Vườn quất kiểng của gia đình tôi không rõ tại sao mấy năm gần đây cứ vào mùa mưa thường hay bị một hiện tượng như sau: Trên lá xuất hiện những đốm sần sùi mầu nâu nhạt, mọc nhô cao lên khỏi mặt lá, xung quanh các đốm sần sùi này có quầng mầu vàng. Trên trái cũng có những triệu chứng giống như ở trên lá nhưng các đốm sần sùi thể hiện rõ hơn. Một số cành bánh tẻ cũng bị sùi lên rồi chết khô. Xin cho biết đó là chứng bệnh gì? Có cách nào để phòng trị chúng? (Nguyễn Quang Vinh, Biên Hòa, Đồng Nai)
Trả lời: Qua mô tả của bạn, chúng tôi cho rằng có lẽ cây quất cảnh của nhà bạn đã bị bệnh loét do vi khuẩn Xanthomonas campestric pv. citri gây ra. Không riêng gì cây quất loài vi khuẩn này còn gây hại nhiều trên những cây có múi như cam, chanh, quýt, bưởi, nhất là vào mùa mưa khi thời tiết có ẩm độ cao. Nếu bị hại nặng bệnh có thể làm cho lá bị vàng, rụng sớm khiến cho cây còi cọc, suy yếu. Cành có thể bị khô và chết (từ chỗ bị bệnh trở lên). Trái có thể bị chai không ăn được hoặc bị rụng. Quất cảnh bạn trồng chủ yếu để bán làm kiểng, nếu bị bệnh này hại nhiều bộ lá sẽ bị hư hại, cây sẽ xấu, khó bán và bán không được giá. Đây là một bệnh nguy hiểm trên cây có múi, nên nhiều nước đã coi đây là một đối tượng thuộc diện kiểm dịch thực vật trong việc nhập giống và trái thương phẩm.
Khi cây đã bị bệnh thì rất khó chữa trị, vì thế để hạn chế tác hại của bệnh bạn cần phải chủ động áp dụng các biện pháp phòng ngừa ngay từ khi lập vườn. Cụ thể là:
- Không trồng cây con đã bị nhiễm bệnh từ khi còn ở vườn ươm.
- Thiết kế liếp trồng hình mai rùa, cao ráo thoát nước tốt trong mùa mưa để hạn chế ẩm độ trong vườn.
- Không nên trồng quá dầy, hoặc khi đã bứng cây cho vào các giỏ (sọt tre) thì phải đặt các giỏ này xa nhau tạo cho vườn luôn được thông thoáng. Nhớ là không nên tưới nhiều nước vào buổi chiều tối để hạn chế độ ẩm cao vào ban đêm.
- Bón phân cân đối giữa đạm, lân và kali, nên tăng cường bón thêm phân hữu cơ đã hoai mục để tăng cường sức chống đỡ bệnh cho cây.
- Thường xuyên vệ sinh vườn quất bằng cách cắt bỏ và thu gom những cành lá trái đã bị bệnh còn ở trên cành hoặc đã rụng xuống đất đem tiêu hủy.
- Áp dụng những biện pháp thích hợp để phòng trị sâu vẽ bùa, vì vi khuẩn gây bệnh thường xâm nhập vào lá thông qua các vết cắn phá của loại sâu này (chú ý các đợt cây ra đọt, lá non).
- Khi cây đã bị bệnh tránh tưới nước theo kiểu phun mưa để hạn chế bệnh lây lan từ tầng trên xuống tầng dưới của cây.
- Nếu vườn của bạn thường bị bệnh gây hại cần dùng một trong những lọai thuốc như: Copper-B 75WP, Copper-zinc 85WP, Tilt super 300EC, Champion 77WP, Vidoc 80BTN, Starner 20WP, COC 85WP, Kocide 61,4DF, Kasuran 47WP... để phun xịt vào lúc cây đang phát triển lá non. Sau khi cây đậu trái định kì 2 tuần phun một lần cho đến khi đạt tiêu chuẩn là một cây quất kiểng đẹp "xuất vườn" đi bán. Với những vườn đang bị hại nhiều như vườn của bạn có thể dùng một trong vài loại thuốc như: Kasuran 47WP, Kasumin 2L...để phun trị bệnh. Nhớ đọc kỹ hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất có in trên nhãn thuốc trước khi dùng.
NNVN, 28/4/2004
Cây quất (miền Nam gọi là cây tắc) thường được chọn làm cây cảnh trong những ngày Tết. Do vậy, ngoài việc trồng bình thường, phải biết xử lý để cây cho trái và chín vào đúng dịp Tết, vừa để trưng Tết vừa bán được giá.
Thời vụ trồng:
Quất được trồng quanh năm nhưng muốn trồng mới (chiết cành) tốt nhất nên thực hiện vào đầu mùa mưa.
Đất trồng:
Thường trồng trên đất vườn, đất có pha cát, sét bảo đảm được độ thông thoáng và đủ độ ẩm. Độ pH thích hợp là 5-6.
Cách trồng:
Có thể trồng quất trực tiếp trên đất, nhưng cũng có thể trồng vào giỏ, chậu... Trước hết nên trồng quất ngoài đất vườn rồi sau đó mới đưa vào chậu.
- Đất trồng cần lên liếp cao, thiết kế mương nước xung quanh, líp rộng 4-6m, mương khoảng 1-1,5m. Mặt líp phải cao hơn mương nước từ 20-30cm, tránh để nước ngập, quất sẽ ngừng phát triển và có thể chết.
- Quất cần nhiều ánh sáng, chịu ẩm ướt, nhiệt độ thích hợp từ 20-24oC. Vào mùa khô cần tưới nước đầy đủ, tránh để đất khô, quất sẽ không phát triển và bị vàng lá rồi rụng dần.
- Quất không trồng bằng hạt vì dễ biến dị, cây chậm ra quả, do vậy, trồng mới nên áp dụng phương pháp chiết cành.
Cách chiết:
Cũng giống như cam, quýt, cần chọn cành khoẻ, mọc xiên, tiến hành khoanh vỏ, để khô 4-5 ngày, quấn rơm đã nhào với đất bùn ướt, bên ngoài cần bao một lớp nilon có đục lỗ thoát nước. Nên tiến hành chiết vào tháng 3-4, những tháng đầu mùa mưa.
Bón phân:
Cần bón phân cân đối cho quất, bón lót, bón thúc cho hợp lý cây mới phát triển tốt và cho bông trái nhiều.
- Bón lót trung bình một gốc cần 20-25kg phân chuồng hoai, rác mục.
- Bón thúc dùng phân NPK (16-16-8), trung bình 0,3-0,5kg/gốc/năm, chia 2 lần, bón cách nhau 40 ngày. Khi cây chuẩn bị ra hoa cần bón thêm phân KCl 100g/gốc để tăng cường đậu trái và trái ít bị rụng. Để cây phát triển mạnh, cành lá xanh mướt cần phun thêm phân bón lá, 15 ngày phun 1 lần.
Phòng trừ sâu bệnh:
Nên chọn cành chiết từ cây mẹ khoẻ mạnh, không có biểu hiện bệnh để đảm bảo cho cây con sau này khoẻ mạnh, khả năng phát triển tốt, đậu quả nhiều.
Quất thường dễ bị bệnh trong trường hợp thiếu phân, nước, ánh sáng và pH không phù hợp...
Thường xuyên thăm vườn để phát hiện và loại bỏ cây bị bệnh vàng lá để tránh lây lan sang cây khác.
Nếu trồng quất cảnh phải phun ngừa bệnh theo định kỳ, cứ 7-15 ngày phun thuốc trừ bệnh Aliette, Benlate C, Sunfat đồng để ngừa các bệnh về nấm. Đối với các loại sâu, côn trùng phá hoại như vẽ bùa, rệp mềm, rệp sáp, sâu đục thân... cần sử dụng các loại thuốc Sevin, Padan, Tribon, Bi58... để phòng trị. Tuỳ vào mức độ phá hoại của côn trùng mà phun định kỳ từ 7-10 ngày/lần theo liều lượng ghi trên nhãn bao thuốc.
Xử lý cho trái chín đúng dịp Tết:
Quất ra trái quanh năm, nên phải điều chỉnh sao cho trái chín vào đúng dịp Tết. Cách làm như sau:
- Đến khoảng tháng 6-7 âm lịch bắt đầu thăm chừng thường xuyên vườn quất, phát hiện cây nào có trái phát triển mạnh thì đào bứng cây lên, rồi phơi nắng nhẹ độ 10 ngày, sau đó tỉa bỏ bớt cành lá cho cây gọn nhẹ rồi đem trồng lại (đảo quất, đánh quất). Nếu trồng trong giỏ, chậu, chỉ cần vặt hết trái, giảm tưới nước tối đa.
- Đến giữa hoặc cuối tháng 8 âm lịch, chuẩn bị cho cây ra hoa, kết trái và làm sao cho trái chín vàng vào dịp Tết Nguyên đán. Giai đoạn này cần cung cấp cho quất đầy đủ phân bón, nước, cây sẽ xanh tốt, cho trái nhiều và đảm bảo trái sẽ chín vàng vào đúng Tết.
NTNN-13/08/2004
- Kỹ thuật trồng cây ăn trái, rau màu, cây dược liệu và các loại cây khác
Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.