• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Trồng trọt

Bức tượng cho người… chữa bệnh "tiêu điên"

Tại lễ ra mắt Viện Công nghệ Sinh học miền Nam tại Gia Lai, một chi tiết đã khiến các đại biểu hết sức bất ngờ: Nông dân xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê đã đúc một bức tượng bán thân tặng ông Dương Hùng Đỗ - Chủ tịch Viện để tri ân ông - người đã nghiên cứu ra phân bón Địa Long, trị được 3 căn bệnh nan y trên cây hồ tiêu là chết nhanh, chết chậm và “tiêu điên”…

15 năm nuôi ý tưởng…

Tôi tìm đến Dương Hùng Đỗ vào một buổi chiều sau giờ làm việc. Văn phòng của ông còn nằm trong khuôn viên của Nhà máy Xi măng Gia Lai cũ. Có cảm giác sự chật chội của căn phòng như được gia tăng thêm bởi bộ “sưu tập rượu” của ông. Cơ man những thẩu lớn, thẩu bé mà toàn rượu ngâm củ đinh lăng… Chắt ra một cốc to rồi đi vào bếp, chốc sau ông bê ra một đĩa… su hào sống. Thấy sự ngạc nhiên của tôi, ông bảo: Chưa ăn su hào sống bao giờ phải không? Su hào bón phân Địa Long đấy, nếm thử xem… Tôi nhón một miếng đưa lên miệng. Quả là khác thật. Nó ngọt, không xơ và hoàn toàn không có vị hăng… Nhưng mà điều này thì liên quan gì đến chuyện ông tìm ra thuốc chữa ba căn bệnh nan y trên cây hồ tiêu? Ông Đỗ cười: Thì mọi bí quyết nó nằm trong Địa Long cả chứ đâu…

Ông Dương Hùng Đỗ hướng dẫn nông dân huyện Chư Sê kỹ thuật dùng phân bón Địa Long cho cây hồ tiêu. Ảnh: Ngọc Tấn

Câu chuyện bắt đầu từ những năm 2000 của thế kỷ trước… Dương Hùng Đỗ vốn là kỹ sư địa chất. Làm cơ quan nhà nước đã một thời gian nhưng cá tính thích sự độc lập tìm tòi đã khiến ông bỏ ra ngoài lập Công ty cổ phần Khai thác Khoáng sản. Có dịp đến với nông dân nhiều nơi, ở đâu ông cũng thấy nông dân dùng quá nhiều phân hóa học; xem nó như cứu cánh duy nhất để tăng năng suất cây trồng. Lên Tây Nguyên đến các vùng chuyên canh cây công nghiệp-nhất là hồ tiêu, tình trạng này lại càng trầm trọng. Họ đâu có hay sự lạm dụng đã làm hủy diệt toàn bộ hệ sinh vật, gây nên những vùng yếm khí, tạo điều kiện cho các loại nấm độc phát triển; làm tụt độ pH, mất đi tính chất vật lý của đất. Hậu quả là cây trồng không thể hấp thụ được nước và chất dinh dưỡng. Đó cũng là nguyên nhân chính gây nên những căn bệnh chết nhanh, chết chậm, xoăn lá (tiêu điên) nan y trên cây hồ tiêu.

Và ông đã không ít lần chứng kiến cảnh người nông dân bật khóc trước vườn tiêu giá trị tiền tỷ, chắt bóp bằng mồ hôi nước mắt của cả đời mình như bị cướp trắng trước mắt mà đành chịu bó tay. Điều đó đã thôi thúc ông phải tìm ra giải pháp gì giúp họ. Nuôi ý tưởng và theo đuổi nó suốt 15 năm ròng, cuối cùng tôi mới thành công - Dương Hùng Đỗ thở ra như cái ý tưởng khó khăn và nặng nề ấy ông vừa mới cởi ra được khỏi cân não ngay đây… Và quả thật suốt quãng thời gian đằng đẵng ấy, ông không nhớ đã phải bao đêm trăn trở, thậm chí gần như thức trắng. Chính người dân huyện Chư Sê không ít lần chứng kiến đã quá nửa đêm, vẫn thấy ông lọ mọ ngoài vườn hồ tiêu lấy mẫu thí nghiệm, hí hoáy ghi chép. “Bao nhiêu tiến sĩ, kỹ sư đã nghiên cứu hàng chục năm nay rồi mà đành chịu bó tay thì ông…”. Với suy nghĩ ấy đã có người không ngần ngại “tặng” ngay cho ông cái biệt hiệu “người điên chữa bệnh tiêu điên”. Và cũng với tâm lý ấy, khi ông công bố đã tìm ra thuốc chữa chẳng ai tin. Ông kể: Khi tôi công bố tại huyện Chư Sê, người trồng tiêu không một ai tin. Có một ông còn nắm áo tôi kéo ra vườn sừng sộ: Vườn tiêu nhà tôi trị giá gần 2 tỷ đồng đấy. Nếu ông chữa khỏi bệnh, tôi sẽ biếu ngay ông 1 tỷ đồng. Tôi chỉ cười, bỏ ra 25 triệu đồng làm bữa nhậu mời một số bà con đến, biếu họ 1 kg sản phẩm và hướng dẫn cách sử dụng. Đến lúc này vẫn chưa ai gỡ ra khỏi đầu ý nghĩ đây là trò quảng cáo của tôi…

Diệu kỳ “Rồng đất”

Không tiện kể với Dương Hùng Đỗ rằng trước khi đến hỏi chuyện ông, tôi đã làm một cuộc điều tra nhỏ. Người tôi tìm đến là Phan Văn Hậu ở thôn 5, xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê. Đây cũng là người đầu tiên có vườn hồ tiêu được ông Đỗ chữa hết bệnh. Dường như sợ tôi không tin, mở đầu câu chuyện Phan Văn Hậu đã rào đón: “Chúng em là nông dân, có sao nói vậy. Mà vườn tiêu nhà em được bác Đỗ cứu thì vẫn còn kia…”. Hậu quê ở Nam Định, vào Chư Sê lập nghiệp đã 21 năm nhưng mới bắt đầu trồng hồ tiêu từ năm 2001. Vốn chắt bóp bao năm, vay thêm ngân hàng 100 triệu đồng, Hậu đã có được vườn hồ tiêu 1.000 trụ. Chứa chan bao hy vọng, năm thứ 6 bước vào kinh doanh thì một nửa vườn bỗng nhiên vàng lá rồi rụng đốt. Đó là triệu chứng của căn bệnh chết chậm. “Vẫn biết đây là một trong 3 căn bệnh “nan y”, khó hy vọng cứu vãn nhưng với tâm lý “còn nước còn tát”, cứ nghe ai mách thuốc gì đặc hiệu là em mua về chữa” - Hậu kể. Tốn hết 10 triệu đồng mà căn bệnh quái ác vẫn không chuyển, bụng nghĩ “chữa bệnh cho tiêu không khéo người “tiêu” trước. Đang lúc tuyệt vọng thì ông Hoan-Trưởng thôn biết tin dẫn bác Đỗ đến. Sau khi xem xét, bác Đỗ về cử cán bộ kỹ thuật xuống. Và phép nhiệm mầu đã xảy ra… Một tháng sau, cả 500 trụ tiêu mắc bệnh của nhà em đã bật lá xanh và phát triển trở lại. Bốn năm nay rồi, thời gian đủ để đánh tan hết mọi hoài nghi nên em vẫn bảo các con: “Nói thì xui xẻo nhưng nếu bác Đỗ mà mất, thế nào bố cũng lập bàn thờ để nhớ ơn bác ấy!”.

Chẳng riêng trường hợp Phan Văn Hậu. Theo sự tìm hiểu của tôi, ở xã Ia Hlốp sau 3 năm dùng sản phẩm Địa Long, số vườn hồ tiêu chết chỉ chiếm 1% do các trường hợp bệnh quá nặng và không tuân thủ đúng quy trình. Những vườn hồ tiêu đứng trước nguy cơ xóa sổ bởi căn bệnh chết nhanh, chết chậm của xã Al Bá đã được phục hồi 100%. Tính chung tại huyện Chư Sê, tổng diện tích hồ tiêu được cứu khỏi các căn bệnh nan y đã có hơn 100 ha. Như vậy có nghĩa là ông Đỗ đã giành lại cho nông dân dư trăm tỷ đồng suýt đổ trôi sông. Và không chỉ với ý nghĩa tiền bạc trước mắt, cánh cửa giải pháp sản xuất bền vững cho nghề trồng hồ tiêu của nông dân Việt Nam cũng đã bắt đầu mở ra. Ông Hoàng Phước Bính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê dù còn có ý thận trọng cũng phải thừa nhận sản phẩm Địa Long là “có lý” và cho biết: Những vườn hồ tiêu sử dụng Địa Long đều không thấy bệnh chết nhanh, chết chậm. Ông đề nghị các nhà khoa học nghiên cứu thành công này để cho ứng dụng trên cả nước.

…Quay lại câu chuyện với ông Dương Hùng Đỗ, chợt cảm ra cái chất nông dân bình dị trong con người ông. Đem nhận xét nói ra miệng, ông cười lớn: “Thì chúng ta ai chẳng từ gốc rạ mà lớn lên”. Rồi ông nghiêm giọng: “Nói thật với anh là tôi đang có rất nhiều tiền; thậm chí không biết mình có bao nhiêu tiền. Tôi lao vào công việc gai góc bao năm nay cũng là vì cái tâm với nông dân. Nếu vì tiền, tôi chỉ cần giấu bí quyết là ăn đủ”. Quả thật là bí quyết chữa 3 căn bệnh “nan y”, ông đã hướng dẫn cặn kẽ rồi in phát không cho nông dân. Và cuộc trò chuyện hôm nay của tôi với ông cũng đã mấy lần ngắt quãng vì những cuộc điện thoại của người trồng hồ tiêu gọi đến. Ai hỏi ông cũng chỉ bảo cặn kẽ cách xử lý bệnh chết nhanh, chết chậm và bệnh “tiêu điên”: Dùng 2 kg phân bón Địa Long ngâm với 10 lít nước trong vòng 12 giờ sau đó chắt lấy nước trong, đập một quả trứng gà và 1 bịch sữa tươi 330 ml quấy đều rồi phun ướt hai mặt lá… Với hiện tượng hồ tiêu bị tháo đốt, rụng lá, Địa Long sẽ làm ngưng ngay. Còn nếu cây bị tháo đốt sẽ phục hồi sau 1 tháng. Riêng với bệnh “tiêu điên”, cây sẽ phục hồi và tăng trưởng trở lại sau 2 tuần.

Lại nhón một miếng su hào để cảm nhận lại cái vị khác biệt… Thì ra ngoài tác dụng hiệu nghiệm với bệnh trên cây hồ tiêu, Địa Long còn sử dụng tốt cho các loại rau màu, lúa, cây ăn quả và các loại cây công nghiệp khác. Ông Đỗ cho hay là trong năm nay, 3 dây chuyền sản xuất phân bón Địa Long tại Gia Lai sẽ đi vào hoạt động để đáp ứng nhu cầu của nông dân “Chứ không thì suốt ngày bà con cứ gọi đến, hỏi Địa Long bán ở đâu khiến mình cũng sốt ruột lắm rồi…” - ông Đỗ cười tươi.

Ngọc Tấn - Báo Gia Lai, 13/04/2015

Nhấn vào đây để xem tất cả các thông tin về trồng tiêu

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang