• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Trồng trọt

Kỹ thuật trồng sen (hoa sen)

Trồng sen

Anh Lư Văn Bích (tổ 4, ấp 5, xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, TP.HCM) đã nhanh chóng thoát nghèo và dần vươn lên làm giàu khi mạnh dạn chuyển đổi đất lúa kém năng suất sang trồng sen. Hiện mỗi năm 2 ha trồng sen của anh đem về tới hơn 200 triệu tiền lời!

Anh Bích cho biết, trước đây gia đình anh nghèo lắm, chỉ biết trông vào mấy sào lúa nên đói quanh năm. Ngay cả khi cưới vợ không có đất để cất nhà riêng, anh phải ở chung với gia đình trong căn nhà chật chội. Cuộc sống cứ trôi qua trong muôn vàn khó khăn.

Năm 1998, anh tình cờ thấy người ta trồng sen rất hiệu quả nên quyết định học hỏi kỹ thuật và xin một ít giống về trồng thử. Chỉ hơn 2 tháng sau sen đã mọc kín mặt ruộng và cho lứa ngó sen đầu tiên. Anh đạp xe xuống tận chợ Phạm Văn Hai (Q. Tân Bình, TP.HCM) để bán với giá 12.000 đ/kg, bằng giá gần 10 kg lúa lúc đó! Thế là anh chuyển hẳn sang trồng sen.

Gia đình anh nay đã mua được đất cất nhà khang trang. Anh Bích là một trong những gương điển hình “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” của huyện Củ Chi.

Kinh nghiệm trồng sen của anh như sau:

Chọn thế đất: nên chọn chân ruộng trũng để trồng.

Làm đất: sau khi đã thu hoạch lúa, cày úp hết gốc rạ xuống và ngâm ruộng cho kỹ; bừa cho đất tơi xốp, phẳng.

Thời vụ: thường trồng vào tháng 1 - 2 dương lịch.

Cách trồng: có thể trồng bằng gốc sen hoặc tách nhánh (phát triển nhanh hơn); chọn nhánh dài khoảng 0,7 - 1 m, có 3 cụm lá là tốt nhất.

Chăm sóc: sau khi trồng từ 7 - 10 ngày, bón phân NPK với liều lượng 20 kg cho 1 ha; mực nước ruộng luôn để khoảng 25 - 30 cm, khi sen lớn sẽ dẫn thêm nước; khi sen gần kín ruộng (1 tháng 20 ngày), bón phân đợt 2, khoảng 100 kg NPK/ha, sau 1 tháng bón tiếp đợt 3, 100 kg/ha; thường xuyên cắt tỉa lá khô, lá già để sen quang hợp tốt hơn, ngó sen nhiều hơn.

Phòng trị bệnh: sen mọc dưới nước, có sức chống chịu cao, không có bệnh, tuy nhiên thỉnh thoảng bị sâu ăn lá, khắc phục bằng việc thường xuyên kiểm tra và cắt lá bị sâu vùi sâu xuống bùn.

Thu hoạch: từ khi trồng tới lúc thu hoạch, nếu đất tốt mất khoảng 2,5 tháng; mùa thu hoạch, ngó sen rộ nhất là từ tháng 1 đến tháng 5.

Hiếu Cầu - Khoa học phổ thông, 18/07/2010

 

Giòi đục lá sen - loài côn trùng mới

Tại ĐBSCL, diện tích trồng sen trong những năm gần đây gia tăng, người dân lại áp dụng biện pháp thâm canh nên sâu bệnh cũng phát triển theo và gây hại đáng kể. Trong cuộc điều tra để thăm dò và đề xuất biện pháp phòng trị gần đây, chúng tôi đã phát hiện một loại côn trùng lạ tấn công trên lá sen còn đang trải trên mặt nước.

Hiện nay, sen được trồng thâm canh ở nhiều tỉnh của vùng đồng bằng sông Cửu Long, chủ yếu là để lấy hạt xuất khẩu, với diện tích lên đến cả ngàn hecta, tập trung nhất là ở Đồng Tháp (Cao Lãnh, Tháp Mười và Châu Thành). Hầu hết các giống sen đều có hoa màu hồng, với chủ lực là giống C1 do Đài Loan nhập vào trồng để thu hoạch cho nhà máy của họ sơ chế thành hạt, tâm và nhụy sen trước khi xuất sang Đài Loan.

Do diện tích trồng gia tăng và việc áp dụng biện pháp thâm canh, sâu bệnh đã phát triển và gây hại đáng kể, nhất là bù lạch và sâu ăn tạp. Trong cuộc điều tra gần đây, chúng tôi đã phát hiện một loại côn trùng lạ tấn công lá sen. Lá bị đục thành những đường ngoằn ngoèo màu nâu (hình A). Ban đầu chỉ là những chấm nhỏ trên mặt lá non, dần dần chúng biến thành những đường đục luồn bên dưới mặt lá, ngày càng lan rộng và làm hư cả phiến lá. Nhìn kỹ thì thấy ở cuối đường đục có chỗ u lên, khi khơi ra sẽ thấy có một con giòi nhỏ màu xanh lá cây, dài 7 - 8 mm, có đầu lớn với hàm bén dùng để đục lá, mình thon, đuôi nhỏ và dài, có chùm lông tơ ở cuối (C). Khi đủ lớn chúng sẽ hóa nhộng bên trong đường hầm và độ một tuần lễ sau sẽ vũ hóa thành con muỗi màu nâu vàng, dài 4 - 5 mm, hơi lớn hơn con muỗi nhà (D). Muỗi đực có thân mình dài, bụng nhọn, với hai râu có nhiều lông tơ. Muỗi cái mập và tròn hơn, râu ngắn và có ít lông tơ. Sau khi bắt cặp, muỗi cái sẽ đẻ trứng vào trong nước và ấu trùng nở ra sẽ bơi đến bám và đục vào mặt dưới của lá trải trên mặt nước để chui vào sống.

Đây là một loài côn trùng mới mà chúng tôi chưa có tài liệu nào đề cập. Qua khóa phân loại của côn trùng thuộc bộ hai cánh (Diptera), có thể xác định loài này thuộc họ Chironomidae (muỗi nước), là một họ muỗi gồm có rất nhiều loài sống trong đầm lầy hay ruộng lúa. Ban đêm muỗi bay xuống để đẻ trứng vào trong nước, nở thành ấu trùng xuống sống trong bùn dưới đáy nước để ăn các chất hữu cơ đang mục nát và phân hủy chúng thành chất mùn. Vì vậy có thể xem đây là loại côn trùng có lợi. Mặt khác, vì chúng còn làm mồi cho cá con, nên có thể coi là nguồn tài nguyên thiên nhiên cần được bảo tồn. Ngược lại, cũng có một số loài ăn các chất hữu cơ còn tươi hơn nên có thể gây hại cho rễ của một số loài thực vật thủy sinh. Và chúng thường xuất hiện nhiều và gây hại nặng trong mùa mưa, làm chết lá khi cây sen còn non và làm sen chậm phát triển.

Hiện nay chưa cần áp dụng các biện pháp diệt trừ bằng hóa chất vì trong ao hay ruộng sen thường có nhiều cá ăn ấu trùng. Điều nên làm hiện nay là theo dõi và cập nhật thông tin để tìm biện pháp xử trí thích hợp.

TS. NGUYỄN VĂN HUỲNH (Đại học Cần Thơ) - Khoa học phổ thông, 24/07/2009

 

 

 

Trồng trọt mùa mưa, bão, lũ

 

 

 

 

 

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang