Việc kích thích cho cây thanh long ra hoa trái vụ được thực hiện từ lâu, nhưng việc sử dụng đèn sợi đốt với công suất 60 - 75W tiêu thụ lượng điện năng rất lớn, làm cho chi phí đầu tư sản xuất cao. Bên cạnh đó, diện tích trồng thanh long ngày càng tăng dẫn tới việc thiếu điện cung cấp.
Để đáp ứng được nhu cầu xông thanh long ngày càng tăng mà không thay đổi công suất thắp sáng, giảm chi phí tiền điện, tăng lợi nhuận là phải thay thế đèn sợi đốt loại 60 - 75W bằng đèn compact tiết kiệm điện loại 20 - 23W chống ẩm cho cây thanh long ra hoa trái vụ.
Xông Thanh long ra hoa trái vụ bằng đèn compact 20W
Trung tâm Tiết kiệm năng lượng (TKNL) Tiền Giang (Sở Công thương) đã thực hiện thí điểm một mô hình tại vườn trồng thanh long của ông Nguyễn Văn Thành (xã Tân Mỹ Chánh, TP. Mỹ Tho). Vườn trồng thanh long được chia thành 2 khu vực bằng nhau, khu A được chiếu sáng bằng 100 bóng đèn sợi đốt loại 75 W và khu B được chiếu sáng bằng 100 bóng đèn compact tiết kiệm điện loại 20 W.
Thời gian chiếu sáng của 2 khu vực như nhau (một chu kỳ 17 - 18 đêm, mỗi đêm chiếu sáng từ 5,5 - 6 giờ, bình quân chiếu sáng 100 giờ/chu kỳ). So sánh lượng điện năng tiêu thụ của khu B chỉ bằng 1/3 so với lượng điện năng tiêu thụ của khu A. Tỷ lệ ra hoa của khu B tuy chỉ đạt từ 81 - 91% so với khu A, nhưng theo đánh giá của nhà vườn thì không ảnh hưởng lớn đến sản lượng thu hoạch vì trái to, đều và bán được giá hơn.
Từ những kết quả nêu trên, Trung tâm TKNL Tiền Giang đã triển khai nhân rộng mô hình ra các xã trọng điểm trồng thanh long trên địa bàn huyện Chợ Gạo và các huyện lân cận. Trung bình mỗi năm trong vùng trồng thanh long trên địa bàn tỉnh có hàng chục hộ dân được Trung tâm TKNL Tiền Giang hỗ trợ trang bị đèn compact xông thanh long ra hoa trái vụ.
Mỗi bóng đèn compact hộ dân đăng ký sẽ được hỗ trợ 10.000 đồng nhưng không quá 10 triệu đồng/hộ/năm (theo Quyết định của UBND tỉnh về việc hỗ trợ thực hiện các giải pháp TKNL trên địa bàn tỉnh). Qua đó giúp hộ nông dân giảm chi phí sản xuất và tăng thu nhập, góp phần thực hiện chủ trương tiết kiệm điện hiện nay.
PHẠM LÝ NGÂN - Trung tâm TKNL Tiền Giang - Báo Ấp Bắc, 01/09/2014
Kích thanh long ra hoa bằng đèn compact
Chong đèn cho thanh long ra hoa trái vụ được thực hiện từ lâu, song việc sử dụng đèn sợi tóc với công suất 60 - 75 W tiêu thụ lượng điện rất lớn, dẫn tới chi phí đầu tư cho mỗi hecta cao, giảm tính cạnh tranh. Bên cạnh đó, diện tích thanh long ngày càng tăng đã dẫn tới việc thiếu điện. Giải pháp để tăng thêm diện tích thắp sáng mà không thay đổi công suất thắp, giảm chi phí tiền điện, tăng lợi nhuận là thay thế đèn sợi tóc 60 - 75 W bằng đèn compact 20 - 23 W chống ẩm cho thanh long ra hoa trái vụ.
Sau hai năm chuyển hướng sang sử dụng 100% bóng đèn compact, ông Ung Ngọc Hải - chủ trang trại Ngọc Hân ở thôn Dân Bình, xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận), người có 18 mẫu đất trồng thanh long với tổng cộng gần 14 ngàn trụ thanh long chia sẻ: Lượng điện tiêu thụ của bóng đèn compact giảm 2/3 và lượng hoa và trái ra tuy có giảm nhưng lại hợp lý hơn nên không phải mất công cắt bỏ bớt như sử dụng bóng đèn sợi đốt.
Ông Hải tính toán: Mỗi chu kỳ chong đèn kích thích cây thanh long ra hoa kéo dài từ 18 - 20 ngày (tùy tình hình thời tiết). Khi dùng bóng đèn compact, chi phí tiền điện bình quân mỗi trụ thanh long là 5.500 đồng/lần, bằng 1/3 so với trước đây và với diện tích hiện có, mỗi chu kỳ chong đèn ông Hải tiết kiệm được 154 triệu đồng tiền điện so với dùng đèn sợi đốt. Ông Hải cũng xác nhận, vốn đầu tư ban đầu sử dụng bóng đèn compact cao gấp 10 lần so với bóng đèn sợi đốt, song chỉ sau 3 chu kỳ thắp đã có thể lấy lại vốn bởi tiêu thụ điện ít hơn. Đây là yếu tố quan trọng để giảm chi phí đầu tư cho thanh long vụ nghịch, tăng diện tích trồng thanh long, tăng sức cạnh tranh trong kinh doanh.
Không riêng ông Hải, ông Nguyễn Dũng ở Hàm Thuận Nam cho biết, ông có khoảng 1.000 trụ (khoảng 1 ha) và đều đã sử dụng bóng đèn compact 20 W chống ẩm. Tiền điện một năm (3 vụ) phải trả là 10,685 triệu đồng, trong khi trước đây khi có sử dụng bóng đèn sợi đốt là trên 32 triệu đồng/năm. “Riêng chi phí tiền điện, mỗi năm tôi tiết kiệm trên 21 triệu đồng”. Không những thế năng suất thanh long cũng tương đương.
Lợi cả đôi đườngKhảo sát của Trung tâm nghiên cứu và phát triển thanh long Bình Thuận tại 187 hộ dân trồng thanh long có sử dụng 100% bóng đèn compact đều cho kết quả tương đương nếu cùng chế độ canh tác, chăm sóc, tuổi cây, thời điểm chong đèn, số giờ thắp đèn/đêm… Trong khi đó lại giảm 2/3 lượng điện tiêu thụ. Hơn nữa, tỷ lệ bóng hư hỏng khi gặp sự cố như mưa, gió trong thời gian chong đèn thấp hơn nhiều so với bóng sợi đốt. Đồng nghĩa, cùng một lượng điện nhưng số lượng thanh long được chong trong một đợt sẽ tăng lên, từ đó sản lượng sẽ nhiều hơn. Đặc biệt phù hợp với những hộ chong đèn bằng bình điện nhỏ, máy nổ hoặc những hộ chưa có điều kiện hạ bình, có thể thắp bằng điện sinh hoạt gia đình.
Ông Nguyễn Tấn Lân, phó giám đốc Công ty điện lực Bình Thuận tính toán: Nếu sử dụng đèn compact cho toàn bộ diện tích thanh long trên địa bàn tỉnh Bình Thuận (khoảng 19.000 ha), mỗi năm sẽ tiết kiệm 303.240.000 kWh. Với giá điện như hiện nay (1.339 đồng kWh) thì số tiền tiết kiệm được khoảng 406 tỷ đồng/năm. Không những thế, ông Lân cho biết, nó còn giúp giảm công suất đỉnh 297 MVA, giảm đầu tư 297 MVA, chi phí đầu tư giảm 679 tỷ.
Ông Lân cho biết thêm, riêng trong năm 2012, sản lượng điện tiêu thụ trong trồng thanh long chiếm 27,16% tổng sản lượng thương phẩm toàn tỉnh. Từ khi thực hiện phương án tiết giảm 50% phụ tải thanh long theo chủ trương của UBND tỉnh Bình Thuận, người dân chủ động điều chỉnh sản xuất, thay bóng đèn compact, chia làm nhiều đợt thắp sáng nên không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất. Công ty điện lực không còn phải cắt giảm phụ tải chong đèn thanh long, đảm bảo cung cấp điện liên tục để người dân an tâm sản xuất. Đến nay đã có khoảng 10 ngàn khách hàng trồng thanh long thực hiện việc điều chỉnh, tiết giảm sử dụng điện.
Cần kỹ thuật chuẩnĐể nghề trồng thanh long phát triển một cách bền vững và hiệu quả không chỉ ở Bình Thuận mà cả một số vùng khác như Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh…, bên cạnh việc chong đèn và thay thế bóng đèn sợi đốt bằng compact, nông dân đang rất cần một quy trình chăm sóc chuẩn bởi hiện nay hầu hết việc trồng và chăm sóc thanh long mới chỉ dựa trên kinh nghiệm của người nông dân.
MINH QUÂN, Khoa học phổ thông, 03/05/2013
Ngày 29/10, Hội nông dân tỉnh phối hợp với Trung tâm SEDEC Bình Thuận, đã tổ chức hội nghị đánh giá kết quả ứng dụng bóng đèn Compact cho thanh long ra hoa trái vụ. Tham dự hội nghị, có đại diện một số Sở, Ban ngành, Hiệp hội thanh long Bình Thuận, Trung tâm nghiên cứu& phát triển thanh long, Hội làm vườn,…và một số hộ dân trồng thanh long tại các huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc.
Mô hình ứng dụng bóng đèn tiết kiệm điện năng (Compact 20W, 3U) xử lý cho thanh long ra hoa trái vụ, được thực hiện từ đầu mùa khô năm 2007 đến tháng 5/2008, với sự hợp tác giữa Trung tâm SEDEC, Tổng công ty bóng đèn phích nước Rạng Đông (đơn vị hỗ trợ đèn thử nghiệm), và Hội nông dân ( đơn vị tổ chức nông dân tham gia). Đánh giá hiệu quả qua một thời gian ứng dụng tại các xã Hàm Mỹ, Hàm Cường, Hàm Minh…( Hàm Thuận Nam), Hàm Thắng, Hàm Hiệp, Hàm Liêm(Hàm Thuận Bắc), kết quả cho thấy một số ưu điểm vượt trội khi sử dụng bóng đèn Com pact. Trước hết sử dụng bền hơn 4 lần và tiết kiệm được 2/3 lượng điện so với bóng đèn dây tóc, giảm chi phí đầu tư, ít bị hư hỏng, tỷ lệ ra hoa của 2 loại bóng đèn tương đương nhau. Hơn nữa, do ít tiêu tốn điện năng, nên sử dụng bóng đèn Compact sẽ góp phần tiết kiệm điện, giảm giá thành cho thanh long trái vụ.… Tuy nhiên, theo các hộ nông dân sử dụng bóng đèn Compact, khó khăn lớn nhất hiện nay là giá thành bóng đèn Compact khá cao (37.000đ/chiếc) và rất dễ bị mất trộm.
Được biết, việc sử dụng bóng đèn Compact trong sản xuất cây ăn trái được ứng dụng tại các tỉnh Lâm Đồng, Tiền Giang… đã cho hiệu quả cao.
K. HẰNG - Bình Thuận, 4/11/2008
Trung tâm Tiết kiệm Điện năng tỉnh Tiền Giang vừa phối hợp với Công ty Cổ phần Bóng đèn Rạng Đông thử nghiệm mô hình “Dùng đèn compact thay thế đèn sợi đốt để xông thanh long ra hoa trái vụ”, bước đầu đạt hiệu quả kinh tế cao. Cách làm này giúp nhà vườn tiết kiệm điện, giảm chi phí sản xuất và nâng cao thu nhập.
Kết quả thử nghiệm cho thấy đèn compact tiết kiệm 75% điện năng so với đèn sợi đốt, tỉ lệ cây thanh long ra hoa đạt từ 70%-90%. Hiện nay, kỹ thuật này đang được Trung tâm Tiết kiệm Điện năng tỉnh Tiền Giang khuyến cáo và hướng dẫn các nhà vườn trồng thanh long áp dụng nhằm tiết kiệm nguồn điện đang thiếu hụt.
Th.Thanh - Người lao động, 13/05/2010
Xem tất cả các thông tin kỹ thuật trồng thanh long
- Kỹ thuật trồng cây ăn trái, rau màu, cây dược liệu và các loại cây khác
Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.