• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Trồng trọt

Một số bệnh thường gặp ở nấm rơm

Cũng như vật nuôi và cây trồng, nấm rơm có thể bị nhiều bệnh. Bệnh ở nấm rơm có thể chia ra làm hai loại: bệnh sinh lý và bệnh nhiễm. 

Bệnh sinh lý:

Nấm rơm là loại nấm rất nhạy cảm với môi trường, bao gồm nhiệt độ, ánh sáng, nước tưới, dưỡng khí (O2), thán khí (CO2),...

Nhiệt độ: ảnh hưởng lớn đến sự tăng trưởng (ra tơ) và phát triển (ra quả thể) của tai nấm rơm.

Trong lúc nấm kết nụ hoặc quả thể đang hình thành, nhiệt độ thay đổi đột ngột (lên hoặc xuống), nấm sẽ chết hàng loạt.

Ánh sáng: đối với nấm rơm, ánh sáng rất cần ở giai đoạn hình cầu sang hình trứng. Ở giai đoạn này nếu thiếu ánh sáng quả thể sẽ có màu trắng hay màu xám. Vitamin E sẽ giảm hoàn toàn, vitamin D không có, sắc tố melanin không hình thành. Tuy nhiên, cường độ ánh sáng giữ liên tục từ 2.500 lux trở lên trong 4h, nấm chết 100%.

Nước tưới: chi phối toàn bộ hoạt động sống của nấm, ngoài vấn đề dư nước hoặc thiếu nước, thì tính chất của từng loại nước rất quan trọng (nước phèn, nước mặn, nước nhiễm bẩn vi sinh hoặc hóa học...). 

Tơ nấm bị nước phèn thì mọc chậm, thưa, đầu sợi tơ sẽ cong lại, tai nấm sẽ dị hình tạo dạng bông cải hoặc chết non. 

Nước nhiễm mặn: làm cho sự tăng trưởng và phát triển của nấm khó khăn hơn, tơ nấm đổi màu, rối bông, không hình thành quả thể. 

Ảnh hưởng của nhiệt độ lên nấm rơm

Thành phần

Nhiệt độ

Biểu hiện

Tơ nấm

Lớn hơn hay bằng 40 độ C

Tơ nấm mọc chậm, thưa dần rồi chết

Nhỏ hơn hay bằng 15 độ C

Tơ ngừng tăng trưởng và không mọc lại được.

Quả thể

Nhỏ hơn hay bằng 25 độ C

Tai nấm không tạo thành.

25 độ C-28 độ C

Tai nấm dị hình.

Lớn hơn hay bằng 35 độ C

Nấm mau trưởng thành (bung dù sớm).

Bệnh nhiễm:

Trong quá trình nuôi ủ, mô nấm thường bị nhiễm tạp bởi nấm mốc và nấm dại.

Nấm mốc có mốc xanh (verticillium fungicola), mốc cam (Neurospora), mốc thạch cao (Scopulariopsis), nấm trứng cá (Sclerotium rolfsii),....

Mức độ nhiễm nhẹ: phơi khô mặt mô (một nắng), dùng nước vôi 0,5-1% tưới lên vết bệnh. Trường hợp bệnh thạch cao có thể xử lý bằng thuốc tím (KMnO4) hoặc acid acetic 40%.

Mức độ nặng: sử dụng các thuốc diệt mốc như Bennomyl (Benlate-C) 0,1%, Zineb (Tritofboral) 7% hoặc Validacin 3% (cho bệnh trứng cá),...

Trước khi nấm rơm xuất hiện, thường thấy nấm dại phát triển mạnh, phổ biến là nấm gió (Coprinus). Điều kiện để nấm dại mọc là: nguyên liệu dư ẩm (>70%), giàu đạm (urê) và pH <5. Cần tránh nấm dại bằng cách hạn chế các nguyên nhân trên.

Ngoài ra, nấm còn bị một số côn trùng như: ruồi, mạc gà, bọ nhảy, cuốn chiếu, kiến, tuyến trùng,... tấn công. Biện pháp tốt nhất để phòng ngừa là xử lý nền đất trước khi trồng: tưới nước, xới nhẹ, rải thuốc diệt tuyến trùng như Furadan, Mocap,... Khi tưới đón nấm, rắc vôi xung quanh mô (nếu trồng dưới đất).

Bệnh xảy ra thường làm giảm năng suất và gây thất thu cho người trồng. Do đó, càng hạn chế được bệnh tốt thì người trồng càng có lợi cao, muốn vậy phải có biện pháp phòng trừ tổng hợp, như: 

Các biện pháp phòng ngừa trong nuôi trồng nấm rơm

Biện pháp

Cách làm

Xử lý kỹ nền đất

- Phơi nắng, tưới nước, xới, rắc thuốc.

- Định kỳ phải thay đổi nền đất để cắt nguồn bệnh.

Xử lý kỹ nguyên liệu

- Tránh sử dụng nguyên liệu mốc.

- Đảm bảo độ ẩm, pH thích hợp.

Xử lý áo mô

- Chọn rơm khô, sạch.

- Phơi 2-3 nắng trước khi sử dụng đậy mô nấm.

Giữ ấm mô

- Luôn giữ mô ở nhiệt độ 32-35 độ C.

- Trời lạnh phủ thêm áo mô, trời nắng lấy bớt.

Phòng bệnh

- Theo dõi thường xuyên để phát hiện bệnh.

- Diệt ngay nguồn bệnh để tránh lây lan.

- Dọn vệ sinh, phun thuốc sau mỗi đợt trồng.

2. Bảo quản và tiêu thụ nấm rơm:

Dạng thương phẩm của nấm rơm chủ yếu là dạng búp (hình cầu hoặc trứng) và nấm thường bán ra chợ dưới dạng tươi, nên người trồng phải hái sớm (từ 3-6h sáng, một vài nơi còn hái buổi chiều), nếu ở nơi gần chợ thì vấn đề đơn giản hơn, nếu ở nơi xa nguồn tiêu thụ thì thật sự gây khó khăn cho người trồng.

Nấm rơm tươi có thể giữ thời gian dài (4 ngày), nếu để ở nhiệt độ 10-15 độ C. Nấm được cho vào dụng cụ chứa như thùng gỗ hoặc sọt tre có lót lưới nhựa, bảo quản bằng đá khô. Ngoài ra, người ta còn có thể giữ nấm ở dạng muối (nấm muối).

Cách muối nấm:

Nấm chần (luột) 10-15 phút trong nước sôi (thêm 1% muối + acid citric để có pH=3). Vớt ra, làm nguội nhanh để tránh nấm bị chín tiếp. Sau đó xếp vào dụng cụ chứa và ướp với muối hột. Sau 12 giờ vớt ra, rửa sạch muối bám ngoài, cho tiếp vào dụng cụ chứa khác và đổ ngập với nước muối 20-30 độ. Ở giai đoạn này, nếu nước ngâm bị đục, phải thay nước muối khác để tránh nhiễm trùng và mốc. Thời gian bảo quản được vài tháng.

Trong trường hợp bất khả kháng hoặc có yêu cầu, người ta còn chế biến nấm ở dạng khô (nấm khô). Nấm rơm búp thường khó phơi hoặc sấy khô hơn các nấm khác, để nhanh khô phải chẻ đôi tai nấm. Nấm sấy bao giờ cũng giữ được mùi vị và màu sắc tốt hơn nấm phơi nắng. Nhiệt độ sấy nên bắt đầu ở 40 độ C, sau đó nâng lên 55 độ C và kéo dài trong 8 giờ. Nấm khô cuối cùng chỉ còn khoảng 10% nấm tươi (10 kg nấm tươi được 1 kg nấm khô). Nấm đã khô tốt nếu để trong bao kín có thể giữ được cả năm.

Thanh Thúy, Sở KHCN Bến Tre, 6/2013

Xem thêm các bài viết về nấm và kỹ thuật trồng các loại nấm

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang