Xử lý thành công bệnh chổi rồng trên cây nhãn
Xã Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành A (Hậu Giang) có diện tích vườn cây ăn trái 480ha, trong đó cây nhãn hơn 90ha. Diện tích nhãn này trước đây đều bị bệnh chổi rồng thiệt hại năng suất từ 30-100%. Nhờ ứng dụng hiệu quả kỹ thuật phòng chống bệnh nên năm nay phần lớn vườn nhãn ở xã đều khỏi bệnh từ 80-95%.
Nhãn là loại cây ăn trái được nhà vườn Nhơn Nghĩa A chọn để phát triển kinh tế vườn khá lâu. Hiện nay có nhiều vườn nhãn ở xã trên 20 năm tuổi. Thế nhưng, gần 3 năm nay, vườn nhãn ở địa phương bị nhiễm bệnh chổi rồng nặng, thiệt hại năng suất từ 10-100%, nhiều nhà vườn bị thất trắng, kinh tế của bà con gặp không ít khó khăn. Vườn của ông Lê Văn Truyền, Chủ tịch UBND xã Nhơn Nghĩa A cũng trồng nhãn được 90 gốc khoảng 17 năm tuổi và nhãn của ông cũng bị bệnh chổi rồng. Ông trăn trở: “Làm sao giúp nhà vườn xử lý thành công được bệnh này để bà con có thu nhập ổn định, giảm nghèo, góp phần đạt tiêu chí thu nhập và hộ nghèo theo tiêu chí xã nông thôn mới”.
Là người đứng đầu chính quyền xã, ông Truyền ý thức được rằng, nếu đi vận động nhà vườn khôi phục vườn nhãn, mà vườn nhãn của ông còn bị bệnh thì chắc chắn chẳng ai nghe. Vì vậy, ông kết hợp với một công ty thuốc bảo vệ thực vật và ngành nông nghiệp địa phương kiên trì thử nghiệm quy trình xử lý bệnh chổi rồng trên vườn nhãn của gia đình ở mùa nhãn năm rồi.
Tuy áp dụng đúng quy trình, tỷ lệ nhãn khỏi bệnh trên 90%, nhưng năm rồi nhãn ra bông ngay đợt bão nên tỷ lệ đậu trái thấp. Không nản lòng, ông tiếp tục kiên trì áp dụng quy trình xử lý bệnh chổi rồng ở mùa nhãn tiếp theo. Kết quả, mùa nhãn hiện nay cho trái rất sai, khoảng 2 tháng nữa cho thu hoạch, ít nhất khoảng 5 tấn trái. Ông rất vui mừng, một mặt là gia đình ông sẽ có nguồn thu nhập khấm khá, nhưng điều làm ông vui nhất là tìm ra quy trình xử lý nhãn bị chổi rồng thành công để hướng dẫn cho các nhà vườn khác. “Lúc mới vừa lú chồi, chưa nở lá là xịt, tới chừng nở 1-2 lá là xịt thêm cử thuốc trừ nhện và trừ sâu nữa, cho tới khi lá già... Xịt lặp lại như vậy cho đến cơi đọt thứ 2 mới xử lý ra hoa” - ông Truyền chia sẻ kinh nghiệm.
Từ thành công trên vườn nhãn của gia đình, ông Truyền tự tin vận động và chia sẻ cho nhân dân ở địa phương khôi phục lại vườn nhãn. Vườn nhãn của ông cũng trở thành điểm đến tham quan học tập kinh nghiệm của nhiều nhà vườn. Thấy ông Truyền khống chế bệnh chổi rồng trên cây nhãn thành công, từ đó làm động lực cho các nhà vườn khác yên tâm đầu tư vào vườn nhãn của mình.
Dẫn chúng tôi ra thăm vườn nhãn tiêu da bò tỏa ngát hương, bông nào bông nấy dài thượt, trổ bung đều cây, hứa hẹn một vụ mùa bội thu mà trong lòng ông Trần Văn Săn, ở ấp Nhơn Phú 1 vô cùng phấn khởi. Ông Săn cho biết, 6 công nhãn này của ông cho trái khoảng 2 năm, thế nhưng năm rồi vườn nhãn của ông cũng như nhiều vườn nhãn khác bị bệnh chổi rồng gần như thất trắng. Học hỏi từ vườn nhãn ông Truyền cộng với kiến thức cán bộ bảo vệ thực vật hướng dẫn về quy trình phòng bệnh chổi rồng, ông áp dụng đúng quy trình nên mùa nhãn đang cho trái hiện nay khỏi bệnh chổi rồng từ 80-90%.
Quy trình xử lý bệnh chổi rồng của ông Săn là cắt hết lá nhãn, cành nhãn bị bệnh rồi gom lại tiêu hủy. Sau khi cắt tỉa cành, thì tiến hành rải phân, sên sình, tưới nước cho nhãn để kích thích cây ra tược mới. Cây bắt đầu nhú tược là thời điểm nhện lông nhung - vật trung gian truyền bệnh chổi rồng tấn công mạnh nhất. “Phải thường xuyên xịt chứ bỏ lâu quá thì cũng không được. Vì nhện này hết chất thuốc thì nó tấn công rồi. Nó còn ít mình trị thì hiệu quả, chứ để nó nhiều quá trị cũng không đạt” - ông Săn chia sẻ.
Hiện có khoảng 70% diện tích nhãn ở Nhơn Nghĩa A được nhà vườn xử lý thành công bệnh chổi rồng, tỷ lệ khỏi bệnh từ 80-95%. Trong khi các nơi khác nhà vườn xử lý không thành công bệnh chổi rồng thì nhà vườn ở đây khống chế được bệnh là nhờ cắt tỉa kỹ nhãn bệnh đem tiêu hủy, phun thuốc trừ nhện đúng thời điểm và phun lặp lại đúng quy trình, sao cho lá nhãn, bông nhãn khi còn non tránh được sự tấn công của nhện. Anh Nguyễn Văn Đình, nhà vườn trồng nhãn ở ấp Nhơn Phú 1, chia sẻ: “Sau khi thu hoạch xong, thì cắt cành xuống 5 tấc cho hết chổi rồng, mới bón phân, xịt thuốc. Thấy ra tược là xịt. Còn nếu không cắt hết nhãn bệnh thì nó sẽ lây sang cây khác nữa”.
Tuy nhiên, vấn đề khó khăn hiện nay là do các nhà vườn không xử lý đồng loạt nên sâu bệnh có nơi cư trú dễ lây lan, tái phát. Ngay cả cùng một vườn nhãn cũng không ra tược, ra bông đồng loạt nên khó xử lý. Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh nghi ngờ nhện ký sinh trên loài ong lây truyền dịch bệnh nên đến các vườn nhãn ở xã Nhơn Nghĩa A bắt ong về kiểm tra, phân tích, hy vọng tìm ra quy trình xử lý triệt để bệnh chổi rồng, giúp nhà vườn làm giàu từ cây nhãn.
Kim Viếng - Báo Hậu Giang, 01/11/2013
Quy trình kỹ thuật phòng trừ bệnh chổi rồng trên nhãn
Bệnh chổi rồng trên cây nhãn đang là vấn đề bức xúc, gây khó khăn cho nhà vườn, bởi diện tích gây hại ngày càng gia tăng trong khi giá nhãn hiện nay khá tốt do thị trường xuất khẩu sang Mỹ đã mở. Để giúp nhà vườn có điều kiện canh tác hiệu quả, Chi cục Bảo vệ thực vật Bến Tre đưa ra quy trình kỹ thuật phòng trừ bệnh chổi rồng trên nhãn.
Tác nhân gây bệnh
Hiện tác nhân gây bệnh chưa thống nhất nhưng cũng đã xác định được nhện lông nhung trên nhãn là môi giới truyền bệnh. Nhện lông nhung có kích thước rất nhỏ, không nhìn thấy được bằng mắt thường. Vòng đời khoảng 8-15 ngày, một năm sinh sản 13-15 thế hệ. Nhện lông nhung phát triển mật độ cao vào các đợt nhãn ra đọt non, ra hoa, gây hại nặng nhất trong các tháng mùa khô.
Triệu chứng nhận biết
Bệnh gây hại chủ yếu trên đọt non, nụ hoa. Triệu chứng thường trên đọt non, xuất hiện sớm. Khi ra đọt non khoảng 2-3cm, lá bị co lại và mọc thành từng chùm. Nhóm lá này không tiếp tục phát triển được và co cụm lại như bó chổi. Bệnh gây hại trên chùm hoa co cụm, không đậu trái hoặc đậu rất ít. Nhện gây hại và truyền bệnh sớm trên chồi non, nụ hoa. Khi không có đọt non, nhện chích hút trên lá già nhưng không biểu hiện rõ triệu chứng.
Phương thức lây lan
Lây lan nhanh chủ yếu qua 2 con đường: nhân giống vô tính ghép và chiết cành từ các cây bị bệnh. Qua môi giới truyền bệnh là nhện lông nhung, nhện phát tán qua vận chuyển cây giống, sản phẩm của cây nhãn, gió, côn trùng, chim.
Biện pháp quản lý
Trồng các loại giống kháng bệnh: nhãn Edor, nhãn xuồng cơm vàng chống chịu tốt với bệnh. Vùng bị áp lực bệnh cao nên áp dụng biện pháp ghép, sử dụng giống xuồng cơm vàng làm mắt ghép và gốc ghép tiêu da bò. Không nhân giống như nhánh chiết, mắt ghép từ cây và vườn bị nhiễm bệnh. Tránh vận chuyển cành, mắt ghép, cây giống có xuất xứ từ các khu vực bị nhiễm bệnh sang khu vực chưa nhiễm.
Kỹ thuật canh tác
Thường xuyên kiểm tra vườn để lảy bỏ ngay các đọt, cành chùm hoa mới bị nhiễm bệnh để tiêu hủy. Chăm sóc thường xuyên, tăng cường bón phân hữu cơ, bón phân vô cơ phải cân đối, có thể bón thêm vi lượng qua gốc hay lá để cây sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh, tăng sức chống chịu bệnh, ra đọt, hoa tập trung. Tưới nước đầy đủ, trước khi cây ra hoa dùng vòi tưới áp lực cao phun lên tán cây làm giảm mật độ nhện, đồng thời tạo ra độ ẩm giúp cây sinh trưởng tốt hơn. Sau khi thu hoạch, cần vệ sinh vườn, xén tỉa cành, loại bỏ chồi vượt cao.
Biện pháp quản lý và phòng trừ môi giới truyền bệnh
Loại bỏ các cây là ký chủ phụ của nhện như bồ ngót, bóng nẻ. Các vùng trồng nhãn bị nhiễm tiến hành phun thuốc phòng trừ nhện 3-4 lần: cơi đọt 1, 2 hoặc 3 và lúc nhú mầm hoa khoảng 2-3cm.
Sử dụng luân phiên các loại thuốc có hoạt chất khác nhau để tránh kháng thuốc. Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có trong danh mục đăng ký phòng trừ nhện lông hại nhãn như Brightin, 1.8EC, Virtako, 40WG, MapGreen 6SL, Pegasus, 500SC, Takare 2EC. Phun thuốc hóa học phải theo nguyên tắc 4 đúng, đảm bảo thời gian cách ly theo khuyến cáo trên bao bì.
BVTV - Báo Đồng Khởi, 27/3/2015
Nhấn vào đây để xem tất cả các thông tin kỹ thuật về trồng cây nhãn
- Kỹ thuật trồng cây ăn trái, rau màu, cây dược liệu và các loại cây khác
Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.