Trong sản xuất đồ hộp yêu cầu là vải không bị sâu, đặc biệt quá trình vận chuyển dễ bị sâu và ruồi quả bám theo hoặc núp dưới các thùng đựng vải rồi gây hại. Dùng phương pháp bức xạ để diệt côn trùng thì không đảm bảo tiêu chuẩn về sản xuất hữu cơ vì không đảm bảo an toàn thực phẩm. Các nhà khoa học Mỹ phát triển một phương pháp mới giúp nông dân mở rộng được thị trường bán vải. Họ phát triển một hệ thống 2 bể, một trong 2 bể chứa nước nóng để diệt sâu hại, sau đó chuyển sang ngâm vào bể nước lạnh giữ cho chất lượng quả vẫn thơm ngon. Bể nước nóng được chia độ một cách chính xác. Quả được ngâm 20 phút trong nước nóng ở nhiệt độ 120 độ F. Tiếp đó cho qua bể nước lạnh để ngừa quả bị hỏng.
Trong khi chuyên chở cũng như khi xử lý phải làm một cách nhẹ nhàng, êm ái để quả không bị dập vẫn giữ được hương vị, ăn ngon và quả lại còn rắn chắc hơn.
NNVN-07/09/2004
Anh Nguyễn Thế Truyền ở thôn Húng, xã Liên Sơn, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang là chủ cây vải đạt giải nhì tại Hội thi bình tuyển giống vải thiều năm 2003 do Viện Nghiên cứu Rau quả và Ban quản lý Dự án cây ăn quả tỉnh Bắc Giang tổ chức. Gia đình anh có vườn vải thiều rộng 4,7 ha với 1.300 cây. Vụ vải thiều vừa qua nhà anh thu được 16 tấn quả vải sớm và 7 tấn vải chính vụ, bán được 150 triệu đồng.
Khi được hỏi về kinh nghiệm thì anh Truyền cho biết: Để cây vải thiều cho quả ổn định, trước tiên cần phải có chế độ chăm sóc thật chu đáo như tỉa cành, bón phân, tưới nước, phòng trừ sâu bệnh. Tuy đã chăm sóc cho cây sinh trưởng tốt, nhưng để cây đậu quả thì phải trải qua 2 "cửa ải": Một là, vào tháng 11, 12 hằng năm, là thời kỳ hình thành đọt hoa, yêu cầu nghiêm ngặt là cần thời tiết khô và lạnh. Ở những cây cành ra lộc đông thì sẽ không có hoa hoặc ra ít hoa. Và "cửa ải" thứ hai là ở giai đoạn ra hoa, khoảng tháng 2, tháng 3 khi nở hoa, đậu quả cần có thời tiết khô ráo và mát mẻ. Nếu nhiệt độ quá lạnh hoặc có mưa phùn thì sẽ làm chết hạt phấn, không đậu được quả hoặc đậu tỷ lệ thấp. Tuy nhiên, người trồng vải có thể dùng biện pháp cơ giới để hạn chế lộc đông. Đây là kỹ thuật cơ bản của nhà vườn để hạn chế năng suất bấp bênh và hiện tượng ra quả cách năm trên cây vải.
Anh Truyền cho biết, để cây vải chính vụ có thể phát hoa đúng thời điểm, có chùm hoa lớn sau này cho năng suất cao thì đợt lộc cuối cùng phải nhú trước ngày 31/10. Ở giai đoạn từ đầu tháng 11 đến cuối tháng 12, đối với những cây vải khỏe, có bộ lá dày biểu hiện sức sinh trưởng tốt, đã nhú đợt lộc cuối cùng trong năm trong tháng 10, khi đó không được tưới ẩm cho vườn vải. Ngoài ra cần áp dụng các biện pháp kỹ thuật để hạn chế ra lộc đông: Trên các cành cấp 2, cấp 3 dùng dao sắc khoanh đường xoắn từ 1 đến 3 vòng tròn/cành (tùy sức sinh trưởng của cây), vòng nọ cách vòng kia 1,5 – 2cm, vết khoanh vừa chạm đến gỗ. Khi khoanh không được nghiêng dao làm lật vỏ cây. Chỉ khoanh ở những cây đang sung sức, sinh trưởng tốt, có khả năng ra lộc đông, không khoanh ở những cây cằn cỗi. Khoanh ở những cây khi lá đã thành thục, lá đã chuyển sang màu xanh sẫm. Bớt lại 10 – 15% số cành không khoanh để có đủ nhựa luyện nuôi bộ rễ. Đồng thời với việc khoanh vỏ, tiến hành dùng cuốc vỡ lật đất thành một vòng tròn xung quanh tán cây, chiều rộng 40 – 50cm, sâu 25 – 30cm và để phơi ải. Việc làm này vừa làm đứt rễ tơ đang hoạt động mạnh, vừa làm cho đất chóng khô, hạn chế hút nước và hạn chế ra lộc đông.
Áp dụng biện pháp trên mà cây vẫn ra lộc đông thì có thể dùng thuốc trừ cỏ Ronstar 25EC pha với nồng độ 10cc thuốc/1 bình 10 lít phun để diệt trừ lộc. Cần phun sớm khi lộc mới dài từ 5 – 7cm thì mới có hiệu quả.
Đến khoảng tháng 2 năm sau tiến hành bón phân thúc hoa. Lượng bón 0,15kg đạm urê + 1–2kg Supe lân + 0,1–0,2kg Kali clorua cho 10m2 diện tích bóng tán. Bón vào rãnh quanh bóng tán đã cuốc lật từ đầu mùa đông. Mỗi loại phân thả thành 3 – 5 điểm. Sau đó tiến hành bơm xả nước xả trực tiếp vào cho tan phân và ngấm xuống phần rễ đang hoạt động bên dưới. Khi vườn vải thiều đã phát triển chùm hoa tương đối hoàn chỉnh cần kịp thời diệt trừ sâu tơ, sâu xanh sớm bằng các loại thuốc như Padan 95SP, Sherpa 25EC, Dipterex...
NNVN, 13/11/2003
Vụ xuân là giai đoạn giống vải thiều Thanh Hà hình thành và phát triển nụ, hoa và quả non. Để có một vụ vải bội thu, người trồng vải cần chú ý một số biện pháp kỹ thuật sau:
Tưới nước
Sau một vụ đông giá rét và khô hạn, cây đang rất cần nước, vì vậy việc tưới nước để giữ độ ẩm cho vải là rất cần thiết, ẩm độ phải luôn bảo đảm từ 60 - 70%. Nếu thiếu nước sẽ dẫn đến rối loạn quá trình thụ phấn, quả đậu ít.
Bón phân
Thời gian này, ngoài phân đa vi lượng, cây vải còn cần các yếu tố vi lượng, đặc biệt là Bo để tăng cường sức sống của hạt phấn, tạo điều kiện tốt cho quá trình thụ phấn, quả sẽ đậu nhiều. Bón phân khoáng theo tỷ lệ: 25% đạm + 25% kali + 30% lân (trong tổng lượng phân bón trong năm) sau khi tưới ẩm đất. Bón vào bốn hốc đều nhau, vị trí bón theo hình chiếu của tán cây. Lượng bón tùy theo cây lớn hay bé, tốt hay xấu, trung bình bón từ 0,2 - 0,5kg đạm, 0,2 - 0,5kg kali, 0,5 - 1kg lân. Ngoài ra, nên phun 2-3 lần phân bón qua lá, mỗi lần cách nhau 5-7 ngày như: Komic, Antonich, Bioted (602,603)... trước và sau khi hoa nở 10 ngày để cung cấp phân vi lượng cho cây tăng độ đậu quả.
Phòng trừ sâu bệnh
Sâu hại vải thời kỳ này chủ yếu là bọ xít non, rệp hại hoa và quả non. Phòng trừ bằng cách phun kép hai lần cách nhau từ 7 - 10 ngày bằng các loại thuốc Actara, Trebon, Sherpa phối hợp với dầu khoáng Cantex. Đối với nhện lông, dùng thuốc Ortur, Regent, Pegasus, Danitol phun khi lộc xuân mới nhú.
Bệnh mốc xương gây hại làm thối, rụng hoa, quả non phòng trừ bằng các loại thuốc: Rhidomil; Zineb, Boocdo phun hai lần trước và sau khi hoa nở từ 7 -10 ngày. Việc dùng các loại thuốc trừ bệnh nội hấp như: Rhidomil, Score, Tim Supe để phòng bệnh mốc xương cho vải sẽ cao hơn vì các loại thuốc này sau khi phun từ 4-6 giờ sẽ được hấp thụ vào cây, ít chịu tác động bất lợi của thời tiết.
Chú ý, phun đúng nồng độ, liều lượng như khuyến cáo trên
bao bì. Có thể pha: hỗn hợp hai loại thuốc sâu và thuốc
bệnh, hoặc thuốc sâu, bệnh với phân vi lượng để giảm công
phun thuốc.
KS. NGUYỄN VĂN DUY- E-Nhan dan, Theo báo Nông thôn ngày nay, 4/2004
Hiện nay ở Hải Dương đã đến thời điểm tập trung chăm sóc để vải thiều ra đợt lộc chính (lộc thu), tạo điều kiện bảo đảm năng suất năm sau. Nông dân cần tích cực chăm sóc, phòng, trừ dịch hại cho vải.
Chăm sóc: Tỉa cành tăm, cành chen lấn, cành trong tán và bị sâu bệnh, bảo đảm tán phân bố đều, sức sinh trưởng và độ tuổi như nhau. Những cây trồng quá tốt, có khả năng ra lộc đông, nếu cần cải tạo thì áp dụng biện pháp đốn đau (đốn trẻ hóa), bằng cách cưa đốn toàn bộ tán cũ, tạo bộ khung mới để cây ra lộc, hình thành tán mới. Các biện pháp đốn tỉa, tạo tán cần thực hiện xong trước ngày 15-9 để cây ra lộc thu vào cuối tháng 9 đến đầu tháng 10.
Khống chế lộc đông: Những năm mưa nhiều vào đầu mùa đông, rét muộn và cây trồng quá xanh tốt thường ra lộc đông vào tháng 11 và 12. Vì thế, cây vải sẽ không ra hoa vào năm sau. Người dân cần khống chế ra lộc đông bằng cách ngắt lộc, hoặc khi thấy lộc đông xuất hiện thì đào rãnh quanh tán cây, rộng 20 - 30cm, sâu 30 - 40cm cho đứt rễ cây, sau 2 tuần lấp đất lại. Cũng có thể dùng hóa chất B9 (daminozie), Ethrel phun lên lộc đông khi mới nhú để lộc không phát triển được, hoặc dùng biện pháp đốn đau.
Phòng, trừ dịch hại: Nhện lông nhung gây hại quanh năm, tập trung vào mùa xuân và mùa thu, đặc biệt là lúc cây ra lộc non. Nhện chích hút nhựa cây làm lá quăn queo, tiết dịch tạo cơ hội cho nấm nhung phát triển. Phòng, trừ nhện lông nhung bằng cách thu gom những lá bị bệnh đem đốt. Nếu bị nặng thì phòng, trừ thuốc bảo vệ thực vật Pigasus 500ND, Otus 5SC, phun ngay sau khi lộc non mới nhú. Sâu tiện, sâu đục cành: Sâu trưởng thành nhộng hóa vào tháng 6, 7; sau khi giao phối, con cái đẻ trứng vào các kẽ vỏ cây; sau khi nở, sâu non đục vào thân cây; đến tháng 6 năm sau chúng mới tiếp tục hóa nhộng (vòng đời của sâu là 1 năm). Phòng, trừ bằng cách lần theo các vết phân của sâu, dùng xi-lanh bơm dung dịch thuốc bảo vệ thực vật vào nơi sâu đang cư trú, sau đó bịt kín lỗ đục.
Báo Hải Dương, 19/01/2010
Nhấn vào đây để xem tất cả các thông tin kỹ thuật trồng cây vải
- Kỹ thuật trồng cây ăn trái, rau màu, cây dược liệu và các loại cây khác
Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.