Lãnh vực sản xuất, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp luôn ẩn chứa những bất trắc, rủi ro. Có thể trúng một mùa nhưng rồi cả vốn lẫn lãi cũng lại “đội nón” ra đi những mùa kế tiếp. Đơn cử chuyện nuôi trồng nấm – thời gian qua có người bảo cho tôi 1 ha tôi sẽ cho ngay “cánh đồng 1 tỷ đồng”… Thật sự muốn có tỷ bạc đút túi cũng cần cả tỷ thứ, cần đến 4, 5 nhà trong một nhà nông…
Từ hoài bão của các nhà khoa học…
Vừa về TP Hồ Chí Minh từ một hội nghị sinh học châu Á tổ chức ở Nhật Bản, GS Nguyễn Lân Dũng đã hứng khởi tuyên bố: “Cứ cho tôi vay không lãi dự án về công nghệ sinh học, tôi đảm bảo hoàn trả hết”. Ông có lý khi nhìn các nước xung quanh thấy công nghệ sinh học hiện đại sử dụng các kỹ thuật trao đổi, sửa chữa, tổ hợp hoặc cải tạo vật chất di truyền ở mức độ phân tử để tạo ra những loại sinh vật mới hoặc bắt các sinh vật này tạo ra các protein hay các sản phẩm khác mà vốn dĩ chúng không tạo ra được, đã đi trước chúng ta quá xa. ỞÛ các nước khác, người ta đã làm đến việc nhân bản tế bào gốc cho phép răng thật mọc “đúng nơi, đúng lúc”. Rồi lãnh vực trồng trọt thì cho trồng đại trà loại cây lai trên là trái cà chua, dưới lại lủng lẳng củ khoai tây. Chúng ta thì khỏi nói, mới có nuôi cấy mô như người nông dân Đà Lạt đang làm đã tạm coi là kỳ tích! Không nói đâu xa, cứ lấy nghề trồng nấm – được xem là dễ “xóa đói giảm nghèo” nhất – mới thấy chúng ta chưa có mức khởi điểm để so sánh với các nước khác. GS Dũng lấy ví dụ ở lãnh thổ Đài Loan bán chủng nấm vân chi với giá 9 triệu đồng/kg, còn ta bán được 4.000 đồng/kg nấm ăn là đã mừng.
Nhưng có cách nào để khỏi phải “thuần túy gia công”, lấy công làm lời? Tiến sĩ nấm Lê Xuân Thám hiện là Phó Giám đốc Trung tâm Hạt nhân TP Hồ Chí Minh đề xuất một dự án đầy tham vọng là phát triển sản xuất nấm công nghệ cao ở trục Cát Tiên – Đồng Nai – TPHCM, trên cơ sở nguồn tài nguyên thiên nhiên ưu đãi: nấm thượng đẳng Vườn Quốc gia Cát Tiên, Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ… Ông khẳng định đó là cây làm giàu, cây siêu lợi nhuận. Theo TS Thám, tỉnh Phúc Kiến chiếm khoảng 30% tổng sản lượng nấm sản xuất của Trung Quốc (với khoảng trên dưới 1 triệu tấn, chủ yếu là các loại nấm mỡ, nấm hương, nấm ngân nhĩ), trong đó xuất khẩu đạt tới 350 triệu USD dù họ không có sự đa dạng sinh học bằng trục Đồng Nai – TPHCM: Họ chỉ có khoảng 430 loài nấm, trong khi Vườn quốc gia Cát Tiên và Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ dự kiến hàm chứa ít nhất 600 – 800 loài nấm lớn. Trong đó nếu theo tỷ lệ thông thường sẽ có đến 300 – 400 loài ăn được (khoảng 10% ăn rất ngon, có thể nuôi trồng công nghiệp và khoảng 200 loài làm thuốc có giá trị). “Chúng ta chỉ thiếu nền móng cho công nghệ hóa” – TS Thám đúc kết. Và theo ông, viên gạch đầu tiên cho khoa học nấm sẽ là xây dựng một viện công nghệ nấm bài bản giống như Viện Nghiên cứu nấm Tam Minh của Phúc Kiến mà trong 35 năm hoạt động đã nghiên cứu – chuyển giao công nghệ – sản xuất thành công khoảng 100 loài nấm. Ông lạc quan: nguồn phế liệu – cơ chất của chúng ta rất dồi dào nhưng hiệu suất chuyển hóa sinh học lại quá kém. Như rơm rạ có đến 30 triệu tấn mà chỉ… đem đốt là uổng phí quá. Cứ 5 triệu tấn rơm cho ra 1 triệu tấn nấm. Nếu tính đổ đồng 10.000 đồng/kg nấm thì cũng thu được ít nhất 100 triệu USD…
...Đến thực tế làm giàu không dễ
“Vua nấm” linh chi – ông Cổ Đức Trọng, chủ nhân một trại trồng nấm ở quận 12, TPHCM - vốn cung cấp mỗi năm khoảng 15 tấn nấm thành phẩm, chiếm 95% thị trường nấm linh chi cả nước – khiêm tốn nói thành tỷ phú nhờ trồng nấm ông không dám quả quyết, nhưng để có thu nhập 50 triệu đồng/ha thì đó là chuyện trong tầm tay. Tất nhiên để làm giàu còn phụ thuộc vào quá nhiều yếu tố : vốn, kỹ thuật, giống,…và nhất là đầu ra. Nói như ông Trọng – làm giỏi mà không bán được thì cũng như là không làm. Như bất kỳ lãnh vực nào, trồng nấm cũng 3 chìm 7 nổi, 9 lênh đênh… Là đại gia như ông Trọng vốn đã có tiếng, có ngón nghề, có thị trường ổn định mà nhiều khi cũng bâng khuâng: Có còn ngày mai của nghề trồng nấm? Năm 2000, linh chi Trung Quốc ào vào qua đường tiểu ngạch đã khiến ông lao đao vì giá 100.000 – 150.000 đồng/kg, trong khi của Việt Nam từ 130.000 – 300.000 đồng. Kế tiếp là tâm lý sính ngoại: linh chi Hàn Quốc bán trên thị trường Việt Nam với giá tối thiểu từ 700.000 - 1.500.000 đồng mà vẫn cứ hút hồn người tiêu dùng thích “cải lão hoàn đồng”. Nhưng nào có mấy người phân biệt được chủng loại vì linh chi Trung Quốc và Hàn Quốc rất giống nhau cả về màu sắc lẫn hình khối. Ông tâm sự: Cứ dán mác Hàn Quốc là được ngưỡng mộ, mình chất lượng không kém mà đâu được người ta để mắt. Và nhiều khi nhìn ngắm một hộp Ganoginseng của Nhật mà trong thành phần có linh chi bán tại Mỹ với giá 680 USD/hộp ít ai nghĩ… phần cốt của nó được sản xuất từ trại nấm ông Trọng.
Muốn thành “tỷ phú “nấm còn cần sự bền chí và nhất là… vận may – một hộ gia đình trồng nấm mèo ở thị trấn Gia Ray, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai thổ lộ. Ông chủ miếng đất rộng chừng 1 ha trồng điều lẫn các giàn nấm mèo – một người đàn ông từ phía Bắc di cư từ những năm 90 – nói thêm tiết mục truyền hình ông không bao giờ bỏ sót là mục dự báo thời tiết vì trồng nấm mèo phải phụ thuộc nhiều vào điều kiện nhiệt độ. Năm ngoái nhiệt độ mùa khô cỡ 35oC cho ông những tai nấm đẹp và dày, còn năm nay mỗi bịch chỉ nặng 50g, chỉ bằng phân nửa mọi khi. Thứ hai là giống và sợ nhất là có “trứng” – một loại khuẩn rất khoái khẩu món tơ nấm mèo. Nhưng có khối người xây nhà lầu nhờ trang trại nấm như ở Long Khánh có cả chục đại gia? Ông chủ hộ thở hắt: Họ thành tỷ phú nhờ bán meo nấm và bán mùn cưa làm bịch phôi. Chứ như chúng tôi chỉ tàm tạm đủ sống, đủ tiền cho con đi học. Nói thật với anh, trồng nấm chủ yếu để giải quyết công ăn việc làm. Còn nhiều khổ nạn khác chứng minh… khó nhất là kiếm tiền: giá mùn cưa gỗ cao su “lên hơn giá đôla” - phải mua với giá 2.200.000 đồng để tạo cơ chất cho 7.000 bịch, rồi vay vốn ngân hàng – theo ông chủ nhà – là chịu chết. Ngân hàng hỏi vay làm gì, nếu nuôi heo thì được nhưng bảo vay làm nấm mèo là từ chối ngay. Đã đành thế, nhưng thật ra ông chủ nấm mèo đã quá “kể khổ” vì nhà ông cũng kiên cố, có đủ cả xe máy lẫn giàn nghe nhạc xập xình và nhất… là ông còn găm 5 tấn nấm mèo khô chờ được giá mới bán. Hiện tại – giá bán sỉ 1kg nấm mèo khô cũng khoảng 22.000 đồng, còn lời chán, chưa kể mỗi ngày ông chủ kiếm thêm cả trăm ngàn đồng tiền bán nấm rơm tươi (theo thời giá 9.000 đồng/kg) nhờ tận dụng các bịch phôi đã qua sử dụng khi nuôi nấm mèo. Bởi vậy chuyện thành tỷ phú thì còn phải bàn, song kiếm mấy trăm triệu là chuyện đương nhiên!
Cách đây mấy năm, so với khu vực, thành phố Hồ Chí Minh còn được coi là một trung tâm về nấm, nhất là một số chủng loại nấm thực phẩm. Nhưng nay nguy cơ tụt hậu đã thấy rõ sau khi đã giải tán xí nghiệp nấm và loay hoay chỉ sản xuất mấy giống nấm. Bán nhiều là dội chợ. Giải thích nguyên nhân thành phố chưa mạnh trong lãnh vực nuôi trồng nấm, ông Cổ Đức Trọng phân tích là do không có nguồn giống chuẩn, kỹ thuật trồng chưa đến nơi đến chốn, mới chỉ làm quy mô hộ gia đình, chưa có thương hiệu nấm Việt Nam… Và nhất là còn khoảng cách giữa nhà khoa học và nhà nông – nói thật tình như GS Nguyễn Lân Dũng – thầy dạy mà không làm được sản phẩm thì còn làm thầy sao được. Chúng ta phải dạy sinh viên công nghệ cụ thể và muốn vậy thầy phải biết nghề…
BÍCH AN - SGGP, 7/4/2004
Xem thêm các bài viết về nấm và kỹ thuật trồng nấm
- Kỹ thuật trồng cây ăn trái, rau màu, cây dược liệu và các loại cây khác
Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.