuỷ và 30 hội viên nông dân khác ở xã Huyền Sơn áp dụng trong mô hình trồng cây na dai từ năm 2007, nhờ đó đã góp phần khôi phục lại diện tích trồng cây na dai đặc sản của huyện sau đợt bị chết hàng loạt vào năm 2001. Đến nay, vùng trồng cây na dai theo kỹ thuật mới ở Lục Nam đã đạt tổng diện tích 470 ha (dự kiến vụ tới tăng lên 600 ha) và có trên 2.100 hộ dân ở Huyền Sơn và các xã Nghĩa Phương, Đông Phú, Lan Mẫu, Cẩm Lý... tham gia, mỗi năm giải quyết việc làm với thu nhập ổn định từ 1,5 - 2,5 triệu đồng/người/tháng cho khoảng 2.000 lao động địa phương. Đánh giá về mặt hiệu quả kinh tế, áp dụng kỹ thuật mới này cũng đã giúp nông dân tăng thêm thu nhập, trừ chi phí đạt từ 100 - 230 triệu đồng/ha/năm so với trước đây.
Việt Hùng - Khuyến nông Việt Nam, 13/10/2009
Nhấn vào đây để xem tất cả các thông tin kỹ thuật trồng na, mãng cầu
- Kỹ thuật trồng cây ăn trái, rau màu, cây dược liệu và các loại cây khác
Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.