• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Trồng trọt

Trồng nấm ngọc trâm

Ông Ngô Xuân Nghiễn, Trưởng phòng Nghiên cứu công nghệ sinh học thực vật (Trung tâm CNSH thực vật, Viện Di truyền nông nghiệp) cho biết nấm ngọc trâm có nguồn gốc từ Trung Quốc, vị tươi ngon giống mùi thơm của hải sản nên còn gọi là nấm hải sản.

Cây nấm to mập, màu trắng muốt, có loại mầu nâu xám. Quả thể nấm ngọc trâm mọc chùm, cuống màu trắng hoặc nâu, cao từ 4-8 cm, mũ nấm nhỏ, bề mặt mũ có vân đá. Quả thể có thể hình thành trong khoảng nhiệt độ từ 12-16 độ C, nuôi trồng tốt nhất vào mùa đông từ tháng 12 đến tháng 3 dương lịch. Trong điều kiện công nghiệp có nhà lạnh thì nuôi trồng quanh năm. Nguyên liệu nuôi trồng nấm là nguồn phế thải từ nông nghiệp như mùn cưa, rơm rạ, bông phế loại… Sau đây chúng tôi xin giới thiệu quy trình trồng nấm ngọc trâm của TT CNSH thực vật:

Xử lý nguyên liệu đối với mùn cưa bằng cách đổ ra nền sạch, sau đó dùng bình ô doa tưới đều nước vôi trong lên mùn cưa, vừa tưới vừa đảo (tỷ lệ 1 kg mùn cưa khô trộn với 1,2 lít nước). Sau khi tưới đủ nước, dùng xẻng đảo đều từ 3-4 lần rồi ủ thành đống, che đậy bằng nilon để mùn cưa ngấm đủ nước và trương nở tế bào gỗ. Thời gian ủ khoảng từ 2- 4 ngày. Đối với bông hạt xử lý ngâm bông nhanh trong dung dịch nước vôi trong, vắt nhẹ, ủ lại thành đống (đống ủ phải để trên kệ, kệ có khe hở để nước không bị đọng ở đáy đống ủ), che phủ kín đống ủ bằng nilon hoặc bao tải dứa. Thời gian ủ từ 24-36 giờ.

Trước khi phối trộn nguyên liệu cần kiểm tra lại độ ẩm của hai đống ủ bông và mùn cưa, yêu cầu đạt khoảng 60-65%. Kiểm tra bằng cách dùng tay nắm nguyên liệu lại, thấy không bị vỡ ra, đồng thời không bị rỉ nước ở kẽ tay là được. Trường hợp đống ủ khô quá, thì phải bổ sung nước, ủ lại 1 ngày. Đống ủ ướt quá thì phải trải rộng ra để bay bớt hơi nước. Công thức phối trộn: 45% bông + 40% mùn cưa + 10% cám gạo + 3% cám ngô + 1% đường. Trộn đều bột nhẹ với bột ngô và cám gạo. Sau đó, rắc đều lên đống mùn cưa và bông đã trộn với nhau. Dùng xẻng đảo đi đảo lại 3-4 lần là được.

Đóng túi nilon chịu nhiệt kích thước 19x38 cm, cổ nhựa, chun cao su, bông nút, nắp đậy. Đáy túi phải phẳng tròn, đặt xuống nền không bị đổ. Xung quanh túi căng phẳng, không tạo nếp gấp. Mỗi túi nguyên liệu có khối lượng khoảng 0,8 kg. Khử trùng bằng lò thủ công từ 10-12 giờ.

Phòng cấy giống phải sạch, thoáng mát. Trước khi cấy phải thanh trùng phòng bằng cách phun foocmol (0,5%) xung quanh phòng hoặc đốt lưu huỳnh rồi đóng kín cửa từ 12-24 giờ. Mở cửa để hết mùi mới được vào cấy. Dụng cụ cấy gồm hộp cấy bằng gỗ, khay cấy, que cấy, đèn cồn, lọ đựng cồn, bông thấm cồn để vệ sinh. 1 chai giống cấy 35-40 bịch. Tiêu chuẩn giống có màu trắng đục đồng nhất, sợi mượt, không bị mốc, không bị chua, giống không quá già hoặc quá non.

Sau khi cấy giống xong, chuyển bịch vào phòng nuôi để ươm sợi. Điều kiện phòng nuôi phải sạch sẽ, thoáng mát, có cửa ra vào và lối đi giữa các giàn rộng để tiện vận chuyển; giàn giá nên có nhiều tầng để tăng diện tích, mỗi giàn nên có 5-7 tầng, mỗi tầng cách nhau 50-60cm. Diện tích phòng phụ thuộc vào diện tích đất sử dụng. Nhiệt độ phòng nuôi từ 22-24 độ C là tốt nhất. Trong thời gian nuôi sợi tuyệt đối không được tưới nước, hạn chế vận chuyển bịch nhiều lần; nuôi sợi kéo dài khoảng 70-80 ngày.

Khi kết thúc giai đoạn nuôi sợi, tháo bỏ cổ nút và nút bông, dùng thìa nhỏ hoặc tay cào đi lớp giống mỏng ở trên bề mặt túi nấm để kích thích sự hình thành quả thể nấm đồng đều và hạn chế hạt thóc giống gây nhiễm bề mặt túi. Cào xong buộc miệng túi như hình chiếc nơm. Để các túi nấm đã xử lý xong lên giàn ngay tại phòng nuôi sợi khoảng 4-5 ngày, khi sợi nấm phục hồi lại thì mở miệng túi chuyển sang phòng chăm sóc cho ra quả thể.

Phòng ra quả thể phải đảm bảo nhiệt độ 13-16 độ C. Sau 15-20 ngày sẽ xuất hiện mầm quả thể nhỏ li ti. Thời gian này tưới phun sương đều đặn (1-3 lần/ngày), chỉ tưới xung quanh và nền, không tưới trực tiếp vào bề măt bịch, độ ẩm không khí trong phòng phải đảm bảo 90-95%. Khi mũ quả thể hơi phẳng và có màu sáng hơn, lúc này nấm có vị ngon nhất và là thời điểm thu hái nấm thích hợp nhất.

Sau khi thu hái xong mỗi đợt, cần loại bỏ những bịch hỏng, 3-4 ngày đầu sau khi hái nấm không nên tưới trực tiếp vào bề mặt túi nhưng vẫn phải giữ độ ẩm không khí trong phòng từ 85-95% bằng cách phun vào nền hoặc trần. Đến ngày thứ 5 lại tiếp tục tưới phun sương trực tiếp vào túi 1-3 lần/ngày. Thông thường giữa 2 đợt ra nấm cách nhau 17-20 ngày, mỗi túi nấm thu hái 2 lần. Năng suất các đợt đạt 30-35kg nấm tươi/100kg nguyên liệu khô. Sản phẩm có thể ăn tươi hoặc sấy khô, đóng hộp.

VĂN TRƯỜNG  (NNVN, 08/07/2010)

Xem thêm các bài viết về nấm và kỹ thuật trồng nấm

 

 

 

Trồng trọt mùa mưa, bão, lũ

 

 

 

 

 

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang