Chị Hồ Thị Hương bên những củ nưa giống.
Cây nưa thích hợp trồng trên đất cát giồng, chịu đựng được thời tiết nắng hạn, ít tốn công chăm sóc, ít bị sâu rầy và cho hiệu quả kinh tế khá cao. Tại Bến Tre, cây nưa được trồng ở một số xã thuộc các huyện Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú. Nông dân trồng nưa chế biến bột để sử dụng trong gia đình hoặc làm quà biếu người thân. Tại xã Bình Thạnh (Thạnh Phú), có nhiều người trồng nưa chế biến bột bán, tăng thu nhập kinh tế gia đình.
Chị Hồ Thị Hương (ấp Thạnh Quí A, xã Bình Thạnh) chia sẻ: “Nhà tôi trồng khoảng một công nưa lấy bột bán, chủ yếu là lấy công làm lời, lãi khoảng trên 25 triệu đồng”. Gia đình chị trồng nưa lâu đời, lúc đầu chỉ sản xuất bột để dùng trong nhà, sau đó thì trồng nhiều hơn và chế biến bột bán ra thị trường. Sau mỗi vụ thu hoạch, chị đều tuyển chọn củ nưa giống (bằng đầu ngón chân cái), phơi khô để dành. Hàng năm, khoảng tháng 3-4 âm lịch, sau cơn mưa đầu mùa, củ nưa tự nảy mầm và người trồng bắt đầu xuống giống. Để nưa phát triển tốt, chị Hương tận dụng thời gian nhàn rỗi, nhổ cỏ và bón phân cho cây (2 đợt/vụ). Đến khoảng tháng 9-10 âm lịch, nưa tự rụi lá và người trồng sẽ thu hoạch, nhổ lấy củ, phơi khô, tuyển chọn giống cho vụ sau, sản xuất bột nưa bán.
Về cách chế biến bột nưa, theo chị Hương, củ nưa được gọt vỏ, rửa sạch rồi đem xay nhuyễn bằng máy (trước đây, người sản xuất bột phải mài củ nưa bằng nắp lu chứa nước). Nưa xay đem về, được lọc bỏ xác bằng vải the hay túi vải (còn gọi bồng bột) qua nhiều nước cho bột nưa lắng lọc xuống, sau đó, lấy bột đem phơi nắng; quá trình phơi cần chú ý bóp cho bột rã ra, dùng rây sàng để lấy bột nhuyễn, phơi khô và sử dụng.
Anh Nguyễn Văn Phụ (ấp Thạnh Quí A, xã Bình Thạnh) cho biết, năm 2013 gia đình anh trồng 1.500m2 nưa, thu lãi trên 40 triệu đồng. Trồng nưa chi phí thấp, ít tốn công, phân bón; đặc biệt, cây nưa không hề bị sâu rầy nên nông dân không phải xịt thuốc, rủi ro thất mùa cũng hiếm khi xảy ra. Bình quân, mỗi công đất trồng nưa, anh Phụ sử dụng khoảng 400kg nưa giống (giá khoảng 10.000-15.000 đồng/kg), thu hoạch mỗi công từ 2-3 tấn củ. Anh Phụ dự tính sẽ tăng diện tích trồng nưa lên gấp đôi trong năm 2014.
Tại ấp Thạnh Quí B, xã Bình Thạnh hiện có một số hộ trồng nưa bán như: ông Mười Châu, ông Năm Ràng. Đặc biệt, bà Hai Nhạn trồng và thu mua nưa chế biến bột để bán với số lượng hơn 150kg/vụ/năm nhưng vẫn không đủ hàng cung cấp. Hiện tại, bột nưa được bán cho thương lái tại xã, với giá từ 70.000 đồng/kg trở lên.
Cây nưa thuộc họ Ráy Araceae, là cây thân thảo, cho củ. Bột nưa (được chế biến từ củ nưa) được xem là một thứ dược phẩm giải nhiệt hữu hiệu của người dân vùng quê. Bột nưa được người dân quê khuấy bột uống vào mỗi buổi sáng có tác dụng giải nhiệt và rất tốt đối với người bệnh đau dạ dày, hoặc dùng để chữa chứng đau bụng kiết. Bột nưa khuấy với nước dừa xiêm uống để giải khát, kết hợp dưỡng da là thứ đang được phụ nữ vùng quê ưa chuộng.
Huỳnh Đức - Báo Đồng Khởi, 12/12/2013
- Kỹ thuật trồng cây ăn trái, rau màu, cây dược liệu và các loại cây khác
Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.