• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Trồng trọt

Trồng rau sạch trên cát trắng

Quỳnh Lương (Quỳnh Lưu - Nghệ An) nằm trong vùng Bãi Ngang, ven biển, đất cát bạc màu.

Xã đã qui hoạch lại đất đai, phân thành từng vùng, ô thửa, làm hệ thống kênh mương để tưới tiêu khi trời hạn, tiêu úng vào mùa mưa. Bê tông hóa hơn 3.000 km đường giao thông nội đồng, chia làm 5 tuyến, kéo ra đồng rau giúp ô tô vào thu mua, chở rau đi bán tiện lợi, kéo đường điện hạ thế 3 pha và 2 pha trên đồng rau, giúp dân đặt máy bơm nước tưới cho rau, bắt bóng điện thắp sáng để thu hoạch rau vào ban đêm.

Xã làm 2 trạm bơm nước, dân tự làm hơn 1.000 cái giếng khoan, đảm bảo 1 ha đất có 1 giếng để làm hệ thống tưới ẩm cho rau. Hệ thống tưới ẩm được dẫn bằng ống dẫn ngầm chôn sâu trong lòng đất 1m và ống dẫn nổi trên đồng, mỗi hộ có 1 máy bơm nước để bơm nước ngầm tưới ẩm rau an toàn.

Với cách làm công phu đó, xã đã tạo được cánh đồng rau sạch trên cát trắng.

NNVN, 18/9/2003

 

 

Trồng rau sạch bằng… ong 

Theo Chi cục Bảo vệ Thực vật Lâm Đồng, bằng cách thả ong ký sinh, người ta có thể giảm được tới 500.000 đồng cho việc chống sâu bệnh trên 1.000 m2 đất trồng rau, đồng thời thu hoạch được rau sạch với năng suất cao hơn 20-30% so với phương pháp phun thuốc trừ sâu truyền thống.

Những con ong này có nguồn gốc từ châu Âu với tên gọi khoa học là diadegma semiclausumdiadromus collaris. Chúng sống ký sinh trên sâu tơ, vì vậy có thể diệt sâu bọ trực tiếp mà không cần phun thuốc.

Hiện mỗi năm, Chi cục Bảo vệ Thực vật Lâm Đồng cung cấp cho nông dân Đà Lạt khoảng 55.000 con ong.

Tuổi trẻ - 6/7/2001

 

 

 

Trồng rau sạch theo quy trình khép kín

Rau sạch là nhu cầu cấp bách nhằm đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng và bảo vệ môi trường. Vì thế, trồng rau sạch phải bảo đảm không dư lượng thuốc trừ sâu, hàm lượng Nitrate (NO3), các kim loại nặng (Zn, Hg, Cu...), và vi sinh vật gây bệnh phải thấp hơn ngưỡng cho phép. Để đẩy mạnh phong trào sản xuất rau an toàn, bà con nông dân cần nâng cao kiến thức sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật.

Trong sản xuất rau quả hiện nay, việc lạm dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu là không thể tránh khỏi. Ngoài ô nhiễm môi trường, chính những hóa chất làm rau quả trở nên bắt mắt này còn gây ngộ độc. Nguyên nhân chính là người tiêu dùng chưa quan tâm đến tiêu chuẩn rau sạch và nông dân trồng rau vẫn chưa được trang bị đầy đủ kiến thức khoa học về sản xuất rau củ sạch.

Rau an toàn là các loại rau được sản xuất theo một quy trình đảm bảo không bị nhiễm hóa chất độc hại và các ký sinh trùng gây bệnh, an toàn cho người sử dụng và môi trường.

Rau được trồng phải tránh xa các nguồn ô nhiễm như đất bị ô nhiễm kim loại nặng, bệnh viện, nghĩa trang, bãi rác và khu chăn nuôi. Không dùng nước thải chăn nuôi, nước thải từ công nghiệp, khu dân cư, trại chăn nuôi, nước ao mương tù đọng chưa qua xử lý để làm nước tưới rau quả. Về phân bón: sử dụng đủ lượng phân hữu cơ đã phân hủy, sử dụng hợp lý, cân đối các loại đạm, lân, cali. Liều lượng bón dựa trên quy trình sản xuất, nhu cầu dinh dưỡng của từng loại rau quả. Đặc biệt, phải ngưng bón đạm hoặc phun lên lá trước khi thu hoạch từ 7 đến 10 ngày với rau ăn lá, 10 – 15 ngày với rau ăn củ, quả.

Đối với thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), cần phân biệt 3 nhóm độc khác nhau: rất độc (có hình tượng đầu lâu, xương chéo màu đen trên hình vuông màu trắng đặt lệch có vệt màu đỏ), độc cao (có vệt màu vàng), nguy hiểm (có hoặc không có hình tượng khung bằng vạch ngắt quãng trên hình vuông màu trắng đặt lệch, có vạch màu xanh nước biển hoặc màu xanh lá cây). Lưu ý các nhóm gốc thuốc trừ sâu hóa học thường gây ngộ độc cấp tính cho người ăn rau là lân hữu cơ, carbamate.

Đồng thời để giảm khả năng kháng thuốc BVTV đối với dịch hại, phải pha đúng nồng độ khuyến cáo, nhưng thường xuyên thay đổi chủng loại thuốc sử dụng. Để pha thuốc BVTV dạng bột đảm bảo an toàn phải có dụng cụ: ống đong, cân thuốc, que khuấy, xô pha thuốc, đồ bảo vệ lao động thích hợp.

Phòng trừ sâu bệnh: Áp dụng biện pháp quản lý dịch bệnh tổng hợp. Chỉ dùng thuốc khi thật cần thiết, sử dụng các loại thuốc có tên trong danh mục thuốc BVTV, sử dụng trên rau. Sử dụng theo 4 nguyên tắc đúng: đúng lúc, đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng cách. Người sản xuất rau an toàn cần đặc biệt quan tâm đến thời gian cách ly - vì đây là khoảng thời gian cần thiết để dư lượng thuốc BVTV trong rau giảm dưới mức quy định.

Ông Phạm Văn Án, Giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, cho biết: ngoài các điều kiện trên, còn cần phải có cán bộ kỹ thuật nông nghiệp để tập huấn kỹ thuật và giúp đỡ cho nông dân tổ chức sản xuất. Nông dân trực tiếp sản xuất phải có trình độ, phải qua lớp tập huấn kỹ thuật trồng rau an toàn, biết cách sử dụng thuốc BVTV và các đối tượng sâu hại, quản lý chất thải trong ruộng sản xuất...

Ông Nguyễn Thế Phú, Phó Cục trưởng Cục BVTV, cho biết: nhiều mô hình sản xuất rau an toàn chỉ đi vào hoạt động một thời gian rồi tạm lắng. Để hình thành thị trường tiêu thụ rau an toàn, đòi hỏi phải quy hoạch các vùng sản xuất gắn với việc hình thành các hợp tác xã và tổ hợp sản xuất.

Song song đó, thực hiện luôn quy trình sơ chế, bảo quản và đóng gói sản phẩm, đặt tên thương hiệu cho sản phẩm để tạo nét đặc trưng cho các loại rau an toàn. Các cơ quan chức năng có trách nhiệm theo dõi quản lý và cấp giấy chứng nhận rau đạt chuẩn an toàn từ đó mới tạo ra sức hút và sự tin tưởng của người tiêu dùng.

Các nhà sản xuất rau an toàn đang gặp khó do sản xuất với số lượng ít, sản phẩm không đa dạng, khó đưa hàng vào siêu thị, nhưng nếu sản xuất với số lượng lớn, siêu thị cũng không thể mua hết do lượng rau tiêu thụ ở các siêu thị vẫn chiếm tỷ lệ nhỏ, đa số người tiêu dùng vẫn mua rau ở chợ.

Nhu cầu sử dụng rau an toàn hiện nay là vấn đề cần được quan tâm của nhiều cơ quan, ban ngành, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan để tìm ra hướng đi đúng. Một mô hình sản xuất rau mang tính bền vững sẽ góp phần ổn định đời sống người trồng rau cũng như tạo sự an tâm cho người tiêu dùng.

QUỐC HÙNG - SGGP, 21/10/2005

 

 

 

Sản xuất rau theo tiêu chuẩn quốc tế

Trong khi ND nhiều nơi đang phấn đấu sản xuất rau an toàn thì người dân thôn Hoàng Long (xã Đa Tốn, Gia Lâm, Hà Nội) đã tiến một bước xa hơn, chuyển sang sản xuất rau theo phương pháp canh tác hữu cơ.

Theo kết quả kiểm định của Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội, rau trồng theo phương pháp canh tác hữu cơ ở Hoàng Long đảm bảo các tiêu chuẩn quốc tế, có thể phục vụ cho việc xuất khẩu.

Ngay từ những vụ thu hoạch đầu tiên, ND thôn Hoàng Long đã giành được thắng lợi. Qua kiểm định, rau của Hoàng Long đủ tiêu chuẩn quốc tế. 100 đại lý bán lẻ và 20 siêu thị lớn của Hà Nội hiện là những đối tác làm ăn với ND trồng rau ở Hoàng Long. Dù giá rau ở đây luôn cao hơn rất nhiều so với rau cùng loại trên thị trường nhưng họ vẫn không đủ rau để bán.

Sạch đồng, gọn nhà, tiết kiệm chi phí

Đó là những cái được ai cũng nhìn thấy của ND thôn Hoàng Long khi sản xuất rau theo phương pháp hữu cơ. Sau mô hình thử nghiệm đầu tiên (hơn 3 mẫu) năm 2005, sang năm 2006, diện tích trồng rau hữu cơ của ND trong thôn đã lên tới hơn 60 mẫu. Phong trào trồng rau hữu cơ còn lan sang thôn lân cận Cự Đà. Hàng chục hộ ở thôn này đã học cách làm rau hữu cơ. Bà Nguyễn Thị Lợi - Phó Chủ nhiệm HTX dịch vụ nông nghiệp Đa Tốn cho hay: “ND trong thôn đã cử ra 2 vệ sinh viên chuyên đi gom rác ở các cánh đồng về khu tập trung ủ làm phân hữu cơ. Các hộ cũng phân loại rác sinh hoạt vào các thùng riêng làm nguyên liệu... “chế biến phân”.

Các loại phế, phụ phẩm nông nghiệp trước đây bị bỏ bừa bãi ngoài cánh đồng, trên đường làng, thậm chí bị trút xuống mương máng... nay được thu gom hết về ủ phân. Với sự giúp đỡ của Trung tâm Năng suất xanh Hà Nội, nhiều hộ trong thôn đã xây các lò ủ phân sạch. Sau 60 ngày ủ cho hoai mục, số phân này sẽ được trộn đều rồi nghiền nhỏ, sàng lọc kỹ, đóng gói... rồi xuất xưởng. Những ND không có điều kiện ủ phân có thể mua về với giá rất rẻ - 600 đồng/kg. So với giá phân bón trên thị trường, sử dụng loại phân này tiết kiệm tới gần 70% chi phí”.

Không chỉ chuyên nghiệp trong việc ủ phân hữu cơ, ND thôn Hoàng Long còn rất rành rọt trong việc tạo ra thuốc phòng trừ sâu bệnh. Anh Nguyễn Văn Khuê - một ND trồng rau trong thôn cho hay: “Chúng tôi được học cả cách tạo nước ép hoa quả, nước ép từ cây trồng, cách sử dụng vi sinh vật... để tạo dung dịch, kích thích cây trồng phát triển mà không phải dùng bất cứ một loại hoá chất nào”.

Sẵn sàng để xuất khẩu

Ra thăm khu đồng sản xuất rau theo phương pháp hữu cơ, chúng tôi ngạc nhiên khi thấy toàn cánh nam giới hì hục thu hoạch ngô, hành, cà chua. Bà Lợi giải thích: “Phụ nữ chuyên việc tìm kiếm đối tác và bán hàng. Còn công việc nặng nhọc ngoài cánh đồng bây giờ phải do nam giới đảm nhận”.

Buộc chặt sọt cà chua vào xe máy, anh Khuê cho biết: “Công việc của tôi là sáng sáng đi gom rau tại các gia đình rồi chuyển về nhà sơ chế, đóng gói. Các cửa hàng, bếp ăn, siêu thị... cần loại rau nào chúng tôi chở đến theo yêu cầu”. Vẫn theo lời anh Khuê, qua kết quả kiểm định an toàn thực phẩm từ các siêu thị, của Trường ĐH Nông nghiệp I và Sở Y tế Hà Nội, rau sản xuất theo phương pháp hữu cơ của Hoàng Long không hề có dư lượng hoá chất hay thuốc bảo vệ thực vật. “Với kết quả này, rau của chúng tôi bán chạy như... tôm tươi. Giá rau cũng cao hơn so với rau cùng loại trên thị trường”.

Cánh lái rau thu lợi nhuận cao, người trồng rau hữu cơ ở Hoàng Long cũng kiếm được số lãi kha khá. Chị Nguyễn Thị Tuyến - một hộ trồng rau cho biết: “Tôi canh tác 3 sào dưa chuột và chỉ sử dụng phân bón hữu cơ và thả một số thiên địch lấy từ Trường ĐH Nông nghiệp I để phòng trừ sâu bệnh hại. Năng suất dưa trồng theo phương pháp mới này cũng ngang bằng với dưa trồng có bón phân hoá học. Tuy nhiên, nhờ bán cho các siêu thị nên giá dưa luôn cao hơn so với ngoài thị trường. Mỗi vụ dưa, tôi kiếm được gần 6 triệu đồng”.

Chị Trần Thị Nhị - một hộ trồng cà chua theo phương pháp hữu cơ phấn khởi: “Trước đây canh tác theo kỹ thuật IPM, 1 sào cà chua tôi thu được 1,5 tấn. Còn hiện nay, trồng theo phương pháp hữu cơ được 1,4 tấn/sào. Tuy nhiên, đất trồng có bón phân hữu cơ không hề bị bạc màu, ngược lại rất tơi, xốp, thuận lợi cho vụ canh tác tiếp theo...”.

Xuân Mai - NTNN, 18/05/2006

 

 

 

Trồng trọt mùa mưa, bão, lũ

 

 

 

 

 

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang