Ảnh: rệp vẩy bám thân cây.
Thông qua Hiệp hội trồng sầu riêng, một số nhà vườn ở Đắk Nông, Bình Phước cho biết sầu riêng của mình đã bị rệp vẩy tấn công. Nhà vườn trồng sầu riêng, nhất là nhà vườn miền Đông cần nhanh chóng nhận diện và có giải pháp ứng phó.
Nhận dạng
Rệp vẩy không lạ đối với một số loại cây trồng như cao su, cà phê, đu đủ, thanh long và một số cây bóng mát nhưng là một loại sâu bệnh mới đối với sầu riêng. Có nhiều loài rệp vẩy hại cây như rệp vẩy xanh (Coccus viridis), rệp vẩy nâu (Saissetia hemisphoerica) nhưng phổ biến nhất là rệp vẩy nâu. Có nơi gọi là rệp vẩy ốc bởi chúng có hình dạng giống vẩy ốc gạo, ốc đắng. Có người cho rằng rệp vẩy xanh và rệp vẩy nâu đều thuộc họ hàng nhà rệp sáp bởi chúng có khả năng tự bảo vệ bằng cách không cho nước hoặc các dung dịch thuốc trừ sâu bình thường bám vào.
Loài rệp vẩy ốc đực, cái và con non (ấu trùng) có hình thù rất khác nhau nhưng nhờ đặc điểm này mà việc nhận dạng rõ ràng hơn, liên quan đến áp dụng phương pháp tiêu diệt đúng cách, đúng lúc. Quan sát khu vực tồn tại của rệp vẩy trên cành, thân cây, dưới mặt lá gần như chỉ thấy hiện diện rệp vẩy cái.
Con rệp vẩy cái trưởng thành khoác trên mình chiếc vỏ bọc cứng màu xanh hay nâu, trơn hoặc có hoa văn là những hình tròn đồng tâm, hình bán cầu phồng lên, dài 2-3mm. Rệp vẩy cái không có cánh, nó bám vào vỏ cây như bất động. Con rệp vẩy đực trưởng thành nhỏ con và có cặp cánh màu xanh vàng nhạt dài 1,2mm. Về sinh sản, một con rệp vẩy mẹ có thể đẻ từ 500 - 600 trứng, trứng được ấp dưới bụng mẹ và nở thành ấu trùng non trong vòng vài giờ, sau đó tạo ra đàn rệp vẩy thế hệ mới. Khi nở rệp non chưa có vỏ, có hình bầu dục giống lũ rầy mềm, màu vàng nhạt. Giai đoạn ấu trùng của rệp vẩy kéo dài 4 - 6 tuần. Chỉ ít ngày sau khi trưởng thành, rệp vẩy đã có khả năng sinh sản. Rệp vẩy trưởng thành có thể sống kéo dài 2 - 5 tháng. Như vậy, nhiều thế hệ rệp vẩy được sinh ra và tồn tại kế tiếp. Toàn bộ gia đình rệp vẩy sống chung và lan ra tạo thành vùng rộng lớn, khó mà phân biệt được các nhóm nhiều thế hệ. Trên một số cây (đu đủ, cà phê...) rệp vẩy tăng trưởng, tăng đàn mạnh đến độ bao bọc kín cả một đoạn cây, kín cả quả, nhiều đến độ tưởng chừng chúng bám chồng lên nhau.
Biện pháp quản lý
Rệp vẩy tăng đàn, gây hại mạnh vào mùa khô. Toàn bộ rệp lớn, bé bám vào cành, thân cây, cuống và mặt lá hút dịch cây làm thức ăn. Quá trình hút dịch cây lên tục làm cho cành lá kém phát triển, thậm chí lá, cành bị hút khô nước và dinh dưỡng dẫn đến khô héo. Rệp vẩy hiện diện nhiều trên cây có thể làm toàn bộ cây bị thiếu dinh dưỡng, những dấu chích hút lại có thể là cửa vào của một số loài nấm bệnh hại cây. Theo Trạm trồng trọt – bảo vệ thực vật huyện Hớn Quản (Bình Phước), rệp vẩy chích hút làm cho lá cây vàng và rụng lá, cành nhỏ bị khô. Nếu cây yếu mật số rệp vẩy đông có thể làm giảm chất lượng trái cây và làm chết cây một cách từ từ.
Lọai bỏ rệp vẩy là việc cần làm để bảo vệ sức khỏe cho cây và vườn cây. Thường xuyên kiểm tra vườn để phát hiện, cắt và tiêu hủy lá, cành, nhánh sầu riêng bị rệp vẩy gây hại. Nếu số lượng ít có thể dùng tay miết làm chết rệp, dùng bàn chải chải bay rệp diệt đồng thời tưới đẫm, hoàn nước cho cây. Nếu mật độ rệp cao dùng một trong các thuốc có hoạt chất: Dinotefuran, Thiamethoxam, Nitenpyram, Buprofezin, Clothianidin, Actara 25WG, Selecron 500EC, Polytrin P 440EC hoặc rải thuốc hạt như Diazinon, Carbofuran vào gốc cây.
Đặc biệt dùng thuốc sinh học có hoạt chất như chế phẩm Beauveria hoặc Metarhizium để trừ rệp. Gần đây, có nhà vườn thử nghiệm tự pha chế thuốc hữu cơ diệt trừ rệp vẩy, nguyên liệu gồm: 2 - 3 củ tỏi, 6 - 12 muỗng bột hồ tiêu hoặc 1 – 2 muỗng bột ớt cay, 1 muỗng dầu thực vật, 1 muỗng cà phê xà phòng lỏng, 1 - 2 lít nước. Đem tất cả ngâm, trộn, xay và lọc lấy dung dịch cho vào bình phun diệt ấu trùng. Khi trái sầu riêng còn khoảng 15 - 20 ngày cho thu hoạch thì không phun thuốc mà dùng bàn chải và nước rửa trôi rệp vảy.
Hiện nay rệp vẩy chỉ mới xuất hiện trên vườn sầu riêng trồng trên nền đất cao su, cà phê ... vốn có thể có tồn dư rệp vẩy hoặc những sâu bệnh khác từ cây trồng cũ. Khuyến cáo nhà vườn cần kiểm tra thường xuyên, nhất là trong mùa khô để phòng trị kịp thời.
Bài, ảnh: Minh Tuấn - Khoa Học Phổ Thông, 29/10/2018
Nhấn vào đây dể xem các thông tin kỹ thuật trồng sầu riêng
- Kỹ thuật trồng cây ăn trái, rau màu, cây dược liệu và các loại cây khác
Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.