• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Trồng trọt

Kỹ thuật gây trồng, khai thác vỏ quế

Cây quế trong rừng tự nhiên thường mọc hỗn giao với nhiều cây lá rộng như re, sau sau, kháo, nhội, mỡ, bồ đề, săng lẻ, bứa... Lúc còn nhỏ cây quế cần có che bóng thích hợp mới sinh trưởng phát triển tốt được, nhưng lớn lên là cây ưa sáng hoàn toàn

Những cây quế trong rừng có đủ ánh sáng đều cho vỏ dày nhiều dầu, năng suất vỏ cao và chất lượng vỏ tốt. Cây quế trồng sau 8-10 năm thì bắt đầu ra hoa kết quả, quế ra hoa vào tháng 4, 5 và chín vào tháng 1, 2 có thể thu hái hạt chín trên cây, hoặc thu nhặt quả chín rơi rụng quanh gốc cây mẹ. Hạt quế là loại hạt có dầu, khi bảo quản nếu gặp nhiệt độ cao, ẩm độ thấp, ánh sáng mạnh, thì hạt sẽ bị chảy dầu và mất khả năng nảy mầm. Trong tự nhiên sự phát tán của hạt quế có thể nhờ chim, động vật ăn quả và thải hạt ra qua đường phân, có thể tái sinh ngay gốc cây mẹ, cũng có thể phát tán theo dòng nước chảy hoặc do chính con người đem hạt quế đi các nơi khác để trồng.

Quế cũng có khả năng sinh sản vô tính bằng chiết cành dâm hom, nhưng trong nhân dân khả năng tạo giống bằng chiết cành, giâm hom còn ít được sử dụng do tỷ lệ cây hom ra rễ còn thấp và giá thành cao.

Những cây quế trên 15 tuổi, bắt đầu sinh trưởng ổn định, cho nhiều quả và chất lượng hạt giống ổn định về di truyền, chu kỳ sai quả thường 2 đến 3 năm một lần, nên chọn những cây sinh trưởng và phát triển tốt, tán rộng, cân đối, không bị sâu bệnh và nhất là hàm lượng tinh dầu trong vỏ cao để làm cây lấy giống. Vấn đề chọn giống và gây trồng rừng quế là yêu cầu cấp bách hiện nay.

Quế mỗi năm có hai mùa sinh trưởng, mùa sinh trưởng chính vào các tháng 2, 3, 4 và mùa sinh trưởng phụ vào các tháng 8, 9. Vào mùa sinh trưởng tr­ớc khi xuất hiện chồi lá non, lượng nước và tinh dầu trong vỏ quế đều tăng lên, vỏ mầm dễ bóc ra khỏi thân, vì vậy đây cũng là mùa khai thác vỏ quế.

Gieo ươm:

Đồng bào Dao, Mường, Thái x­a kia khi yêu cầu giống quế không nhiều, họ chỉ cần đào, bứng các cây con tái sinh trong rừng đem về trồng, về sau do yêu cầu cây giống ngày một nhiều lên, con người đã biết lợi dụng quy luật tái sinh tự nhiên bằng cách xúc tiến tái sinh cây giống ngay dưới gốc cây mẹ và nhờ đó đã tạo đ­ợc nhiều cây con hơn. Những nơi nhân dân gây trồng quế nhiều, nhất thiết phải thiết lập vườn ươm với quy mô từ nhỏ đến lớn để gieo ươm cây giống cho trồng rừng một bản, một xã hay cả một vùng theo quy hoạch.

Gieo ươm quế cũng như nhiều loại cây rừng khác, phải chọn đất thích hợp, phải có dàn che và điều chỉnh ánh sáng, bón phân, thường xuyên chăm sóc cây khi cây còn nhỏ. Hiện nay áp dụng kỹ thuật ươm quế có bầu đã đem lại hiệu quả cao, cây giống sau một năm ở vườn thường đạt được chiều cao bình quân 30cm, có 10-14 lá, đường kính cổ rễ từ 0,5-0,7cm.

Gây trồng:

Trồng quế là một phong tục tốt và lâu đời của đồng bào các dân tộc Dao, Mường, Thái, Ca Toong, Boo ở nước ta. Các vườn quế được coi là tài sản quý giá của ông bà, cha mẹ để lại cho con cháu, chia rẫy cho con để trồng quế chuẩn bị xây dựng gia đình riêng, trồng quế nhân dịp năm mới... đều là những tập quán tốt. Một năm có hai mùa trồng quế, mùa xuân vào các tháng 2, 3 và mùa thu vào các tháng 8, 9. Tùy vào thời tiết từng vùng, đồng bào Yên Bái tập trung trồng quế vào các tháng đầu xuân, các tỉnh miền Trung thì trồng vào vụ thu khi đã có mưa nhiều, đất ẩm, thời tiết dịu và tránh được gió nóng vào mùa hè.

Quế được gây trồng trong vườn hộ gia đình, xung quanh làng bản trong các công sở, trường học, quế cũng được gây trồng nên trên các nương rẫy, đồi núi tạo nên các vùng tập trung có diện tích lớn hơn đặc biệt trồng quế trên nương rẫy theo phương thức nông lâm kết hợp, có thể lấy cây ngắn ngày nuôi cây dài ngày.

Mật độ trồng quế phụ thuộc vào cường độ và mục đích kinh doanh, ở những nơi có cường độ kinh doanh cao, có thể tận thu hết sản phẩm mật độ trồng có khi đạt đến 10.000 cây/ha, trái lại những nơi có cường độ kinh doanh thấp, mật độ trồng khoảng 1000-2000 cây/ha.

2. Khai thác vỏ quế.

Trên một cây quế có thể khai thác tất cả vỏ một lần và chặt cây, hoặc cũng có thể khai thác vỏ nhiều lần trong nhiều năm trên một cây. Khi khai thác một bộ phận vỏ quế trên một cây về một phía, cây quế không chết mà có xu hướng sinh trưởng ra vỏ mới để liền những phần vỏ đã bị bóc vỏ. Khai thác nhiều lần trên một cây là bóc đi 1/4 thậm chí là 1/2 vỏ quế về một phía, sau đó tiếp tục nuôi cây cho các lần bóc sau đó. Phương thức khai thác này thường chỉ áp dụng cho các cây quế quý hiếm và yêu cầu sản phẩm vỏ quế không nhiều.

Trong thực tế, do yêu cầu cùng một lúc phải có nhiều sản phẩm nên thường áp dụng các phương thức khai thác hết tất cả vỏ cây của toàn bộ cây trong một mùa khai thác (khai thác trắng), ưu điểm là thu được nhiều sản phẩm và dễ áp dụng. Ngoài ra còn có phương thức khai thác các cây có đường kính đã định trước (khai thác chọn) phương thức này thu được sản phẩm theo ý muốn, nhưng khó bố trí khai thác, chu kỳ kinh doanh dài. ở nước ta có 2 mùa khai thác vỏ quế, vào mùa xuân thời tiết ít mưa, nắng ấm kéo dài rất thích hợp cho khai thác và chế biến vỏ quế. Mùa thu, thường có mưa nhiều, thời tiết âm u rất rễ cho vỏ bị mốc, bị mục ải.

Tuy nhiên nhân dân cho biết vỏ quế thu hoạch vụ thu có hàm lượng tinh dầu nhiều hơn vỏ quế khai thác vụ xuân, khai thác đúng mùa thì vỏ dễ dàng bóc ra khỏi thân cây, vỏ không bị gãy, bị vỡ, bị sát lòng hay bị dính vào thân. Trong một khu rừng khi bóc thử một số cây thấy dễ bóc thì nhìn chung cả khu rừng có thể khai thác vỏ được, kỹ thuật khai thác vỏ quế thường qua các bước sau đây:

- Chuẩn bị rừng khai thác, bóc thử một vài cây để xác định thời điểm khai thác.

- Dùng dụng cụ bóc vỏ để bóc một khoanh vỏ quanh thân sát gốc có chiều dài từ 40-60cm.

- Chặt ngã cây.

- Dùng dao bóc vỏ để bóc vỏ ra khỏi thân cây theo quy cách đã xác định.

Trong khi bóc vỏ ra khỏi thân cây, cần chú ý để có nhiều khoanh vỏ đẹp, hợp quy cách các loại sản phẩm ngay từ lúc cắt khoanh, để các thanh vỏ quế thẳng, đều, không bị mắt chế, không bị thủng lỗ. Khi lột vỏ ra khỏi thân cây cần nhẹ nhàng, không để lòng thanh quế bị xây xát hai đầu thành không bị nứt ran, cũng có thể lau sạch thanh quế, lau khô nước lòng thanh quế trước khi đem ủ để tránh mốc.

Viện Nghiên cứu và Phát triển Lâm nghiệp Nhiệt đới, 4/10/2010

 

Sâu đo ăn lá quế và biện pháp phòng, trừ

Ở Lào Cai, cây quế được trồng tập trung tại các huyện Bảo Thắng, Bắc Hà, Bát Xát và thành phố Lào Cai. Cây quế đã mang lại giá trị kinh tế ổn định cho người dân trong vùng. Tuy nhiên, trong một vài năm trở lại đây khi diện tích quế trồng thuần loài ngày càng được mở rộng thì vấn đề sâu hại cũng trở nên đáng lo ngại. Sâu đo ăn lá quế đã xuất hiện và gây hại trên những diện tích trồng thuần loài từ 5 - 10 tuổi ở xã Sơn Hà, Phú Nhuận (Bảo Thắng).

Để giúp các chủ rừng chủ động nhận biết và phòng, trừ sâu bệnh hại, xin giới thiệu cách nhận biết và biện pháp phòng, trừ sâu đo ăn lá quế như sau: 

Sâu hại đe dọa rừng trồng ở xã Phú Nhuận

1. Đặc điểm, hình thái

- Đặc điểm: Thuộc họ sâu đo (Geometridae), bộ cánh vẩy (Lepidoptera). Sâu  đo  ăn trụi lá quế trông như cây chết. Sâu hại làm giảm sinh trưởng của rừng quế và làm cây suy yếu, tạo điều kiện thuận lợi cho những loài sâu hại thứ cấp xâm nhập, phá hoại.

- Hình thái: Sâu trưởng thành, thân dài 18 - 20mm, sải cánh rộng 72 - 75mm, cánh trước có đốm vân màu xanh nhạt, giữa cánh có đốm lửa trong suốt, cánh sau màu nâu xám, đầu hình sợi chỉ, bụng nhọn gần về cuối.

- Tập tính sinh hoạt: Mỗi năm 2 lứa, mỗi lứa kéo dài tùy theo điều kiện thời tiết. Nói chung thời kỳ trứng 7 ngày, sâu non 29 ngày, nhộng 25 ngày, trứng được đẻ ở mặt sau của lá. Mỗi con cái có thể đẻ 1.000 – 1.500 trứng. Chúng thường đẻ trên kẽ hở thân cây, kẽ lá, sắp xếp thành đám không theo thứ tự. Sâu non hoạt động mạnh, nhả tơ di chuyển theo gió. Loài sâu đo ăn lá quế chỉ tập trung chủ yếu ở sườn đồi và chân đồi là chính. Nơi này có nguồn thức ăn dồi dào và có điều kiện nóng ẩm thích nghi với điều kiện ngoại cảnh của loài sâu hại này.

2. Biện pháp phòng, trừ:

- Thường xuyên kiểm tra vườn rừng phát hiện sớm dịch hại và áp dụng biện pháp kỹ thuật phù hợp phòng, trừ triệt để khi mật đọ thấp, sâu tuổi nhỏ.

- Dùng bẫy đèn bẫy trưởng thành.

- Xới đất diệt nhộng quanh tán cây quế sâu 3 - 5cm vào tháng 1 và tháng 8 hằng năm.

- Đối với diện tích nhiễm sâu ở phạm vi hẹp, mật độ thấp, sâu tuổi lớn: Sử dụng vòng độc quanh thân cây hoặc dùng chế phẩm sinh học Bt để phun lên tán cây (liều lượng 3 kg/ha thuốc pha với 450 - 600 lít nước) để diệt sâu non.

- Đối với diện tích nhiễm sâu với mật độ cao (khả năng bùng phát dịch): Phải sử dụng một trong các loại thuốc hóa học như: Bestox 5EC, Ofatox 400EC... để phun trừ. Khi phun trừ sâu đo ăn lá quế nên phun khi sâu mới nở sống tập trung trên lá hoặc ở kẽ thân, hiệu quả phòng, trừ sẽ cao nhất.

Lưu ý: Trong quá trình phun thuốc cần trang bị đầy đủ bảo hộ lao động như: Quần áo, ủng, mũ, kính mắt, găng tay; phải cắm biển báo khu vực mới phun thuốc đảm bảo an toàn cho người và động vật; đảm bảo thời gian cách ly sau khi phun thuốc từ 10 - 14 ngày mới khai thác, thu hoạch quế.

* Phương tiện phun thuốc:

Việc phòng, trừ sâu hại cây lâm nghiệp nói chung, cây quế nói riêng gặp rất nhiều khó khăn do cây cao đã khép tán, địa hình đồi dốc, không có bình bơm chuyên dụng. Tuy nhiên, với giá trị kinh tế của cây quế biện pháp phòng, trừ là phương án tối ưu khi dịch hại bùng phát. Tại các địa phương có thể sử dụng máy bơm áp lực (máy rửa xe) để phun trừ. Máy được đặt dưới chân đồi, một đầu hút được nối vào thùng phi chứa dung dịch nước thuốc đã pha, còn đầu đẩy có thể nối dây dài tùy theo địa điểm cần phun. Đối với cây cao >10m nối thêm sào để lượng nước thuốc có thể rải đều tán cây.

Kỹ sư: Nguyễn Thị Hà - Chi cục Bảo vệ thực vật Lào Cai (Báo Lào Cai, 3/3/2013)

 

Trồng và chế biến quế

Thu hoạch và chế biến quế

Các bộ phận trên cây quế dầu có thể sử dụng và có giá trị kinh tế cao. Vỏ, cành, nụ hoa, quả quế đều được dùng làm thuốc, lá quế dùng để cất tinh dầu, vỏ quế là sản phẩm chính của cây quế dùng để làm thuốc và chế biến nhiều hương liệu có giá trị.

Thu hoạch quế

Đối với rừng quế cao: Sau khi trồng 15-20 năm thì bắt đầu thu hoạch. Có hai thời vụ bóc vỏ quế: quế xuân bóc vào tháng 2-3, cho chất lương tốt và quế thu bóc vào cuối tháng 7 đầu tháng 8. Trước khi thu hoạch, cắt khoanh một đoạn vỏ ở gần gốc cây làm cho nước và dinh dưỡng không đi lên trên được, để vỏ quế bong khỏi thân cây, quá trình bóc vỏ sẽ dễ dàng. Nếu thân cây quá lớn, để thêm hai tuần nữa cho vỏ bong khỏi thân. Cách bóc: lấy dao chuyên dùng để bóc vỏ quế, cắt một vòng vỏ ngang thân cây ở vị trí cách mặt đất 50-60cm, sau đó lại cắt một vòng phía trên cách vòng dưới 40cm, giữa hai vòng cắt một đường thẳng dọc từ trên xuống, dùng dao tách nhẹ để vỏ bong ra. Tiếp tục cắt vòng vỏ lên phía trên cho đến hết.

Sau khi thu hoạch vỏ quế (bóc vỏ) lần 1, cần tăng cường chăm sóc để thân cây lại đâm chồi và sinh trưởng mạnh, sau 10 năm có thể thu hoạch lần thứ 2.

Đối với rừng quế thấp: Sau khi trồng 3-5 năm thì có thể thu hoạch. Chọn những cây to nhất để chặt, chiếm khoảng l/3 tổng số cây mỗi lần thu hoạch. Chặt cây gốc lấy vỏ, 3 năm sau thì chặt lần hai, 3 năm sau nữa chặt lần 3. Mỗi lần chặt thu hoạch có thể thu 1,2-1,5 tấn vỏ tươi trên mỗi hecta. Về sau, hàng năm cứ chặt thu hoạch theo cách này, năng suất trung bình có thể đạt 1 - 1,2 tấn vỏ tươi/ha. Gốc cây 16-20 năm tuổi có thể đạt đường kính 20-25cm, số chồi thành thân cây khoảng 8-14 thân, là lúc bắt đầu vào thời kỳ sinh trưởng mạnh nhất. Cây quế cho thu hoạch tới 70-80 năm, đến khi sinh trưởng kém thì đào bỏ gốc cũ già cỗi, trồng rừng quế mới.

Chế biến quế

Chế biến vỏ quế khô: vỏ tươi thu về, trải ra sân phơi nắng cho khô bớt rồi bó thành bó 20-25kg để đem sấy. Lò sấy thiết kế to nhỏ tuỳ quy mô sản xuất mỗi hộ trồng, thường đủ sấy cho 5-10 tạ vỏ tươi. Theo kinh nghiệm sấy quế trải một lớp cám gạo xuống dưới đáy lò, phun nước chè vào hai đầu bó vỏ, xếp các bó chồng khít, ép chặt lên nhau, trên cùng trải một lớp cám rồi phủ bao tải lên trên cùng để không cho quế bốc hơi ra khi sấy. Cứ ủ như vậy trong quá trình sấy, sau 21 ngày thì bốc dỡ quế ra khỏi lò. Sấy ở nhiệt độ 70-75 độ C.

Cất tinh dầu: Các bộ phận của cây quế đều có thể cất lấy tinh dầu, song vỏ quế là sản phẩm có giá trị cao hơn, nên ít khi sử dụng để cất mà chủ yếu dùng làm thuốc. Lá quế hái về, đem phơi khô, bó thành từng bó khoảng 10kg, cất giữ trong kho, 1 tháng sau đem cất lấy tinh dầu.

Không hái lá quế vào mùa xuân và trước lúc bóc vỏ quế.

Ngoài việc lấy lá cất tinh dầu, vào mùa thu khi cây ngừng sinh trưởng, chặt tỉa những cành nhỏ cũng có thể dùng để chưng cất tinh dầu tốt.

Cách cất tinh dầu quế cũng như cất một số loại tinh dầu thơm nói chung, nhưng cần chú ý việc tách và làm trong tinh dầu. Tinh dầu quế nặng hơn nước, sau khi cất sẽ thu được hỗn hợp nước và tinh dầu quế. Tinh dầu nặng hơn chìm xuống phía dưới, song cần giữ yên một thời gian để tinh dầu lắng hoàn toàn, nếu để ở nơi nhiệt độ thấp, quá trình lắng trong sẽ nhanh và triệt để hơn. Tách nước phía trên để thu hồi tinh dầu quế bên dưới. Phần nước lọc tách ra vẫn còn một lượng nhỏ tinh dầu quế, khi uống vào thấy thơm ngọt, hơi cay và rất ấm bụng, cân thu gom lại để bán cho những cơ sở thu mua làm thuốc chữa bệnh.

Bảo quản các sản phẩm quế

Sau khi phơi khô, xếp vỏ quế ngay ngắn trong thùng hay bó trong các túi nilon. Không để vỏ quế bị gãy vỡ sẽ làm giảm chất lượng quế. Tinh dầu quế có khả năng ăn mòn kim loại, tinh dầu thu được sau chưng cất nên đựng vào thùng tráng men hoặc thùng nhựa thực phẩm. Thùng đựng tinh dầu quê cần kín, có thể cho lớp nước mỏng lên phía trên để hạn chế tinh dầu bốc hơi, đồng thời ngăn cản tiếp xúc với oxy không khí. Cả vỏ quế khô và tinh dầu quế dầu cần được bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát và tránh để ánh nắng chiếu trực tiếp.

Nông thôn ngày nay - ND, 15/9/2005

 

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang