Theo đánh giá của các nhà khoa học, giá trị lớn nhất của cây trôm là mủ. Nhựa trôm là một hợp chất polysaccharide cao phân tử, khi thủy phân sẽ cho ra các đường D-galactose, L-rhamnose, acid D-galacturonic cùng một vài chất chuyển hóa acetylat và trimethylamin. Nhựa trôm chứa khoảng 37% uronic acid, nhiều khoáng tố như calcium và muối magnesium. Khi ngâm trong nước lạnh với tỉ lệ thấp (4%-5%) nhựa trôm sẽ trở thành dạng keo. Nhờ tính dính nên nhựa trôm thường được dùng làm chất để kết dính trong ngành dược và kỹ nghệ.
Mủ trôm khô, màu trắng, có nhiều tác dụng; vị ngọt tính mát, nhiều vi lượng, hàm lượng khoáng chất cao. Trong 100 g mủ trôm có chứa 101,06 mg Ca, Zn 0,29 mg, Na 5,27 mg, K 291,01 mg, Mg 43,01 mg, Fe 0,91 mg, glucid 64,06 g và một hàm lượng cao chất xơ hòa tan trong nước. Hạt trôm chứa 35,6% nước, 11,4% chất dầu, 35,5 chất vô cơ (trong đó có 2,4 các chất calci, phospho, sắt, kali, sulfur, đồng, vitamin C…), nhựa trôm được xem là thuốc nhuận tràng, dùng điều trị táo bón bởi chất xơ có thể trương nở lên gấp từ 8 - 10 lần, kết dính cặn bã độc hại trong ruột già, tăng lượng phân, tăng nhu động ruột nên có công dụng đào thải độc tố và chống táo bón. Mủ trôm còn có tác dụng điều hòa đường huyết, ổn định huyết áp, mát gan, giải độc gan, giúp mau lành vết thương. Mủ trôm được xem là thuốc.
Tuy nhiên hiện nay, người tiêu dùng lo ngại việc dùng thuốc kích thích cho cây Trôm cho mủ có gây độc hại hay không? Gần đây có nhiều thông tin cho rằng các hộ dân ở xã Vĩnh Hảo đã sử dụng sản phẩm kích thích mũ trôm Sagolatex 2.5PA.
Theo báo cáo của Chi cục Bảo vệ thực vật, các cửa hàng bán thuốc BVTV tại xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong hiện đang bán sản phẩm kích thích mủ cao su Sagolatex 2.5 PA do Công ty CP Bảo vệ thực vật Sài Gòn phân phối cho các hộ dân ở xã Vĩnh Hảo sử dụng trên cây Trôm để kích thích mủ trôm là đúng theo phản ánh của người dân.
Sản phẩm Sagolatex 2.5PA có hoạt chất là Ethephon (còn có tên khác: Bromeflor, Arvest, Ethrel), được đăng ký trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật năm 2013 của Bộ Nông nghiệp và PTNT có tác dụng kích thích mủ trên cây cao su; chưa đăng ký sử dụng cho cây Trôm. Hoạt chất có tên gọi là Ethephon thuộc danh mục thuốc bảo vệ thực vật, được sử dụng để kích thích ra mủ cao su, ra hoa các loại cây ăn quả... Sản phẩm này dễ hòa tan trong nước, ít độc với người và gia súc. Khi gặp nước, Ethephon chuyển thành Etylen – một hoocmon thực vật giữ vai trò chính trong quá trình chín và quá trình già hóa của cây trồng và nông sản, nên khi phun vào cây, quả, Ethephon xâm nhập vào tế bào, bị nước có trong tế bào phân hủy thành Etylen.
Tuy hoạt chất Ethephon ít độc đối với người và gia súc, nhưng khi nhà sản xuất chưa đăng ký sử dụng trên cây Trôm thì không được phép khuyến cáo sử dụng cho cây Trôm. Việc Công ty CP Bảo vệ thực vật Sài Gòn, các đại lý tuyên truyền bán thuốc kích thích mủ cao su và người sử dụng thuốc này cho cây Trôm là không đúng quy định.
Vừa qua, UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo Chi cục Bảo vệ thực vật tăng cường công tác tuyên truyền với người sản xuất Trôm và xử lý nghiêm các Đại lý, cửa hàng kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật quảng cáo sản phẩm Sagolatex 2.5PA có hoạt chất là Ethephon cho cây Trôm. Đồng thời, yêu cầu kiểm tra xử lý hành vi vi phạm của Công ty CP Bảo vệ thực vật Sài Gòn về hành vi không đăng ký hoạt chất Ethephon dùng cho cây Trôm nhưng trùng tên kinh doanh, tên hàng theo quy định pháp luật.
H.N - Báo Bình Thuận, 9/10/2013
Trồng và khai thác mủ trôm tại Ninh Thuận
1. Giá trị sử dụng
Trôm (Sterculia Foetida L.), tên tiếng Anh là Bastard poom thuộc họ Sterculiaceae, là loài cây gỗ lớn sống lâu năm. Trồng Trôm khoảng 20 năm thì cho khai thác, gỗ trôm không bị mối mọt, có thể dùng làm bao bì, quan tài, làm bột giấy, ván dăm, ván sợi gỗ. Trôm là loài cây đa mục đích, có giá trị kinh tế cao, rất phù hợp trồng ở vùng bán sơn địa, vùng khô hạn. Trôm là cây được sử dụng trong cơ cấu cây trồng rừng kinh tế và phòng hộ, phủ xanh đất hoang, đồi núi trọc, hạn chế thoái hóa đất và hoang mạc hóa ở những vùng khô hạn duyên hải Nam Trung Bộ.
Anh Nguyễn Văn Thắng ở xã Nhơn Sơn trồng và khai thác mủ trôm đem lại giá trị kinh tế cao. Ảnh: Sơn Ngọc
Giá trị kinh tế nhất của cây Trôm là gôm Trôm. Gôm Trôm chứa nhiều chất dinh dưỡng có giá trị cao, có tác dụng điều hòa đường huyết, ổn định huyết áp, mát gan, giải độc gan, mau lành vết thương, chống táo bón... Đây là loại nguyên liệu quan trọng dùng trong công nghiệp chế biến nước giải khát. Các bộ phận của cây Trôm có thể dùng làm thuốc và thực phẩm: hạt, dầu hạt, cơm hạt, gôm, vỏ cây, lá cây ... Vỏ cây Trôm có tác dụng lợi tiểu, sắc uống chữa phong thấp, lá trôm sắc uống chữa những chỗ phát ban lở loét, các bệnh về da…
Cây Trôm là cây nhiệt đới có 4 dạng thực vật: Trôm đỏ, Trôm hoa nhỏ, Trôm Nam bộ và Trôm hôi. Trong đó Trôm hôi là loại cây có giá trị kinh kế cao vừa là cây thuốc và cũng là cây thực phẩm. Cây trôm nếu được chăm sóc tốt, từ 5 đến 7 năm sẽ cho thu hoạch quanh năm, cách 1 tuần thu hoạch gôm 1 lần. Một cây trôm trồng sau 7 đến 10 năm có thể thu được 3 - 4 triệu đồng (chỉ tính gôm).
2. Yêu cầu sinh thái
2.1. Điều kiện về đất
Cây Trôm sinh trưởng tốt trên các loại đất có thành phần cơ giới nhẹ, ẩm, thoát nước tốt. Các loại đất có thành phần cơ giới nặng, thoát nước kém hay đất bí chặt, đất có độ đá lẫn hơn 40% ít thích hợp cho việc trồng Trôm.
2.2. Điều kiện về khí hậu
- Trôm là cây ưa ánh sáng, mọc nhanh,
- Cây sinh trưởng tốt trong điều kiện nhiệt độ trung bình năm từ 24 - 30 độ C. Trôm sinh trưởng quanh năm, đặc biệt thích hợp với vùng có chế độ khí hậu khô hạn.
- Lượng mưa trung bình năm từ 600 mm trở lên.
- Độ ẩm không khí >70 %.
3. Chọn giống và thu giống.
Thu hái hạt giống trên các cây mẹ có tuổi trên 10 năm, tán cân đối, lá có màu xanh đậm, thân thẳng. Cây sinh trưởng phát triển tốt, cho nhựa với năng suất cao, chất lượng tốt. Cây để thu hoạch hạt giống không nên khai thác mủ trong 1-2 năm nhằm đảm bảo sức sống cho cây và chất lượng hạt giống tốt. Quả Trôm chín tương đối tập trung trong tháng 1 đến nửa tháng 2 dương lịch.
* Kỹ thuật thu hái quả:
Khi chín, màu vỏ quả chuyển từ màu xanh sang màu đỏ. Chỉ thu hái các quả đã có màu đỏ còn ở trên cây bằng sào. Trong thời gian quả chín phải thường xuyên theo dõi, khi thấy màu quả chuyển từ xanh sang đỏ phải thu hái ngay. Nếu để chậm, quả khô hạt rơi ra ngoài khó thu hoạch (quả khô tự khai).
4. Cây con
Hạt đem ngâm nước ấm hai sôi, ba lạnh (2 phần nước sôi pha với 3 phần nước lạnh để có nước ấm với nhiệt độ khoảng 40 - 45oC) trong 12 giờ, sau đó ngâm tiếp hạt trong nước lạnh 12 giờ nữa rồi vớt ra để ráo nước và cho vào bao tải ủ. Trong thời gian ủ mỗi ngày rửa chua 1 lần. Sau 3 ngày ủ, hạt bắt đầu nứt nanh. Chọn những hạt nứt nanh đem gieo vào bầu đã chuẩn bị sẵn, chỉ chọn hạt nứt nanh tối đa là 4 ngày kể từ ngày hạt đầu tiên nảy mầm. Cũng có thể dùng hạt đã xử lý gieo trực tiếp vào bầu đất đã chuấn bị sẵn. Bầu đất có vỏ polyetylen (PE) kích thước phẳng 13 x 18 cm.
Kỹ thuật gieo hạt đã xử lý vào bầu: Khi gieo chú ý cắm nghiêng hạt 45o, đầu nhọn hạt xuống dưới, độ sâu gieo hạt khoảng 1cm. Gieo xong tủ rơm rạ lượng 1kg/ m2 mặt bầu. Sau 3 - 4 ngày gieo hạt thì dỡ bỏ rơm rạ che tủ (đối với hạt nứt nanh), 6 - 7 ngày (đối với hạt qua xử lý), kiểm tra và dùng hạt đã nứt nanh dặm ngay khi phát hiện hạt không nẩy chồi ở các bầu. Rơm rạ che tủ phải xử lý qua nước vôi trong để phòng tránh sâu bệnh hại.
Hoặc có thể gieo hạt trên luống và phủ lớp đất dày gấp 1 - 2 lần đường kính hạt, phủ rơm rạ, tưới nước đủ ẩm vào sáng sớm và chiều mát, làm cỏ xới đất và phòng trừ sâu bệnh. Khi cây được 3 - 4 lá thật nhổ cây mạ và cấy bào bầu đã chuẩn bị sẳn
- Tuổi cây: 3 tháng (90 ngày kể từ ngày gieo hạt)
- Cây cao HVN = 35 - 45 cm, đường kính cổ rễ DOO = 1,0 - 1,3 cm
- Tỷ lệ DOO / HVN = 1/35 - 1/45.
- Cây sinh trưởng bình thường, không bị cụt ngọn, không bị sâu bệnh
- Cây con trước khi xuất vườn phải được nghiệm thu về số lượng và chất lượng theo tiêu chuẩn qui định. Nếu để lâu trong vườn ươm thì 1 tháng đảo bầu 1 lần.
5. Kỹ thuật trồng
Có thể trồng Trôm thuần loại trên rẫy cũ hay đang canh tác, trên đất cát cố định nghèo dinh dưỡng.
- Xử lý thực bì: Xử lý thực bì cục bộ theo băng và được bố trí theo đường đồng mức, chiều rộng băng 2 mét.
- Làm đất: Sau khi phát dọn thực bì xong tiến hành đào hố theo qui cách 40cm x 40cm x 40cm. Khi đào hố phải cho lớp đất mặt qua một bên, đất phía dưới qua một bên. Việc đào hố phải hoàn thành trước khi trồng 10-15 ngày để có điều kiện kiểm tra quy cách hố trồng. Nơi có điều kiện nên bón lót mỗi hố 1 kg phân chuồng hoai và trộn đều trước khi trồng cây.
Bố trí mật độ trồng cây 4 m x 6 m (cây cách cây 4m, hàng cách hàng 6m) tương đương 416 cây/ha hoặc 5m x 5m (hàng cách hàng 5m, cây cách cây 5m) tương đương 400 cây/ha.
6. Chăm sóc
Cuốc cỏ với đường kính 1 mét, xới đất sâu 5 - 10cm vun gốc cao 10cm, tấp cỏ vào gốc cây để giữ ẩm. Số lần chăm sóc: 2 lần/năm. Thời gian chăm sóc: đầu mùa khô để kết hợp phòng chống cháy và chăm sóc đầu mùa mưa thúc đẩy sinh trưởng cây. Bón thúc 50gam NPK/cây kết hợp với xới cỏ vun gốc khi chăm sóc lần 1 (cây trồng 1-2 năm tuổi). Các năm sau, đường kính làm cỏ, xới đất và bón phân tăng dần, đặc biệt là phải bón phân hàng năm hoặc sau các đợt khai thác mủ cho cây trôm trong giai đoạn kinh doanh.
Thường xuyên kiểm tra bảo vệ, chống người và gia súc phá hại cây trồng.
7. Kỹ thuật khai thác mủ Trôm
Cây Trôm khai thác mủ bằng cách đục vào vỏ cây nhiều lỗ ở các vị trí khác nhau (khoảng cách lỗ 5 - 10cm, nhiều lỗ hay ít tùy theo đường kính cây to hay nhỏ), sau đó từ các lỗ bị đục tiết ra nhựa (mủ, gôm), quy trình lấy mủ quay vòng từ 2 - 3 ngày/cây, thời gian hết mủ từ 10-15 ngày, sau khi các lỗ tiết nhựa từ thân cây tự lành (hình thành thể chai bít kín vết thương) trở lại tiếp tục đục các lỗ khác để khai thác mủ. Sau khi khai thác mủ cần phải bón phân NPK cung cấp dinh dưỡng để bồi dưỡng cây nhằm khai thác bền vững mủ Trôm hàng năm.
Theo báo cáo của Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận cho biết toàn huyện có 47 gia đình trồng 160 ha cây trôm. Trong đó, các xã huyện Thuận Nam: Phước Nam có 40 hộ trồng 138,5 ha, Phước Dinh có 5 hộ trồng 16,5 ha, Phước Hải có 2 hộ trồng 5 ha.
Trôm là loài cây bản địa thích nghi với vùng đất gò đồi bán khô hạn ven biển, mật độ trồng 400 cây/ha. Sau 5 năm tuổi, cây Trôm có chiều cao trung bình 3,5m, thân cây có đường kính 25cm bắt đầu cho thu hoạch mủ mỗi năm 2 lần với năng suất 1 kg/cây. Giá mủ Trôm tại Ninh Thuận hiện nay là 240.000 đồng/kg. Cây Trôm qua 8 năm tuổi cho thu nhập trên 50 triệu đồng/ha/năm.
Mủ Trôm chế biến thành bột đóng thành gói nhỏ uống liền khi hoà tan với nước (sản phẩm có đường, sản phẩm không có đường), khối lượng tịnh 15 gram, sản phẩm thô chưa qua chế biến, hạt dùng để ép lấy dầu làm thực phẩm nấu ăn.
Ninh Thuận là tỉnh thiếu mưa thừa nắng, diện tích hoang mạc hoá nhiều, việc lựa chọn tính thích nghi cây Trôm trồng trên vùng bán khô hạn, sẽ góp phần làm giảm diện tích hoang mạc, chống xói mòn ở vùng đất núi đá, tạo hệ sinh thái ổn định cho vùng bán khô hạn, góp phần tăng thu nhập cho người dân ở vùng này. Sản phẩm mủ Trôm có nhiều công dụng về y học, thực phẩm, mỹ phẩm... Thời gian tới, Ninh Thuận sẽ phát triển diện tích cây Trôm vừa bảo vệ môi trường xanh, vừa mang lại hiệu quả cho nghề trồng Trôm ở tỉnh nhà. Kiến nghị ngành nông nghiệp triển khai quy hoạch vùng trồng Trôm để giúp người dân phát triển sản xuất và kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy chế biến mủ Trôm tại Ninh Thuận với công nghệ hiện đại đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong việc chăm sóc sức khoẻ cộng đồng.
Phạm Châu Hoành - Báo Ninh Thuận, 31/07/2013
Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây trôm
Cây trôm là loại cây đa mục đích, có giá trị kinh tế cao, rất phù hợp trên ùng đất đồi, núi đất khô hạn. Là loại cây mang đặc tính ưa sáng, ẩm. Tại Việt Nam cây trôm phân bố tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung Bộ như Kom Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Khánh Hòa và đặc biệt vùng có chế độ khô hạn như: Bình Thuận, Ninh Thuận.
Hiện nay, cây trôm trồng nhiều tại các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận mang lai thu nhập cao cho nhiều nông dân. Giá trị lớn nhất của cây trôm là mủ. Đây là nguyên liệu quan trọng trong công nghiệp chế biến nước giải khát. Bên cạnh giá trị của mủ, trôm là loại cây thân gỗ, sống lâu năm trồng khai thác gỗ rất kinh tế. Gỗ trôm có thể dùng làm bao bì, bột giấy, ván dăm, ván sợi. Ngoài ra lá cây có thể làm thức ăn gia súc, hạt cây để ép dầu…
Cây trôm là loại cây dễ trồng. Sau khi trồng ở vùng đất tốt và chăm bó kỹ khoảng 3-4 năm thì cây trôm bắt đầu cho mủ.
1. Kỹ thuật trồng:
Tạo cây con:
- Thu hái hạt từ những cây 10-15 tuổi, sinh trưởng tốt, thân cành cân đối, Quả trôm chín tập trung từng chùm, quả chín rải rác từ tháng 1 đến cuối tháng 2 dương lịch. Chín tương đối tập trung trong tháng 1 đến nửa tháng 2 dương lịch. Khi quả chín màu quả chuyển từ màu xanh sang màu đỏ. Chỉ thu hái các quả đã có màu đỏ còn ở trên cây bằng sào. Không được thu hái quả còn xanh. Trồng thời gian quả chín phải thường xiêng theo dõi, khi thấy quả chuyển từ màu xanh sang màu đỏ phải thu hái ngay. Nếu để chậm, quả khô hạt rơi ra ngoài khó thu hoạch.
- Hạt sau khi thu hái cần gieo ngay, tránh bao quanh hạt. Ngâm hạt vào nước 2 sôi 3 lạnh trong vòng 24 giờ, để ráo và ủ 2-3 ngày, hạt nảy mầm đang gieo vào bầu.
- Bầu làm bằng vỏ Pôlyêtylen cỡ 14x20cm, thủng đấy có đục lỗ xung quanh, ruột bầu gồm 60% đất cát pha + 30% đất sét + 10% chuồng hoai tính theo khối lượng.
Ở vùng khô hạn đặt bầu lên luống chìm ở độ sâu khoảng 15cm sau cho bề mặt bầu ngang với bề mặt đất, tưới đủ ẩm cho cây trước và sau khi cấy. Thời gian đầu cần có rơm rạ tủ kín hoặc làm dàn che để che nắng chắn gió cho cây.
- Sau 10-15 ngày cây sống ổn định, dỡ bỏ vật liệu che chắn, tiếp tục tưới nước mỗi ngày 2 lần đảm bảo đủ nước cho cây.
- Tiêu chuẩn cây con đem trồng : 3-4 tháng tuổi, cao 35-45cm.
Cách trồng:
- Thời vụ vào đầu mùa mưa khi đất đã đủ ẩm.
- Cự ly hàng cách hàng 4x4m hoặc 3x3m hoặc 2.5x3m tùy vào vùng đất ta trồng cho thích hợp.
- Hố quy cách thông thường cuốc hố sâu từ 40-60cm, rộng 40 cm trồng giống như cây thông thường khác.
2. Chăm sóc:
Làm cỏ sạch giữa 2 hàng cây, cây mới trồng phải tưới nước, 1 năm bón phân 2 lượt phân lân hoặc NPK, khi cây khép tán phải dọn sạch gốc cây. Thời gian chăm sóc: Đầu mùa khô và đầu mùa mưa.
Sâu bệnh hại: Cây trôm hay bị rầy trắng bám lá cây bị sâu ăn lá non vào đầu mùa mưa, ngoài ra lá trôm loại thức ăn bò dê rất ưa thích ăn nên trồng trôm cần phải trong coi theo dõi kẻo bị gia súc phá hoại.
3. Kỹ thuật khai thác
Đặc tính cây trôm sống được trên các vùng đất núi khô cằn nắng hạn, riêng trên đất khô cằn nắng hạn thì trôm trồng khoảng 5-7 năm tuổi bắt đầu khai thác, thời điểm lấy mủ trôm tốt nhất vào mùa nắng. Cây trôm cho lượng mủ nhiều hơn, bình quân 1 cây cho khoảng 1-1.5kg/cây.
Mủ trôm khai thác bằng cách “đục” vào vỏ cây nhiều lỗ vuông hoặc tròn ở các vị trí khác nhau (mỗi lỗ khoảng 2x2cm) sâu đến tận lớp trong thân cây, nhiều lỗ hay ít tùy theo thân cây to hay nhỏ. Sau đó, từ các lỗ đục tiết ra nhựa (mủ), quy trình lấy mủ quay vòng từ 2-3 ngày, thời gian hết lấy mủ từ 10-15 lần sau khi các lỗ tiết nhựa từ thân cây tự lành trở lại. Người ta tiếp tục “đục” các lỗ khác để lấy mủ. Sau đó đục vỏ thân đụng tới gỗ để mũ trôm tiết ra. Mủ trôm tiết ra đông thành từng cục nhỏ tựu bám vào vỏ cây trên, miệng lỗ đục. Lỗ đục so le quanh thân cây. Sau khi lấy mủ chỉ cần phơi mủ trôm dưới ánh nắng gắt trong thời gian 1-2 ngày là có thể đem bán.
Khi mủ trôm lấy từ thân cây vào thì phải phân loại ngay: Mủ trắng là loại 1. Mủ vàng là loại 2,3 để dễ bán.
Lưu ý: Nếu khai thác mùa mưa mủ trôm phải lấy liên tục trong ngày không được để mủ trôm dính nước mưa vì trong nước mưa có axit nên mũ sẽ bị vàng và mủ sẽ bị hư. Giá trị kinh tế của cây trôm là mủ trôm chứa nhiều giá trị dinh dưỡng cao có tác dụng điều hòa đường huyết, ổn huyết áp, mát gan, giải độc, mau lành vết thương… đây là nguyên liệu quan trọng dùng trong khu công nghiệp chế biến nước giải khát.
Bích Diệu - Ban TNNT Tỉnh Đoàn - Báo Bình Thuận, 1/3/2013
Kỹ thuật trồng cây Trôm
Tên khoa học: Sterculia foetida L.
Họ thực vật: Trôm (Sterculiaceae)
Công dụng
Gỗ dùng trong xây dựng, xẻ ván, đóng đồ mộc, dễ gia công chế biến. Vỏ làm thuốc lợi tiểu và có chất nhầy làm săn da; lá làm thuốc kháng sinh, tiêu viêm, nhuận tràng. Hạt có dầu béo, màu vàng nhạt, dịu, có tác dụng nhuận tràng, lợi trung tiện, chữa ghẻ, thắp sáng, có thể ăn được và xay bột làm nhân bánh.
Đặc biệt nhựa có dạng keo, dễ tan trong nước, chứa nhiều chất bổ dưỡng dùng để chế các loại nước giải khát, giải nhiệt cao cấp nên có giá bán rất đắt, có khi tới 200.000-300.000 đồng/kg.
Cũng là cây gỗ lớn, thường xanh, tán rậm được trồng trên đường phố, trong công viên, là cây xanh tạo cảnh quan và bóng mát rất được ưa chuộng.
Đặc điểm hình thái
Cây gỗ trung bình đến lớn, cao 15-20m, đường kính tới 50-60cm, thân hình trụ, gốc có múi, vỏ màu nâu đậm, phân cành cao, mập, gãy khúc, tán rộng, dày.
Lá kép chân vịt có 5-9 lá, cuống ngắn dày 1cm. Lá dài 30cm, màu xanh lục đậm, bóng nhẵn, có nơi rụng vào mùa khô, gân bên xếp song song nổi rõ cả 2 mặt. Cuống chung dài 10-20cm, mảnh.
Cụm hoa dạng chuỳ, xuất hiện cùng với lá non. Hoa tạp tính, có mùi hơi hôi, lá đài màu đỏ mặt trong, có ít lông mép. Nhị đực và bầu trên 1 cột, mang 1-15 bao phấn. Bầu có 5 lá noãn. Hoa nở tháng 2-3, quả chín tháng 10-12.
Quả gồm 1-5 ngăn, hình trứng, dài đến 10cm, đầu hơi nhọn. Vách quả dày, cứng hoá gỗ, màu đỏ sau chuyển qua đỏ đến đen. Hạt nhiều, 10-15 hạt/ quả, thuôn dài 1,8-2cm, màu đen bóng.
Đặc tính sinh thái
Mọc hoang trong rừng nhiệt đới, ở Việt Nam gặp nhiều trong rừng bán thường xanh vùng khô hạn Nam Trung bộ thuộc các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hoà,…
Chịu được khí hậu khắc nghiệt, nắng nóng, lượng mưa thấp, 600-700mm/ năm, nhiệt độ đất và không khí cao có khí đến 40-45oC với 6-7 tháng mùa khô, đất trống đồi trọc nghèo xấu trên các loại đá mẹ thô như Granit, phù sa cổ, sa thạch, thậm chí có 80-90% là cát hay có nhiều đá lẫn hoặc đá lộ đầu. Mọc tốt trên vùng có khí hậu mưa ẩm, lạnh rét hơn trên đất phù sa, đất hình thành trên các loại đá mẹ hạt mịn, tầng dày, chua đến ít chua.
Trôm có khả năng chịu nắng, chịu nóng, chịu hạn rất cao trong điều kiện môi trường đất rất nghèo xấu thiếu mùn và dinh dưỡng.
Kỹ thuật gây trồng
Tạo cây con:
- Thu hái hạt từ những cây 10-15 tuổi, sinh trưởng tốt, thân cành cân đối.
- Hạt sau khi thu hái chế biến cần gieo ngay, tránh làm rụng lớp lông bao quanh hạt. Ngâm hạt vào nước 2 sôi 3 lạnh trong 24 giờ, để ráo và ủ 2-3 ngày, hạt nảy mầm đem gieo vào bầu.
- Bầu làm bằng vỏ Pôlyêtylen cỡ 14x20cm, thủng đáy có đục lỗ xung quanh, ruột bầu gồm 60% đất cát pha + 30% đất sét + 10% phân chuồng hoai tính theo khối lượng.
- ở vùng khô hạn đặt bầu trên luống chìm ở độ sâu khoảng 15cm sao cho bề mặt bầu ngang với bề mặt đất, tưới đủ ẩm cho cây trước và sau khi cấy. Thời gian đầu cần có rơm rạ tủ kín hoặc làm dàn che để che nắng chắn gió cho cây.
- Sau 10-15 ngày cây sống ổn định, dỡ bỏ vật liệu che chắn, tiếp tục tưới nước mỗi ngày 2 lần đảm bảo đủ nước cho cây.
- Tiêu chuẩn cây con đem trồng: 3-4 tháng tuổi, cao 35-45cm, đường kính cổ rễ 3-4mm.
Cách trồng:
- Mật độ tuỳ theo phương thức trồng:
Nông lâm kết hợp với Dứa, Chuối, Điều,… 550cây/ha (3x6m hoặc 3,5x5m).
Thuần loài toàn diện: 1100cây/ha (3x3m).
- Thời vụ trồng vào đầu mùa mưa khi đất đã đủ ẩm.
- Xử lý thực bì cục bộ nơi thưa, theo băng nơi dày.
- Cuốc hố 40x40x40cm.
- Bón lót 3-5 kg phân chuồng hoai/hố, nơi có điều kiện bón 10kg/hố.
- Chăm sóc: Năm đầu sau khi trồng 2-3 tháng vun xới gốc rộng 1m và tủ cỏ rác giữ ẩm cho cây. Năm thứ 2 và 3, mỗi năm chăm sóc 2 lần vào đầu và cuối mùa mưa, phát luỗng cây cỏ xâm lấn và vun xới, tủ gốc như năm thứ 1.
Khai thác, sử dụng
Các mô hình:
Trước đây người dân ở Ninh Thuận vào mùa khô thường vào rừng tự nhiên trích nhựa Trôm bằng phương pháp thủ công. Mỗi ngày công trích được 2-3kg nhựa, bán được 600.000-700.000 đồng để tăng thêm nguồn sống. Gần chục năm lại đây bằng kinh nghiệm bản thân và kiến thức bản địa nhiều gia đình đã gây trồng thành công trong vườn nhà hoặc trên nương rẫy.
Trôm trồng trong vườn nhà, ở đất xám phát triển trên đá Granít và phù sa cổ khu vực Núi Chúa - Ninh Thuận với diện tích 1ha, mật độ 400-833cây/ha xen với Chuối, Dứa, đạt đường kính bình quân 14,8cm, chiều cao 4m ở tuổi 6.
Trôm trồng trong trang trại rừng đất đồi núi trọc, vàng đỏ trên Granít ở Sông Trâu - Ninh Thuận, diện tích 1,5ha, mật độ 400-833cây/ha xen Điều, Chuối, Dứa, 6 tuổi, đạt đường kính bình quân 9,5cm, cao 3,8m.
Trôm trồng thuần loài trên đất trống trọc ở Ninh Phước - Ninh Thuận, đất xám vàng trên đá granít có đá lộ đầu, diện tích 4ha, mật độ 400cây/ha (5x5m), 4 tuổi, đạt bình quân đường kính 5cm, chiều cao 1,65m.
Khai thác:
Cây trồng 4-5 năm cao 5-6m, đường kính 10-12cm bắt đầu khai thác nhựa. Dùng đục tạo lỗ trên thân, cỡ 2x2cm ở độ cao 0,5m trở lên. Các lỗ đục xen kẽ nhau, có chiều sâu qua lớp vỏ vừa chạm phần gỗ. Không khai thác nhựa vào tháng 3-4 khi cây rụng lá. Đó là cách khai thác nhựa truyền thống đang được sử dụng ở Ninh Thuận, gây ảnh hưởng xấu tới sinh trưởng của cây.
Để khắc phục tình trạng đó đã có thử nghiệm thành công bước đầu bằng cách cắt phần ngọn của một số cành to, buộc chặt túi nilông hứng nhựa vào đầu cành mà không phải đục vào thân cây.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Đặng Đình Bôi, Bùi Anh Tuấn, 2004. “Cây trôm, một cây quý đang được phát triển ở Ninh Thuận”. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Ninh Thuận.
Trần Hợp, 2002. “Tài nguyên cây gỗ Việt Nam”. Nhà xuất bản Nông nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh.
Đặng Văn Thuyết, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam - Viện Nghiên cứu và Phát triển Lâm nghiệp Nhiệt đới , 30/11/2011
- Kỹ thuật trồng cây ăn trái, rau màu, cây dược liệu và các loại cây khác
Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.