• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Trồng trọt

Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây sầu riêng

Sầu riêng cũng như những loại cây ăn trái khác, vì mỗi loại cây có những đặc tính khác nhau, sinh thái khác nhau nên phải có phương pháp trồng và chăm sóc thích ứng đem lại hiệu quả cao.

I - KỸ THUẬT TRỒNG :

Có mấy vấn đề cần khẳng định về cây sầu riêng :

- Nhân giống vô tính cây ra hoa kết trái rất sớm từ 2 – 3,5 năm.

- Tùy các yếu tố trồng và chăm sóc, thời gian để trái được từ 2,5- 4 năm. Gốc có đường kính từ 10cm trở lên có thể để trái vững vàng.

- Cây trồng bằng cành chiết và cành ghép đều mau ra hoa trái, nhưng cành chiết vào mùa mưa giông dễ bị lật gốc và tuổi thọ cây thường thấp.

A - Làm đất :

- Sầu riêng trồng được trên nhiều loại đất khác nhau. Đất hơi phèn vẫn trồng được. Độ pH lý tưởng từ 6- 6,5, một số vùng có độ pH từ 5- 5,5, sầu riêng vẩn phát triển khá tốt.

- Vùng đất xám và đất đỏ Bazan ở Nam Trung Bộ, miền Đông Nam Bộ, sầu riêng vẫn mọc tươi tốt. Vùng đồng bằng Nam Bộ phải trồng sầu riêng trên đất có xẻ mương, làm tiếp và mô cao để tránh úng vào mùa mưa và có nước để tưới vào mùa khô.

- Tầng đất mặt ở ruộng, đất phù sa ven sông, ổ hồ ao, kênh rạch phơi khô, đắp mô trồng rất tốt.

Có hai cách trồng sầu riêng sau đây :

1. Theo cách cũ :

Đào xới ở vị trí cần trồng một hố sâu khoảng 20cm, rộng khoảng 80cm để phơi đất cho khô, có thể trộn thêm một ít phân hữu cơ rồi lấp lại làm mô cao khoảng 15- 20cm và trồng cây ở giữa mô.

a) Ưu điểm :

- Dễ làm, chi phí thấp.

- Mùa nắng cây tăng trưởng mạnh, nhẹ công tưới nước.

b) Nhược điểm :

- Mùa nước dâng cao hay mưa to kéo dài, đất bị úng làm rễ non bị thối, nếu kéo dài, rễ già vẫn bị hư hại. Cây ngừng tăng trưởng, có thể bị còi cọc, suy kiệt.

- Cây ra hoa muộn. Khó chủ động điều khiển cho cây ra hoa trái theo ý muốn.

2. Theo cách mới :

a) Mục đích :

- Giúp cây có được môi trường thuận lợi để sinh trường và phát triển.

- Tạo điều kiện dễ dàng để bổ sung chất dinh dưỡng như phân hữu cơ, chất mùn… cho cây.

- Có thể chủ động cho ra hoa trái theo ý muốn.

b) Thực hiện :

- Đào hố sâu 0,6m, chiều rộng 0,8m x 0,8m, bón khoảng 1- 2kg vôi sống vào hố. Phơi đất thật khô. Dùng 20- 30kg phân xanh (hay phân chuồng, phân rác, …) đã oai mục và 0,5kg- 1kg phân lân (P2O5) trộn vào đất phơi khô và lấp xuống hố theo thứ tự theo tầng đất (đất ở đáy, ở giữa và lớp đất mặt).

- Đắp thêm một số đất khô có nhiều chất dinh dưỡng như đất vế mặt ruộng, đất phù sa sông rạch … Tùy điều kiện đất đai từng vùng mà làm mô cho thích hợp. Mô nên có chiều cao 0,4- 0,8m và rộng từ 1,2- 2,2m nếu ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.

- Ở vùng đất miền Đông Nam Bộ nếu có độ nghiên lớn hơn 2%- 5% chỉ nên đắp mô cao 15- 25cm, rộng khoảng 60cm. Nếu độ nghiêng lớn hơn 5%, có thể không cần làm mô, chỉ cần cuốc xới cho đất tơi xốp và trộn phân khoáng và phân hữu cơ cho cây trồng mau tốt. Mùa mưa phải có kế hoạch chống xói mòn. Có thể trồng xen canh các loại cây ăn trái không có tính cạnh tranh dinh dưỡng mạnh hoặc trồng cây màu để vừa che cỏ, vừa chống xói mòn mặt đất và tăng thêm thu nhập. Nên sử dụng thuốc xịt cỏ vào mùa mưa, vừa diệt cỏ vừa hạn chế sự xâm thực.

c) Nhận xét :

- Ưu điểm :

+ Giúp cây có được môi trường thuận lợi để hấp thụ nhiều chất dinh dưỡng từ trong đất và tránh được tình trạng bất lợi do nhập úng. Cây tăng trưởng tốt và tuổi thọ cũng cao hơn.

+ Ở vùng đồng bằng khi cần bổ sung thêm đất, dùng chất bùn đã phơi khô, giúp bộ rễ của cây không bị hư hại do úng.

- Nhược điểm :

+ Chi phí cho việc làm mô cao.

+ Đòi hỏi phải tiến hành vào cuối mùa mưa hay trước mùa mưa vì cần có thời gian phơi đất.

+ Mùa khô phải tưới cho cây thường xuyên hơn so với cách làm mô thấp.

Trên đây là cách làm đất trước khi trồng cây. Nhưng không thể áp dụng máy móc. Ví như, cần trồng sầu riêng vào đầu mùa mưa nhưng thiếu phân hữu cơ, thì vẫn làm mô trồng trước. Khi có đủ phân thì bón sau bằng cách bón phân xung quanh và dùng đất ốp vào.

Vấn đề quan trọng là trước khi làm mô phải xem những khâu nào là cơ bản và dài lâu thì phải đáp ứng ngay. Phần nào có thể bổ sung sau đó thì linh hoạt tính toán thực hiện cho hợp lý. Thí dụ, cải tạo đất làm cho tơi xốp là yếu tố không thể làm sau khi trồng cây vì đã trồng cây rồi không thể đào bới ở dưới gốc cây lên để trở đất. Nên khâu cải tạo đất phải thực hiện chu đáo.

B- Trồng cây :

1. Mô trồng :

Tùy theo kích cỡ bầu cây giống mà móc hố tương ứng để đặt cây.

2. Bón lót :

- Nếu có phân dơi, phân cá, phân hữu cơ hoai mục nên bón một ít vào hố, tùy khả năng mà bón ít nhiều. Trộn sơ cho phân lẫn vào đất. Loại phân có nhiều đạm hay hàm lượng muối trong phân cao thì phảI vùi sâu vào đất để rễ non không bị ngộ độc.

- Rải một ít thuốc sát trùng như Basudin 10H, Furadan, BHC … để phòng trừ mối, kiến, tuyến trùng … làm hại rễ non. Liều lượng từ 20- 50g tùy loại.

3. Trồng cây giống :

- Thêm hoặc bớt đất ở hố sao cho đặt cây xuống mặt mô ngang bằng với phần trên của bầu.

- Cho đất vào xung quanh bầu đến gần ngang mô trồng là được. Không cần vô đất quá mịn dễ làm đất bị lèn, do mưa nhiều hay tưới thừa nước.

- Dùng cọc, que cắm gần gốc để cố định cho cây đứng thẳng. Dùng dây nilon, dây nhựa để cột, tránh dùng dây chuối khô, lạt dừa (ruột), … có tính giữ ẩm để phát sinh nấm bệnh hại cây.

C- Chăm sóc :

Cây con mới trồng chưa thích nghi với điều kiện tự nhiên nên ảnh hưởng đến quá trình dinh dưỡng, trao đổi chất, sức chống chịu rất kém, dễ bị tác động bởi các yếu tố bất lợi của ngoại cảnh như ánh sáng, nhiệt, gió, … nếu chăm sóc không tốt dễ bị tình trạng còi cọc, chậm lớn. Có vườn sau khi trồng một năm, cây vẫn còn bị chết, đó là do :

- Hoặc nguồn cây giống không sạch bệnh, cành ghép, mắt ghép già cổi, bị sâu bệnh.

-Hoặc do chăm sóc không chu đáo, mùa nắng thiếu nước cây suy kiệt, mùa mưa bị úng rễ bị hư hạI, sử dụng phân thuốc quá liều lượng.

Để nâng cao tỷ lệ sống và giúp cây trồng tăng trưởng được tốt, cần tuân thủ một số chế độ sau :

1. Chế độ đất và nước :

-Đất xung quanh mô trồng phải được giữ ẩm vào mùa khô và mùa mưa phải ráo. Có thể quan sát độ ẩm của đất bằng cách bới sâu xuống khoảng 10- 20cm, lấy ít đất lên vo thành viên được là tốt. Vo thành viên không được quá ẩm hoặc bời rời là thiếu nước.

-Nên sử dụng nguồn nước sạch để tưới. Tránh tưới nước có độ phèn cao (độ pH quá thấp) hay nước có hàm lượng muối khoáng quá nhiều. Nguồn nước ao tù, nước bùn … dùng tưới phải tránh dính lên thân lá sẽ làm môi trường thuận lợi cho nấm địa y phát triển.

Trong những tuần lễ đầu, nếu thời tiết nóng bức hay quá nắng, nên tưới ướt thân và lá vài lần (lúc trưa và xế chiều) để tránh mất nước ở cây. Nếu trồng đại trà ở những vùng thiếu nước nên dùng bình xịt để tưới vừa nhanh, vừa tiết kiệm được nước. Trời mát mẻ hay có mưa không cần tưới.

2. Hạn chế tác động bất lợi của điều kiện tự nhiên :

- Trồng xong nên dùng lá dừa, lá cây … để che nắng trưa đến xế (tia nắng thường gay gắt, nhiệt độ cao, tia tử ngoại có thể làm hại cây nhất là ở giai đoạn cây ra là non).

- Vườn trống trải phải dùng cọc để cố định cây, để giông gió không làm gãy đổ trong vài tháng đầu sau khi trồng.

- Có thể dùng rơm, rạ, cỏ khô, bả dừa, bả cây họ đậu, … đậy xung quanh mô để giữ ẩm vào mùa khô, hay chống xói mòn vào mùa mưa. Tránh đậy cận gốc, ẩm độ cao, nấm bệnh dễ phát triển làm hư hại gốc.

Tùy thực tế các yếu tố bất lợi xảy ra thế nào thì tìm cách khắc phục thích hợp.

II - BÓN PHÂN :

(Nhấn vào đây để xem chi tiết)

 

III - ĐỐN TỈA TẠO DÁNG VÀ DI DỜI :

A - Đốn tỉa tạo dáng :

Phải đốn tỉa các cành mọc không đúng hướng, các cành già, cành bị sâu bệnh để điều chỉnh tán cây cho đẹp, dáng cây sầu riêng giống như cây Noel mà người phương Tây, tín đồ Công giáo rất thích. Vườn sầu riêng nếu được trồng cho ngay hàng thẳng lối, tạo dáng cho đẹp thì được xem như vườn cây cảnh hấp dẫn khách du lịch. Hãy thử tưởng tượng, vào trưa hè oi bức, nằm đun đưa trên chiếc võng, dưới tán cây sầu riêng mát rượi, ngâm nga bài thơ hay hàn huyên tâm sự với người bạn phải lòng mình và ăn những múi sầu riêng thơm nứt !…

Tỉa cành, tạo dáng giúp cho cây được thoáng, cành lá nhận được nhiều ánh sáng để quang hợp và hạn chế được sâu bệnh. Giúp cho cây khỏi phải nuôi những cành ăn hại, tốn hao chất dinh dưỡng mà không có lợi.

Loại những cành già nằm gần mặt đất nhằm ngăn ngừa bùn đất, phân bón bám vào cành lá tạo môi trường tốt cho vi sinh vật gây hại như các loại nấm, tảo làm hạn chế sự hấp thu, bài tiết và quang hợp ở các bộ phận đó.

Đốn tỉa bớt các cành cấp 1. Nên phân tầng, mỗi tầng có khoảng 3- 4 cành cấp 1. Tầng nọ cách cành kia 40- 60cm ( đối với những cây trưởng thành). Các cành cấp 2,3 . . . dầy đặc, phải tỉa bỏ bớt.

B - Di dời :

Nhiều người cho rằng sầu riêng bứng, di dời chắc chắn sẽ chết. Điều đó là thực tế, song nếu cần bứng và di dời mà tuân theo một số bước sau thì tỷ lệ sống rất cao.

1. Ức chế sinh trưởng :

Chờ cho cây đã già lá, tỉa bớt cành cấp 2, cấp 3 . . . Cần thiết có thể cắt bỏ bớt cành cấp 1. Bứng 1/2 đến 2/3 bầu và cắt đứt rễ cọc (xoay bầu). Dùng bao tải, rễ lục bình, cỏ khô … che mát cho gốc. Cây to nhỏ thì bứng bầu có kích thước tương xứng- và ước lượng cả thân và bầu có trọng lượng có thể chuyển đi được. dùng cọc để chống đỡ phòng giông gió làm ngã đổ hay bể bầu.

2. Mùa vụ bứng dời :

Đầu mùa mưa xoay bầu, khoảng 2- 6 tuần sau bứng phần còn lại và chuyển đến nơi trồng cố định. Dùng tàu dừa, lá chuối, lá cây … che nắng vài tuần.

3. Chăm sóc :

Ba ngày đầu dùng bình xịt hay thùng vòi lỗ nhỏ tưới ướt lá thường xuyên. Phần gốc chỉ tưới vừa đủ ướt. Từ ngày thứ tư trở về sau nên giảm số lần tưới lại (chỉ tưới vào những lúc nắng gắt). Khoảng tuần thứ hai cho cây tiếp xúc dần với nắng.

* Lưu ý :

- Khi tưới cho bầu lần đầu tiên nên dùng thuốc phòng chống nấm bệnh pha nước theo tỉ lệ chỉ định để tưới ướt bầu.

- Cây có đường kính gốc đến 15- 20cm vẫn bứng dời đạt tỷ lệ sống tốt nếu cắt bỏ bớt cành lá.

- Chi phí di dời và chăm sóc cho cây rất tốn kém nên phải thấy rằng di dời là “ bất đắc dĩ”.

 RHQ, 07/05/2007

 

 

 

Trồng sầu riêng chuyên canh

Từ tỉnh lộ 884 thuộc địa phận xã Tân Phú (huyện Châu Thành - Bến Tre), theo con lộ tẽ tráng nhựa xuyên qua những khu vườn cây ăn trái xanh tươi trĩu quả, đưa chúng tôi đến hộ Năm Quang có mô hình trồng sầu riêng chuyên canh mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tên đầy đủ của anh là Trần Ngọc Quang, thuộc ấp Hàm Luông.

Qua kinh nghiệm trồng trọt của anh, khi sầu riêng kết thúc vụ trái, anh bắt đầu dọn tỉa cành, tạo tán cho thông thoáng, tiếp theo rải phân NPK hiệu Con cò bay AT1 của Nhà máy phân bón Bình Điền 1, với phân chuồng hoai và phủ một lớp đất phù sa khô (đã vựa sẵn trước) trải đều trên mặt liếp. Đến cuối tháng 8 âm lịch, tiếp tục bón phân NPK cùng loại trên, nhưng chuyển qua AT2 cộng với Super lân Long Thành và tưới nước đôi ba lần cho rễ dễ hấp thụ. Sau đó, siết nước tạo khô hạn và xịt KNO3 hai lần trên lá cách nhau 7 ngày. Khi cây ra hoa đơm trái, tỉa bỏ bớt những trái đèo đẳng của những chùm trái sai. Hàng tháng rải NPK cùng thương hiệu trên, nhưng sử dụng AT3 và tưới xả, trong thời gian này cũng xịt định kỳ hàng tháng thuốc BVTV phòng ngừa nấm bệnh thối úng trái. Riêng về khâu tưới tắm, không nên tưới quá nhiều sẽ làm kém đi phẩm chất ngon của trái, chỉ xả cho tan phân thôi.

Được biết, khi lập gia đình, ra riêng với 2 công đất (2.000 m2), anh chị trồng cam, nuôi tôm, heo, gà ... Sau một thời gian tích lũy được một số tiền, đến năm 1995 anh chị mua thêm lên đến 10 công đất. Như vậy số đất có được trong tay, anh chia ra làm 2 khu vực trồng cây ăn trái chuyên canh, 5 công sầu riêng và 5 công chôm chôm. Những năm gần đây, do chôm chôm rớt giá luôn, anh định chuyển dần 5 công này sang sầu riêng, bằng cách trồng và tỉa bỏ dần.

Vào năm 2002, sầu riêng cho trái chín được 4 tấn trái, với giá 6.500 đ/kg. Năm 2003, vườn sầu riêng của anh vượt lên hơn 5 tấn trái và giá lại khá hơn năm rồi từ 7.000 - 8.000 đ/kg. Anh bộc bạch: "Sầu riêng khổ qua xanh tuy phẩm chất không bằng giống sầu riêng Thái, Ri 6, sữa hạt lép ... nhưng bù lại năng suất cho trái rất cao và hiện nay những cơ sở làm bánh kẹo tiêu thụ một lượng rất lớn, như vậy không sợ phần đầu ra". Rồi đây, vườn sầu riêng của anh tới thời điểm chính thức sẽ còn cho trái vượt trội hơn nữa .

NNVN, 22/8/2004

 

 

 

Để có vườn sầu riêng sai trái

Cây sầu riêng được trồng ở Đăklăk vẫn mang dang dấp manh mún, tự phát (chưa được qui hoạch và giống) nên năng suất và chất lượng không cao, chưa có sức cạnh tranh trên thị trường. Để giúp bà con làm vườn trồng xen canh sầu riêng trong vườn cà phê đạt hiệu quả tốt, có năng suất, xin được trao đổi một số kinh nghiệm đã được thử nghiệm và đạt kết quả tốt như sau:

1. Cách chọn giống:

Không nên mua những cây giống bày bán trôi nổi trên thị trường. Nên chọn những nhà vườn tại địa phương có giống tốt, trái to đều, cơm vàng, cùi dày, hạt nhỏ, chín sớm. Hạt có thể ươm trực tiếp vào hố đã chuẩn bị sẵn hoặc vào bầu, thời gian trồng thích hợp nhất là vào đầu mùa mưa (quãng tháng 6 âm lịch) để đến mùa khô năm tới cây đã có sức. Thay thế dần những cây còi cọc sâu bệnh, trái nhỏ, cơm sượng.

2. Chăm sóc:

Cây sầu riêng loại rễ cọc ăn sâu nhưng lại có rất nhiều rễ phụ, rễ tơ hồng ăn nổi, rất nhạy cảm với môi trường biến đổi xung quanh như đào bới chạm gốc, bón quá nhiều phân hóa học. Qua khảo sát và kinh nghiệm của những chủ vườn có giống sầu riêng tốt thì phân bón thích hợp cho sầu riêng 4 năm đầu là phân chuồng mục ủ với lân Văn Điển. Khoảng 40kg phân chuồng cộng với 3kg lân cho một gốc. Đào xa mép tán lá khoảng 40 phân (cỡ 2 gang tay), rải phân đều, sau đó lấp đất và tưới đậm. Cứ sau 30 – 40 ngày vào mùa mưa bón thêm 0,5 đến 1kg NPK 16–16–8 loại Bình Điền hoặc Chánh Hưng (loại chuyên dùng cho cây cà phê, ca cao) rải đều xung quanh tán lá. Hạn chế tối đa bón đạm, nhất là đạm Suynphát dễ làm cơm sượng. Sang năm thứ 5 khi cây đã sung sức, cành mập cứng đủ sức đeo trái thì bấm đọt (ngọn) để nuôi cành và tạo bộ tán lý tưởng.

3. Thụ phấn:

Đây là khâu then chốt nhất để đạt năng suất. Sầu riêng được thụ phấn nhân tạo ngoài giúp cây đậu sai, trái tròn đều bắt mắt, bà con nhà vườn nên theo dõi chu kỳ nở hoa để có biện pháp thụ phấn thích hợp. Khi cây trổ nụ hơn tháng sau sẽ nở hoa, nên dùng kéo bấm tỉa bớt nụ sao cho khi nở, hoa sẽ đều mập. Hoa thường nở vào buổi tối từ 18h đến 20h. Thời điểm thích hợp để thụ phấn sau khi hoa đã bung nhị chừng một tiếng. Lắc nhẹ chùm hoa thấy một hai giọt mật ở nhụy ứa ra là được. Tốt nhất nên có hai người, một soi đèn, một thụ phấn, nhớ chuẩn bị ghế hoặc thang chắc chắn, nếu cây trồng gần nhà nên kéo bóng đèn tròn loại 75w treo cao để côn trùng giúp thụ phấn ở những cành cao. Sau khi thụ phấn được một tháng tiến hành cắt bỏ bớt những trái nhỏ, phân bố sao cho đều các cành, không nên để nhiều trái sẽ nhỏ và cây mau mất sức.

4. Thu hoạch:

Khoảng 4 đến 5 tháng sau khi được thụ phấn, sầu riêng chín, nứt cuống và tự rụng. Khi thấy trái từ màu xanh chuyển sang vàng rồi vàng sậm là lúc trái đã già. Cần lấy dây xác rắn hoặc dây nilon buộc cuống treo vào cành để khi trái chín giữ an toàn cho người và trái không bị giập nứt ảnh hưởng đến chất lượng. Có thể dùng đoạn gỗ dẹt nhẹ gõ vào trái, nếu thấy tiếng bộp nhẹ là cắt xuống được, nhớ cắt xa cuống và xếp vào sọt có lót rơm hoặc bao, ba ngày sau trái sẽ chín và tự rụng cuống. Không nên để sầu riêng chín lâu quá mới sử dụng vì lớp vỏ sẽ tự tách, vi khuẩn dễ xâm nhập làm mất hương vị của trái.

 

 

 

Cây Sầu riêng

Sầu riêng là một cây to cao 15-20-25m. Quả to, hình đầy hay hình trứng dài, vỏ cứng. Trên mặt vỏ rất nhiều gai ngắn, nhọn. Quả có 5 ngăn, mỗi ngăn chứa 3-5 hạt có chất cơm (áo hạt) mềm, màu trắng vàng, có mùi đặc biệt, chưa quen thì không thích, nhưng đã quen rồi thì rất ngon, vị ngọt, bùi. Hạt có lá mầm dày. Cây Sầu riêng nở hoa tháng 3-4, có quả tháng 5-9.

Cây sầu riêng nguồn gốc là ở quần đảo Malaysia. Sau đó, được đi trồng ở Campuchia và Việt Nam. Sầu riêng được trồng rất nhiều ở miền Nam nước ta, chủ yếu là Nam bộ. Trồng sầu riêng chủ yếu lấy quả ăn.

Nhân dân xã Lâm Sơn (Ninh Sơn - Ninh Thuận) bắt đầu trồng cây sầu riêng từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Đến nay, xã Lâm Sơn đã trồng được 40ha, sản lượng có thể thu được 70tấn/năm. Cây sầu riêng Lâm Sơn (Ninh Sơn) do điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết phù hợp nên có chất lượng ngon hơn sầu riêng Nam bộ. Cơm hạt giòn, mềm không nhão, màu vàng đậm, ngọt thanh, bùi, hạt nhỏ, nên thường giá cao hơn sầu riêng Nam bộ. Hiện nay sầu riêng giá khoảng 20.000 đồng/kg.

Sầu riêng cho quả ăn ngon, bổ. Hạt sầu riêng có bột, rang, nướng hay luộc ăn như hạt mít, có thể làm mứt kẹo. Vỏ sầu riêng dùng chữa đầy bụng, khó tiêu hoá và chữa ho lao, cảm sốt.

Lá và rễ sầu riêng dùng chữa cảm sốt, viêm gan vàng da. Ngày dùng 30-40 gam dưới dạng thuốc sắc. Lá sầu riêng còn dùng dưới dạng nấu nước tắm cho những người vàng da do bệnh gan. Theo kinh nghiệm của nhân dân, xơ sầu riêng có thể dùng trị rệp, để một miếng xơ sầu riêng dưới chiếu của đuôi giường hay phảng. Sau hơn một tuần rệp sẽ không còn.

Người dân xã Lâm Sơn trồng sầu riêng mỗi năm có thể cho thu nhập được trên 35 triệu đồng/ha. Đặc biệt, có những cây sầu riêng mỗi năm có thể cho thu nhập 4 triệu đồng.

Trồng sầu riêng, mang lại lợi ích kinh tế cao, góp phần nâng cao đời sống, xoá đói giảm nghèo mà còn bảo vệ môi trường. Đặc biệt, sầu riêng Lâm Sơn (Ninh Sơn) thị trường đang có nhu cầu. Với điều kiện thổ nhưỡng và thời tiết phù hợp, ngành Nông nghiệp nên sớm có kế hoạch nghiên cứu phát triển trồng sầu riêng ở Ninh Sơn và một số nơi trong tỉnh.

Nguyễn Thành Lê (Báo Ninh Thuận - 11/12/2003)

 

 

 

Kỹ thuật trồng sầu riêng công nghệ cao

Hiện nay, sầu riêng là một trong 3 loại cây ăn quả chủ lực được tỉnh khuyến khích nông dân các địa phương trồng. Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, nông dân áp dụng kỹ thuật mới trong trồng, chăm sóc cây sẽ nhanh cho trái và sau 5 năm có thể cho thu lời hơn 100 triệu đồng/hécta/năm.

1/ Thiết kế vườn trồng

- Thiết kế vườn trồng phải đảm bảo các yêu cầu như thoát nước tốt trong mùa mưa, đảm bảo vườn thông thoáng, hạn chế được sâu bệnh gây hại và chống xói mòn để giữ độ phì cho đất.

2/ Kỹ thuật trồng

- Thời điểm trồng sầu riêng thích hợp nhất là từ đầu mùa mưa đến giữa mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 8).

- Tùy thuộc vào loại đất, giống và chế độ chăm sóc để bố trí mật độ trồng cây cho phù hợp. Tuy nhiên, loại đất tốt giàu dinh dưỡng như đất đỏ bazan nên trồng 100 cây/hécta, tương đương 10mx10m/cây. Còn đất xám trồng 125 cây/hécta khoảng 8mx10m/cây. Trong giai đoạn đầu cây còn nhỏ nên trồng xen canh một số cây ngắn ngày để lấy ngắn nuôi dài, tránh lãng phí đất và chống xói mòn.

- Đào hố trồng cây trước khi trồng khoảng 1 - 2 tháng. Hố đào sâu khoảng 0,7m và dài, rộng 1mx1m. Sau đó, mỗi hốc sử dụng 0,5kg vôi để xử lý một số loại sâu bệnh. Khi đào hố được 2 tuần, mỗi hố tiếp tục dùng 20 - 40kg phân hữu cơ hoại mục, 1kg phân lân, 0,5kg vôi bột và một nửa lớp đất mặt đào từ hố lên trộn đều cho xuống và lấp lại cao hơn mặt đất tự nhiên. Lúc trồng cây, đào hố vừa bằng bầu cây giống, nếu thấy cây có rễ già nhiều dùng kéo sắc tỉa bỏ bớt rễ già rồi đặt cây vào hố trồng, nén đất chặt xung quanh bầu cây. Trồng cây xong, cắm 3 cọc hình tam giác chụm xung quanh cây và buộc nhẹ vào thân cây để chống cho cây khỏi bị nghiêng ngả khi có mưa, gió lớn. Dùng rơm, cỏ khô ủ gốc để giữ ẩm, che mát cho cây trong thời kỳ đầu và thường xuyên giữ ẩm cho cây. Nếu có nắng hạn kéo dài nên dùng vòi hoa sen tưới nước bổ sung cho cây.

3/ Cách bón phân

- Qua đúc kết kinh nghiệm thực tế của nhiều nhà vườn thì dùng phân hữu cơ nhiều, hạn chế phân hóa học thì chất lượng cơm của trái sầu riêng tốt hơn và tỷ lệ trái sượng rất ít.

- Mỗi năm bón 20 - 30kg phân hữu cơ/cây để cây phát triển tốt còn phân hóa học bón theo từng giai đoạn phát triển. Song, trong 2 năm đầu phân hóa học pha vào nước tưới cho cây sẽ hiệu quả hơn. Những năm sau bón chung quanh tán cây và rải đều dưới tán, dùng cào trộn với đất mặt nếu không mưa tưới nhẹ. Chú ý, không bón phân Kali cho cây vì dùng loại phân này trái sẽ bị sượng.

+ Năm thứ 1: Bón 5 lần, mỗi lần 0,5kg phân 16-16-8-13S hoặc 20-20-15/cây.

+ Năm thứ 2: Bón 4 lần, mỗi lần 1kg phân 16-16-8-13S hoặc 20-20-15/cây.

+ Năm thứ 3: Bón 3 lần, mỗi lần 1,5kg phân 16-16-8-13S hoặc 20-20-15/cây.

+ Năm thứ 4: Bón 3 lần, mỗi lần 3,5kg phân 12-12-17.2 + TE/cây.

+ Năm thứ 5: Bón 4 lần, mỗi lần 5kg phân 12-12-17.2 + TE/cây.

+ Năm thứ 6: Bón 4 lần, mỗi lần 6kg phân 12-12-17.2 + TE/cây.

- Sau sáu năm cây sẽ đến thời kỳ kinh doanh cho trái ổn định. Lúc này các nhà vườn dùng nhiều loại phân bón để cung cấp đủ dưỡng chất cho cây. Cụ thể, sau thu hoạch bón 2-4kg phân 20-20-15 và 10-20kg phân chuồng hoai mục/cây. Trước khi cây trổ bông 1-2 tháng bón 1-2kg 10-52-17/cây, khi quả bằng trái cam bổ sung thêm 2-4kg phân 20-20-15 và 9 tuần sau khi đậu trái bón 2-4kg 20-20-15/cây.

- Nếu có điều kiện, các nhà vườn nên lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm và bón phân hóa học qua đường ống cho cây sầu riêng. Hệ thống này giúp nông dân giảm được 85% công tưới, bón phân, đồng thời hạn chế thất thoát phân bón, nâng cao hiệu quả sử dụng phân của cây. Như vậy, cây sẽ rút ngắn được thời gian cho trái, năng suất, chất lượng tăng cao và tuổi thọ được kéo dài.

4/ Tỉa cành, tạo tán

- Khi cây nhỏ chỉ để 1 ngọn, tỉa bỏ hết chồi gốc. Cành đầu tiên để cách mặt đất 30cm, sau đó để các cành nhỏ trên thân chính cách nhau từ 8-10cm, cùng một vị trí không để 2 cành vì cây sẽ bị chẻ khi mang nhiều quả. Tỉa bỏ hết cành vọt, cành gầy yếu để cây phát triển tốt.

Sầu riêng của Đồng Nai tại Festival Trái cây Việt Nam được nhiều du khách đánh giá cao.

- Thời kỳ cây mang trái tỉa cành gầy yếu, khô, bệnh khoảng 3 lần/năm. Lần 1 sau thu hoạch, lần 2 vào tháng 8-9 và lần 3 vào thời điểm cây cho trái bằng quả quýt.

- Cây sầu riêng ra hoa 2-3 đợt/năm, nhưng chỉ chọn một đợt chính còn lại loại bỏ hết để cây có sức nuôi trái. Khi hoa nở 20-30 ngày tỉa bỏ một nửa số hoa, hoa nở 35-42 ngày tỉa tiếp, chỉ để 200- 300 trái/cây và sau khi hoa nở 50- 56 ngày, chỉ để số trái phù hợp với sức của cây từ 60-150 trái/cây.

5/ Thu hoạch

Thời gian thu hoạch tùy theo đặc tính của từng giống, song giống địa phương Chín Hóa, khổ qua, sầu riêng hạt lép Long Thành, TX. Long Khánh từ khi xả nhị đến lúc thu hoạch khoảng 105-110 ngày. Các giống nhập như sầu riêng Dona từ lúc xả nhị thu hoạch 130-135 ngày.

* Chú ý, khi trái non vừa đậu đến khi trái non bằng quả quýt nên phun 15cc Toba Fruit để ngăn ngừa hiện tượng rụng trái non. Đồng thời, giữ ẩm đều cho cây không để ẩm độ trong đất thay đổi đột ngột dễ gây ra hiện tượng rụng trái non. Giai đoạn trái to khoảng 1kg trở lên phải thường xuyên theo dõi, phòng trừ sâu đục trái. Khi trái có cơm, thời tiết mưa nhiều lưu ý bệnh thối trái.

Nguyệt Hạ - Báo Đồng Nai, 06/05/2010

Nhấn vào đây dể xem các thông tin kỹ thuật trồng sầu riêng

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang