Bọ xít hại nhãn, vải thường gia tăng số lượng nhanh chóng và gây hại nặng cho vải, nhãn ở giai đoạn nụ, hoa đến quả non (từ tháng 2 – 5).
Bọ xít dùng vòi trích vào nụ, hoa, quả non hút dịch cây gây rụng nụ, hoa, quả non dẫn đến làm giảm năng suất, chất lượng quả. Nhằm giúp bà con diệt trừ bọ xít hiệu quả, Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội khuyến cáo bà con cần thực hiện một số biện pháp diệt trừ như sau:
Đối với bọ xít trưởng thành qua Đông (trong tháng 12, tháng 1), bà con tiến hành diệt trừ bằng cách rung cây để bọ xít rơi xuống đất và tiêu diệt. Khi vào đầu Xuân, thời tiết ấm áp, bọ xít trưởng thành thường đẻ trứng vào thời kỳ trước khi hoa nở. Lúc này, bà con cần ngắt, đốt các lá có ổ trứng và bắt bọ xít trưởng thành. Bên cạnh đó, bà con cần thường xuyên theo dõi vườn cây, khi thấy bọ xít non nở rộ với mật độ cao: Trung bình 1 – 2 con/cành cần tiến hành dùng thuốc hóa học để phun trừ. Đặc biệt chú ý, khi thấy bọ xít non to bằng hạt đậu hay khuya áo, lưng màu nâu cần tiêu diệt ngay.
Bà con nên dùng một trong những loại thuốc hóa học sau: Actara 25EC, Sutin 5EC, Oshin 20WP, Cruiser plus 312,5PS. Liều lượng: 1,5 gói/8 – 10 lít nước/100m2 tán cây. Khi bọ xít trưởng thành, sức kháng thuốc cao cần sử dụng một số loại thuốc tiếp xúc mạnh như: Sokupi 0,36AS, Aremec 36EC, Karate 2,5EC... cộng thêm chất bám dính, phun vào chiều tối hoặc buổi sáng khi nhiệt độ ngoài trời còn mát, lúc mới khô sương.
Lưu ý biện pháp dùng thuốc chỉ có hiệu quả cao khi phun thuốc vào lúc bọ xít ở tuổi 1 – 3, vì tuổi này chúng chưa có cánh nên không thể phát tán rộng hoặc bay khi bị phun thuốc.
Bình Minh - Kinh Tế Đô Thị, 15/04/2015
Vải, nhãn là cây ăn quả ngày càng được mở rộng ở các vùng trung du miền núi. Người trồng nhãn, vải đã chú ý đến đầu tư thâm canh, nhưng song song với đó, tình hình sâu bệnh diễn biến phức tạp, phong phú và đa dạng, trong đó đối tượng nguy hiểm làm giảm năng suất và sản lượng là bọ xít.
Bọ xít hại vải, nhãn (Tessaratoma Papillossa Drury) cả trưởng thành và sâu non đều gây hại bằng cách dùng vòi chích hút dinh dưỡng ở các chồi non, hoa quả non, làm cho hoa quả, chồi non không đủ dinh dưỡng, dần bị héo và rụng. Khi quả lớn, vết chích hút của bọ xít tạo điều kiện cho nấm bệnh phát triển, làm cho quả đốm và thối.
Trong tháng 1, tháng 2 năm 2009, khí hậu có nhiều diễn biến phức tạp, trời khô hạn kéo dài, gió mùa xen lẫn nóng và ẩm, nhiệt độ tháng 2, tháng 3 cao từ 18-280C do đó bọ xít phát dục sớm và đẻ trứng rộ. Qua các đợt khảo sát ở Nghĩa Đàn, Quỳnh Lưu, Quỳ Hợp, năm nay vải và nhãn sẽ được mùa lớn, vấn đề bà con nông dân băn khoăn là bọ xít gây hại. Muốn phòng trừ bọ xít gây hại trên vải, nhãn, trước tiên bà con nông dân cần nắm chắc đặc tính sinh học của bọ xít, từ đó đề ra một số biện pháp phòng trừ.
Bọ xít trưởng thành ở các bờ lô rậm rạp mang tính bầy đàn, qua đông rồi mới đẻ trứng. Bọ xít trưởng thành thân dài 20-30mm, hình bầu dục, màu nâu vàng, có phấn sáp màu trắng. Sâu trưởng thành có tập quán giả vờ chết và rơi xuống đất để lẩn tránh. Sâu trưởng thành giao phối 1-2 ngày rồi đẻ trứng và đẻ trứng rộ nhất vào tháng 3, tháng 4. Tháng 5, tháng 6 thì đẻ rải rác. Mỗi con trưởng thành đẻ một lần 14 quả, con đẻ ít nhất là 7 lần, con đẻ nhiều nhất 11 lần. Đa số trứng được đẻ ở dưới mặt lá, đường kính trứng từ 1,5-3 mm. Trứng mới đẻ có màu sáng trong, sau đó chuyển sang màu xám và vàng nâu rồi nở. Bọ xít non lúc mới nở có màu đỏ tươi, sau chuyển sang màu xanh lam rồi dần dần biến thành màu nâu sẫm. Bọ xít non cuối tháng 3 đầu tháng 4 rất nguy hiểm, nếu không có biện pháp phòng trừ kịp thời dễ gây bùng phát thành dịch gây hại trên diện rộng.
Thời kỳ gây hại của bọ xít kéo dài từ tháng 3 đến tháng 8. Bà con cần triệt để áp dụng mấy biện pháp sau: Kiên quyết triệt để tiêu diệt sâu trưởng thành qua đông trong tháng 12 và trong tháng 1 bằng cách rung cây để rơi xuống đất, đem gom đi đốt. Biện pháp này rất hiệu quả để hạn chế nguồn bọ xít qua đông. Tháng 2, tháng 3 kiểm tra trên đồng ruộng, ngắt đốt các ổ trứng và bắt bọ xít trưởng thành khi thấy chúng xuất hiện, tiến hành làm nhiều đợt vào lúc buổi sáng và chiều tối. Khi thấy bọ xít non nở rộ tháng 3, tháng 4 dùng thuốc hoá học để tiêu diệt. Phun thuốc lúc này rất có hiệu quả. Khi phun thuốc bọ xít non còn nhỏ từ tuổi 1 đến tuổi 3, lúc này chúng chưa có cánh, sức đề kháng rất yếu nên không thể phát tán rộng hoặc bay khi phun thuốc. Chúng ta có thể sử dụng một số loại thuốc sau đây: Supracit 25 EC nồng độ 0,1% hoặc Sumicidin 50 EC nồng độ 0,1% hoặc Fastax 50 EC nồng độ 0,1%.
Nguyễn Minh Thảo (Báo Nghệ An, 24/3/2009)
Nhấn vào đây để xem tất cả các thông tin kỹ thuật trồng nhãn
- Kỹ thuật trồng cây ăn trái, rau màu, cây dược liệu và các loại cây khác
Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.