6 năm trước ông sang Việt Nam để tìm hiểu các điều kiện thích hợp cho việc trồng trọt. 3 năm nay, ông thuê 5.000m2 đất với giá 60 triệu đồng/ha/năm ở ngay cửa ngõ Đà Lạt tiếp giáp với xã Đạ Sar để trồng rau xuất sang Nhật và bán cho những người Nhật ở Tp.HCM. Ông cũng vừa thuê thêm 15.000m2 để mở rộng sản xuất. Chúng tôi đã gặp ông Masazumi ngay bên những luống dâu tây giống Nhật đang độ thu hoạch.
Ông Masazumi
Ông Masazumi - 60 tuổi, trước khi về hưu, ông đã làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, chuyên về hoa ở Nhật Bản. Ban đầu sang Việt Nam, ông định tìm đất trồng hoa cúc, nhưng thấy hoa cúc Việt Nam không được ưa chuộng ở Nhật vì hoa cúc trồng ở Nhật sau khi cắt cành có thời gian tươi lâu hơn, thân cây khỏe, hoa có độ nở hết cỡ… nên chuyển hướng sang nghiên cứu trồng rau và đã rất thành công… Ông cho biết, cứ 2 ngày một lần ông thu hái dâu tây, sau đó đóng gói và chuyển đi Tp.HCM. Mỗi kg dâu của ông có giá từ 150 - 370 ngàn đồng/kg, nhưng tại Nhật mỗi trái dâu tây tính ra tiền Việt Nam là 5 ngàn đồng và chúng chỉ được dùng để trang trí cho các món ăn tráng miệng... Ngoài dâu tây, ông còn trồng các loại rau trái khác như: cà chua, dưa chuột, ớt ngọt, cà tím… nhưng đều là giống của Nhật, với giá 50.000đ/kg dưa chuột, cà chua thấp nhất là 60.000đ/kg… Rau quả ông trồng có giá cao gấp nhiều lần so với giá ở xứ rau Đà Lạt, nhưng theo ông là không đủ cung cấp cho khách hàng. Ông cũng cho biết thêm khi hiệp ước xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết, các khách hàng của ông sẽ rất nhiều từ Nhật, Singapre, Indonesia, Thái Lan…, ngay cả người Nhật ở Hà Nội cũng đặt hàng, nhưng hiện ông phải từ chối vì không đủ nguồn hàng cung cấp.
Vì sao lại như vậy? Phải được nếm thử những trái dâu trong vườn của ông mới nhận thấy rõ sự khác biệt. Những trái dâu hơi ửng đỏ sẽ cho cảm giác rất chua, nhưng dâu giống Nhật trông mọng nước, lại rất ngọt, có mùi thơm và không cứng. Cà chua hay ớt ngọt cũng có độ ngọt cao hơn hẳn. Ở Đà Lạt có rất nhiều người trồng rau củ giống Nhật, nhưng chỉ có mình ông Masazumi đang trồng dâu tây giống Nhật. Đà Lạt cũng có dâu tây giống Pháp và New Zealand do người Việt trồng, nhưng dâu Pháp đã thất bại… Ngoài giống ra, theo ông Masazumi, nền tảng của việc làm nông nghiệp là đất, nếu xử lý được đất thì đã thành công 50% rồi. Riêng ông đã đầu tư khoảng 50-60USD để xử lý 1 luống đất (khoảng 1$/m2) bằng cách mua bã mía về ủ lên men và để mục (khoảng 2-3 năm), cho thêm phân dê trộn với đất… sau đó, phủ nilon lên luống, cho ánh nắng mặt trời chiếu vào để diệt các loại vi khuẩn, trứng sâu, nấm có hại cho cây trồng (khoảng 2-3 tuần)… rồi mới tiến hành trồng cây trên đất ấy.
Xử lý đất là làm thế nào cho đất tơi, xốp. Với ông Masazumi, bã mía rất tốt cho đất, khi khô nó không bị thối rữa, bản thân nó có chất dinh dưỡng, đem trộn với đất, nó cho độ xốp tốt. Lúc mới sang Việt Nam, ông thử trồng cây trên đất chưa xử lý thì bộ rễ dài khoảng 15cm, nhưng cây được trồng trên đất đã xử lý có bộ rễ dài gấp đôi. Đất đã được xử lý có thể duy trì để trồng cây trong 5 năm… Sau đó, ông chỉ cho thêm phân và tưới bằng nước sạch, tuyệt đối không dùng thuốc hóa học. Ngoài sự khác biệt trong khâu xử lý đất, cách canh tác của ông cũng như những người nông dân khác. Chính vì đầu tư từ đất, nên năng suất cây trồng của ông tăng từ gấp đôi trở lên, với vòng đời của cây dài hơn, củ - quả to hơn và tất nhiên, là sản phẩm sạch - an toàn... Ông Masazumi cho rằng, Đà Lạt là nơi rất thích hợp cho các loại cây trồng vì khí hậu rất tốt, nhiệt độ vừa phải, đặc biệt là rất phù hợp với dâu tây - loại cây ưa mát và không chịu được nóng. Ở Việt Nam, ngoài Đà Lạt chỉ có Sapa là có thể trồng được dâu tây, nhưng chỗ ông thuê rất thuận lợi do có suối nước sạch ngay bên cạnh. Ông cũng tìm thấy ở Mianma có chỗ có khí hậu giống Đà Lạt, nhưng hệ thống điện nước lại không bằng…
Nhận xét về nông dân Đà Lạt, ông Masazumi thẳng thắn cho biết: Người Việt sử dụng quá nhiều thuốc và rất bảo thủ. Khi ông bắt đầu trồng rau ở Việt Nam đã có người Trung Quốc và Hàn Quốc đến học hỏi, nhưng không có người Việt Nam nào. Người Hàn Quốc học được kỹ thuật là bắt chước ngay, nhưng Việt Nam thường tự mày mò. Thậm chí, ông đã từng chỉ cho người Việt Nam về cách xử lý đất và kỹ thuật trồng dâu. Nhưng người nông dân này đã nói: “Tôi đã trồng dâu được 10 năm rồi, và đến nay, công việc vẫn rất tốt”... Theo ông Masazumi, làm nông dân, dù có kinh nghiệm tích lũy qua năm tháng, nhưng vẫn nên học hỏi các kỹ thuật khác trong ngành nông nghiệp. Ông thuê nhà ở Đà Lạt, hằng ngày lái xe khoảng hai chục cây số vào vườn hướng dẫn nhân công chăm sóc cây rau. Ngày chủ nhật được nghỉ, ngoài thăm thú phong cảnh, uống cà phê, ông gặp gỡ những người nông dân khác để tìm hiểu, trao đổi kinh nghiệm. Ông cho rằng, nông dân Đà Lạt nói riêng và nông dân Việt Nam nói chung, nên đầu tư vào khâu xử lý đất. Ngoài các loại phân bón như phân bò và phân dê… thì họ có thể dùng những thứ để tạo nên độ tơi xốp và dinh dưỡng cho đất, như bã mía, thân - cùi bắp, xơ dừa, vỏ cà phê… hay đơn giản và ít tốn kém hơn là lá thông…
LÊ HOA, Báo Lâm Đồng, 17/12/2013
- Kỹ thuật trồng cây ăn trái, rau màu, cây dược liệu và các loại cây khác
Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.