Vụ đông năm 2013, huyện Hải Hậu xây dựng mô hình trồng ngô đông trên đất 2 lúa theo phương pháp làm đất tối thiểu phủ rơm rạ ở 5 xã gồm: Hải Hưng 2ha, Hải Minh 2,5ha, Hải Đường 3ha, Hải Trung 3,5ha, Hải Phong 4ha. Thực hiện mô hình, huyện đã đưa các giống ngô tẻ LVN885, LVN99, HN45 vào gieo trồng. Đây là những giống ngô có thời gian sinh trưởng ngắn, khả năng chịu hạn, chịu rét tốt nên rất thích hợp để trồng ở vụ đông trên chân đất 2 lúa. Cây ngô có chiều cao khoảng 170-200cm, lá xanh đậm, bền đến khi thu hoạch, bắp kín hạt, lá bi bao kín, hạt màu vàng cam đẹp, tỷ lệ kết hạt cao, có tiềm năng năng suất từ 8-10 tấn/ha. Ngô thương phẩm có thể vừa làm lương thực, vừa sử dụng làm nguyên liệu để sản xuất thức ăn công nghiệp.
Kiểm tra tình hình sinh trưởng của cây ngô đông trên đất 2 lúa ở HTXDVNN Kiên Trung, xã Hải Hưng.
Trồng ngô theo phương pháp làm đất tối thiểu có ưu điểm là tiết kiệm chi phí đầu tư, giảm công lao động, hiệu quả kinh tế cao hơn so với phương pháp canh tác ngô truyền thống. Toàn bộ lượng rạ phủ lên mặt luống, đến thời điểm thu hoạch, hầu hết đều hoai mục trở thành phân hữu cơ, bồi thêm dinh dưỡng cho đất trong vụ lúa xuân, tiết kiệm được một phần phân bón hoá học, đồng thời khắc phục tình trạng đốt rơm rạ, xả phụ phẩm các loại cây trồng sau thu hoạch… gây ách tắc dòng chảy và ô nhiễm môi trường. Xác định trồng cây ngô đông khó khăn nhất vẫn là thời vụ, huyện Hải Hậu đã chỉ đạo các xã thực hiện mô hình chủ động gieo cấy trà lúa mùa sớm trước ngày 30-6-2013 và dành toàn bộ diện tích này để trồng ngô đông và có cơ chế hỗ trợ toàn bộ giống ngô. Bên cạnh đó, ngay từ lúc lúa mùa mới trỗ bông, Phòng NN và PTNT huyện đã tăng cường tuyên truyền, tập huấn phương thức làm đất tối thiểu cho nông dân các xã tham gia mô hình trồng ngô đông trên đất 2 lúa, phương pháp gieo bầu ngô và kỹ thuật làm đất tối thiểu giúp nông dân yên tâm triển khai thực hiện mô hình đúng thời vụ, đảm bảo mật độ gieo trồng và rút ngắn thời gian sinh trưởng 5-7 ngày. Trong khâu làm đất, cần cắt hết gốc rạ, rạ để lại ruộng để sau dùng phủ gốc ngô làm phân bón không cho cỏ mọc; ruộng yêu cầu có độ ẩm của đất đạt 85-90% (đi lún chân), nếu ruộng khô cần tưới nước đủ độ ẩm sau đó mới tiến hành trồng. Do không phải lên luống nên Phòng NN và PTNT đã chỉ đạo nông dân cứ 6 hàng ngô tạo 1 rãnh sâu từ 15-20cm để thoát nước nhanh khi gặp mưa nhiều và để tưới nước chăm sóc cây sau này. Mật độ trồng từ 1.650-1.700 cây/sào, giữa các hàng trồng so le, hướng lá vuông góc với luống, hàng cách hàng 70cm, cây cách cây 30cm. Ngay sau khi gặt xong lúa mùa, tranh thủ độ ẩm của đất, các hộ nông dân tham gia mô hình khẩn trương đặt bầu, phủ xung quanh bầu hỗn hợp đất bột trộn với toàn bộ lượng phân bón lót và phủ rạ lên trên để giữ ẩm và hạn chế cỏ dại. Huyện tiếp tục hỗ trợ mỗi sào trồng ngô 70 nghìn đồng tiền 3kg urê và 3kg kali. Trong suốt thời kỳ sinh trưởng cần đảm bảo độ ẩm cho ngô, không để ngập úng quá 3 ngày, đồng thời chủ động phát hiện và phòng trừ kịp thời các loại sâu bệnh hại ngô như: sâu xám, sâu đục thân, rệp, bệnh khô vằn, bệnh lùn sọc đen…
Được UBND xã giao thực hiện mô hình trồng ngô đông trên đất 2 lúa, HTXDVNN Kiên Trung, xã Hải Hưng đã tuyên truyền, vận động 25 hộ dân ở đội sản xuất số 2 tham gia mô hình cấy lúa mùa xong trước ngày 25-6 bằng giống Thiên Trường 750 để thu hoạch trước ngày 25-9-2013, kịp đưa bầu ngô đông ra trồng trong khung thời vụ tốt nhất. HTX đã quy hoạch, củng cố bờ vùng đảm bảo cho việc ứng cứu cây khi có mưa lũ và giao cho những hộ có kinh nghiệm như hộ các ông, bà: Đinh Văn Bân, Đinh Văn Thủ, Ngô Thị Dương, Lương Thị Tươi chịu trách nhiệm làm bầu ngô cho tất cả các hộ tham gia mô hình. HTX chỉ đạo, kiểm tra sát sao các khâu xử lý giống và tra hạt. Đồng chí Đinh Thanh Nghị, Chủ nhiệm HTXDVNN Kiên Trung cho biết: Các hộ đã chọn địa điểm làm bầu ngô thuận tiện cho việc chăm sóc, bảo vệ và vận chuyển ra ruộng. Vật liệu cho 1 sào trồng gồm 30-40kg phân chuồng hoai mục và phân lân supe được trộn đều với bùn để tạo thành hỗn hợp làm nền; san phẳng mặt đất, lót lá chuối hoặc vỏ bao xi măng sau đó rải lớp hỗn hợp đã trộn kỹ lên trên. Khi lớp bùn se mặt, cắt thành từng ô kích thước 4x4cm để bộ rễ ngô nằm trọn trong bầu, không đan xen từ bầu nọ sang bầu kia và tránh vỡ bầu khi vận chuyển ra ruộng rồi tiến hành tra hạt. Trước đây nông dân trong xã làm luống, mỗi sào chỉ trồng được 800-1.000 cây nên năng suất không cao; không những thế làm luống, mỗi sào phải mất 5 công, còn làm đất theo mô hình chỉ mất có 1 công đào rãnh nên xã viên HTX rất phấn khởi hưởng ứng.
Đồng chí Lê Văn Định, Phó Trưởng Phòng NN và PTNT huyện Hải Hậu cho biết: Hiện nay, huyện đang xác định cây ngô là cây trồng chủ lực; nếu mô hình thành công, huyện sẽ phát triển diện tích trồng ngô đông trên đất 2 lúa theo phương pháp làm đất tối thiểu lên 4.000-5.000ha, nhằm tạo nguồn nguyên liệu để sản xuất thức ăn chăn nuôi tại chỗ, giảm tình trạng phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu. Đây là hướng đi mới trong việc mở rộng diện tích và tìm đầu ra trong tiêu thụ sản phẩm cây vụ đông trên đất 2 lúa, góp phần ổn định thị trường thức ăn chăn nuôi, phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa./.
Hoàng Anh - Báo Nam Định, 23/11/2013
Để giúp bà con nông dân tranh thủ được thời gian gieo trồng kịp thời vụ, nhất là sau đợt mưa to, lúa ngập nặng của nhiều tỉnh trong những ngày giữa tháng 9 vừa qua, chúng tôi giới thiệu kinh nghiệm làm đất tối thiểu-một TBKT đã được Bộ NN-PTNT công nhận và đưa vào áp dụng sản xuất vụ đông trong những năm qua.
Với cây ngô đông: Sử dụng phương pháp gieo bầu ngô và kỹ thuật làm đất tối thiểu giúp nông dân có thể triển khai được diện tích vụ đông lớn đúng thời vụ trong thời gian ngắn
Sử dụng phương pháp gieo bầu ngô và kỹ thuật làm đất tối thiểu giúp nông dân có thể triển khai được diện tích vụ đông lớn đúng thời vụ trong thời gian ngắn. Bầu ngô được làm bằng bùn ao hoặc bùn sông không chua, trộn thêm một ít phân chuồng, phân rác ủ mục với tỷ lệ 1:1. Trộn đều phân, bùn rồi rải đều trên nền đất cứng đã được làm phẳng nơi góc ruộng hoặc bờ ruộng. Rải dày 12cm, dùng thanh tre hoặc nứa cắt thành bầu hình vuông, mỗi chiều 10cm. Chọc lỗ giữa bầu rồi tra hạt đã được ngâm ủ cho nẩy mầm trước khi gieo. Lấp kín hạt bằng hỗn hợp đất bột trộn phân chuồng hoai mục theo tỷ lệ 1:1. Kinh nghiệm ở Quỳnh Ngọc (Quỳnh Phụ, Thái Bình) vụ đông thường sử dụng giống ngô LVN4 nên thời gian tra hạt vào bầu phải đảm bảo từ 20 đến 30 tháng 9. Sau khi gặt lúa, lợi dụng độ ẩm của mặt ruộng bà con đưa ngay cây ngô bầu đã được gieo sẵn từ trước đặt trên mặt ruộng với khoảng cách: 70-80cm x 30cm x 1 bầu, để có mật độ khoảng 1.500-1.600 cây/sào (360m2). Nếu ruộng khô, cần cuốc nền rồi đặt bầu ngô xuống cho tiếp xúc với đất ẩm. Nếu ruộng có nước thì phải cuốc 3-4m/rãnh thoát nước để rút hết nước ra khỏi ruộng rồi mới đặt bầu ngô. Sau khi đặt bầu, chăm sóc sớm cho ngô bằng cách tưới nước phân chuồng, đạm, lân pha loãng để bầu ngô sớm bén rễ vào đất ruộng, không để ngô bị hiện tượng chân chì, huyết dụ. Khi ngô đã bén rễ, lên xanh thì cuốc lật đất đắp vào gốc, vun luống kết hợp bón phân thúc theo nhu cầu.
NNVN, 18/9/2003
Nhấn vào đây để xem các thông tin về trồng và bảo quản ngô (bắp)
- Kỹ thuật trồng cây ăn trái, rau màu, cây dược liệu và các loại cây khác
Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.