PHẦN THỨ HAI: GIẢI THÍCH VÀ CHỈ DẪN
Xã hội loài ong là một xã hội “XÃ HỘI CHỦ NGHĨA” thật hoàn chỉnh. Chúng chấp hành triệt để nguyên tắc “TẬP THỂ LÃNH ĐẠO, CÁ NHÂN PHỤ TRÁCH.”
Tất cả lũ ong thợ sẽ quyết định mọi việc trong đàn: Từ việc đi lấy phấn mật đến việc xây thêm bánh tổ khi đàn ong phát triển, hạn chế cung cấp thức ăn để ong chúa đẻ ít trong mùa lương thực khan hiếm (chúng làm kế hoạch sinh sản đấy). Chúng tạo mũ chúa cấp tạo để tạo ong chúa mới cho đàn ong đột nhiên bị mất chúa. Chúng tạo 5,7 mũ chúa tự nhiên để chuẩn bị chia đàn khi chúng biết có vụ hoa sắp đến, chúng chỉ tạo 1 mũ chúa tự nhiên để thay thế con chúa trong đàn quá già hay bị thương tật nhất là trong mùa mưa, lương thực khó kiếm, (chúng làm công việc truất phế đấy) và còn nhiều việc khác nữa. Đám ong thợ cũng được phân công công việc trong từng giai đoạn theo sự phát triển của cơ thể chúng. Ong thợ mới nở thì ủ ấm bánh tổ, lớn một chút thì mờm thức ăn cho ấu trùng, tiếp thức ăn cho ong chúa (chất này là sữa nuôi ong chúa mà ta thường gọi tắt là sữa chúa.) Lớn lên chút nữa, hạch sáp phát triển. Chúng lại cùng nhau tự mình ép bụng tiết sáp và xây bánh tổ. Lớn nữa là đi lao động nặng nhọc. Ban ngày chúng đi lấy mật, phấn và nước, tối về chúng làm công việc chế biến mật bằng cách hút mật vào để trộn lẫn với nước bọt của chúng rồi ựa ra, đồng thời quạt cánh liên tục, làm bốc hơi nước để mật hoa có độ đậm đặc (mật chín) đúng theo yêu cầu của chúng. Dựa vào điểm này, các nhà sinh học đã gọi chúng là Apis melliphica (ong làm mật). Về già, ong thợ lo việc bảo vệ tổ và gác cửa. Trước khi chết chúng bay ra khòi tổ và chết bên ngoài! Ong thợ bận rộn suốt đời, từ lúc mới nở ra cho đến khi chết. Trong khi đó, ong chúa được phân công chỉ một việc đẻ trứng! Còn ong đực thi suốt đời không làm việc gì cả, chỉ nhởn nhơ vui chơi, họa hoằn lắm mới có anh chàng giỏi giang đuổi bám được con ong chúa để giao phối và sau khi làm xong chức năng truyền giống thì rời ra rơi xuống rồi chết! Chao ôi! chúng đã yêu nhau cho đến chết, thế mà vẫn bị người đời lầm lạc, chê trách bảo là thói trăng hoa, ong bướm thật oan uổng thay! Những con ong đực khác vẫn được nhởn nhơ tiếp tục sống, chờ thời. Đến mùa đông, tháng giá, cây không ra hoa nữa, thức ăn khan hiếm, việc giao phối với ong chúa cũng không cần nữa. Để tiết kiệm lương thực, ong thợ đã xua đuổi ong đực ra khỏi tổ rồi trấn giữ không cho vào để rồi đói lạnh mà chết hết. Vì thế vào mùa đông ta không tìm thấy con ong đực nào ở trong đàn!
Xin lỗi các bạn. Sở dĩ nãy giờ tôi dài dòng như vậy là để chứng minh cho các bạn thấy mọi hoạt động trong đàn ong hoàn toàn do tập thể ong thợ quyết định. Vậy muốn cho chúng ở, ta phải bằng cách nào đó dụ dỗ khuyến khich chúng. Việc nhốt hoặc cắt cánh ong chúa chẳng qua chỉ là mồi nhử tạm thời mà thôi. Nếu lũ ong thợ quyết chí ra đi thì chúng vẫn đi như thường. Nếu ta cắt cánh, khi ong thợ bỏ tổ bay đi, ong chúa phải bay theo. Vì không bay xa được, nó sẽ rơi trước của tổ để rồi gà lượm, kiến tha!
Tất cả những phương cách và hoạt động để thích hợp mọi hoàn cảnh giúp loài ong mật tồn tại và phát triển là nhờ vào bản năng của chúng (sinh ra là chúng biết làm như vậy)
- Theo các nhà sinh học thì tất cả các sinh vật ở trên trái đất có 2 giòng có sự phát triển cao nhất:
- Phát triển về trí tuệ. Điển hình là loài người. Nhờ có trí khôn mà con người từ thời sơ khai ăn lông ở lỗ đã tiến bộ vượt bậc như ngày nay.
- Phát triển về bản năng (kém hơn). Điển hình là con ong mật.
Tuy phát triền về bàn năng kém hơn phát triển về trí tuệ vì nó làm việc một cách máy móc như một bộ máy đã được cài sẵn. Tuy nhiên cho đến ngày nay có việc chúng đã làm mà các nhà khoa học vẫn chưa làm được. Đó là việc chỉ nhờ vào việc thay đổi thức ăn và khối lượng mà chúng đã biến đổi một ấu trùng ong thợ dưới 3 ngày tuổi trở thánh ong chúa. Thật giỏi thay!
Loài người nhờ có trí tuệ mà làm chủ được muôn loài: Con người đã dạy cho con chim biết hót, biết đưa thư, con khỉ biết hái trái đem về, con rắn biết múa theo sự điều khiển của minh, con voi biết kéo cây, làm xiếc, đánh giặc.
Từ thời cổ đại dưới thời Nữ hoàng Cleopatre ở Ai cập người ta đã biết huấn luyện con ong mật tìm chọn lấy nguồn mật hoa mà họ ưa thích, trong vùng có trồng nhiều loại cây khác nhau, bằng cách cho chúng ăn nhiều lần loại phấn và mật của loại cây này, trước khi đem ong đến vùng ấy lấy mật. Với con ong mật nhỏ bé, tuổi thọ không bao lâu, con người không dạy chúng được nhiều nên chỉ dựa vào bàn năng và tập tính của chúng để uốn nắn chúng làm theo ý mình, để ta khai thác mật phấn và các sản phẩm khác của chúng dễ hơn, nhiều hơn, cũng như giúp ta chăm sóc chúng tốt hơn.
Các bạn thử nghĩ xem: Tập tính của loài ong mật là xây những bánh tổ hình tròn, song song nhau, trong lớn ngoài nhỏ để taọ thành một khối hình bán cầu (phần trên gắn liền vào nắp thùng)để tổ ong dễ bám chắc, đồng thời giúp chúng dễ giữ cho tổ được ấm vào ban đêm cũng như trong mùa lạnh. Từ thời xa xưa,con người rài rác khắp mọi nơi trên thế giới, đã biết nuôi ong để lấy mật. Tất cả đều chỉ biết khi có nhiều mật thì cắt bánh tổ ong ra vắt mặt. Cách làm này đà làm hủy hoại đàn ong rất nhiều và khai thác được rất ít mật. Vì chúng tốn rất nhiều công sức để xây lại các bánh tổ mới (trung bình chúng ăn 3kg mật mới xây được 1 kg sáp!) Và chúng phải cần một thời gian mới có đội ngũ ong ở thế hệ sau trưởng thành để có lực lượng ong đi lấy mật.
Từ năm 1854, ông Langstros (người Mỹ), sáng chế ra cầu ong di động, có thể lấy ra , đặt vào được, như ngày nay chúng ta thấy. Đây là một cuộc cải cách vô cùng quan trọng trong ngành nuôi ong. Từ đó, việc chăm sóc ong rất dễ va khai thác mật tăng gấp nhiều lần.
Con ong mật,theo tập tính của giống nòi là xây bánh tổ hinh tròn, nay ta đóng khung cầu hình vuông, lại lắp tấm ván ngăn bên ngoài buộc chúng phải xây cầu hinh vuông, như thế không phải ta đã uốn nắn chúng làm theo ý mình sao ?Khi nguồn hoa ở đia phương hết, nguồn thức ăn cạn kiệt, ong có khuynh hướng bò tổ, ta cho chúng ăn thêm, không phải là dụ chúng ở sao? Khi có thùng ong mới chia đàn, trong thời gian chờ đợi con chúa tơ đẻ, ong non nở hết, trong bánh tổ bây giờ không còn trứng, trùng, nhộng, gì trong đó cả,ta gọi là đứt giai đoạn. Do đó chúng không vướng bận gì. Lúc này nếu nguồn mật ở đây kém, khi chúng đánh hơi đâu đó có nguồn mật khá hơn thì lập túc chúng bỏ tổ bay đi. Việc này thường xảy ra cho người thiếu kinh nghiệm, Trong trường hợp này ta thử đối chiếu vói con người xem sao: Giả sữ có nhà kia đông con trai, khi cậu con trai lớn cưới vợ, cha mẹ bảo ra riêng, nhưng không cho mảnh đất nào. Vợ chồng chưa có con, dắt nhau đi làm thuê để kiếm sống, nhưng ở thôn quê it việc nên bữa có bữa không. Nay nghe tin ở Đồng tháp đất hoang còn nhiều, tha hố khai phá, hoặc nghe ở thành phố nhiều cơ xưởng nhiều xí nghiệp đang mở ra, rất cần nhân công . Đến đây chắc các bạn đã đoán biết việc gi sẽ xảy ra ? Tất nhiên vợ chồng chúng sẽ ôm gói ra đi hoặc khẩn hoang ở Đồng Tháp để mưu sự làm giàu, hoặc về thành phố xin việc làm để cuộc sống được nhẹ nhàng hơn. Vợ chồng ông già ở nhà, nhiều lúc vắng con, buồn, thở dài, tự trách “Phải chi lúc trước mình cho chúng nó một vài công đất để chúng bám đất làm ăn rồi chúng sinh một vài đứa con chắc là khỏi xa con vắng cháu!”
Với con ong cũng thế. Trong lúc đứt giai đoạn này, không vướng bận gì, dễ đi lắm.
Vậy ta phải khôn hơn ông già kia-cho nó một vài công đất đi! Không. Ở đây ta chi đổi cho chúng một cầu khác tốt hơn có đủ cà các thế hệ và có phấn, mật, bằng cách giũ quân ở cầu này xuống thùng (không được đem quân từ đàn có chúa đẻ (có chất feremon 2) sang thùng ong chúa tơ (chỉ có chất feremon 1, khác biệt) ong thợ sẽ giết con chúa tơ mất!.Đặt cầu vừa giũ ong này vào thùng có chúa tơ, sau đó ta giũ số quân này xuống thùng, nếu cầu này còn tốt (chỉ nở hết con chứ cầu vẫn nguyên vẹn) thì ta đặt cầu nảy vào giữa thùng ong kia để ong chúa đẻ tiếp, thùng chúa tơ bây giờ có con , có của rồi , không còn bỏ tổ nữa, vài hôm .sau chúa đi giao phối có kết quả, bắt đầu đẻ, thế là ta có được một đàn mới.
Nhấn vào đây để về trang: Ba Liêm "luận" về con ong mật
Nhấn vào đây để về trang chính: Ba Liêm nuôi ong mật
Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.