• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Trồng trọt

Kinh nghiệm trồng ớt

Kinh nghiệm trồng ớt ở Ngăm Mạc (Bắc Ninh)

Những ngày đầu tháng 4 chúng tôi trở về Ngăm Mạc, huyện Gia Bình (Bắc Ninh) để tìm hiểu kinh nghiệm trồng ớt xuất khẩu cho thu nhập cao của bà con xã viên. Trên các khu đồng, mọi người phấn khởi chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho ớt đông xuân. Ai cũng mong mưa thuận gió hòa... ớt được mùa là cây "xóa đói, giảm nghèo".

Diện tích ớt đông xuân ở Ngăm Mạc vào khoảng 40 mẫu, tăng 30 mẫu so với cùng kỳ năm ngoái, sở dĩ diện tích ớt được mở rộng là do năm ngoái được mùa cả về giá và năng suất. 1 sào ớt thu hoạch thấp cũng đạt 500kg, cao 700kg, bán giá 1.600đ/kg, cho thu nhập 800 ngàn đến hơn 1,1 triệu đồng, cao gấp 2 - 2,5 lần so với cấy lúa, cũng bởi vậy mà xã viên ai cũng mặn mà với ớt hơn. Theo đánh giá của nhiều hộ xã viên thì trồng ớt cho thu nhập cao tuy nhiên trong quá trình trồng, chăm sóc cần lưu ý một số biện pháp sau (chúng tôi xin ghi lại để bà con tham khảo).

Ngâm ủ, làm bầu:

Công đoạn đầu là ngâm hạt giống trong nước ấm chừng 3 -4 giờ sau đó vớt ra ủ trong bọc giẻ bông hoặc vải 2 - 4 ngày, hạt sẽ nảy mầm, cách thức làm bầu khá đơn giản, tận dụng lá chuối khô làm bầu có đường kính 4 - 6cm, cao 5-7cm, dùng đất bột trộn lẫn phân chuồng ủ mục cho vào bầu, tra hạt xong phủ lên trên lượt trấu mỏng.

Làm luống:

Ớt là cây kém chịu úng vì vậy phải lên luống cao thoát nước, ở Ngăm Mạc đa số xã viên làm luống trồng ớt rộng chừng 0,6m để trồng hàng một, phân bón tùy theo mỗi chân ruộng song thông thường 1 sào ớt đầu tư khoảng 300 - 400kg phân chuồng ủ mục, 30 - 40kg lân, đạm, 20kg vôi bột và kali mỗi loại từ 8 - 10kg.

Trồng, chăm sóc:

Bổ hốc để đặt cây theo khoảng cách 0,5m/cây, đặt cây xong vun đất xung quanh (bón lót 100% phân chuồng, vôi và khoảng 80% phân lân, riêng đạm và kali bón lót khoảng 60%) số còn lại dùng để bón thúc kết hợp xới xáo về sau này.Ớt trồng xong phải giữ ẩm, thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để dặm lại, khi ớt bén rễ hồi xanh trở đi cứ khoảng 7 - 8 ngày tưới nước phân hỗn hợp 1 lần (lân ngâm nước phân chuồng, thêm ít đạm hòa loãng tưới đều), sau trồng 20 ngày trở đi tiến hành xới xáo làm cỏ cho cây, 20 ngày sau bón nốt số phân còn lại trong cả thời kỳ sinh trưởng của ớt, thường xuyên kiểm tra loại bỏ lá già, lá bị bệnh để tránh lây lan.

Phòng trừ sâu bệnh:

Phòng trừ tốt các đối tượng: Nhện đỏ, rệp muội, bệnh phấn trắng, thán thư, xoăn lá, chết ẻo, thuốc sử dụng thông thường là Manager, Daconil, Ancol và địch bách trùng.

 

Ninh Thuận: Cây ớt xóa đói giảm nghèo

Theo số liệu của ngành NN&PTNT Ninh Thuận, cây ớt ở tỉnh này được trồng hàng năm 850 - 900 ha, sản lượng 7.000 - 7.500 tấn trái tươi. Ninh Thuận là một trong những vựa ớt lớn trong vùng cực Nam Trung Bộ. Trồng ớt là nghề lai rai lượm bạc lẻ. Tuy nó không lấy tiền “một cục” như nho, thuốc lá, mía đường nhưng có ớt chín là nông dân có tiền xài. Xưa nay, trong giới thu mua và người trồng ớt có luật bất thành văn: “Cân ớt trả tiền liền”. 

Anh Lê Văn Thông, 42 tuổi, một nông dân có thâm niên trong nghề trồng ớt ở thôn Vạn Phước, xã Phước Thuận, cho biết: Gia đình anh đã trải qua nhiều trồng loại cây từ nho đến cà chua, hành ta nhưng cuối cùng cũng quay trở về với cây ớt. Vốn đầu tư ban đầu cho 1 sào (1.000 m2) ớt chỉ tốn 500.000 đồng làm đất, cấy cây con, làm cỏ, phân bón... Sau 4 tháng là bắt đầu thu hoạch, 3 ngày hái 1 lứa ớt 40 - 50 kg/sào. Cây ớt có “tuổi thọ” trung bình 1 - 2 năm.. Mỗi tháng thu hoạch 10 lứa với sản lượng 400 - 500 kg/sào. Hiện nay, những người thu mua đến tại vườn cân 4.000 đồng/kg ớt tươi. Nếu giá cả ổn định 4.000 - 5.000 đồng/kg thì nông dân trồng ớt có lãi ròng 1 - 1,5 triệu đồng/sào/tháng. Các chủ vựa mua ớt phơi khô xuất bán ra ngoài tỉnh 18.000 - 20.000 đồng/kg. Cứ 4 kg ớt tươi phơi khô được 1 kg. Một gia đình 4 miệng ăn chỉ cần trồng 500 m2 ớt, bán được giá 4.000 đồng/kg là đủ tiền xài hàng ngày. 

Cây ớt đã bảo đảm được đời sống cho hàng ngàn nông hộ nông dân. Nhiều gia đình nuôi con ăn học thành đạt cũng nhờ nghề trồng ớt. 

Điều đáng nói là nông dân trồng ớt theo kinh nghiệm, thiếu sự hướng dẫn kỹ thuật của nhà khoa học. Vì vậy, người trồng ớt ở Ninh Thuận mong được sự giúp đỡ của ngành NN&PTNT để nâng cao năng suất và chất lượng nông sản hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường trong nước và xuất khẩu. 

Thái Sơn Ngọc - NLĐ, 28/7/2003

 

Cây ớt cho tiền tỷ

Trên vùng đất cát pha cằn cỗi, từ hơn 10 năm nay người dân một số xã ở huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc) đã đưa cây ớt về trồng thay thế cho những cây trồng truyền thống và đã cho giá trị tới trên 200 triệu đồng/ha... 

Trồng ớt thu nhập 200 triệu đồng/ha 

Mặc dù có diện tích đất nông nghiệp tương đối lớn (trên 8.000ha), nhưng đất đai Tam Dương không được màu mỡ, 100% diện tích là đất cát pha, hay bị hạn hán, không thích hợp với cây lúa. Ông Nguyễn Văn Ngọc - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tam Dương cho biết: "Với đặc điểm như thế, chỉ có cách trồng các loại cây rau màu hàng hoá mới đem lại hiệu quả cao". Năm 1986, cây ớt đỏ đã được vào trồng xen canh tại xã Vân Hội. Tuy nhiên, do trồng xen canh và đầu tư ít nên hiệu quả kinh tế rất thấp. Tới năm 1998, nhận thấy cây ớt ngày càng mang lại nhiều lợi nhuận, UBND xã Vân Hội đã phát động phong trào "toàn dân trồng ớt" thu hút 90% sốá hộ tham gia. Ông Trần Văn Minh- Chủ tịch UBND xã cho biết: "Hàng năm, chúng tôi dành ra 25-30% diện tích đất nông nghiệp để trồng cây ớt, trung bình mỗi hộ trồng được 2- 7 sào". Sau 5 năm chuyển đổi, đến nay toàn xã đã trồng được trên 50ha, nhiều hộ có thu nhập 30- 40 triệu đồng/năm nhờ trồng ớt. 

Thời gian trồng ớt thích hợp nhất vào tháng 2 âm lịch (vụ xuân), tháng 7 (vụ mùa) và tháng 10 (vụ đông), ớt được quay vòng 2,5-3 vụ/năm. Thông thường ớt sẽ bắt đầu cho thu hoạch sau khi trồng 2 tháng và kéo dài đến 4- 5 tháng mới hết một lứa. Theo ông Minh, nếu chăm sóc tốt, bình quân cứ 2 ngày sẽ hái một lần. Sản lượng ớt trung bình đạt 2,1- 2,5 tấn/sào. Với giá bình quân 4.000 đồng/kg, 1 sào ớt có thể thu về tới trên 8 triệu đồng, tính ra giá trị canh tác có thể đạt tới mức trên dưới 200 triệu đồng/ha. Ông Trần Văn Sính, một hộ trồng được 3 sào ớt cho biết: "So với các loại cây khác, ớt phải đầu tư khá cao, mỗi sào từ khi trồng đến lúc thu hoạch xong đợt cuối cũng phải mất 1,5-2 triệu đồng, vì vậy nếu không có thị trường ổn định là có thể thua lỗ ngay". Năm ngoái nhờ biết cách trồng ớt trái vụ, ông Sính đã thu tới hơn 30 triệu đồng. Theo ông Sính, thị trường tiêu thụ ớt hiện nay ngày càng được mở rộng vì thế nếu biết làm trái vụ có thể bán được 20.000- 30.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm lên đến 40.000 đồng/kg. Ngoài Vân Hội, Tam Dương còn có rất nhiều xã cũng phát triển nghề trồng ớt như Hoàng Lâu, Duy Phiên... tổng diện tích đạt gần 90ha/năm với sản lượng 465 tấn, giá trị kinh tế thu được từ cây ớt ở Tam Dương có khả năng đạt 15-20 tỷ đồng/năm. Hiện nay người trồng ớt hầu như không phải lo về vấn đề đầu ra cho sản phẩm, bởi ớt thu hoạch tới đâu được thu mua hết tới đó. 

Dầy công chăm bón 

Theo ông Nguyễn Văn Ngọc - Trưởng phòng Nông nghiệp, ớt là cây có đặc điểm sinh trưởng hết sức phức tạp, mất nhiều công chăm bón, người nông dân phải có kinh nghiệm về kỹ thuật, biết cách phòng trừ sâu bệnh tốt, ớt mới đạt năng suất cao. Ở Tam Dương hiện nay bà con trồng phổ biến là các giống ớt vàng, ớt ngọt, ớt xào, những giống này phần lớn bà con đều tự lo liệu được. 

Quy trình trồng ớt khá công phu, sau khi ươm giống cho ớt mọc cao lên khoảng 5-7cm thì đem ra trồng. Ớt được trồng thành luống, mỗi luống rộng 1,2m, chia thành 2 hàng, mỗi hàng cách nhau 0,4- 0,5m. Ớt là cây rất ưa phân gia súc, đặc biệt là phân gà, do đó trước khi trồng phải bón lót cho ớt một lượng phân tương đối lớn, 5- 6 tạ/sào. Trong thời gian thu hoạch, phải thường xuyên bón bổ sung đạm, lân, kali cho ớt tiếp tục sinh trưởng, vào lúc thu hoạch rộ có thể bón với mật độ 3 lần/tuần. Anh Nguyễn Văn Trâm (thôn Lực Điền, xã Hoàng Lâu) trồng 6 sào ớt, cho biết: "Nghề trồng ớt này lúc nào cũng bận như chăm sóc "con mọn", chỉ cần sơ ý để ớt nhiễm bệnh không kịp thời phòng trừ coi như bỏ đi". Theo thống kê, hàng năm các loại sâu bệnh gây thiệt hại khoảng 10- 15% diện tích và sản lượng toàn huyện Tam Dương. Những loại sâu, bệnh mà ớt hay gặp phải nhất là sâu vẽ bùa, rệp, sẩn đốt, sẩn gốc, sương mai gây ủng, héo và rụng quả. Khi mắc phải hầu hết không thể chữa được vì chúng thường có khả năng kháng thuốc rất cao. Ông Ngọc cho biết, cách tốt nhất là phải phòng bệnh cho ớt ngay từ lúc trồng như phơi khô đất, khử trùng bằng vôi bột. Đồng thời kết hợp phun thuốc theo định kỳ để hạn chế sự phát triển của bệnh, ngoài ra có thể sử dụng biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp (IPM), phương pháp này tuy có một số ưu điểm tích cực nhưng năng suất lại không cao.

NTNN, 7/8/2003

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang