PHẦN THỨ HAI:GIẢI THÍCH VÀ CHỈ DẪN
Người mới nuôi ong chưa có kinh nghiệm, lúc nào cũng phập phồng lo sợ, không biết đàn ong nhà mình bỏ đi lúc nào.
Có mấy trường hợp toàn thể ong thợ và ong chúa đồng loạt bay ra khỏi tổ để tìm nơi ở mới:
1) Ong bỏ tổ: Khi nguồn thức ăn cạn kiệt, bên ngoài hoa không còn, bên trong các cầu phấn mật dự trữ cũng hết, nếu không cho chúng ăn, lũ ong thợ quyết định bỏ tổ đi tìm nơi có nguồn mật, như người dân tộc thiểu số đi tìm nơi đất mới - khi nơi ở củ đất đai cằn cỗi, không còn trồng trọt được vậy. Để thực hiện ý đồ này, chúng hạn chế cung cấp thức ăn cho con ong chúa để con ong chúa đẻ ít hay ngưng đẻ hẳn, ong thợ đi làm lơ là, trong khi đó các đàn khác vẫn ra vào tấp nập. Thời gian chuẩn bị nàykéo dài từ 10 đến 15 ngày. Với mục đích là chờ cho lũ ong non trong tổ nở hết để bay theo. Các bạn không thấy khi đàn ong bỏ tổ chúng bay hết không còn một con đấy sao? (Người nuôi ong có ý, chỉ nhìn những hoạt động hàng ngày của chúng cũng phát hiện ngay được hiện tượng này)
Ngoài ra ong cũng bỏ tổ vì bị sâu cầu (sâu ăn bánh tổ cắn phá các cầu). Hiện tượng này cũng diễn tiến tương tự như trên. Tuy nhiên, đôi khi sâu tổ tràn lan nhanh quá, không chờ cho ong non nở kịp, buộc chúng phải cắn phá gắp bỏ trứng, nhộng ra ngoài hết, trước khi chúng đi! (Người nuôi ong kém cỏi, sợ nhất tình trạng này. Nhiều người năm nay có được 10 đàn, năm tới chỉ còn vài ba đàn, đôi khi thối chí cho là mình hết thời, bỏ cuộc !)
Vì sao lại có nạn sâu cầu? Con ngài sáp là con bướm nhỏ, màu xám, đôi cánh thường sập xuống trông như con ngài tằm vậy, nhưng nó nhỏ hơn rất nhiều. Nó luôn luôn chờ có cơ hội để đẻ (ký chủ) các trứng của mình vào bánh tổ ong, đểề các con chúng khi nở ra đã có nguồn lương thực dồi dào là các bánh tổ có sẵn. Khi đàn ong mạnh, đông quân ủ ấm các cầu, ngài sáp không thể xâm nhập được. Đến sau vụ quay mật,người nuôi ong không biết xử lý tình huống này đã tạo cơ hội cho ngài sáp. Vậy phải xử lý như thế nào để phòng chống ngài sáp? Trong mùa quay mật, với ong nội địa, mỗi đàn có từ 4 đến 6 cầu là vừa, không nên để quá nhiều cầu, để khoe đàn ong tôi có tới 7, 8 cầu. Nên nhớ: ít cầu, ong đông, nhiều mật. Nhiều cầu ong thưa, nhiều sâu! Trong vụ mật, thường là mùa khô, nhiệt độ cao, bên trong cỏ nhiều mật, càng làm nóng ấm hơn, Chăng phải thế sao ta thấy lúc này, ban đêm ong ra đậu trước cửa tổ rất nhiều, đôi khi cả khối. Nhà chật như thế ai vào lấy trộm hay ngủ nhờ được? Hết mùa quay mật là đến mùa mưa , lạnh, bên trong còn rất ít mật. Bao nhiêu nguồn nhiệt có từ trước giờ như không còn nữa. Trước kia ong bu kín cả 5 cầu vì chỉ ủ ấm bên ngoài? Giờ thì chúng phải túm tụm lại để ủ ấm cho con và cho chúng nữa. Căn nhà trước đây nóng quá, ngủ rải rác, chỗ nào cũng có người, nay bà con tụ nhau lại một phòng thì kẻ trộm lẻn vào các phòng ngoài “chôm chỉa’ là tất nhiên!
Châm ngôn của người nuôi ong là: Ba cầu tốt hơn năm cầu xấu. Vì thế, sau mùa quay mật ta phải củng cố thế đàn, bằng cách loại bỏ không thương tiếc các cầu đen nhiều, các cầu không có trứng, trùng, nhộng. Khi trước một đàn có 5 cầu, giờ còn, 4 hay 3 cầu. Đàn có 4 cầu giờ còn 3, hoặc 2 cầu cũng chẳng sao Lọt sàng xuống nia không mất đi đâu mà sợ. (Chậm nhất là sau 3 ngày phải nấu sáp, nếu không ngài sáp sẽ vào đẻ trứng sinh sâu, ăn hết. Trung bình từ 40 đến 50 cầu cũ nấu được 1kg sáp). Giá sáp ong hiện nay cũng khá cao. Vào khoảng 150.000đ/ kg/ Như thế bạn nào chịu khó nấu cũng kiếm được tiền uống cà phê, nếu không để dành đổi tầng chân.
Ta cứ loại bỏ mạnh tay, miễn là mỗi đàn còn 2, 3 cầu nhộng tốt là được. Mấy ngày sau, những đàn tốt, mạnh do nhu cầu đẻ trứng chúng sẽ xây thêm cầu mới, để đẻ, như thế ta sẽ có những cấu trắng, tốt, không sợ sâu tổ, chẳng khác nào ta đổi cầu cũ lấy được cầu mới đẹp, ong chúa rất thích vào đẻ. Đây là phương cách hữu hiệu để loại trừ sâu tổ.
2) Ong bốc bay: Cuộc bỏ tổ đột ngột, không có chuẩn bị trước nên chúng không kip tẩu tán tài sản, con cái. Khi chúng rời khỏi tổ, trong thùng các cầu vẫn còn phấn mật , trùng nhộng và nhiều ong non chúng vừa kéo ra khỏi tổ nằm la liệt trong thùng. Quả là một cuộc chạy loạn! Đó là trong trường hợp bị kiến vàng phủ, bị ong các đàn khác đến cướp mật (thường là ong Ý, kKhi đầu vụ mật, ong cùng lúc đổ về nhiều quá và cuối vụ mật không nhanh chân chạy khỏi nơi này). Hoặc khi đàn ong đang ở nơi có nguồn mật nhiều, vừa mới mua đem về chẳng may bị mưa bão liên tiếp nhiều ngày, chúng hoảng quá cũng cắn nhộng, bốc bay (trong khi đó các đàn đã đặt từ trước không hề gì vì chúng không có sự chuyển biến đột ngột).
Một trường hợp nữa cũng thường xảy ra là những người đi mua ong về nuôi, di chuyển thùng ong bằng xe honda, chỉ quan tâm đến cái thùng ong vẫn an toàn trên xe mà quên rằng bên trong thùng là những bánh tổ mềm, nhất là khi chở đi trời còn nắng,bánh tổ mềm ra, chạy xốc, rã xuống một đống. Về đến nhà giở ra, ong bầm dập, hoảng quá, nếu ngày hôm sau không đi thì một vài hôm, sau khi ong trinh sát tìm được đia điểm mới thì chúng cấp tốc ra đi. Nói thế không có nghỉa là không chuyển ong bằng xe honda đươc? Được chứ. Đã có bao nhiêu người chở từ Tiền giang đi Long khánh, đi Tánh linh, đi Cà mau cũng an toàn, có sao đâu, miễn là biết cách cố định các cầu ong vào thùng, đặt thùng cùng chiều với xe và qua các ổ gà phải xuống ga… nên chạy vào buổi chiều hoặc trong ngày trời mát.
Nhấn vào đây để về trang: Ba Liêm "luận" về con ong mật
Nhấn vào đây để về trang chính: Ba Liêm nuôi ong mật
Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.