• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Trồng trọt

Chăm sóc nho giúp hạn chế thiệt hại do mưa

Trong tuần qua, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, xuất hiện mưa lớn sau những ngày thời tiết nắng nóng trên địa bàn thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, đã làm cho cây Nho bị sốc nhiệt, đặc biệt ở giai đoạn trái già - chín bị nứt, gây thiệt hại kinh tế cho bà con nông dân.

Để hạn chế thấp nhất về thiệt hại do thời tiết gây ra trên cây Nho, Trạm Trồng trọt và BVTV Phan Rang - Tháp Chàm khuyến cáo một số biện pháp kỹ thuật chăm sóc như sau:

1. Công tác vệ sinh đồng ruộng: Dọn sạch cỏ dại, tàn dư thực vật trên đồng ruộng sạch sẽ, tạo độ thông thoáng, giúp cây Nho sinh trưởng, phát triển tốt, tăng sức đề kháng cho cây Nho.

2. Bón phân: Bón phân cân đối, hợp lý theo nguyên tắc 4 đúng ngay từ đầu vụ là yếu tố quan trọng nhất giúp cây Nho sinh trưởng, phát triển tốt, chống chịu tốt với điều kiện ngoại cảnh khắc nghiệt cũng như sinh vật hại cho cây trồng, như sau:

- Đúng loại:

+ Sử dụng đúng loại phân mà cây Nho yêu cầu và phù hợp với từng loại đất: cần loại phân gì, tỷ lệ bao nhiêu tùy theo từng thời kỳ sinh trưởng của cây và được trồng trên loại đất có tính chất ra sao,…

+ Bón đúng loại không những đáp ứng được yêu cầu của cây Nho mà còn giữ ổn định của môi trường đất. Đất chua tuyệt đối không bón những loại phân có tính axít cao quá ngưỡng; đất kiềm không bón các loại phân có tính kiềm cao quá ngưỡng.

Ví dụ: Ở vùng đất quá chua, phèn thì nên sử dụng phân lân nung chảy hoặc lân có trong NPK để bón cho Nho. Không nên sử dụng phân có gốc axít (phân lân super) sẽ làm tăng độ chua của đất, cây không hấp thu được dinh dưỡng, bộ rễ không phát triển được.

+ Ưu tiên sử dụng các loại phân hữu cơ, hạn chế tối đa sử dụng phân vô cơ, đặc biệt không được bón quá nhiều phân đạm.

- Đúng liều:

+ Liều dùng là bao nhiêu? Hầu hết trên nhãn bao bì đều có hướng dẫn. Để sử dụng đúng liều lượng phân bón nhằm tiết kiệm được kinh tế, phù hợp với yêu cầu của cây Nho, tránh lãng phí phân bón, thì người sử dụng phải đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và kết hợp với quan sát hình thái và tình trạng của cây, đất đai nơi trồng cây, thời tiết, mùa vụ để quyết định bón lượng phân thích hợp.

+ Trong canh tác, nông dân cũng có thể tùy theo sức sinh trưởng, sức đậu và nuôi trái của cây Nho mà gia giảm lượng phân cho tương đối, bên cạnh đó cũng cần lưu ý điều kiện thổ nhưỡng và pH của môi trường đất.

- Đúng lúc:

+ Đúng lúc là bón đúng lượng phân và đúng loại phân khi cây Nho cần. Nên chia ra bón nhiều lần theo quy trình và bón vào lúc Nho phát triển mạnh, không bón một lúc quá nhiều sẽ gây ra thừa lãng phí, ô nhiễm môi trường, cây sử dụng không hết sẽ làm biến dạng dễ nhiễm bệnh, năng suất chất lượng nông sản thấp.

Ví dụ: Để cây Nho ra bông và đậu trái nhiều thì ta phải bón phân cho cây ở thời điểm chuẩn bị ra bông và trong thời kỳ nuôi dưỡng trái bón thêm phân bón lá,…

- Đúng cách:

+ Bón đúng cách là bón phân sao cho cây trồng hấp thu hiệu quả nhất lượng phân bón vào (đúng theo hướng dẫn của nhà SX).

+ Một khi đã xác định được đúng phân, thuốc, pha đúng liều lượng và chọn đúng thời điểm để xử lý mà cách dùng lại không đúng thì làm giảm tối đa hiệu quả sử dụng.

Ví dụ: Phân bón lá thì phải phun vào lúc trời mát, khoảng 8-9 giờ sáng hoặc 16-17 giờ chiều, thì lúc đó cây mới không bị cháy lá, hấp thu tối đa lượng phân được phun,…

+ Sử dụng phân phun qua lá sẽ không mang lại hiệu quả mà ngược lại sẽ làm tổn thương cây (cháy lá) nếu sử dụng không đúng cách. Lá cây trồng, ngoài chức năng quang hợp còn có vai trò thoát hơi nước qua hệ thống khí khổng, đó là những lỗ nhỏ li ti nằm phần lớn ở mặt dưới lá và cũng chính nơi đây mới có điều kiện hấp thu phân qua lá. Do đó khi sử dụng phân phun qua lá cần phải phun tập trung ở mặt dưới lá.

+ Trong sử dụng phân bón hữu cơ khuyến cáo khi bón phân hãy đào rãnh và bón phân hóa học như NPK, bón theo đường rãnh cách gốc 2/3, bởi cây nhận được phân qua hệ thống lông hút của rễ, mà hệ thống lông hút lại tập trung ở gần đầu chóp rễ và tồn tại không quá 24 tiếng do quy luật phát triển của cả hệ thống rễ, bên cạnh đó phân khi bón vào đất phải có quá trình hòa tan, phân ly tạo các ion và bám vào keo đất. Do đó bón phân theo rảnh, cách gốc 2/3, để phân có thời gian hòa tan, rễ có thời gian tìm đến để hấp thu phân.

* Việc sử dụng đúng 04 nguyên tắc trên ngoài việc giảm tối đa chi phí đầu vào cho việc sản xuất hàng nông sản còn làm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, và không gây ảnh hưởng đến môi trường.

3. Tưới nước: Khuyến khích nông dân tưới nước theo kỹ thuật tưới phun mưa tầm thấp, điều này không chỉ giúp tiết kiệm lượng nước tưới trong điều kiện khô hạn, tiết kiệm công lao động và nhiên liệu phục vụ cho công việc tưới nước mà còn tạo vùng tiểu khí hậu thích hợp giúp cải thiện được nhiệt độ trong vườn nho và giảm thất thoát lượng phân bón đáng kể.

- Khi nhiệt độ cao, ẩm độ không khí thấp, áp dụng tưới phun mưa sẽ làm giảm nhiệt độ trong vườn nho từ 3-50C, giúp cây nho ra hoa trong thời điểm này ít bị khô, sáp bông, tăng tỷ lệ đậu quả, tăng năng suất và thu nhập cho người dân. Giai đoạn trái lớn nếu thời tiết nắng nóng thì tưới phun mưa giúp cải thiện nhiệt độ và độ ẩm trong vườn nho, nếu gặp mưa cây sẽ ít bị sốc nhiệt dẫn đến nứt quả.

- Bón phân đúng cách kết hợp áp dụng tưới phun mưa giúp giảm thất thoát lượng phân bón so với tập quán bón phân của người nông dân hiện nay (hòa tan phân rồi tưới cùng với nước theo phương thức tưới tràn).

4. Phòng trừ sinh vật hại Nho: Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sớm và phòng trừ kịp thời các đối tượng sinh vật hại, đặc biệt là bọ trĩ, mốc sương, thán thư,... cụ thể:

- Áp dụng các biện pháp phòng trừ tổng hợp như: Cắt tỉa tạo cành thông thoáng, tùy theo từng giai đoạn sinh trưởng, tưới nước, bón phân đầy đủ, cân đối.

- Dọn tàn dư (cỏ dại, trái thối, cành, lá bị bệnh…) trên ruộng để tránh lây lan sang vụ khác, sau mỗi vụ tiến hành bón vôi vào đất để khử trùng.

- Bọ trĩ: Thường xuyên theo dõi, phát hiện sớm phòng trừ kịp thời, tránh lây lan, có thể sử dụng các loại thuốc như: Actimax 50 WG, Tasieu 1.9 EC, cần thay đổi thuốc thường xuyên.

- Bệnh mốc sương: Cần phát hiện bệnh sớm để phòng trừ, có thể phun ngừa bằng thuốc có gốc đồng như: Antracol 70 WP, Alpine 80 WG,... khi thấy điều kiện thời tiết thích hợp cho bệnh xuất hiện, nếu bệnh nặng có thể dùng Melody Duo 66.75 WP, Ranman 10 SC,… để phun phòng trừ.

- Bệnh thán thư: Trong giai đoạn cây nho ra bông đến chín, thường xuyên theo dõi và phòng trừ kịp thời, dùng các loại thuốc: Sat 4 SL, Help 400 SC,… để phun phòng trừ./.

Trạm Trồng trọt và BVTV Phan rang – Tháp chàm - Cổng TTĐT SNNPTNT tỉnh Ninh Thuận, 5/7/2018

 

 

 

Trồng trọt mùa mưa, bão, lũ

 

 

 

 

 

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang