Tận dụng nguồn phế phẩm dồi dào ở khu vực ĐBSCL sau thu hoạch như rơm rạ, bã mía, lục bình, bắp... để trồng nhiều loại nấm như nấm rơm, nấm bào ngư, nấm mèo, linh chi…
Nhằm tạo thêm thu nhập đáng kể cho nhiều nông dân sản xuất tại gia đình và nguồn bã nấm sau khi thu hoạch xong làm thức ăn nuôi trùn quế, ủ phân hữu cơ bón cho cây trồng, vừa tiết kiệm chi phí trong sản xuất nông nghiệp vừa giải quyết vấn nạn ô nhiễm môi trường.
Dưới sự tư vấn và hướng dẫn kỹ thuật của chuyên gia nấm - ông Lê Duy Thắng, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Tp.HCM, Sở Khoa học Công nghệ Long An và Trung tâm Khuyến nông đã phối hợp thực đề tài "Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất và sơ chế, bảo quản nấm trên nguồn nguyên liệu rơm và lục bình" từ tháng 8/2009 đến tháng 12/2010. Với 6 nông hộ chuyên canh trồng nấm đại diện cho 6 huyện, Tp: ông Nguyễn Văn Dũng (ấp 5, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa), Trần Bá Dũng (Kp. Nhơn Hậu 2, phường Tân Khánh, Tp. Tân An), Lê Văn Mười (ấp Bình Thủy, xã Bình Quới, huyện Châu Thành), Nguyễn Văn Nhiều (ấp Ông Nhan Đông, xã Bình Hiệp, huyện Mộc Hóa), Nguyễn Thị Diệu Ngân (ấp Kinh Mới, xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Hưng), Huỳnh Văn Nhựt (ấp 4, xã Vĩnh Châu B, huyện Tân Hưng). Mô hình tiến hành gồm 6 nghiệm thức (NT) trên nấm rơm và 4 NT trên nấm bàu ngư cho kết quả như sau:
Đối với nấm rơm, NT1: Rơm (100%) không khử trùng nhiệt, NT2: Rơm (70%) + lục bình (30%) không khử trùng, NT3: Rơm (100%) khử trùng nhiệt, NT4: Rơm (70%) + lục bình (30%) khử trùng; NT5: Rơm (100%) thực hiện ngoài trời, NT6: Rơm (50%) +lục bình (50%) thực hiện ngoài trời. Qua thống kê năng suất bình quân của 6 mô hình nông hộ (tính cho 100 bịch phôi), đối với nấm rơm trong nhà NT4 cho năng suất cao nhất 19 kg, NT2 và NT3 năng suất như nhau 17 kg, NT1 là 15 kg. Đối với nấm rơm ngoài trời NT6: 85 kg, NT5: 71 kg. Tuy nhiên tỷ lệ nhiễm tạp nấm rơm NT2 và NT6 chiếm cao nhất (16%).
Đối với nấm bào ngư, NT1: Rơm không khử trùng, NT2: Rơm (70%) +lục bình (30%) không khử trùng, NT3: Rơm khử trùng, NT 4: Rơm (70%) + lục bình (30%) khử trùng. Tính bình quân từ 6 mô hình (dựa trên 100 bịch phôi), NT4 cho năng suất cao nhất là 42 kg, NT 2 và NT3 năng suất bằng nhau 38 kg, NT1 thấp nhất 31 kg. Tỷ lệ nhiễm tạp NT2 cao nhất (20%) và thấp nhất là NT3 và NT4 (5%).
So sánh về giá cả còn tùy thuộc thời điểm, tuy nhiên nấm rơm có thị trường tiêu thụ rộng và giá bán bình quân của 6 mô hình là 22.000 đồng/kg, đối với 100 bịch phôi giống sử dụng trồng nấm rơm, sau khi trừ chi phí đối với nấm rơm trong nhà NT4 lời 175.000 đồng, đối với nấm rơm ngoài trời NT6 lời 988.000 đồng. Còn đối với nấm bào ngư, giá bình quân 16.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí NT4 lời 447.000 đồng. Xét về hàm lượng dinh dưỡng trồng nấm rơm trên nguyên liệu rơm và lục bình: cacbohydrate và protein trên lục bình cao hơn trên rơm; tuy nhiên hàm lượng lipid trên rơm cao hơn trên lục bình. Kết quả phân tích trên nấm bào ngư trồng trên nguyên liệu rơm và lục bình: Lượng Cabohydrate, đạm tổng số, protein trên rơm cao hơn trên lục bình.
Tại điểm tổng kết đánh giá các mô hình tại nhà chị Nguyễn Thị Diệu Ngân, ấp Kinh Mới, xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Hưng vừa qua. Nhiều bộ kỹ thuật và nông dân trồng nấm thuộc Khu vực Đồng Tháp Mười, huyện Thủ Thừa, Châu Thành, Tp.Tân An đã tham quan mô hình trồng nấm của chị Ngân và tìm hiểu các trang thiết bị lò hấp bịch phôi, dụng cụ sơ chế nấm, máy ép bịch mũ, máy cuốn rơm, máy cắt rơm và lục bình. Chị cho biết có nhiều tiện ích khi sử dụng trang thiết bị: Máy cắt rơm và lục bình giúp dễ đóng bịch phôi nhanh, nguyên liệu dễ phơi và hạn chế nấm bệnh, lò hấp phôi giúp bịch phôi ít bị nhiễm nấm bệnh, khi hấp khử trùng tơ bung nhanh, mạnh hơn không hấp; trồng nấm trong nhà ít tốn nguyên liệu và diện tích đất trồng hơn so với ngoài trời và năng suất cao hơn do ít bị ảnh hưởng bởi thời tiết.
Theo ý kiến của lãnh đạo nông nghiệp tỉnh Long An, đối với Long An là tỉnh sản xuất nông nghiệp là chính yếu và nguồn nguyên liệu trồng nấm rơm luôn dào dồi, sẽ thuận lợi cho nhà nông tăng thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình sau mỗi vụ mùa. Ngoài việc sản xuất nấm rơm theo lối truyền thống, bà con phải tiếp tục “hiện đại hơn” trong sản xuất nấm, sử dụng nhiều nguồn nguyên liệu và trang thiết bị máy móc phục vụ; đồng thời đa dạng nguồn nấm.
Bình Minh - Long An, 27/11/2010
Xem thêm các bài viết về nấm và kỹ thuật trồng nấm
- Kỹ thuật trồng cây ăn trái, rau màu, cây dược liệu và các loại cây khác
Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.