Lực lượng chức năng kiểm tra rệp sáp bột hồng trên cây sắn tại xã An Hải, huyện Tuy An - Ảnh: H.NAM
Rệp sáp bột hồng (RSBH) là loại sâu hại nguy hiểm, khó phòng trừ và là đối tượng sâu hại mới, lần đầu tiên xuất hiện ở nước ta. Nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, sâu hại này sẽ phát tán, lây lan nhanh chóng ra các vùng trồng sắn ở các địa phương khác. Do tính chất nguy hiểm và nguy cơ gây hại nghiêm trọng của RSBH đối với sản xuất sắn ở trong tỉnh nên việc triển khai sớm các biện pháp cụ thể để ngăn chặn sự lây lan gây hại của RSBH là hết sức cần thiết.
Phú Yên có diện tích sắn khoảng 21.000ha, là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh và góp phần mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho nông dân. Năm 2014, Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Phú Yên đã phát hiện RSBH gây hại sắn trên giống KM94 với diện tích khoảng 40ha, tập trung tại xã An Hải và An Hòa (huyện Tuy An) với tỉ lệ hại 15 - 80% cây. Đầu tháng 4/2015, Chi cục BVTV Phú Yên đã phát hiện RSBH gây hại trên cây sắn giai đoạn khoảng 3 tháng tuổi tại huyện Đồng Xuân với diện tích 40ha, tỉ lệ hại 1 - 70% cây, trên giống KM94, KM98-5, KM419…
Để chủ động phát hiện, phòng trừ, ngăn chặn sự lây lan của RSBH giữa các địa phương trong địa bàn tỉnh, Chi cục BVTV Phú Yên đề nghị các địa phương có trồng sắn chủ động và khẩn trương thực hiện một số nội dung sau:
1. Biện pháp phòng, chống:
- Đối với những ruộng sắn có tỉ lệ hại > 30%, tiến hành tiêu hủy cây sắn bị RSBH gây hại và toàn bộ tàn dư thực vật có trên ruộng bị hại, tưới đều dầu hoặc vật liệu dễ cháy khác lên thực vật cần tiêu hủy đã được chất đống và tiến hành đốt hoặc đào hố chôn. Diện tích sắn cần tiêu hủy bao gồm diện tích bị nhiễm RSBH và khu vực giáp ranh trong vòng ít nhất 30m; cày lật đất toàn bộ diện tích đã bị tiêu hủy sau đó sử dụng các thuốc trừ sâu có hoạt chất gốc Thiamethoxam hàm lượng hoạt chất 350g/lít, dạng thành phẩm SC; gốc Imidacloprid hàm lượng hoạt chất 25% W/W, dạng thành phẩm WP; gốc Nitenpiram hàm lượng hoạt chất 50% W/W, dạng thành phẩm WP; gốc Dinotefuran hàm lượng hoạt chất 20% W/W, dạng thành phẩm WP (Actara 25WG, Midan 10WP, Confidor 700WP, Azorin 400WP…). Sử dụng theo nồng độ khuyến cáo và phun với lượng dung dịch nước thuốc đã pha là 600 lít/ha; có thể phối hợp với dầu khoáng để tăng hiệu quả của thuốc; phun thuốc hóa học phải theo nguyên tắc 4 đúng và đảm bảo thời gian cách ly theo khuyến cáo trên bao bì.
- Đối với những ruộng sắn có tỉ lệ hại < 30%, ngắt những bộ phận bị hại cho vào bao đem ra khỏi ruộng để tiêu hủy (biện pháp tiến hành giống như phần tiêu hủy trên) và tiến hành phun trừ RSBH trên toàn bộ diện tích nhiễm bằng những loại thuốc hóa học như phần tiêu hủy. Diện tích phun phủ vùng giáp ranh ít nhất 30m.
2. Một số hoạt động để quản lý RSBH:
Trạm BVTV phối hợp với các xã, thị trấn tiến hành tổng điều tra RSBH trong toàn tỉnh, nhằm xác định vùng gây hại của RSBH để có biện pháp quản lý kịp thời tránh để lây lan trên diện rộng.
- Tập huấn cho nông dân tại các vùng trồng sắn đã nhiễm RSBH về tác hại và biện pháp quản lý cũng như cách tiêu hủy ruộng sắn bị RSBH gây hại.
- Tổ chức tiêu hủy các diện tích sắn bị RSBH gây hại nặng nhằm nhanh chóng cắt đứt nguồn lây lan của dịch hại.
- Theo dõi tỉ lệ ký sinh trong phòng thí nghiệm; bước đầu nhân nuôi ong ký sinh A lopezi chuyên tính trên RSBH để phóng thích trên ruộng sắn.
ThS. NGUYỄN THANH HIẾU (Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên) - Báo Phú Yên, 25/08/2015
Cách phòng trừ rệp sáp bột hồng hại sắn
Rệp sáp bột hồng hại sắn là đối tượng dịch hại nguy hiểm, rất khó phòng trừ. Từ tháng 6/2012, ngành Nông nghiệp phát hiện rệp sáp bột hồng gây hại trên cây sắn tại Tây Ninh và đến tháng 5/2013, tỉnh này đã công bố dịch rệp sáp bột hồng với hơn 30% diện tích trồng sắn bị hại. Từ năm 2013 đến nay, rệp sáp bột hồng tiếp tục lây lan sang nhiều tỉnh khác như Đồng Nai, Quảng Trị, Nghệ An, Thanh Hóa, Sơn La, Đắk Lắk, Phú Yên…
Đầu tháng 9/2014 vừa qua, Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên đã phát hiện rệp sáp bột hồng hại sắn tại xã An Hải và An Hòa (huyện Tuy An); giống sắn bị nhiễm là KM 94 với diện tích khoảng 15ha. Rệp sáp bột hồng là loại sâu hại nguy hiểm, rất khó phòng trừ và là đối tượng dịch hại mới, lần đầu tiên xuất hiện ở nước ta. Rệp sáp bột hồng có khả năng lây lan rất nhanh qua hom giống, phát tán theo gió, trôi theo nguồn nước, bám dính trên phương tiện vận chuyển… và có nguy cơ gây hại nghiêm trọng làm giảm năng suất, chất lượng sắn. Nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, sâu hại này sẽ phát tán, lây lan nhanh chóng ra các vùng trồng sắn ở những địa phương khác.
Do tính chất nguy hiểm và nguy cơ gây hại nghiêm trọng của rệp sáp bột hồng đối với sản xuất sắn trong tỉnh, Sở NN-PTNT vừa có văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo phòng Kinh tế, phòng NN-PTNT phối hợp cùng các trạm Bảo vệ thực vật và Khuyến nông tổng điều tra rệp sáp bột hồng trên địa bàn, nhằm xác định, đánh giá vùng gây hại của rệp sáp bột hồng để có biện pháp quản lý kịp thời, hiệu quả. Tập huấn cho nông dân các vùng trồng sắn về tác hại và biện pháp quản lý dịch rệp sáp bột hồng. UBND huyện Tuy An cần sớm chỉ đạo các xã An Hải và An Hòa phối hợp cùng Trạm Bảo vệ thực vật huyện khoanh vùng bị dịch hại, tiêu hủy các diện tích sắn bị nhiễm rệp sáp bột hồng gây hại nặng theo đúng quy trình…
Biện pháp phòng trừ rệp sáp bột hồng:
Khi làm đất trồng sắn cần phải tiêu hủy triệt để tàn dư cây sắn, cây ký chủ phụ của rệp sáp bột hồng. Chọn hom giống không bị nhiễm rệp sáp bột hồng để trồng, phải xử lý hom giống trước khi trồng. Chăm sóc tốt để cây sắn sinh trưởng phát triển nhanh, tăng sức chống chịu dịch hại. Trồng sắn với mật độ hợp lý, bón phân đầy đủ, cân đối để cây sắn sinh trưởng phát triển khỏe mạnh tăng khả năng chống chịu rệp. Thường xuyên vệ sinh ruộng sắn, diệt sạch cỏ dại, cây ký chủ phụ để rệp không có nơi cư trú. Luân canh cây sắn với các cây trồng khác như đậu, lúa nước… để giảm nguy cơ xuất hiện rệp sáp bột hồng. Biện pháp sinh học: Nhân nuôi và phóng thích ra đồng ruộng ong ký sinh Anagyrus lopezi De Santis hoặc Epidiocarsis lopezi De Santis để kiểm soát rệp sáp bột hồng hại sắn. Bảo vệ và lợi dụng các loài côn trùng bắt mồi ăn thịt trong tự nhiên như bọ rùa, bọ cánh gân, bọ xít đỏ… để kiểm soát rệp sáp bột hồng. Đánh giá, chọn những giống sắn kháng hoặc chống chịu rệp sáp bột hồng, đảm bảo năng suất và chất lượng để đưa vào trồng thay thế các giống sắn bị nhiễm bệnh. Biện pháp hóa học: Trước khi trồng phải xử lý hom giống bằng cách ngâm trong dung dịch nước thuốc 30 phút trước khi trồng. Sử dụng các thuốc trừ sâu có hoạt chất Thiamethoxam, Imidacloprid (pha 4g thuốc trong 20 lít nước) hoặc Dinotefuran (pha 40g trong 20 lít nước). Khi phát hiện rệp sáp bột hồng hại sắn trên đồng ruộng trong điều kiện thời tiết khô, nắng nóng, một số thiên địch trên đồng ruộng thấp thì phải phun trừ rệp sáp bột hồng trên diện tích sắn bị nhiễm và diện tích liền kề bao quanh trong phạm vi tối thiểu 30m bằng các thuốc trừ sâu gốc Thiamethoxam. Sử dụng theo nồng độ khuyến cáo và phun với lượng dung dịch nước thuốc đã pha là 600 lít/ha. Có thể phối hợp với dầu khoáng để tăng hiệu quả của thuốc. Phun thuốc hóa học phải theo nguyên tắc 4 đúng và đảm bảo thời gian cách ly theo khuyến cáo trên bao bì.
NGỌC NHƯ (tổng hợp) - Báo Phú Yên, 23/09/2014
Giải pháp phòng trừ rệp sáp bột hồng hại sắn
Lần đầu tiên các tổ chức quốc tế chung tay bàn giải pháp ngăn chặn sự tàn phá của loài rệp sáp bột hồng (RSBH) gây hại cây mì (sắn) tại VN cũng như các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Loài sâu bệnh này được cảnh báo sẽ gây ra sự tàn phá vô kể trên cây mì với mức độ thiệt hại năng suất có thể lên đến 82%... RSBH gây hại nhiều nhất cho cây mì được phát hiện tại VN từ tháng 7/2012 sau khi bùng phát ở Thái Lan (2008) và Campuchia (2009).
Loài rệp này xâm nhập vào VN chủ yếu qua việc trao đổi buôn bán hom giống mì từ vùng biên giới với Campuchia. RSBH đang phát tán tấn công trên nhiều vùng trồng mì ở nước ta và Lào, Campuchia, Myanmar, Indonesia… đe dọa tàn phá các vùng trồng mì trong khu vực Đông Nam Á.
Theo các nhà khoa học, RSBH có khả năng lây lan rất nhanh qua hom giống, phát tán theo gió, trôi theo nguồn nước, bám dính trên cơ thể động vật, người, hay các công cụ, phương tiện vận chuyển…nên rất khó phòng ngừa. Khi bị RSBH tấn công, cây mì có hiện tượng chùn ngọn và nếu bị nhiễm ở mật độ cao có thể làm rụng hết lá. Do vậy, chất lượng và năng suất sẽ giảm đáng kể.
TS Kris Wyckhuys, nhà côn trùng học thuộc Trung tâm Nông nghiệp nhiệt đới quốc tế (CIAT) cho biết: “Không chỉ ở cây mì, loài RSBH có thể chuyển sang sống trên các lộc non của cây cao su để gây hại trong những điều kiện nhất định. Đây là nguy cơ rất lớn đối với một nước có diện tích trồng cao su nhiều như VN. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy dịch bệnh có tác động gây hại lớn đối với mì”.
Theo ông Kris Wyckhuys, loài rệp này đã gây hại làm giảm năng suất của cây mì ở châu Phi lên tới 82% (1980). Tuy nhiên, cũng rất khó đánh giá được tác động chính xác của các loài gây hại và bệnh mới, mặc dù chúng làm giảm năng suất, sản lượng đáng kể cho cây trồng và đang lan truyền nhanh chóng trong khu vực Đông Nam Á.
Trước thực trạng này, việc tìm ra các giải pháp để ngăn chặn và kiểm soát chặt chẽ loài RSBH đang là vấn đề cấp bách nhằm bảo vệ cây mì tại VN cũng như trong toàn khu vực. TS Trịnh Xuân Hoạt, Phó Viện trưởng Viện BVTV nhấn mạnh: “Chúng tôi xem sâu bệnh trên cây mì là một vấn đề mới và nghiêm trọng không riêng ở quốc gia nào mà ở toàn khu vực. Do đó, cần có kiến thức hiểu biết rộng về loại dịch hại này và hợp tác nghiên cứu giữa các nước để giải quyết những mối đe dọa trên cây trồng”.
Theo ông Hoạt, thực tế việc sử dụng thuốc hóa học để phun phòng trừ RSBH đem lại hiệu quả rất thấp chỉ đạt 5% do rệp sống ở những vị trí kín trên cây mì. Ngoài ra, do rệp có lớp sáp và bột trắng bao phủ trên thân nên thuốc không bám dính hết vào cơ thể và tiêu diệt được chúng. Do vậy, cần tổ chức các khóa đào tạo để trang bị cho các hội nghiên cứu khu vực kiến thức mới về các mối đe dọa đối với cây mì và phán đoán, điều tra phân tích kỹ thuật quản lý dịch hại.
TS Ngô Quang Vinh, Phó Viện trưởng Viện KHKT Nông nghiệp miền Nam (IAS) cho biết: “Không chỉ gây hại cho cây mì, RSBH còn xuất hiện trên một số cây ăn quả như nhãn, ổi, đu đủ, thơm… Tại thời điểm này, rệp sáp chính là đối tượng sâu hại nguy hiểm nhất đối với cây mì và mức độ gây hại thì vô cùng.
Kinh nghiệm ở châu Phi cho thấy, phần lớn RSBH trên cây mì đến nay đã được kiểm soát nhờ có ong ký sinh Anagyruslopezi, một kẻ thù tự nhiên chuyên biệt của dịch hại. Còn tại Thái Lan ngay từ khi phát hiện loài rệp này lần đầu tiên cũng đã nhanh chóng phóng thích loài ong ký sinh và đã thu được hiệu quả rất cao".
PGS.TS Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục BVTV:
"RSBH là đối tượng sâu bệnh mới phát hiện ở VN năm 2012 tại vùng mì Tây Ninh. Nhiều nước trồng mì trong khu vực cũng bị ảnh hưởng bởi đối tượng dịch hại này. Một trong những biện pháp phòng trừ bền vững hiệu quả nhất hiện nay là sử dụng ong ký sinh.
Những ổ dịch mới phát sinh cần phải tiêu hủy ngay nguồn bệnh từ gốc. Đồng thời kiểm tra chặt chẽ hom giống, không để lây lan từ vùng dịch, hướng dẫn nông dân ngăn chặn bằng biện pháp kiểm dịch nội địa. Việc nhân nuôi ong ký sinh để thả ra môi trường sẽ cho hiệu quả rất cao, tới 90% như ở Tây Ninh".
MINH SÁNG - Nông nghiệp VN, 11/12/2013
- Kỹ thuật trồng cây ăn trái, rau màu, cây dược liệu và các loại cây khác
Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.