• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Quản lý chất lượng thức ăn nuôi thuỷ sản ở Thái Lan

Theo chính sách an toàn thực phẩm thuỷ sản, Thái Lan đã đẩy mạnh chiến lược truy xuất nguồn gốc thực phẩm từ trại nuôi đến bàn ăn. Thức ăn trong nuôi trồng thuỷ sản phải được đảm bảo chất lượng và đáp ứng nhu cầu an toàn thực phẩm. Ðể đảm bảo điều này, trách nhiệm của các cơ quan quản lý chất lượng đã được quy định rõ ở Thái Lan.

Quản lý chất lượng thức ăn là trách nhiệm của Viện Nghiên cứu Thức ăn Nội địa, Phòng Nghiên cứu và Phát triển Thuỷ sản nước ngọt thuộc Cục Thuỷ sản Thái Lan (DoF). Ngoài ra, nhiệm vụ này còn có sự hợp tác của cả khu vực tư nhân.

Luật Quản lý Chất lượng Thức ăn chăn nuôi của Thái Lan đã được hình thành từ năm 1982. Theo Luật này, việc quản lý chất lượng thức ăn chăn nuôi được tiến hành dựa trên thành phần thức ăn, các thức ăn hỗn hợp dùng cho nuôi thuỷ sinh vật và các chất bổ sung vào thức ăn. Từ năm 1991 đến nay, luật này vẫn có hiệu lực, Vụ Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã đã có trách nhiệm thi hành luật. Bên cạnh đó, Cục Thuỷ sản còn ban hành các tiêu chuẩn thức ăn mà hiện đang lưu hành và buôn bán trên thị trường Thái Lan.

Các cơ quan quản lý chất lượng thức ăn của Thái Lan chịu trách nhiệm đảm bảo tất cả các thức ăn lưu hành trên thị trường Thái Lan là an toàn đối với vật nuôi, an toàn vệ sinh và chất lượng cao đảm bảo lợi ích cho những người chăn nuôi.

Sử dụng các chất phụ gia

Theo luật hiện hành ở Thái Lan, không được phép sử dụng kháng sinh và các chất phụ gia làm tác nhân thúc đẩy sự tăng trưởng của vật nuôi. Nếu vi phạm sẽ bị xử phạt.

Theo luật định, các trường hợp sử dụng các chất phụ gia như các chất enzym phải được làm rõ. Các chất này cần được Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm của Bộ Y tế xem xét, đánh giá và cấp giấy phép sử dụng. Ðồng thời, Cơ quan này cũng cấp đăng ký và giấy phép lưu hành, buôn bán đối với các sản phẩm này ở Thái Lan.

Vai trò của Cục Thuỷ sản

Cục Thuỷ sản chịu trách nhiệm cấp giấy phép chứng nhận đối với tất cả thức ăn nuôi thuỷ sản công nghiệp. Tất cả các công thức làm thức ăn phải được đăng ký xin cấp phép. Sau khi đánh giá công thức thức ăn và kiểm tra các phương tiện sản xuất thì Cục mới cấp giấy phép sản xuất. Mỗi một công thức thức ăn sẽ được cấp một mã số hàng hoá riêng để sử dụng trên bao bì sản phẩm.

Hiện nay, Cục Thuỷ sản đã cấp giấy phép đăng ký cho tổng số 68 doanh nghiệp (DN) sản xuất thức ăn, bao gồm 21 DN sản xuất thức ăn nuôi tôm, 2 DN sản xuất thức ăn nuôi cá và 9 DN sản xuất cả thức ăn nuôi tôm và nuôi cá, còn 36 DN sản xuất thức ăn hỗn hợp. Việc kiểm soát giá thức ăn được thực hiện theo các điều khoản của Bộ Thương mại.

Cục Thuỷ sản thực hiện các chương trình quản lý thanh tra các nhà máy. Thường xuyên lấy mẫu thức ăn từ nhà máy và kho hàng để phân tích. Ngoài ra, cũng kiểm tra cả thức ăn từ các trại nuôi và cũng lấy mẫu phân tích. Cục Thuỷ sản cũng quy định rằng các thức ăn nuôi thuỷ sản chỉ được tiêu thụ trong vòng 3 tháng kể từ ngày sản xuất. Tuy nhiên, đối với thức ăn nuôi ấu trùng có hàm lượng nước thấp hơn thì thời hạn sử dụng lâu hơn. Viện Nghiên cứu Thức ăn của Cục này cũng lấy mẫu phân tích đối với cả nguyên liệu dùng để chế biến thức ăn.

Kiểm tra và ổn định thị trường

Thông qua hệ thống kiểm tra, Cục Thuỷ sản có trách nhiệm quản lý chất lượng thức ăn nuôi được sản xuất phù hợp với các đối tượng nuôi tôm biển, tôm nước ngọt, cá trê, cá nước ngọt ăn thực vật thuỷ sinh, cá nước ngọt ăn thịt động vật, rùa và ếch. Các thức ăn sản xuất phải đúng với các công thức đã được đăng ký. Các thức ăn này sẽ được kiểm tra theo tỷ lệ phần trăm prôtêin thô, chất béo thô, chất xơ và độ ẩm trong nguyên liệu.

Các cơ quan thuỷ sản và các cán bộ chuyên trách ở địa phương cũng có trách nhiệm thực hiện các chương trình kiểm soát này.

Ngoài ra, các hội nuôi thuỷ sản ở một số khu vực của Thái Lan cũng kiểm tra và lấy mẫu phân tích theo yêu cầu của hội viên. Cơ quan địa phương và cán bộ chuyên trách cũng có trách nhiệm giám sát những biến động giá nguyên liệu, giá thức ăn chế biến và giá bán cho các trại. Nếu có biến động, họ phải thông báo với Cục Thuỷ sản và Cục Thương mại để tiến hành điều tra xem xét.

Tiêu chuẩn chất lượng

Các trại nuôi ở Thái Lan cũng có trách nhiệm trong việc truy xuất nguồn gốc của các sản phẩm nuôi trồng thuỷ sản. Trách nhiệm của các nhà sản xuất thức ăn ở Thái Lan là phải sử dụng các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế như Quy tắc ứng xử trong nuôi trồng thuỷ sản (CoC) và Thực tiễn Nuôi tốt (GAP). CoC là hệ thống sản xuất gắn với bảo vệ môi trường. Theo hệ thống này, việc cung cấp thức ăn nuôi phải tuân thủ sự chỉ dẫn. GAP là hệ thống sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng và an toàn đối với người tiêu dùng. Theo đó, các nhà máy chế biến phải áp dụng HACCP như một tiêu chuẩn để xuất khẩu. Trước khi xuất khẩu, đặc biệt đối với mặt hàng tôm biển, theo quy định của Chính phủ Thái Lan, phòng kiểm nghiệm trung ương phải chịu trách nhiệm kiểm tra dư lượng các chất bằng việc sử dụng các thiết bị LC-MSMS.

Thái Lan là nước đi đầu ở Ðông Nam á về áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế như hệ tiêu chuẩn Thực tiễn Sản xuất tốt (GMP) và HACCP. Tuy nhiên, trong tương lai, những điều kiện này vẫn còn là thách thức đối với các sản phẩm nuôi của Thái Lan khi bước vào thị trường Mỹ và EU.

Vấn đề then chốt

Các quy định và tiêu chuẩn phải có định hướng trước những khả năng có thể xảy ra trong tương lai.

Hiện nay, nhu cầu người tiêu thụ đang quan tâm đến an toàn thực phẩm, vì vậy, cần chú trọng tới những vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm như là phải ghi nhãn đối với những sản phẩm biến đổi gien và giảm thiểu những tác động đối với môi trường.

Theo nhận định của bà Juadee Prongmaneerat - Tiến sĩ, chuyên gia đầu ngành về dinh dưỡng thuỷ sinh vật, Thái Lan sẽ tiếp tục kiểm soát dư lượng kháng sinh và các chất kim loại nặng. Ðến năm 2006, có khả năng EU sẽ cấm sử dụng các loại kháng sinh như hiện nay đang dùng. Thái Lan đang chuẩn bị trước cho tình huống này.

Asian Aquaculture, May/June 2004 - Minh Trang

Thảo luận về kỹ thuật nuôi:

Xem thêm các thông tin có liên quan:

- Kỹ thuật nuôi tôm, cá và các loại thủy sản khác

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang