Thời tiết mưa nắng đan xen tạo điều kiện cho sâu bệnh phát triển các loại rau, trong đó có cây cải bắp. Bà con nông dân cần chú ý cách phòng trừ.
Một số đối tượng chính:
- Sâu tơ: thường tập hợp ở mặt dưới lá.
- Sâu xanh bướm trắng: thường ẩn nấp mặt dưới lá.
- Bọ nhảy sọc cong vỏ lạc: gây hại nặng nhất ở thời kỳ cây con mới mọc nếu mật độ 1 - 2 con/cây kết hợp trưởng thành hại lá có thể làm cây chết.
-Bệnh thối nhũn bắp cải: thường xuất hiện sau khi cải bắp đã cuốn.
Phòng trừ:
- Biện pháp canh tác: Thu dọn tàn dư cây trồng sau khi thu hoạch. Cuốc lật đất cày sâu 10 - 15 cm, phơi ải từ 10 - 15 ngày trước khi trồng (hoặc lên luống rồi phủ ni-lông trên bề mặt từ 3 - 5 ngày để diệt ấu trùng sau đó gieo trồng bình thường). Bón phân đầy đủ và cân đối, sử dụng phân hữu cơ hoai mục. Thường xuyên luân canh với các cây khác họ. Gieo trồng tập trung đúng thời vụ.
-Biện pháp hoá học:
+ Đối với sâu tơ: Khi mật độ sâu trên 20 con/m2 (giai đoạn cây con) và trên 30 con/m2 (cây lớn) thì sử dụng thuốc: Oncol 20EC, Cyperkill 10EC, 25EC, 5EC, Pegasu 500SC, Reasgant 1,8EC, 3,6EC, Sokupi 0,36AS, Catex 1,8EC, 3,6 E...
+ Đối với sâu xanh bướm trắng: Khi mật độ sâu non trên 6 con/m2 sử dụng thuốc Ratoin 10EC, Delfin WG (32BIU), Biocin 16WP, Cymerin 10EC...
+ Bọ nhảy: Khi mật độ trên 20 con/m2 sử dụng thuốc Actara 25WG, Sokupi 0,36 AS, 0,5AS....
+ Đối với bệnh thối nhũn: Khi có 10 % cây bị bệnh, sử dụng các loại thuốc Staner 20WP, Poner 40T...
Chú ý: Khi phòng trừ phải phun theo hướng dẫn kỹ thuật trên vỏ bao bì, tuân theo nguyên tắc "4 đúng", ưu tiên sử dụng thuốc sinh học và thuốc thảo mộc và bảo đảm đúng thời gian cách ly.
(Theo Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương) - Báo Hải Dương, 13/09/2013
Phòng trị bệnh thối gốc ở rau
Để phòng bệnh thối cổ rễ, khi làm vườn ươm cây giống, nhà nông nên chọn nơi đất tốt, cao ráo, dễ thoát nước. Không nên làm vườn ươm ở những nơi trước đây đã từng bị bệnh lở cổ rễ và các loại nấm bệnh khác.
Bệnh thối gốc ở rau, khi mới xuất hiện, nếu quan sát kỹ có thể thấy những vết bệnh có màu khác với vỏ cây, phần vỏ này bị rộp lên, sau đó lan dần bao quanh toàn bộ phần cổ rễ hoặc gốc cây. Dần dần phần vỏ này khô teo lại, khi gặp trời mưa hoặc độ ẩm cao sẽ bị thối nhũn, bong ra, trơ lại phần lõi gỗ của cây, cây sẽ héo dần và chết.
Theo các nhà chuyên môn, bệnh lở cổ rễ do nấm Rhizoctonia solani gây ra là chủ yếu. Tuy nhiên, tuỳ điều kiện thời tiết, chế độ canh tác, bệnh có thể do nhiều loại nấm có trong đất gây ra. Bệnh thối cổ rễ thường xuất hiện và gây hại nhiều nhất vào các giai đoạn: tháng 9-10 và tháng 2-3-4 trong năm. Bệnh thường lây lan nhanh, gây hại nặng ở những vườn ươm chuyên sản xuất cây giống hoặc vườn sản xuất đại trà liên tục nhiều năm; trên các vườn đầu tư, chăm sóc kém, nhất là trên các vùng đất sét, đất thịt nặng, đất chặt bí, những vùng đất ẩm ướt, trũng hoặc khó thoát nước.
Để phòng bệnh thối cổ rễ, khi làm vườn ươm cây giống, nhà nông nên chọn nơi đất tốt, cao ráo, dễ thoát nước. Không nên làm vườn ươm ở những nơi trước đây đã từng bị bệnh lở cổ rễ và các loại nấm bệnh khác. Khử trùng đất bằng vôi bột (30kg/sào Bắc bộ) hoặc các loại thuốc như: Regent 0,3 G, Basudin 5G, 10 G/H (0,3-0,5 kg/sào Bắc bộ) trước khi trồng. Chỉ sử dụng phân chuồng hoai mục, không dùng phân tươi (có chứa nhiều nấm bệnh) để bón lót hoặc làm bầu ươm. Bênh cạnh đó, thường xuyên vệ sinh đồng ruộng, trồng đúng mật độ, khoảng cách nhằm tạo độ thông thoáng, giảm độ ẩm, hạn chế nấm bệnh phát sinh, phát triển. Khơi thông mương rãnh tránh để đọng nước gây ngập úng hoặc để đất quá ẩm. Sử dụng chế phẩm TRICHODERMA trộn với phân chuồng đã được ủ hoại mục để bón lót hoặc đóng bầu với lượng dùng 4-5kg/sào Bắc bộ.
Khi phát hiện rau màu bị mắc bệnh thối cổ rễ, bà con nên nhổ bỏ và đem tiêu hủy hết các cây bị bệnh để tránh lây lan ngay khi mới phát hiện. Phun ngừa hoặc phun trừ bằng một trong các loại thuốc sau: Copper B, Booc đô 1%, Dithane M45, Benlat C 50 WP, Anvil 5 SC, Rovral 50 WP, Appencarb Super 50 SL... pha nồng độ 0,2-0,3% (20-30g hoặc cc cho bình 10 lít nước), khuấy đều phun kỹ thân cây gần mặt đất và phần đất xung quanh gốc cây vào buổi sáng và chiều mát. Phun nhắc lại lần 2 sau 5 ngày. Xới xáo mặt luống nhằm giảm độ ẩm, hạn chế lây lan.
Báo Hải Dương, 04/01/2010
Phòng trị sâu tơ hại rau
Sâu tơ là loài sâu hại nguy hiểm nhất đối với các loại rau cải, súp lơ... Con trưởng thành dài 6-7mm, sải cánh rộng 14-15mm, màu nâu xám, trên cánh trước mỗi cánh có 3 dấu hình tam giác màu nâu nhạt. Khi đậu, cánh úp sát thân như hình mái nhà, các vết hình tam giác ở cánh trước tụ lại nhìn óng ánh như kim cương. Mỗi con cái có thể đẻ từ 50-400 trứng.
Sâu non hình ống, màu xanh nhạt. Khi mới nở, sâu gặm lá để ăn thành các đường rãnh, mới nhìn giống như những rãnh do dòi đục lá gây ra. Đến tuổi 2-3, sâu ăn ở mặt dưới của lá để lại biểu bì tạo thành các lỗ thủng mờ. Ở tuổi cuối, sâu ăn thủng lá.
Muốn phòng trừ sâu tơ hiệu quả, cần áp dụng kết hợp nhiều biện pháp một cách hài hoà và hợp lý trong quy trình quản lý dịch hại tổng hợp. Sau đây là một số biện pháp chính:
- Sau khi thu hoạch phải dọn sạch tàn dư của cây, đưa ra khỏi ruộng tiêu hủy hoặc ủ làm phân bón để tiêu diệt trứng, sâu non...
- Nên trồng xen thêm một số loại rau có mùi khó chịu như cà chua, hành, tỏi... để xua đuổi con trưởng thành đến đẻ trứng.
- Nên tưới rau bằng vòi phun mưa vào buổi chiều mát để ngăn cản việc giao phối của con trưởng thành và rửa trôi bớt trứng, sâu non.
- Sau một vài vụ trồng các loại rau cải nên luân canh vài loại rau màu khác.
- Trước khi bứng cây ra trồng nên phun một đợt thuốc trên vườn ươm hoặc nhúng cây con vào dung dịch thuốc trừ sâu để tiêu diệt sâu, nhộng, trứng đang tồn tại trên cây giống.
- Thường xuyên kiểm tra ruộng, khi thấy mật số sâu tơ tăng nhanh phải phun thuốc diệt trừ kịp thời.
Sâu tơ có khả năng kháng thuốc rất nhanh, vì thế để giảm bớt áp lực kháng thuốc của sâu, bà con phải sử dụng luân phiên nhiều loại thuốc như: Sec Saigon 5ME hoặc 10ME, Sherzol 205EC, Sapen-Alpha 5EW... Để hạn chế tính kháng thuốc, có thể sử dụng những chế phẩm sinh học như: Biocin 16WP hoặc 8000SC, Olong 55WP, Bacterin BT-WP, Xentari 35WDG...
B.Trung - Kinh tế & Đô thị, 29/12/2009
Phòng và chữa một số bệnh trên rau màu
Hiện nay trên đồng ruộng ở một số địa phương đã xuất hiện một số loại bệnh như vàng lá, khô đầu lá, bạch tạng, xoăn chùn ngọn... trên rau màu. Bà con đã dùng mọi loại thuốc bảo vệ thực vật để phun nhưng đều không kết quả. Đó là bệnh sinh lý trên rau màu.
Nguyên nhân của các bệnh này là do hiện nay, bà con nông dân sản xuất rau màu chủ yếu chỉ sử dụng phân vô cơ đơn như u-rê, supe lân... nguồn phân xanh, phân chuồng hầu như không sử dụng. Việc đa dạng hóa, luân canh các giống cây trồng ngắn cho năng suất cao khiến cho đất trồng cây phải huy động nguồn dinh dưỡng lớn. Đặc biệt, việc quay vòng đất nhiều vụ/năm ở những vùng chuyên canh rau màu cũng làm nguồn dinh dưỡng của đất trồng bị cạn kiệt.
Vì vậy, một số ruộng rau bị thiếu các nguyên tố vi lượng như Fe, Mn, Zn, Cu... Tuy không thường xuyên nhưng những tác động của chúng nếu có thể làm năng suất, chất lượng cây rau màu giảm nghiêm trọng. Sự thiếu một hoặc nhiều nguyên tố dinh dưỡng có thể gây nên tình trạng cây tàn lụi sớm ở thời kỳ ươm, còi cọc, chín muộn hoặc phát triển không bình thường, chất lượng giảm và năng suất thấp.
Để hạn chế những bệnh trên cây rau màu tốt nhất, trước khi trồng nông dân cần bón lót bổ sung cho đất các chế phẩm phân bón trung vi lượng (phân cải tạo đất) nhất là các chân đất chuyên canh rau màu. Trong quá trình chăm sóc cần tưới hoặc phun các loại phân vi lượng giúp cho cây sinh trưởng thuận lợi, không xuất hiện các bệnh sinh lý do thiếu vi lượng, đồng thời phục hồi lại nguồn dinh dưỡng đã thiếu hụt cho đất trồng. Như vậy, năng suất, chất lượng cây rau màu sẽ được nâng lên, giảm được chi phí mua thuốc bảo vệ thực vật.
Tự Hương - Hà Nội Mới, 08/10/2009
Phòng trị bệnh lở cổ rễ của giống rau
Trồng rau thương phẩm, trong 1-2 năm đầu cây giống sinh trưởng, phát triển tốt, ít bị sâu bệnh hại nhưng qua vụ thứ 3 thấy cây con chết nhiều, nhiều luống mất trắng. Nhổ cây lên xem thấy phần gốc bị teo lại, lá héo rũ rồi chết dần và lây lan nhanh.
Trên đây là những triệu chứng điển hình của bệnh lở cổ rễ hay còn gọi là bệnh thối gốc, một trong những loại bệnh nguy hiểm, gây thiệt hại nhiều nhất, nhanh nhất cho những người sản xuất rau màu nói chung, những người chuyên gieo ươm cây rau giống nói chung.
Triệu chứng: Bệnh chủ yếu gây hại ở phần cổ rễ, phần gốc sát mặt đất. Khi mới xuất hiện, nếu quan sát kỹ có thể thấy những vết bệnh có màu khác với vỏ cây, phần vỏ này bị rộp lên, sau đó lan dần bao quanh toàn bộ phần cổ rễ hoặc gốc cây. Dần dần phần vỏ này khô teo lại, khi gặp trời mưa hoặc độ ẩm cao sẽ bị thối nhũn, bong ra, trơ lại phần lõi gỗ của cây có màu thâm đen, cây sẽ héo dần và chết.
Lúc mới bị nhiễm bệnh, lá trên các cây này còn giữ được màu xanh tươi trong vài ngày (nếu trời râm mát), sau đó toàn bộ cây sẽ bị héo rũ gục xuống, chết lụi từng đám rải rác trên ruộng hoặc từng vạt lớn nếu ruộng rau bị nhiễm bệnh nặng. Vào những ngày có nhiều sương mù hoặc lúc sáng sớm ta có thể thấy lớp tơ màu trắng bám nơi vết bệnh. Vài ngày sau, trên thân cây và vùng đất xung quanh gốc cây bị bệnh xuất hiện nhiều đốm hạch màu vàng nâu bám xung quanh đó.
Tác nhân gây bệnh, điều kiện phát sinh, phát tiển và gây hại:
Bệnh lở cổ rễ do nấm Rhizoctonia solani gây ra là chủ yếu. Tuy nhiên, tuỳ điều kiện thời tiết, chế độ canh tác có thể do nhiều loại nấm có trong đất gây ra như Pythium spp., Fusarium solani, Fusarium sp. v.v. Các bào tử nấm Rhizoctonia solani thường sống tiềm ẩn trong đất và tàn dư cây trồng khá lâu, nhất là ở những vườn ươm cây giống, những vườn sản xuất đã từng bị bệnh lở cổ rễ mà không được xử lý đất trước khi trồng lại.
Các bào tử nấm này thường lây lan trong môi trường nước và xâm nhập qua các vết thương cơ giới hoặc các lỗ khí khổng của lá khi có điều kiện môi trường thuận tiện. Bệnh thường phá hại nhiều trong vườn ươm hoặc sau khi trồng khoảng 1 tháng tuổi, làm chết cây con. Nấm thường tấn công vào cổ rễ, nơi tiếp giáp với mặt đất và cổ rễ bị khô, cây không hút được nước nên đổ rạp và chết rất nhanh. Bệnh thường phát sinh, phát triển mạnh trong điều kiện độ ẩm cao, nhiệt độ cao hoặc mưa, nắng, rét, nóng thất thường.
Trong năm bệnh thường xuất hiện và gây hại nhiều nhất vào các giai đoạn: tháng 9-10 và tháng 2-3-4. Bệnh thường lây lan nhanh, gây hại nặng ở những vườn ươm chuyên sản xuất cây giống hoặc vườn sản xuất đại trà liên tục nhiều năm; trên các vườn đầu tư, chăm sóc kém, nhất là trên các vùng đất sét, đất thịt nặng, đất chặt bí, những vùng đất ẩm ướt, trũng hoặc khó thoát nước.
Biện pháp phòng trị:
- Phòng bệnh: Chọn nơi đất tốt, cao ráo, dễ thoát nước để làm vườn ươm sản xuất cây giống. Không nên làm vườn ươm ở những nơi trước đây đã từng bị bệnh lở cổ rễ và các loại nấm bệnh khác. Khử trùng đất bằng vôi bột (30kg/sào Bắc bộ) hoặc các loại thuốc như: Regent 0,3 G, Basudin 5G, 10 G/H (0,3-0,5 kg/sào Bắc bộ) trước khi trồng. Chỉ sử dụng phân chuồng hoai mục, không dùng phân tươi (có chứa nhiều nấm bệnh) để bón lót hoặc làm bầu ươm.
Thường xuyên vệ sinh đồng ruộng, trồng đúng mật độ, khoảng cách nhằm tạo độ thông thoáng, giảm độ ẩm, hạn chế nấm bệnh phát sinh, phát triển. Khơi thông mương rãnh tránh để đọng nước gây ngập úng hoặc để đất quá ẩm. Sử dụng chế phẩm TRICHODERMA trộn với phân chuồng đã được ủ hoai mục để bón lót hoặc đóng bầu với lượng dùng 4-5kg/sào Bắc bộ.
- Chữa trị: Nhổ bỏ và đem tiêu hủy hết các cây bị bệnh để tránh lây lan ngay khi mới phát hiện. Phun ngừa hoặc phun trừ bằng một trong các loại thuốc sau: Copper B, Booc đô 1%, Dithane M45, Benlat C 50 WP, Anvil 5 SC, Rovral 50 WP, Appencarb Super 50 SL.. .pha nồng độ 0,2-0,3% (20-30 g hoặc cc cho bình 10 lít nước), khuấy đều phun kỹ thân cây gần mặt đất và phần đất xung quanh gốc cây vào buổi sáng và chiều mát. Phun nhắc lại lần 2 sau 5 ngày. Xới xáo mặt luống nhằm giảm độ ẩm, hạn chế lây lan.
CÔNG HÀO - Nông nghiệp VN, 16/09/2009
- Kỹ thuật trồng cây ăn trái, rau màu, cây dược liệu và các loại cây khác
Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.