• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Trồng trọt

Phòng trừ bệnh trên cây ngô (bắp)

Trừ sâu đục thân ngô vụ hè

Hiện nay, nhiều diện tích ngô trồng tập trung vụ hè trên địa bàn tỉnh đang bị sâu đục thân phá hại mạnh.

Tình trạng sâu phá hoại khiến nông dân phải bẻ ngô non bán chạy khi hạt mới vừa đông sữa, vì phun đủ các loại thuốc mà sâu không chết.

Trước tình hình trên, nông dân cần tìm hiểu và nhận biết được tập tính, quy luật phát sinh và các biện pháp phòng trừ loài sâu này ở các vụ ngô trong năm.

- Tập tính: Trưởng thành vũ hóa và đẻ trứng trên các lá bánh tẻ, gần nõn. Trứng đẻ thành ổ, trung bình 60-70 quả/ổ. Đối với thời tiết vụ hè chỉ 2-3 ngày sau đẻ là trứng nở. Sau nở một thời gian ngắn sâu non nhanh chóng xâm nhập vào các bộ phận của cây như lá nõn, cờ ngô, râu ngô, nách lá. Sâu còn nhỏ thường ăn lá nõn hoặc cắn thủng lá nõn. Cho nên, khi lá nõn phát triển vươn dài ra ngoài sẽ để lại hàng lỗ dài nằm ngang phiến lá. Nếu sâu nở đúng lúc trỗ cờ thì sâu có thể ăn vào bao cờ rồi đục vào cuống cờ từ trên xuống dưới làm cờ gãy gục, hoa phấn khô héo. Đây là những đặc điểm dễ nhận biết nhất trên cây ngô bị sâu đục thân gây hại để nông dân quan sát, tính toán và áp dụng các biện pháp phòng trừ sâu hiệu quả, kết hợp với việc quan sát, theo dõi bướm lúc vũ hóa. Tốt nhất, nên diệt sâu lúc này vì từ tuổi 3 trở đi, sâu sẽ đục chui vào thân và bắp non nên rất khó trừ.

- Quy luật phát sinh gây hại: Sâu đục thân ngô xuất hiện trong cả năm nhưng phát sinh và gây hại nhiều nhất vào các tháng trong mùa hè và mùa thu (vì 2 vụ ngô này độ ẩm và nhiệt độ thích hợp nhất cho sâu phát triển). Vì vậy, khi trồng ngô ở vụ hè và vụ thu trong năm, nông dân cần theo dõi, thăm đồng thường xuyên nhất là khi ngô xoáy nõn (sắp trỗ cờ) để có những biện pháp tác động tích cực cũng như phòng trừ sâu có hiệu quả cao.

- Biện pháp phòng trừ:

+ Gieo trồng ngô tập trung thành những vùng sản xuất lớn (quy vùng). Không nên trồng liên tiếp các vụ ngô trên cùng một chân ruộng, vùng sản xuất.

+ Ngô vụ thu nên gieo từ hạ tuần tháng 8 đến đầu tháng 9. Nếu gieo sớm trong tháng 7 thì phải phòng trừ sâu kịp thời, hiệu quả nhất là lúc ngô xoáy nõn.

+ Trong quá trình chăm sóc ngô, nhất là ngô nếp nên tăng cường bón phân hữu cơ, phân kali giúp cây cứng chắc, không nên bón thừa đạm để ngăn chặn sâu xâm nhập, phá hại.

+ Nên chọn các giống ngô chống chịu được sâu đục thân, nhất là khi trồng ngô nếp vụ hè và vụ thu.

+ Theo dõi sâu trưởng thành từ lúc vũ hóa để kịp thời ngắt bỏ ổ trứng khi chưa đến ngưỡng phun trừ (ổ trứng sâu đục thân ngô có các quả trứng xếp liền với nhau như vảy cá).

+ Không nên lạm dụng thuốc hóa học để phun cho ngô ngay từ đầu vụ nhằm bảo vệ và duy trì lượng thiên địch có trong ruộng ngô, nhất là loài ong mắt đỏ.

- Biện pháp hóa học: Nếu mật độ sâu ở lứa đó cao, cần phải xử lý bằng thuốc hóa học thì nông dân cần chú ý:

+ Theo dõi, quan sát chặt chẽ pha bướm kể từ lúc vũ hóa để biết được mật độ và tính được thời gian trứng nở thành sâu non tuổi 1, kết hợp với việc quan sát hàng lỗ thủng trên lá nõn khi vươn xòe ra. Có thể rắc từ 1-2 hạt thuốc trừ sâu Vibasu 10H hoặc Diazan 10H vào các nõn ngô. Cách làm này sẽ trị được sâu khi tuổi còn nhỏ đang nằm trên nõn chưa chui xuống thân.

+ Lúc ngô xoáy nõn (là thời điểm bướm sâu tập trung đẻ trứng), tốt nhất nên sử dụng thuốc trừ sâu thế hệ mới của Syngenta có tên Voliam Tago 063SC. Thuốc này hiệu lực trừ sâu đục thân ngô rất cao, đồng thời còn có hiệu lực cao để trừ sâu xanh da láng- một loài sâu rất khó trị do kháng thuốc cao. Sử dụng bằng cách: hòa 1 lọ thuốc Voliam Tago vào bình 18 lít hoặc 2 bình 12 lít phun đều lên toàn bộ thân, lá cây ngô. Nếu mật độ sâu cao, phun lại lần 2 lên toàn bộ các bộ phận trên cây  khi ngô phun râu  với liều lượng như trên.

KS. TRẦN THỊ LIÊN (Trạm Khuyến nông Nam Sách, Hải Dương), Báo Hải Dương, 22/06/2013

 

Phòng trừ bệnh sọc lá trên cây bắp

Trong những năm gần đây, nông dân trồng bắp trên các vùng chuyên canh đang phải đối phó với một bệnh khá nghiêm trọng trên cây bắp. Nhiều nông dân buộc phải hủy bỏ hoặc gieo trồng cây khác, dùng thuốc bảo vệ thực vật nhưng kết quả không như mong muốn. Đó là bệnh sọc lá bắp. Sau đây là một số thông tin giúp bà con nông dân phòng ngừa bệnh hại này hiệu quả hơn.

1. Triệu chứng, tác hại của bệnh sọc lá trên cây bắp:

Cây bắp có thể bị bệnh ngay từ khi còn nhỏ, mới 2 - 3 lá và có thể kéo dài đến trổ cờ. Lá có sọc vàng hoặc trắng dọc theo phiến lá từ gốc lá ra chóp lá. Vết bệnh có thể lan khắp lá làm lá khô, nếu bệnh nặng cây bắp bị chết. Lá hẹp hơn bình thường, đứng có thể bị rách. Cây bệnh bị vàng đi, sinh trưởng kém, không cho trái hoặc trái không hạt. Một số trường hợp làm biến dạng cả cờ và bắp. Vào sáng sớm, mặt dưới và trên vết bệnh có mốc trắng (là những bào tử lây nhiễm). Triệu chứng có thể thay đổi tùy theo giống.

2. Tác nhân gây bệnh, điều kiện phát sinh, phát triển

Bệnh sọc lá do nấm Sclerospora maydis (hoặc Peronosclerospora sorghi) gây ra. Theo ghi nhận gần đây, bệnh gây hại nặng trên các giống bắp trắng địa phương, nhất là trên diện tích có mật độ trồng cao.

Nấm hình thành phân sinh bào tử và noãn bào tử. Phân sinh bào tử và du động bào tử nảy mầm thích hợp ở nhiệt độ 25 - 27 độ C. Noãn bào tử nảy mầm thích hợp ở nhiệt độ 25 - 35 độ C. Noãn bào tử có sức sống mạnh và tồn tại trên hạt giống và trong đất, là nguồn lây bệnh chủ yếu cho vụ sau. Bào tử nấm trên lá cây bệnh sẽ phát tán đi theo gió. Các bào tử nấm phát tán đi từ ruộng này sang ruộng khác, từ vùng này sang vùng khác.

Điều kiện nhiệt độ và ẩm độ cao rất thích hợp cho bệnh sọc lá phát triển và gây hại nặng cho cây bắp.

3. Một số biện pháp phòng trừ:

- Không chọn giống từ những cây nhiễm bệnh.

- Vệ sinh đồng ruộng trước khi gieo trồng.

- Không trồng bắp liên tục nhiều vụ, luân canh với cây trồng khác - nhất là lúa.

- Gieo trồng đồng loạt.

- Bón phân cân đối NPK, không bón nhiều phân đạm.

- Nên trộn bổ sung thuốc Ridomil liều lượng 15 g/kg hạt giống một ngày trước khi gieo.

- Khi bệnh mới xuất hiện, nên phun thuốc: Ridomil, Manthane M46, hoặc Juliet 80WP (những vùng áp lực bệnh nặng nên phun thuốc giai đoạn cây con 7 - 10 ngày sau khi gieo). Khi cây được 20 - 25 ngày sau khi gieo, phun kỹ đều 2 mặt lá. Nên kiểm tra lại nếu còn triệu chứng bệnh thì xử lý lần 2 sau đó 5 ngày với liều lượng khuyến cáo trên bao bì.

- Sau khi thu hoạch, nên cày phơi đất và rải vôi bột 500 kg/ha ít nhất 15 ngày trước khi gieo trồng vụ sau.

Lưu ý:

Phòng ngừa bệnh là quan trọng, trong đó kỹ thuật canh tác là yếu tố quyết định đến áp lực bệnh, do đó trước khi gieo trồng cần chú ý đến khâu sửa soạn đất, giống và thời vụ tập trung để giảm áp lực bệnh.

Th.S LÊ THỊ THANH HIỀN - Báo Vĩnh Long, 22/02/2011

 

Xử lý bệnh trên cây ngô vụ đông

Hiện nay, trên cây ngô đông từ giai đoạn 3 - 5 lá đến trổ cờ ở các huyện: Yên Thành, Đô Lương, Thanh Chương, Diễn Châu, Nghi Lộc, Nam Đàn... đang xuất hiện bệnh lạ. Triệu chứng của những cây ngô bị bệnh, ở giai đoạn 3 - 5 lá: phiến lá dày, màu xanh đậm và giòn hơn bình thường, phần ngọn bị xoắn hoặc sít lại, phần gốc mọc các chồi phụ.

Ở giai đoạn ngô xoắn nõn đến trổ cờ: các lá phần ngọn ngắn và mọc sít lại, phiến lá dày và giòn hơn bình thường, hoa cờ bị thui, nặng phần ngọn và bị bó lại không phát triển được. Mặt dưới các lá non và lá bánh tẻ có các gờ nổi, sần sùi và có thể sờ thấy được. Bênh gây hại xuất hiện trên nhiều giống ngô khác nhau: BO6, C919, NK66, CP3Q, MX2... Tính đến ngày 16/10/2009, toàn tỉnh đã có 155,6 ha ngô đông bị nhiễm bệnh với tỷ lệ cây bị hại chiếm 1 - 2%, nơi cao 5 - 7%.

Theo ông Lê Văn Thiều- Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ thực vật tỉnh, ngày 16 tháng 10, Chi cục BVTV đã chuyển mẫu bệnh của cây ngô ra Viện BVTV để xét nghiệm. Kết quả, hiện nay Viện chưa xác định chính xác là bệnh gì, nhưng đây có thể là bệnh "lùn sọc đen phương nam", xuất phát từ phía nam của Trung Quốc. Môi giới để truyền bệnh vi rút này là do rầy lưng trắng hoặc rầy nâu nhỏ gây nên.

Bệnh rất nguy hiểm không chỉ riêng cây ngô mà còn lây sang lúa. Hiện trên cây ngô đông còn phát hiện rầy xám (rầy nâu nhỏ), đây là đối tượng môi giới truyền bệnh khá nguy hiểm.

Chi cục BVTV khuyến cáo do chưa có thuốc đặc hiệu để phun trừ bệnh này, nên chính quyền các địa phương chỉ đạo các cơ quan chức năng bám địa bàn, cùng với bà con nông dân thường xuyên thăm đồng, nếu phát hiện cây ngô có triệu chứng bị bệnh thì trước mắt phải nhổ bỏ và tiêu huỷ triệt để, tránh lây lan trên diện rộng. Đồng thời trồng dặm lại để đảm bảo mật độ cây ngô trên đám ruộng đang thời kỳ cây non.

Nguyễn Hoàng - Báo Nghệ An, 23/10/2009

 

Phòng trừ rệp hại ngô

Triệu chứng và mức độ gây hại:

Đối với cây ngô, rệp ngô (Aphis maydis) là một trong những loại sâu hại quan trọng. Rệp hút nhựa ở trên nõn ngô, bẹ lá, bông cờ, lá bi, làm cho cây ngô mất hết dinh dưỡng, trở nên gầy yếu, bắp bé đi, chất lượng hạt xấu kém. Ngô bị hại lúc còn non có thể không ra bắp được. Rệp phá hại làm giảm năng suất và phẩm chất ngô rõ rệt. Ngoài gây hại trực tiếp rệp ngô còn được coi là một loài môi giới truyền bệnh virus gây bệnh khảm lá và bệnh đốm lá trên ngô.

Đặc điểm và điều kiện phát sinh:

Đầu vụ ngô đông xuân, vào khoảng tháng 10, tháng 11, rệp cái có cánh từ các cây ký chủ dại bay tới các ruộng ngô. Ở đây rệp cái có cánh đẻ ra rệp con không có cánh. Những con rệp con này lớn lên tiếp tục sinh sản theo lối đơn tính nhiều thế hệ và gây hại trên cây ngô. Một số rệp không cánh biến thành rệp có cánh và bay tới các cây ngô khác, các ruộng ngô liền kề tiếp tục sinh sản và gây hại. Rệp ngô thường phát triển nhiều trong tháng 1, tháng 2 lúc ẩm độ không khí cao. Từ tháng 4 trở đi số lượng rệp giảm dần. Trong mùa hè chỉ thấy rệp xuất hiện lẻ tẻ. Rệp thường phá hại ở cây ngô từ giai đoạn 8-10 lá cho tới khi ngô chín sáp. Đến cuối vụ khi cây ngô đã già, không còn thức ăn nữa thì các con rệp có cánh di chuyển sang các cây ký chủ , đẻ ra rệp con không có cánh tiếp tục phát triển trên các cây ký chủ này cho tới vụ ngô sau.

Biện pháp phòng trừ:

- Vệ sinh đồng ruộng: Trước khi gieo trồng cần làm sạch cỏ trong ruộng và xung quanh bờ để tránh rệp từ các ký chủ dại lan sang phá hại ngô.

- Trồng dày vừa phải và tỉa cây sớm: Những ruộng gieo dày, ẩm độ không khí trong ruộng cao, rệp thường phát triển mạnh, do đó không nên trồng quá dày, trồng với mật độ thích hợp (tùy theo giống). Khi cây ngô cao 30cm cần tỉa cây sớm, loại bỏ những cây nhỏ, yếu cho ruộng được thông thoáng có tác dụng hạn chế rệp phát triển.

- Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để kịp thời phát hiện tình hình phát sinh, phát triển của rệp và các loại thiên địch có ích để có chế độ phun thuốc phòng trừ thích hợp nhằm bảo vệ mật độ thiên địch của rệp trên đồng ruộng. Thiên địch của rệp ngô thường thấy trên đồng ruộng có một số loài sau: Bọ rùa chữ nhân Coclinella repanda, bọ rùa 4 vạch, Chilomenes quadriplahiata, bọ rùa 6 vạch Chilomenes sexmaemlatu, bọ rùa 2 đốm đỏ Coelophora liplagiata, bọ rùa 8 vạch Synharmonia octomaculuta và ấu trùng ruồi Sirphus sp. Những thiên địch này có vai trò quan trọng trong việc hạn chế rệp ngô phát sinh trong tự nhiên.

Khi thấy mật độ rệp cao, khả năng gây hại lớn, có thể dùng một trong các loại thuốc trừ sâu như Selecron 500ND/EC, Ofatox 400EC/WP, Trebon 40EC, Actara 25WG... pha nồng độ 0,1-0,15% để phun trừ (pha 10-15cc (g)/bình 8-10 lít nước, mỗi sào phun 2-3 bình). Chú ý thời gian cách ly đối với các loại ngô ngọt, ngô rau bao tử và ngô thu bắp non trước khi thu hoạch ít nhất 20 ngày để tránh ngộ độc cho người và gia súc. Ưu tiên dùng các loại thuốc trừ sâu vi sinh hoặc có nguồn gốc từ thảo mộc

NNVN, 29/12/2003

Nhấn vào đây để xem các thông tin về trồng và bảo quản ngô (bắp)

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang