Tưới nước cho cây trồng là yêu cầu rất quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, là một trong các biện pháp thâm canh. Để tưới có hiệu quả cần chọn phương pháp tưới phù hợp với từng loại cây trồng, điều kiện đất đai, điều kiện địa hình và nguồn nước. Một số phương pháp đang áp dụng hiện nay tưới cho cây trồng, đó là: Tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt, tưới theo rãnh, tưới tràn; sau đây chúng tôi xin cung cấp một số thông tin về tưới phun mưa.
Tưới phun mưa: Sử dụng máy bơm nước cột áp cao kèm theo ống dẫn và mũi phun tạo mưa. Đây là phương pháp tưới hiện đại có tác dụng nhiều mặt cả về tạo độ ẩm cho đất và làm mát cho cây, kích thích sinh trưởng cho cây và đặc biệt có thể tiết kiệm được 30-50% khối lượng nước so với phương pháp tưới tràn theo rãnh.
Phương pháp và kỹ thuật tưới phun mưa đang được phát triển mạnh trên thế giới; nhất là các nước công nghiệp phát triển thì kỹ thuật tưới phun mưa đã được sử dụng trên 90% diện tích đất trồng trọt. ở Việt Nam những năm gần đây kỹ thuật tưới phun cũng đang được triển khai. Đối với tỉnh Quảng Trị kỹ thuật tưới phun mưa được áp dụng tưới cho các loại cây: hoa, rau màu ở một số vùng ven đô như An Lạc phường Đông Giang…
I. cấu tạo của hệ thống tưới phun mưa:
1. Nguồn nước: Sử dụng nguồn nước mặt (ao hồ, sông, suối), hoặc nước ngầm (Giếng khoan đào); Song chất lượng nước tưới phải đảm bảo và trữ lượng dồi dào.
2. Máy bơm để tạo áp hoặc dùng cột nước địa hình ở một số vùng núi cao (thông qua hồ đập trên các khe suối). Kinh tế nhất là dùng được đầu nước tự nhiên so với dùng bơm. Hệ thống tưới phun như vậy gọi là hệ thống tự tạo áp lực.
3. Động cơ: Có thể dùng động cơ điện hoặc động cơ Điêzen
4. Hệ thống đường ống: Nước từ nguồn được dẫn đến khu tưới bằng đường ống chính và ống nhánh. Trên các ống nhánh người ta lắp các vòi phun mưa nhân tạo để cung cấp nước cho cây trồng.
Có 02 loại đường ống thường dùng: Đường ống cố định và bán cố định:
a. Hệ thống tưới phun mưa với đường ống cố định:
Hệ thống ống dẫn được bố trí cố định dưới đất, vòi phun có thể bố trí cố định. hoặc di động. Cách bố trí này hiệu quả cao, quản lý vận hành tiện lợi, chi phí vận hành thấp, chiếm đất ít; thuận tiện cho việc tự động hoá nhưng hiệu suất sử dụng không cao vì cần nhiều đường ống. Do đó, vốn đầu tư trên một đơn vị diện tích lớn. Cho nên, hệ thống này chỉ thích hợp cho khu vực trồng rau, cây kinh tế có số lần tưới khẩn trương, khu vực có độ dốc mặt đất lớn, địa hình cục bộ phức tạp.
b. Hệ thống tưới phun mưa bán cố định:
ở hệ thống này, trạm bơm hoặc công trình tạo nguồn có đầu nước địa hình cố định và đường ống chính cố định, còn đường ống nhánh và vòi phun di động. Trên mỗi ống nhánh có từ 2 - 10 vòi phun. Loại này sử dụng khi tưới luân phiên. Do ống nhánh và vòi phun di động, nên việc dùng tưới luân phiên thì giảm được số lượng vòi và ống nhánh, cho nên vốn đầu tư giảm.
Nói chung, kinh phí đầu tư cho loại hệ thống bán cố định chỉ bằng 1/2 hoặc ít hơn so với kinh phí đầu tư hệ thống cố định nên được nhiều nước sử dụng.
Việc di dộng đường ống nhánh có thể bằng thủ công hoặc cơ giới. Hiện nay, phương thức cơ giới được sử dụng nhiều vì giảm được nhân lực lại có năng suất cao.
5. Vòi phun: (có hai loại)
a. Vòi phun li tâm:
Nước từ lỗ phun ra vòi với một áp lực nhất định vào đỉnh chóp và bật trở lại thành những giọt mưa phân bố trên một diện tích hình tròn. Do tốc độ li tâm và tốc độ quay sau khi tia nước tách khỏi miệng vòi sẽ phân tán đều theo các phía, dưới tác dụng của lực cản không khí, tia nước phân nhỏ thành những hạt mưa theo bốn phía của đầu phun. Đặc điểm loại này là khi áp lực không lớn; mức độ phân bố mưa vẫn tốt. Do vậy, loại vòi phun này có thể dùng cho áp lực thấp và tầm phun gần.
b. Vòi phun tia:
Nguyên lý làm việc của loại vòi phun này là dòng nước áp lực từ miệng vòi phun bắn ra gặp sức cản của không khí phân tán thành những hạt mưa phân bố đều trên một diện tích hình tròn.
Để dòng nước phun được xa, trong ống phun lớn thường bố trí thiết bị chỉnh dòng. ở máy phun áp lực lớn người ta thường bố trí hai loại vòi phun. Vòi lớn có tác dụng phun xa, vòi nhỏ phun gần. Như vậy đảm bảo được mật độ phun đồng đều. Loại vòi phun này thường có áp lực lớn và tầm phun xa.
Bảng áp lực và tầm phun
Các đại lượng |
Áp lực thấp tầm phun gần |
Áp lực vừa, tầm phun vừa |
Áp lực cao, tầm phun xa |
Áp lực làm việc |
1¸3 |
3¸5 |
>6,0 |
Lưu lượng (m3/h) |
0,3¸11 |
11¸40 |
>40,0 |
Bán kính tầm phun (m) |
5¸20 |
20¸40 |
>40,0 |
Bảng trị số H/đ thích hợp với các loại cây trồng
H là áp lực làm việc đầu vòi (m cột nước), đ là đường kính miệng vòi (mm)
Loại cây trồng |
H/đ |
Các loại rau |
> 4.000 |
Cây lương thực và cây công nghiệp |
>3.000 |
Cây ăn quả |
>2.500 |
Cỏ chăn nuôi |
>2.000 |
II. Những ưu, nhược điểm tưới phun mưa:
1. Ưu điểm:Tưới phun mưa có thể thực hiện trên mọi địa hình; thoáng khí tốt khi phun, cải tạo điều kiện về khí hậu của khu tưới; tiết kiệm nước, bảo đảm mức tưới chính xác, phân phối nước tương đối đồng đều; tự động hoá khâu điều khiển và dễ dàng vận hành.
2. Nhược điểm: Vốn đầu tư và chi phí ban đầu lớn vì giá máy móc cao; tổn thất bốc hơi lớn khi phun; do đất được làm ẩm nên cỏ dại phát triển mạnh; quá trình tưới phun mưa khi các hạt mưa phun trên mặt đất gây nên sự nén chặt đất.
Hoàng Chiến Thắng, Chi cục Thuỷ lợi và PPCLB Quảng Trị, SNNPTNT Quảng Trị, 20/03/2012
Tưới phun mưa là hình thức đưa nước tưới tới cây trồng dưới dạng mưa nhân tạo nhờ các thiết bị máy móc thích hợp.
Tưới phun mưa là biện pháp kỹ thuật được dùng từ lâu trong canh tác rau, cây ăn quả, đồng cỏ, hoa kiểng, cây công nghiệp, …. Và, ngày càng được áp dụng rộng rãi ở qui mô lớn, nhất là ở các nước có nền nông nghiệp phát triển. Ở nước ta, gần đây, tưới phun mưa đã được ứng dụng rộng rải hơn cho các cây rau quả, hoa, bắp, cây kiểng, đặc biệt là trong các vườn ươm cây giống.
I/ Ưu, khuyết điểm của phương pháp tưới phun mưa:
1/ Ưu điểm:
1.1 Năng suất lao động cao do quá trình tưới được tự động hoá, có thể tăng gấp chục lần so với tưới thông thường.
1.2 Cho phép dùng phân hoá học, các chất khử trùng đã hoà tan trong nước để rải xuống mặt ruộng một cách đều và hiệu quả hơn.
1.3 Tiết kiệm nước rất nhiều. Hệ số sử dụng nước đạt từ 90-95% và rất có ý nghĩa với vùng hiếm nước hay lấy nước khó khăn. Tưới phun có thể cho phép tưới chính xác diện tích cần tưới với đúng lưu lượng yêu cầu, và đảm bảo tính hiệu quả của lượng nước tưới
1.4 Thoả mãn yêu cầu sinh lý của cây trồng về nước cũng như lớp đất có bộ rễ cây hoạt động, và bề mặt lá đều được tưới và làm sạch bụi bám trên lá rất hữu ích cho sinh trưởng phát triển của cây. Điều hoà tiểu khí hậu (chống nóng, lạnh, sương muối cho cây trồng ).
1.5 Có thể thực hiện trên vùng đất dốc, địa hình phức tạp. Chiếm ít diện tích đất, và có thể áp dụng với các loại đất khác nhau.
2/ Khuyết điểm
2.1 Chi phí đầu tư ban đầu để xây dựng hệ thống tưới tương đối lớn, người sử dụng cũng phải có hiểu biết nhất định về kỹ thuật và quản lý .
2.2 Chất lượng tưới phun mưa (sự phân bố hạt trên diện tích tưới) phụ thuộc vào điều kiện thời tiết (vận tốc và hướng gió).Với vận tốc gió V > 5,6m/ giây phải ngừng phun tưới để tránh sự phân bố không đều.
Tuy nhiên, nhược điểm trên của tướiphun mưa không đáng kể so với những ưu điểm. Vì thế, phương pháp này được áp dụng rộng rãi.
II/ CẤU TẠO HỆ THỐNG TƯỚI PHUN MƯA
Hệ thống thiết bị tưới phun mưa gồm tổ máy bơm nước, các ống dẫn, các vòi phun và các thiết bị phụ trợ.
Hệ thống tưới phun mưa:
1- Nguồn nước 2- Bộ lọc 3- Bơm nước
4- Van điều chỉnh 5- Đường ống chính 6- Đường ống phun
7- Đường ống nhánh 8- Vòi phun sương
-Tổ máy bơm và động cơ có nhiệm vụ hút lấy nước từ nguồn nước cấp cho hệ thống phun mưa dưới dạng áp lực. Máy bơm nước thường thường sử dụng là bơm ly tâm cột áp cao. Hai chỉ tiêu cơ bản của bơm cần quan tâm là chiều cao cột áp H(m) và lưu lượng Q (m3/giờ hoặc m3/giây). Chiều cao cột áp là tổng của chều cao hút và chiều cao đẩy. Đây là hai chỉ tiêu quan trọng để chọn công suất yêu cầu của máy bơm và công suất của động cơ cho phù hợp. Động cơ sử dụng có thể là động cơ điện hoặc động cơ dầu (Diesel).
-Hệ thống ống dẫn chịu áp lực có các cở khác nhau với đường ống chính, đường ống nhánh, và đường ống phun.
-Thiết bị phunhayvòi phun là thành phần quan trọng trong hệ thống tưới phun vì nó quyết định hiệu quả của toàn hệ thống.Có hai loại vòi phun là phun li tâm và phun tia.
+ Vòi phun li tâm: hạt sương được tạo ra do nước từ lỗ của vòi phun phun ra với áp lực nhất định đập vào đỉnh chóp, rồi đập trở lại. Đây là loại vòi phun dùng áp lực thấp và tầm phun gần (R < 5m) thích hợp với tưới hoa, kiểng, rau ở quy mô nhỏ.
+ Vòi phun tia: hạt mưa được tạo thành do dòng nước với áp lực lớn đi qua các lỗ phun có đường kính nhỏ. Đây là thiết bị phun có áp lực vừa và cao, có tầm phun xa hơn.
III/ NHỮNG ĐIỂM CẦN LƯU Ý KHI BỐ TRÍ LẮP ĐẶT HỆ THỐNG TƯỚI PHUN
3.1 / Đảm bảo độ đồng đều khi tưới
Độ đồng đều phun mưa chịu ảnh hưỡng của các yếu tố: kiểu, loại vòi phun, áp lực, và đường kính vòi phun. Ngoài ra, cách bố trí vòi phun, độ cao và hướng đặt vòi, hướng gió …. ảnh hưởng rất lớn đến sự phân bố hạt mưa. Diện tích tưới thường có hình tròn; vì vậy, các vòng tròn phun của các vòi phải chờm lên nhau để đảm bảo sự phân bố đều khi tướ .
3.2 / Bố trí vòi phun mưa
Trong thực tế thường sử dụng 3 kiểu bố trí:
- Hình tam giác: Vòi phun đặt tại các đỉnh hình tam giác.
- Hình chữ nhật: Vòi phun đặt tại các đỉnh hình chữ nhật.
- Hình vuông: Vòi phun đặt tại các đỉnh hình vuông.
R:Bán kính phun mưa.
a:khoảng cách giữa 2 vòi phun.
b:khoảng cách giữa 2 đường ống nhánh.
3.3 / Lắp đường ống dẫn nước
Đường ống dẫn nước của hệ thống tưới phun mưa bao gồm: đường ống dẫn chính, đường ống dẫn phụ, đường ống nhánh … Các ống dẫn trước khi lắp đặt cần kiểm tra không bẹp, nứt, vỡ là đảm bảo yêu cầu.
3.4/ Đặt bơm
Máy bơm đặt ở gần nguồn nước, ở địa điểm thuận tiện (trung tâm của vùng cần tưới, thuận tiện cho việc lắp đặt và chăm sóc, bảo vệ…) và nên lắp ở vị trí nằm ngang.
Khi lắp các vòi phun cần chú ý chọn vị trí ống có tình ổn định cao và ít đoạn cong nhất .Đảm bảo diện tích cần tưới có hiệu quả nhất. Khi bố trí đường ống sao cho không ảnh hưởng đến các khâu canh tác khác như cày bừa, chăm sóc, thu hoạch…)
KS. Quang Mẫn - Khuyến nông TPHCM (Theo tài liệu của Cục Chế Biến Nông Lâm sản và ngành nghề nông thôn)
Tưới phun đem lợi cho nông dân
Vừa qua, về một số xã vùng sâu của hai huyện Xuân Lộc và Định Quán (Đồng Nai), Người nông thôn (NNT) tui thấy vào buổi chiều nhiều bà con nông dân tập trung nơi đầu bờ ruộng, rẫy vừa uống nước vừa chuyện trò khá rôm rả. Thấy lạ, NNT cũng ghé lại hỏi chuyện:
- Có chuyện gì quan trọng hay sao mà chiều mát rồi mà bà con mình vẫn tập trung ở đầu bờ vậy?
- Có chuyện gì quan trọng đâu, chỉ là rảnh rỗi nên tụi tui tập trung lại vừa uống nước vừa chuyện phiếm cho vui. Trước đây, vào buổi chiều thì tụi tui ai cũng phải lo tưới cho cây trồng hoặc vun gốc, song giờ có cây tưới phun làm giùm rồi, chỉ ngồi coi khoảng 30 - 40 phút thì dời cây tưới phun một lần nên mới có thời gian rảnh rỗi ngồi tán dóc với nhau.
- Áp dụng khoa học vào sản xuất là bà con mình nhàn hẳn ra, chứ cách đây vài vụ về nơi này NNT tui thấy bà con còn vất vả, khổ sở để kéo dây tưới cho cây trồng.
- Cũng là cái khó ló cái khôn thôi, làm nông ngày càng khó khăn vì giá cả vật tư đầu vào liên tục tăng, đặc biệt là công thợ. Những vụ trước, công thuê thợ chỉ khoảng 50 - 60 ngàn đồng/người/ngày, nhưng giờ trả 80 - 100 ngàn đồng/người/ngày cũng khó kiếm. Từ cái khó, tụi tui ngồi bàn bạc với nhau và rồi tìm ra cách dùng béc phun mà các khu công nghiệp hay dùng để tưới cỏ lắp vào một cây cao để tưới cho các loại cây trồng như: bắp, đậu, rau màu, cà phê, tiêu... Sau một thời gian tụi tui vừa làm vừa cải tiến, thấy có nhiều điểm lợi đã học nhau nhân rộng ra. Cũng nhờ mỗi người cải tiến một chút nên hiện cây tưới mới được vậy. Từ khi có cây tưới, tụi tui tiết kiệm được rất nhiều công tưới. Ngoài ra, cây trồng được tưới phun giảm một số loại bệnh, đồng thời có đủ độ ẩm phát triển tốt năng suất cũng cải thiện rõ rệt. Song, điểm khiến tụi tui mừng nhất là cây tưới phun tiết kiệm được 30 - 40% lượng nước tưới nên mùa khô bớt lo hạn.
- Chắc giá của mấy cây tưới phun mắc nên NNT tui thấy bà con ở nhiều nơi trong tỉnh chưa dùng phổ biến?
- Tụi tui nghĩ là bà con chưa biết để dùng chứ mỗi cây tưới phun giá chỉ khoảng 400 - 450 ngàn đồng. Mỗi một cây như vậy có thể tưới cho 600 - 800 m2/giờ.
NNT tui nghĩ, hiện nay đang là cao điểm của mùa khô và lao động nông thôn ngày càng khan hiếm, nếu bà con nông dân sử dụng cây tưới phun cho cây trồng sẽ thu được 4 cái lợi cùng lúc so với tưới tràn: giảm công thuê thợ, bớt tiền điện hoặc dầu, tiết kiệm được nguồn nước tưới và cây trồng đỡ sâu bệnh năng suất cao hơn.
NGƯỜI NÔNG THÔN - Báo Đồng Nai, 09/03/2011
- Kỹ thuật trồng cây ăn trái, rau màu, cây dược liệu và các loại cây khác
Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.